Cá betta là loại cá sống khỏe, chúng có thể chịu đựng được nhiều môi trường khác nhau và cũng không cần phải được nuôi trong bể cá quá to. Tuy vậy, giống như mọi loài cá khác, bạn cần phải tìm hiểu về cách nuôi và cung cấp cho cá môi trường sống để cá có thể sống khỏe. Cá betta có thể bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến là:
1. Cá bị bệnh
Cá cũng có thể bị mắc các loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, do không được chữa trị nên cá sẽ bị chết. Cá có thể bị mắc ký sinh, vi khuẩn hoặc bị các bệnh về virus.
Đầu tiên bạn hãy để ý kỹ ngoại hình của cá xem có gì bất thường không. Cá có thể bị thối vây, nấm trắng, nấm thân hoặc bị xuất huyết. Nếu cá không có gì bất thường thì cá có thể mắc bệnh về đường ruột hoặc các bệnh khác bên trong người.
Thông thường, nguồn bệnh luôn có sẵn trong nước. Thứ giúp cá luôn mạnh khỏe là hệ đề kháng của chúng.
Hệ đề kháng của cá có thể bị suy giảm khi cá bị stress, về già hoặc là khi cá bị sốc nước. Bạn có thể phòng tránh hầu hết tất cả căn bệnh này bằng cách giữ cho nước sạch, ổn định, cho cá ăn vừa phải và tránh các nguyên nhân có thể làm cá stress.
2. Bể nuôi thiếu chuẩn bị (chưa cycle đầy đủ)
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho cá bị chết không rõ nguyên nhân là do bể cá chưa được cycle đầy đủ.
Về quá trình cycle bể cá:
Có 3 chất liên quan đến quá trình cycle, đó là ammonia, nitrite và nitrate. Quá trình cycle sẽ chia ra làm 3 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu tiên, khi mới làm bể, lượng ammonia từ phân nền hoặc các loại hợp chất hữu cơ sẽ tăng cao và vi khuẩn có lợi sẽ phát triển để tiêu thụ lượng amonia đó và sản sinh ra nitrite.
Ở giai đoạn thứ hai, khi nitrte tăng cao, một loại vi khuẩn có lợi nữa sẽ bắt đầu tiêu thụ nitrite và sản sinh ra nitrate. Hai loại chất ammonia và nitrite có khả năng gây hại cho cá và các loại sinh vật thủy sinh khác nhưng nitrate thì không nếu ở số lượng ít.
Ở giai đoạn thứ ba, cây cối thủy sinh sẽ sử dụng nitrate làm nguồn nitơ để có thể phát triển.
Khi chưa được cycle đầy đủ, các chất độc sẽ rất dễ tích tụ trong bể, khiến cho cá bị ngộ độc ammonia hoặc nitrite. Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng khi bạn nuôi quá nhiều cá và bộ lọc lại lại nhỏ.
Bể cá mới làm sẽ phải mất 2-3 tuần để có thể phát triển hệ vi sinh cần thiết để có thể xử lý được chất thải của cá. Nếu bạn thả cá quá sớm trong thời gian này thì cá sẽ rất dễ chết.
Để xử lý vấn đề này thì bạn có thể châm thêm vi sinh hoặc sử dụng nước bể cá cũ để đẩy nhanh quá trình.
Xem thêm: Cách châm vi sinh cho bể thủy sinh
3. Nước bẩn
Chơi thủy sinh là chơi nước. Để có thể có bể thủy sinh, cá khỏe mạnh thì yếu tố quan trọng nhất bạn cần phải đảm bảo đó là nước phải sạch. Nước bẩn là nguyên nhân khá phổ biến có thể dẫn đến cái chết của cá cảnh của bạn. Nếu được nuôi trong môi trường tốt thì cá sẽ không bị stress và hệ miễn dịch của cá sẽ luôn khỏe mạnh, giúp cho cá tránh được các bệnh về sau. Nước bể có thể bị bẩn do bạn nuôi quá nhiều cá, nuôi bể quá nhỏ, cho cá ăn quá nhiều hoặc là thiếu chăm sóc cho bể.
Để bể có thể sạch thì bạn cần phải:
- Nuôi số lượng cá phù hợp với kích thước bể
- Có bộ lọc phù hợp với bể với vật liệu lọc đầy đủ
- Cho cá ăn ít lại (1-2 lần một ngày là đủ, trừ trường hợp nuôi cá con thì bạn phải cho ăn thường xuyên hơn)
- Thay nước bể thường xuyên (10-15% lượng nước bể một tuần)
Xem thêm:
4. Dòng chảy của bể quá mạnh
Nhiều loài cá thích dòng chảy mạnh, trong khi đó một số khác chỉ có thể sống tốt trong bể có dòng chảy từ từ và nhẹ nhàng.
Các loài cá thích dòng chảy yếu có thể kể đến là betta, cá sặc, cá vàng ba đuôi, cá nóc,..
Nếu dòng nước quá mạnh, cá sẽ tốn nhiều sức để có thể bơi lội và kiếm ăn. Khi đó chúng có thể sẽ mệt và nằm dưới đáy bể để tránh dòng chảy. Nếu tình trạng này kéo dài lâu, cá có thể bị stress và chết.
Khi chọn cá hoặc chọn lọc cho bể bạn cần phải đảm bảo cá phù hợp với lượng dòng chảy bạn định cung cấp cho bể và ngược lại.
Cách giải quyết
Bạn đơn giản chỉ cần giảm dòng chảy của lọc hoặc là sử dụng các phương pháp để cản dòng chảy như là thay đổi hướng của dòng, trồng thêm cây, đặt thêm lũa vào trong bể.
5. Cá bị stress do bạn cùng bể
Một số loài cá hiền lành, trong khi đó, một số khác sẽ có tập tính bảo vệ lãnh thổ, một số khác thì lại có tập tính rỉa vây cá khác. Nếu bạn nuôi chung các loài cá có bộ vây dài, bơi chậm như là cá betta với các loài cá dữ, to hơn thì loài cá hiền sẽ liên tục bị bắt nạt.
Kết quả là vây chúng có thể bị rách, thương tích, cá bị stress, dẫn đến tình trạng túm đuôi, túm vây.
Trước khi mua mỗi loài cá, bạn cần phải biết về mức độ tương thích của chúng với các loại bạn đang nuôi, kích thước tối đa của chúng và cách chăm sóc cho loài cá đó. Nếu bạn nuôi chung các loài mà không nghiên cứu trước thì cá có thể tấn công lẫn nhau, dẫn đến tình trạng cá bị chết hoặc luôn ở trong tình trạng bị stress.
Xem thêm: Các loài cá có thể được nuôi chung với cá betta
6. Cá bị sốc nước
Mọi loài cá cảnh đều nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ. Chỉ cần bể cá giảm 2-3 độ qua đêm thôi cũng đủ để cá cảnh bị sốc nước.
Nguyên nhân thứ hai khiến cho cá bị sốc nước là bạn đã thay quá nhiều nước cho bể cá. Không thay nước có thể khiến cá bị bệnh, nhưng thay quá nhiều nước một lần cũng khiến cá gặp nguy hiểm không kém. Khi thay nhiều nước, bạn có thể vô tình sử dụng nguồn nước quá khác so với bể nuôi: về nhiệt độ, độ cứng hoặc mức pH.
Nguyên nhân thứ ba khiến cá bị sốc nước, từ đó bị mất màu là bạn không cho cá làm quen với nước khi mới mua cá về. Khi mua cá về, bạn không nên thả luôn cá vào bể. Làm vậy có thể khiến cho chúng bị sốc. Cá đã stress trong quá trình vận chuyển sẽ càng bị sốc hơn, cá có thể bỏ ăn hoặc thậm chí là chết.
7. Bể nuôi cá quá bé
Cá betta có thể bị stress khi bể nuôi quá bé, khiến cho chúng không có không gian để hoạt động bơi lội. Hơn hết nữa, bể quá bé so với cá hoặc nuôi quá nhiều cá sẽ dễ dàng bị tích tụ chất độc.
Bể có kích thước càng lớn thì càng ổn định và các loài cá sống trong đó càng vui vẻ và hạnh phúc! Không kể đến là hầu hết những người nuôi cá thường bắt đầu với bể quá bé, sau đó hối hận và mua bể to hơn, lý do bạn rất khó để có thể nuôi cá khỏe mạnh trong bể bé được và nhìn chúng sẽ rất chán bởi không có nhiều không gian để trang trí.
Đúng thật là cá betta có thể sống trong không gian bé, chúng có thể chỉ cần một cái cốc nhỏ cũng có thể sống được, nhờ vào khả năng có thể lấy oxy từ không khí của cá. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên nuôi cá betta trong những bể quá bé như các loại bể tròn. Cá betta cần bể có thể tích ít nhất là 10 lít trở lên để có thể sống được.
Xem thêm: Cách làm bể nuôi cá betta đúng chuẩn
8. Các nguyên nhân bạn không kiểm soát được
‘Ngoài các nguyên nhân trên, cá có thể ra đi một cách tự nhiên mà bạn không thể kiểm soát được. Ví dụ, cá cũng có thể mắc các căn bệnh bẩm sinh và khiến sức khỏe chúng gặp vấn đề. Tình trạng này không hiếm gặp bởi cá được lai tạo cận huyết rất nhiều để giúp cho chúng được đẹp hơn. Từ đó cũng dẫn đến cá yếu hơn và dễ mắc các bệnh liên quan đến di truyền.
Nguyên nhân khác là cá có thể đã già. Cá betta có tuổi thọ tương đối ngắn. Tuổi thọ trung bình của các loài cá này có thể chỉ vào khoảng 2 năm. Cộng với thời gian cá có thể đã sống ở trại cá và cửa hàng thì một vài con chỉ còn có một năm để sống khi được mua về. Nếu bạn thấy cá càng ngày càng yếu dần, ăn ít đi và chết thì có lẽ chúng chỉ chết già thôi.