aquasetup

Cá rồng: Cách chăm sóc và các loại cá phổ biến

Mục lục

Cá rồng

Cá rồng là loài cá săn mồi lớn, chúng không chỉ có cái tên đẹp mà cũng có ngoại hình và tính cách thú vị không kém. Giống như các loài cá săn mồi khác, cá rồng cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt để chúng có thể sống tốt. 

Một trong những vấn đề thường gặp nhất là cá rồng bị bệnh do môi trường nước và bị stress do bể nuôi quá nhỏ. Trong bài viết này mình sẽ nói về các điều kiện cơ bản để chăm sóc và nuôi cá rồng cũng như là các loại cá rồng phổ biến. 

Về cá rồng

Cá rồng

Cá rồng là loài thuộc họ cá cổ xưa có tên là Osteoglossidae. Cá rồng có thể tìm thấy ở Nam Mỹ, Đông Nam Á và Úc. 

Các loại cá rồng nói chung đều có thân hình dài, bao phủ bởi các lớp vảy lớn. Chúng có miệng lớn với phần môi dưới dày và có cặp râu nằm ở hàm dưới. 

Nhiều người tin rằng cá rồng với vẻ đẹp quý phái là biểu tượng của sự may mắn. Vậy nên chúng đã và đang là loài cá lớn phổ biến nhất. Nhu cầu của cá rồng có lúc được đẩy lên quá cao khiến cho giá của chúng có thể lên tới vài chục hoặc trăm triệu cho một con. Hiện nay nhờ vào các trại cá nuôi sinh sản cá rồng phát triển rộng rãi hơn nên giá cá rồng cũng đã giảm xuống đáng kể. 

Cá rồng là loài cá săn mồi, chúng sẽ thường bơi ở khu vực phía trên mặt nước. 

Tuổi thọ của cá rồng

Cá rồng có thể sống đến hơn 20 năm trong điều kiện nuôi làm cảnh. Tức là chúng có thể sống lâu hơn so với các loài vật nuôi khác như là cho và mèo. Thậm chí có trường hợp có ghi chép lại cho thấy có con cá rồng có thể sống đến gần 50 năm. 

Vậy nên để nuôi cá rồng thì bạn cần phải chuẩn bị tinh thần để có thể chăm sóc cho chúng trong thời gian dài. 

Các loại cá rồng

Hiện nay, cá rồng có thể được phân loại dựa vào nguồn gốc xuất xứ của chúng. Có 4 loại cá rồng đó là cá rồng Châu Á, cá rồng Nam Mỹ, cá rồng Úc và cá rồng Châu Phi 

1. Cá rồng châu á

Cá rồng

Cá rồng châu á là loài được xếp vào danh sách loài vật đang bị đe dọa, có thể được tìm thấy tại Indonesia. Do bị săn bắt nên số lượng chúng đang giảm dần. Chúng sống tại những khu vực sông hồ hoặc là rừng mưa. Trong tự nhiên, thực đơn chính của chính của cá là ốc sên, cua, côn trùng, sâu, cá nhỏ, các loại động vật giáp xác khác dưới nền sông.
Cá rồng châu á có thân hình mảnh, môi dày. Cá đực có thể lớn đến hơn 90cm, trong khi đó cá cái có thể lớn đến hơn 60cm. 

Các loại cá rồng Châu Á

  • Cá huyết long
  • Cá kim long
  • Cá thanh long

2. Cá rồng Châu Úc

Cá rồng

Cá rồng châu Úc cũng là loài cá nằm trong danh sách bị đe dọa. Loài cá này cần phải được nuôi trong bể to bới chúng có thể đạt đến kích thước lớn, lên tới hơn 90cm và nặng đến 4.5kg. Vì chúng có môi trường sống tự nhiên từ Châu Úc, loài cá này thích nước ấm. Nếu nuôi trong nước bể quá lạnh thì cá có thể bị stress, bệnh và chết. 

Không giống như cá rồng Châu Á, Cá rồng Châu Úc có 7 hàng vảy với thân hình có ánh vàng cam. Chúng cũng hung dữ hơn so với cá rồng Châu Á. 

3. Cá rồng Nam Mỹ

Cá rồng

Cá rồng Nam Mỹ là loài cá rồng khổng lồ, có thể đạt đến 100cm khi trưởng thành. Đây cũng là một trong những dòng cá rồng phổ biến nhất và thường xuyên được nuôi làm cảnh. Chúng là loài cá rồng dễ chăm sóc, sống khỏe và có thể được sinh sản nhân tạo. Đặc điểm nhận dạng của cá rồng nam mỹ là chúng có đuôi bơi nhỏ, với vây lưng và vây hậu môn ngắn, kéo dài gần như được nối với vây đuôi. Chúng có thân hình mành, nhỏ dần về phía đuôi. 

4. Cá rồng Châu Phi

Cá rồng

Cá rồng châu phi là loại cá rồng dễ nhận biết nhất. Cá rồng châu phi không có phần miệng hướng lên trên như các loài cá rồng còn lại, thay vì đó chúng có đầu với miệng hướng về phía trước, nhìn khá giống cá hải tượng. Chúng thường chỉ có một màu xám, nâu hoặc là nâu đồng.

Cách chăm sóc cho cá rồng

Để chăm sóc tốt cho cá rồng thì bạn cần phải nuôi cá trong bể đủ to với nước sạch, có thông số nước hợp lý và cho cá ăn thực đơn phù hợp. 

Bể nuôi cá rồng

Để chuẩn bị bể nuôi cá rồng thì việc đầu tiên bạn cần phải lưu ý là kích thước của bể. 

Bạn cần nhớ rằng cá rồng là loài cá khổng lồ, vậy nên chúng cần phải được nuôi trong bể cá lớn. Nuôi cá trong các bể quá bé có thể khiến chúng bị khó phát triển và bị stress. Để nuôi cá rồng thì bạn cần bể 500 lít cho cá ngân long và khoảng 300 lít cho các loại cá rồng Châu Á như là huyết long, kim long, thanh long. 

Bể cũng nên có chiều ngang đủ lớn để cá có thể thoải mái quay đầu. 

Bể nuôi cá rồng cần phải có nắp được đậy chặt. Lý do là bởi cá rồng là loài cá bơi tầng mặt. Ngoài tự nhiên, chúng thường nhảy lên khỏi mặt  nước để bắt côn trùng và các loại mồi khác. Chúng có thể và sẽ nhảy ra khỏi bể nếu bể không được đậy chặt. 

Bể cá rồng có cần nền và cây không?

Bể cá rồng không cần phải sử dụng đến nền. Thông thường thì để nền bể trống sẽ giúp bạn dễ dàng vệ sinh hơn. 

Bể nuôi cà rồng cũng không cần phải sử dụng đến cây thủy sinh hoặc là các đồ trang trí. Lý do là bởi thường cá rồng đã có thể là trọng tâm cho bể rồi và bể không cần phải thêm bất kì đồ trang trí gì khác. 

Cây thủy sinh và đồ trang trí có thể làm khiến không gian bơi lội của cá bị ít đi. Hơn hết nữa, các loại đá hoặc đồ trang trí có thể làm cá rồng bị thương khi chúng phóng nhanh để bắt mồi và vô tình va phải. 

Nếu bạn muốn trồng cây thì bạn có thể sử dụng một số loại cây nổi mặt nước như sen tiger, bèo,..

Đèn cho cá rồng

Có hai loại đèn cho cá rồng đó là đèn led thông dụng để ngắm cá và đèn tanning. Với bể cá rồng thì bạn cần phải có đèn led thông dụng, là đèn led thủy sinh chuyên dụng thì càng tốt. Đèn led thủy sinh có thể giúp hiển thị màu sắc của cá được tươi và bắt mắt hơn. 

Nếu bạn muốn cá rồng lên được màu đẹp thì bạn có thể sử dụng thêm một loại đèn nữa gọi là đèn tanning. Thông thường để nuôi cá huyết long lên được màu đỏ đậm thì bạn cần phải sử dụng đến sự trợ giúp của đèn tanning. Nếu bạn chỉ nuôi cá một cách thông thường mà không có biện pháp giúp cá lên màu như cho ăn thức ăn để lên màu hoặc là đánh đèn thì cá chỉ lên được màu cam, đôi khi có thể sẽ khiến người nuôi thất vọng. 

Tuy nhiên, khi sử dụng đèn tanning thì bạn cũng cần phải sử dụng cẩn thận. Lý do là bởi loại đèn này có ánh sáng chói, khi sử dụng không điều độ có thể khiến cho cá bị xệ mắt. 

Trước khi đánh đèn tanning cho cá bạn cẩn phải đảm bảo cá đang khỏe, không bị bệnh hoặc bị stress. 

Trong một tuần đầu bạn hãy đánh đèn tanning 2-3 tiếng mỗi ngày. Sau đó bạn hãy tăng dần thời lượng đánh đèn lên khoảng 8 tiếng mỗi ngày trong một tháng sau. Bạn cần phải đánh đèn tanning liên tục nếu muốn đạt kết quả tốt nhất. Dừng đánh đèn tanning giữa chừng có thể sẽ khiến cá bị nhanh chóng mất màu. 

Trong quá trình đánh đèn nếu thấy cá có hiện tượng bị stress, bỏ ăn hoặc bị tật ở mắt thì bạn cần phải tạm ngừng và chờ ít nhất là 1 tuần sau để đánh đèn trở lại. 

Thông số nước nuôi cá rồng

Nếu có điều kiện thì bạn nên kiểm tra thông số nước nuôi cá rồng định kì. Thông số nước nuôi cá rồng phù hợp là: 

  • Ammonia (NH4): 0 ppm
  • Nitrite (NO3): 0 ppm
  • Nitrate (NO4): dưới 40ppm
  • Nhiệt độ: Cá rồng là loài cá sống tại khu vực nhiệt đới, vậy nên thông số nước nuôi cá nên vào khoảng 24 – 30 độ C.  
  • Độ pH: Cá rồng là loài cá nhiệt đới, vậy nên độ pH nên hơi mang tính axit một tẹo, tối ưu nhất là vào khoảng 6.0-7.5
  • Độ cứng: Cá rồng thích nước mềm, vào khoảng 4-8dH (70-140 ppm)

Lọc cho bể cá rồng

Cá rồng là loài cá lớn, vậy nên chúng cần tiêu thụ nhiều thức ăn giàu protein để giúp chúng phát triển nhanh. Do đó cá cũng sẽ thải tương đối nhiều. Nếu bạn không có hệ thống lọc tốt cho bể cá rồng thì nước bể sẽ nhanh chóng bị bẩn. 

Lọc cho bể cá rồng cần phải có lưu lượng đủ lớn để xử lý lượng chất thải lớn đó. Lọc cũng cần phải đủ lớn để có thể trữ được lượng lớn vật liệu lọc sinh học. Những loại lọc thông dụng nhất cho bể cá rồng là:

Lọc tràn dưới

Lọc tràn dưới là hệ thống lọc lớn với nhiều ngăn chứa vật liệu lọc riêng biệt và nằm phía dưới bể. Lọc tràn dưới có thể xử lý được lượng lớn nước cho bể cá rồng. Khu vực vật liệu lọc lớn cũng sẽ giúp hệ thống vi sinh của bể đủ mạnh để ăn hết được các chất gây hại như là ammonia và nitrite. 

Tuy nhiên, lọc tràn dưới sẽ khá tốn chỗ và có thể nhìn sẽ không đẹp. 

Lọc thùng

Lọc thùng sẽ tiết kiệm diện tích và nhìn đẹp hơn so với lọc tràn. Lọc thùng được thiết kế để tối ưu hóa kích thước và hiệu suất lọc. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại lọc phù hợp cho từng kích thước bể. Nếu bạn cảm thấy một lọc thùng không đủ công suất để xử lý lượng lớn nước trong bể thì bạn có thể mua thêm một chiếc lọc phụ. 

Xem thêm: Vật liệu lọc cho bể cá rồng

Về quá trình cycle bể

Để hiểu tại sao hệ thống lọc lại quan trọng đến như vậy trong bể nuôi cá rồng thì bạn cần phải hiểu về quá trình cycle bể cá. 

Cá rồng

Có 3 chất liên quan đến quá trình cycle, đó là ammonia, nitrite và nitrate. Quá trình cycle sẽ chia ra làm 3 giai đoạn. 

Ở giai đoạn đầu tiên, khi mới làm bể, lượng ammonia từ phân nền hoặc các loại hợp chất hữu cơ sẽ tăng cao và vi khuẩn có lợi sẽ phát triển để tiêu thụ lượng amonia đó và sản sinh ra nitrite.

Ở giai đoạn thứ hai, khi nitrte tăng cao, một loại vi khuẩn có lợi nữa sẽ bắt đầu tiêu thụ nitrite và sản sinh ra nitrate. Hai loại chất ammonia và nitrite có khả năng gây hại cho cá và các loại sinh vật thủy sinh khác nhưng nitrate thì không nếu ở số lượng ít. 

Ở giai đoạn thứ ba, cây cối thủy sinh sẽ sử dụng nitrate làm nguồn nitơ để có thể phát triển

Bể nuôi cá rồng thường sẽ không trồng cây thủy sinh, vậy nên cách duy nhất để bạn có thể loại bỏ nitrate khỏi nước là phải thay nước cho bể định kì. Bể cá rồng nên được thay khoảng 10-15% lượng nước mỗi tuần. 

Để có thể giảm thiểu lượng nitrate trong bể thì bạn có thể trồng thêm một số loại cây như là bèo ở phía trên mặt nước. 

Cho cá rồng ăn gì?

Bạn có thể cho cá rồng ăn các loại mồi sống như là cá nhỏ, côn trùng, các loại sâu,.. 

Trước khi cho cá ăn thì bạn cần phải xét đến kích thước của cá và kích thước của mồi, tránh cho cá ăn các loại thức ăn quá to. 

Khi cá còn nhỏ, để cá có thể phát triển nhanh thì bạn nên cho chúng thực đơn 100% là mồi sống. Trong giai đoạn cá lớn dần, bạn có thể dần chuyển thực đơn của chúng sang các loại đồ ăn đông lạnh như là tôm, hàu, thịt cá,… hoặc là các loại cám chuyên dụng cho cá rồng. 

Xem thêm: Cách tập cho cá rồng ăn thức ăn viên

Cá rồng là loài săn mồi, vậy nên khi chọn cám cho cá thì bạn cần phải mua cám chuyên dụng (lazada) với hàm lượng protein cao. 

Nên cho cá rồng ăn bao lần một ngày?

Khi cá rồng còn nhỏ, chúng sẽ phát triển nhanh, vậy nên trong giai đoạn này cá cần được cho ăn liên tục, vào khoảng hai lần một ngày. 

Khi cá lớn hơn, trao đổi chất ở cá cũng chậm dần. Khi đó bạn có thể nhận thấy cá không háu ăn như trước nữa và bạn chỉ cần cho cá ăn một lần một ngày. 

Về lượng thức ăn cho cá ăn thì khá đơn giản. Cá rồng sẽ biết chúng cần phải ăn bao nhiều. Khi bạn cho cá ăn quá nhiều mà chúng đã no thì cá sẽ dừng lại và không ăn nữa. Khi đó bạn hãy vớt thức ăn thừa ra ngoài và điều chỉnh lại lượng thức ăn cho ăn vào lần sau. 

Cá rồng nuôi chung với cá gì?

Cá rồng là loài cá hung dữ và bảo vệ lãnh thổ. Chúng sẽ tấn công các loài cá khác cùng bể, kể cả đồng loại. Thông thường bạn chỉ nên nuôi một con cá rồng trong bể và không nên nuôi chung với nhau. 

Để chọn cá nuôi chung với cá rồng thì chúng nên có kích thước đủ lớn để không bị ăn thịt và đủ hiền để không tấn công cá rồng. Các loài cá phổ biến để nuôi chung với cá rồng có thể kể đến là:

Xem thêm: Các loại cá có thể nuôi chung với cá rồng

Kết lại

Nhiều người sẽ nghĩ rằng nuôi cá rồng là công việc vất vả và khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn có thời gian và đủ điều kiện để cung cấp cho cá rồng môi trường sống cơ bản như bể đủ lớn, lọc đủ khỏe và thức ăn phù hợp cho cá thì công sức bỏ ra sẽ hoàn toàn xứng đáng. Cá rồng là một trong những loài cá lớn đẹp và thú vị nhất bạn có thể sở hữu. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *