aquasetup

Cách để làm một bể nuôi cá betta chuẩn 

Mục lục

Bể nuôi cá betta chuẩn

Cá betta là loài cá sặc sỡ với tính cách thú vị. Chúng là loài dễ nuôi, có thể sống được kể cả trong những cốc nước nhỏ. Tuy vậy, không có nghĩa là bạn nên nuôi chúng trong những bể cá bé. 

Dù sống khỏe nhưng cá betta vần cẩn phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Bể nuôi của chúng phải đủ to, có hệ thống lọc, ánh sáng, nắp đậy, lũa, đá và có cây thủy sinh thì càng tốt. Cá betta là loài cá có tính cách riêng, mỗi một con có thể sẽ có tính cách khác nhau. Nếu nuôi chúng trong những bể quá bé hoặc đơn điệu thì cá sẽ nhanh chóng bị chán, stress hoặc thậm chí là bỏ ăn. 

Trong bài viết này mình sẽ nói cho các bạn biết bạn cần phải chuẩn bị những gì trong một bể cá betta đúng chuẩn. 

Bể cá betta cần những gì?

Bể đủ lớn

Bạn thường thấy tại cửa hàng cá cảnh họ hay để cá betta trong những lọ cá nhỏ đúng không? Nếu nuôi cá trong bể cá nhỏ như vậy lâu thì cá sẽ dễ bị ốm yếu và nhanh chết. Bạn nên nuôi chúng trong bể có thể tích ít nhất là 10 lít. Tuy nhiên, bạn nên nuôi chúng trong bể 15 lít hoặc rộng hơn, càng lớn thì càng tốt. 

Lý do là bể càng lớn thì càng ổn định, hệ vi sinh có thể hoạt động được tốt và nước bể sẽ sạch hơn. Hơn nữa là nếu nuôi trong bể quá bé, bạn cần phải thay nước hàng ngày. Với bể cá to hơn thì bạn chỉ cần thay nước hàng tuần là được. 

Bể cá betta nên có bề mặt rộng và thấp. Lý do là bởi oxy có trong nước bể cá có do trao đổi không khí ở bề mặt bể. Do đó, bể càng rộng thì nước sẽ càng có nhiều oxy. 

Bể cá betta nên có nắp đậy bởi cá betta là loài cá thích nhảy. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cá chết là do chúng nhảy ra ngoài. Nếu bạn không có nắp đậy cho bể thì hãy ít nhất nuôi thêm các loại cây mọc trên mặt nước như là bèo. 

Lọc

Mặc dù cá betta sống trong những khu vực nước tĩnh, nghèo oxy, có thể đục và bẩn ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, bạn vẫn nên có lọc để nuôi cá betta. Lọc bể cá ngoài chức năng lọc cặn bẩn trong nước còn có tác dụng khác là cung cấp chỗ sống cho vi sinh. Các loại vi sinh có thể giúp xử lý các loại chất có hại cho bể cá. 

Do có bộ vây lớn, cồng kềnh nên cá betta không phải là loài cá bơi tốt. Bạn nên sử dụng những loại lọc có dòng chảy nhẹ. 

Đối với những bể cá betta bé thì bạn sử dụng lọc thác (lazada) là đủ. 

Cá betta có cần sưởi không?

Cá betta có thể được tìm thấy tại những khu vực nước nhiệt đới, ở Thái Lan, Việt Nam,… Chúng là loài cá thích nước ấm. Măy mắn là, nếu bạn nuôi cá betta trong nhà tại Việt Nam thì bạn không cần phải sử dụng đến sưởi. Lý do là bởi khí hậu ở Việt Nam vào mùa đông không quá lạnh. 

Nếu bạn sống tại những khu vực lạnh vào mùa đông, thường xuyên xuống dưới 10 độ ngoài trời thì bạn cần phải trang bị thêm sưởi. Bạn lưu ý là không sử dụng sưởi cho những bể cá dưới 15 lít bởi nước có thể bị nóng và lạnh quá nhanh, dẫn đến việc cá bị stress. 

Nền bể

Cá betta có thể hoạt động ở mọi tầng bể cá. Nhiều khi bạn có thể thấy cá betta bơi hoặc nằm bên dưới đáy bể. Bạn cần tránh sử dụng các loại nền sỏi nhọn để tránh làm cá betta bị thương, rách vây. Bạn cũng cần tránh các loại nền sỏi to bởi thức ăn thừa có thể rơi và mắc vào kẽ sỏi, có thể làm bẩn nước trong khoảng thời gian ngắn. 

Các loại nền tốt là nền sỏi nhỏ (lazada), phân nền (lazada) hoặc cát mịn (lazada), mình thích dùng cát vàng hơn là cát trắng bởi cát trắng dùng lâu có thể bị xỉn màu và đôi khi nhìn khá bẩn nếu có nhiều phân cá. Nền bể cũng là nơi vi sinh phát triển, giúp xử lý các loại chất độc tích tụ trong nước. 

Lũa/ đá và cây thủy sinh

Cá betta sống tại những khu vực nước chảy chậm, nhiều cây cối, chỗ trốn ngoài tự nhiên. Cá betta thích sống trong những bể cá có hang, khu vực để trốn và có nhiều cây thủy sinh. Chúng cũng thích ngủ trong khu vực kín, trên các loại lá cây lớn. Bạn nên tránh sử dụng các loại đá quá nhọn đề phòng trường hợp cá betta bị rách vây. 

Cây thủy sinh ngoài việc cho cá chỗ trốn thì còn có tác dụng khác là lọc nước. Khi bạn trồng nhiều cây thủy sinh, nước cũng sẽ sạch, ít rêu hại hơn. Khi đó, bạn có thể giảm tần suất chăm sóc bể đi một tẹo. 

Cá betta sẽ chán và bị stress nếu nuôi trong bể quá đơn giản, quá bé. Chúng thích bơi lội khắp bể để khám phá khu vực xung quanh. Nếu có thể, bạn nên di dời đồ đạc, cây cối trong bể khi nuôi cá một thời gian để giúp chúng đỡ bị chán. 

Đèn

Cá betta không yêu cầu nhiều về chất lượng đèn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tránh mua các loại đèn quá rẻ bởi vì chúng khá nhanh hỏng (theo kinh nghiệm của mình, trước mua 4 cái đèn rẻ thì cũng phải hỏng 2 cái sau một thời gian sử dụng). Đèn tốt hơn một tẹo sẽ giúp cây thủy sinh có thể sống tốt hơn. 

Ngoài ra, thời gian bật tắt đèn là rất quan trọng. Cá betta cũng giống như người, chúng cần phải có thời gian ngủ đúng lúc, nếu không đồng hồ sinh học của cá sẽ bị ảnh hưởng. Nếu đèn không có tích hợp hẹn giờ thì bạn nên đầu tư một ổ cắm hẹn giờ (lazada) để có thể kiểm soát thời gian chiếu sáng tốt hơn. 

Các bước làm bể nuôi cá betta

Bể nuôi cá betta chuẩn

1. Chọn chỗ đặt, rửa qua bể cá. 

Khi mới mua bể cá về thì bạn nên rửa qua bể. Bạn lưu ý là không sử dụng xà phòng hoặc bất kì loại chất tẩy rửa nào khác. Bạn có thể chọn khu vực gần cửa sổ nhưng nên tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. 

2. Thêm nền bể

Trước khi sử dụng các loại nền bể như là sỏi, cát, phân nền thì bạn nên rửa qua chúng với nước trong một cái xô trước để tránh bị bụi. 

Nếu bạn định trồng các loại cây trồng nền thì bạn nên đổ nền bể dày ít nhất là 3 cm. Khi đổ nền thì bạn có thể trải cho nền bằng phẳng lại. Bạn có thể xịt thêm nước để tẹo dễ trồng cây hơn. 

3. Trồng thêm cây và thêm lũa, đá, đồ trang trí

Bạn có thể sử dụng các loại nhíp để trồng cây xuống dưới nền hoặc dùng tay cắm xuống cũng được. Khi bể chưa có nước thì việc trồng cây sẽ tương đối dễ dàng. 

Tùy thuộc vào loại cây, sẽ có những cách thức trồng khác nhau. Nếu bạn sử dụng các loại cây không cần đất nền như ráy, bucep thì bạn hãy gắn chúng lên đá và lũa, sử dụng keo dán thủy sinh chuyên dụng. 

Sau đó bạn hãy đặt đá, lũa, vật trang trí vào trong bể cá. 

4. Đổ đầy nước

Một khi bạn đã hoàn thành việc sắp xếp bố cục trong bể thì bước tiếp theo là đổ đầy nước bể. Bạn có thể đặt một cái đĩa nhỏ ở dưới đáy nền, từ từ đổ nước lên để tránh làm động nền. 

Bạn không nên đổ quá đầy nước, thay vì đó, bạn nên để chừa lại khoảng 3cm tính từ miệng bể. Cá betta là loài thích nhảy. Vậy nên đổ đầy nước đôi khi có thể sẽ khá nguy hiểm. 

5. Lắp đặt lọc

Tiếp theo, bạn hãy bỏ lọc ra, lắp ráp, thêm vật liệu lọc nếu có thể và lắp vào trong bể. Hầu hết tất cả loại lọc đều cần phải được mồi nước. Tức là bạn phải đổ nước vào trong lọc để chúng có thể hút được nước từ trong bể lên. 

Bạn nên để dòng nước không quá mạnh. Nếu bạn cảm giác dòng nước hơi mạnh thì bạn có thể điều chỉnh dòng trên máy hoặc đặt một vật gì bên dưới dòng chảy để cản bớt dòng nước lại. 

6. Thêm vi sinh, các loại chất xử lý nước

Trước khi thả cá, bạn cần phải thêm vi sinh (lazada) và chạy lọc cho bể trong vòng vài ngày. Lý dó là để hệ vi sinh có thể phát triển đủ để có thể xử lý được thức ăn cho cá, phân cá và các loại chất thải hữu cơ khác. 

Bạn nên sử dụng vi sinh hoặc nước nuôi cá từ bể cũ để đẩy nhanh quá trình này. Tuy vậy, bạn vẫn nên đợi ít nhất là 4-5 ngày trước khi thả cá betta vào trong bể. 

7. Thả cá betta vào trong bể

Bạn không được thả luôn chúng vào trong bể sau khi vừa mới mua. Làm vậy có thể khiến cho chúng bị sốc nước, bỏ ăn hoặc thậm chí là chết. 

Bạn cần phải cho chúng làm quen với nước bể một cách từ từ. 

Cách để giúp cá betta không bị sốc nước khi mới mua về

Cách 1: Thả nổi túi

Các thả nổi túi là cách giúp cá betta không bị sốc nước đơn giản và thông dụng nhất bởi nó không yêu cầu dụng cụ hoặc kiến thức đặc biệt nào cả. Bạn chỉ cần làm theo các bước: 

  • Không mở túi và thả nổi trong bể trong vòng 15 phút đến nửa tiếng. Làm vậy để giúp nhiệt độ nước trong túi và nhiệt độ nước bể cân bằng.
  • Cho nước vào trong túi – Bạn có thể cho thêm nước bể vào trong túi bằng cách cắt một lỗ nhỏ và đổ nước bể vào bên trong. Bạn chỉ nên đổ từng chút một và lặp lại sau 5 phút cho đến khi lượng nước trong túi tăng gấp đôi.
  • Chờ và ngâm túi trong bể thêm 15-30 phút. Làm vậy sẽ giúp cá betta thích nghi dần dần với môi trường nước trong bể. Nếu cá không có biểu hiện sốc nước thì hãy mở túi và vớt cá bằng vợt nhỏ sau đó đặt chúng từ từ xuống bể. 

Cách 2: Sử dụng xô nước

Sử dụng xô nước sẽ giúp bạn cho cá làm quen với nước bể chính xác và an toàn hơn. Tuy vậy phương pháp này sẽ tốn sức hơn một tẹo. 

  • Chuẩn bị một xô hoặc chậu đủ lớn.
  • Cho cá vào bên trong xô một cách nhẹ nhàng để tránh cá bị stress. Bạn nên cho hết cả cá và nước trong túi vào xô.
  • Bắt đầu cho nước từ bể chính vào xô. Bạn chỉ nên cho 25% nước trong xô một lần mỗi 5 phút, lạp lại quá trình cho đến khi nước trong chậu hoặc xô tăng gấp đôi.
  • Bạn có thể đợi 30 phút đến 2 tiếng rồi sau đó dùng vợt để vớt cá và nhẹ nhàng cho vào bể chính.

Kết lại

Cá betta là loại vật nuôi tuyệt vời với tính cách thú vị. Vậy nên chúng cần phải có chế độ chăm sóc đúng. Bạn cần phải cho chúng bể có kích thước đủ lớn, với hệ thống ánh sáng, lọc đầy đủ. Bạn cũng nên có nền sỏi, cát nhỏ với nhiều cây thủy sinh, đá, lũa để có thể mô phỏng môi trường sống tự nhiên của cá và tránh việc cá betta bị chán. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *