aquasetup

Cách xử lý cây thủy sinh trước khi trồng

Mục lục

Xử lý cây thủy sinh trước khi trồng

Khi mới làm bể hoặc trong quá trình chăm bể, đôi khi bạn có thể muốn trồng thêm cây thủy sinh. Trồng thêm cây thủy sinh trong bể có thể giúp cho hệ sinh thái thu nhỏ trong bể thêm đa dạng, giúp làm ổn định nước. Tuy nhiên, đôi khi có nhiều vấn đề có thể xảy ra nếu như bạn không xử lý cây thủy sinh trước khi trồng. 

Cây thủy sinh có thể mang mầm bệnh cho cá, trứng ốc hại, mầm bệnh có thể lây cho các cây thủy sinh khác trong bể. Đặc biệt là với ráy, khi một cây bị rữa thì chúng có thể nhanh chóng lan bệnh ra toàn bộ bể và khiến cho mọi cây ráy khác trong bể bị rữa theo. 

Bạn đã có những món đồ này cho bể thủy sinh chưa?
Cây hút cặn bể cá
Ổ cắm hẹn giờ cơ
Hệ thống CO2

Rửa sạch cây

Phần lớn các cây thuỷ sinh bạn mua, dù là mua qua mạng hay mua trực tiếp tại các cửa hàng đều sẽ được để sẵn trong các cốc nhựa lót bông. Ngoài ra, đối với cây cắt cắm thì cây sẽ được trồng trong cốc cát. Với các trường hợp còn lại nếu bạn muốn tách cây khỏi cốc nhựa, hãy làm theo các bước sau. 

  • Bóp chậu để đẩy cây và phần bông đá ra khỏi chậu. Nếu rễ mọc dày và rối, hãy tỉa một ít rễ trong lúc lấy cây để lấy dễ hơn. 
  • Từ từ tách phần bông đá để lấy cây ở giữa, lưu ý để không làm hỏng phần rễ cây.
  • Nếu có bông đá bị dính vào cây, bạn hãy gỡ bằng tay hoặc dùng nhíp gắp.
  • Đảm bảo loại bỏ hết các hạt phân bón vàng, tránh làm ảnh hưởng đến hàm lượng chất dinh dưỡng trong bể.
  • Rửa sạch hết các tạp chất còn sót lại và chuẩn bị cho quá trình trồng cây.

Với cây cắt cắm trong cốc cát thì đơn giản hơn. Bạn chỉ cần phải nhấc cây ra khỏi cốc và rửa sạch cây dưới dòng nước nhẹ cho đến khi gốc cây trôi hết cát, đất bẩn là được. 

Kiểm tra lá, rễ bị vàng, rữa, ốc hại, trứng ốc

Sau khi rửa sạch cây dưới nước thì tiếp theo bạn hãy quan sát kĩ cây để loại bỏ lá, rễ bị vàng và rữa. Thông thường khi mới trồng, cây sẽ tiếp tục rữa lá, đặc biệt là với các cây cắt cắm, mình sẽ nhắc thêm về vấn đề này ở bên dưới. 

Vấn đề tiếp theo bạn cần lưu ý đó là ốc hại và trứng ốc hại. Khi nuôi cá, nhiều người có thể sẽ thấy bể của họ tự dưng xuất hiện một vài con ốc. Ban đầu thì sẽ có thể thú vị, tuy nhiên các con ốc này sẽ sinh sản rất nhanh và nhanh chóng xâm chiếm bể cá chỉ trong vòng một, hai tuần. Ốc hại của thể đi vào bể của bạn bằng nhiều con đường khác nhau. Phổ biến nhất trong số đó là thông qua cây thủy sinh. 

Ốc hoặc trứng ốc có thể bám vào lá cây. Ốc con và trứng ốc có kích thước rất nhỏ vậy nên nhiều khi bạn sẽ không để ý thấy chúng. Ốc con chỉ có kích thước tầm 2mm, thường là có màu trắng đục. Trứng ốc sẽ có dạng bọc trắng trong suốt, thường nằm phía bên dưới mặt lá cây. Khi phát hiện thấy ốc hoặc trứng ốc thì bạn hãy cạo nhẹ và vứt đi. 

Xem thêm: Các loại cá ăn ốc hại thủy sinh

Xử lý bằng các chất diệt khuẩn

Liệu bạn có cần phải sử dụng đến chất diệt khuẩn để xử lý cây thủy sinh không? Dùng chất diệt khuẩn để xử lý cây có thể giúp loại bỏ được mầm bệnh, ốc hại và trứng ốc hại. Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể làm stress cây và có thể giết cây nếu bạn sử dụng liều lượng không cẩn thận. 

Vậy nên bạn chỉ nên xử lý cây bằng chất diệt khuẩn khi bạn sử dụng nó một cách cẩn thận. Thông thường thì mình sẽ ngâm cây trong dung dịch oxy già pha loãng. 

Oxy già là chất sát khuẩn tốt, thường được sử dụng để trị các vết thương trên da. Khi sử dụng thì bạn lưu ý là dùng loại oxy già 3%. Oxy già có thể giúp diệt rêu, nấm, vi khuẩn và các loại sinh vật ký sinh bám trên cây. Cách làm như sau:

  • Pha 2-3ml dung dịch oxy già 3% cho mỗi 3 lít nước
  • Ngâm cây trong dung dịch trong vòng 3-5 phút và không lâu hơn. 
  • Nhấc cây ra khỏi dung dịch pha và rửa kĩ lại cây với nước

Lưu ý khi mới trồng cây vào trong bể

Sau khi xử lý cây thủy sinh thì bạn cũng cần phải lưu ý một số thứ khi trồng cây trong bể để cây không bị chết. Vấn đề thường gặp nhất là cây bị rữa lá do bị sốc do quá trình vận chuyển và thay đổi môi trường sống. 

Dưới là các việc bạn có thể làm:

1. Cho cây nhiều Oxy và CO2: Nguyên nhân gây stress cây là do chúng bị thay đổi môi trường sống quá đột ngột, có thể là từ trồng cạn sang trồng dưới nước. Cây khi mọc dưới nước sẽ khó lấy CO2, O2 hơn so với trên cạn. Vậy nên khi mới trồng, bạn cung cấp cho cây dòng chảy đủ tốt với CO2 và O2 dồi dào sẽ giúp chúng dễ dàng thích nghi hơn. 

2. Bể đã được cycle. Để biết thêm về quá trình cycle thì bạn có thể xem thêm trong bài viết này. Tóm tắt lại là hệ vi sinh trong bể phải phát triển đủ tốt để có thể xử lý được ammonia và nitrite từ phân cá, thức ăn thừa và các loại chất thải hữu cơ khác. Ammonia cao có thể khiến cho cây bị rữa lá. Bể chưa cycle cũng sẽ bị thiếu ổn định và ổn định là yếu tố quan trọng nhất khi bạn muốn trồng cây thủy sinh cũng như là nuôi cá. 

3. Tránh di chuyển cây quá nhiều khi mới trồng: Trong vòng 4 tuần đầu, khi cây đang làm quen với nước và phát triển rễ thì bạn nên tránh nhấc cây ra và di chuyển chúng sang nơi khác. Mình từng mắc lỗi này và đã giết một số cây. Khi cây đang làm quen với nước thì bạn nên tránh đụng chạm vào chúng nhiều nhất có  thể. 

Xem thêm: Cách trồng cây thủy sinh các loại

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *