aquasetup

Cá pleco/cá lau kiếng: đặc điểm, cách chăm sóc và sinh sản

Mục lục

Cá lau kiếng

Bạn đang tìm kiếm một chú cá dọn bể để giúp bể cá của mình sạch rêu hại? Cá lau kiếng hay còn gọi là cá pleco là lựa chọn đầu tiên bạn có thể xem xét để mua. Cá pleco là loài cá dễ chăm sóc, có thể thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Tuy vậy, vẫn có nhiều lầm tưởng về loài cá này và nhiều người vẫn mắc nhiều lỗi khi chăm sóc cá hoặc cho cá ăn. 

Trong bài viết này mình sẽ nói cho bạn cách chăm sóc và sinh sản chúng tốt nhất. 

Về cá pleco/ cá lau kiếng 

Cá lau kiếng
Cá lau kiếng da beo – loài có thể đạt đến kích thước khổng lồ

Cá pleco là chỉ dòng cá dọn bể thuộc họ Loricariidae. Loài cá này có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Loài cá pleco phổ biến nhất hiện nay là cá pleco thường hay còn gọi là cá lau kiếng da beo. Chúng thường được bán tại cửa hàng cá cảnh với giá khá rẻ và khi chỉ có kích thước tương đối nhỏ, vào khoảng 5-10cm. Nhưng ít ai biết rằng loài cá này có thể lớn đến hơn 50cm nếu được thả ra ngoài thiên nhiên hoặc hơn 30cm khi nuôi tại bể trong nhà. 

Vậy nên nếu bạn không có bể cá cực lớn thì bạn nên tránh mua và nuôi loài cá này. Loài cá này là loài xâm lấn. Chứng minh là hiện nay cá nóc da beo đã xuất hiện rất nhiều tại các con sông suối, hồ tại Việt Nam. Khi được thả ra ngoài tự nhiên, chúng sẽ thích nghi nhanh, sinh sản nhiều và tranh hết thức ăn của các loài cá bản địa. 

Cá lau kiếng
Cá pleco mũi lông hay cá pleco l144 là loài cá có kích thước phù hợp hơn để nuôi thủy sinh

May mắn thay là có nhiều dòng pleco hay cá lau kiếng bạn có thể nuôi làm cảnh mà không đạt đến kích thước quá to. Có thể kể đến là cá pleco longfin/ hay còn gọi là pleco mũi lông, pleco l144. Chúng chỉ đạt kích thước vào khoảng 10-15cm. Chúng có thể đắt hơn cá pleco thường một tẹo nhưng mà chúng sẽ có kích thước phù hợp cho bể cá hơn, kích thước nhỏ của chúng cũng giúp bạn tiết kiệm thức ăn về lâu dài . 

Bể nuôi cá pleco

Do có nhiều loại cá pleco/ cá lau kính khác nhau để có thể bạn chọn nên mỗi loại sẽ cần bể có kích thước khác nhau. Ví dụ như là với loài cá pleco thường/ cá lau kính da beo, chúng có thể lớn hơn 30cm. Vậy nên bạn cần bể với thể tích ít nhất là hơn 200 lít để có thể nuôi được. 

Với loài pleco mũi lông/ l144 thì bạn chỉ cần bể khoảng 60 lít là có thể nuôi được. Với mỗi một con cá lau kiếng bạn nuôi thêm thì bạn cần cho chúng thêm 60 lít nước không gian sống. Lý do là bởi cá pleco dù là loài cá hiền lành, tuy nhiên đôi khi vẫn có thể hung hăng với các con đực cùng loài. Chúng cần không gian riêng để sinh sống. 

Cá pleco khá nhát, bể nuôi cần phải có nhiều hang, lũa rỗng hoặc các loại chỗ trốn khác. Bể nên có dòng chảy trung bình bởi ngoài tự nhiên cá pleco thường sống tại những con sống có dòng chảy chậm. 

Lũa không chỉ giúp cung cấp cho cá pleco mà còn cung cấp thức ăn cho chúng. Cá pleco thích ăn các loại rêu, màng sinh học mọc trên lũa. Một số loại cá pleco còn có thể ăn được vỏ ngoài của lũa, giúp cung cấp thêm cho chúng thêm chất xơ. 

Cá thích môi trường nước nhiệt đới. Nhiệt độ nước để nuôi cá là vào khoảng 23 đến 27 độ C. Mức pH thích hợp rơi vào khoảng 6.5 đến 7.8. 

Tập tính/ tính cách của cá lau kiếng. 

Cá lau kiếng pleco là loài hoạt động về đêm. Vậy nên chúng có thể dành hầu hết thời gian trong ngày để trốn. Một số trường hợp thì cá có thể làm quen với việc hoạt động vào ban ngày nếu đó là thời điểm bạn cho cá ăn. 

Cá pleco có thể sinh sống cùng hầu hết mọi loài cá khác. Cá sống cùng cá pleco nên nhỏ hơn, có chung kích thước hoặc không lớn hơn quá nhiều so với cá pleco. Cá pleco có thể trở thành mồi nếu bạn nuôi chung chúng với các loài cá săn mồi có kích thước lớn hơn chúng nhiều. 

Xem thêm: Cá lau kiếng nuôi chung với cá gì 

Cá pleco ăn gì?

Cá pleco là loài cá dễ chăm sóc và sống khỏe. Chúng có thể ăn được gần như mọi thứ nhưng sẽ thích thực đơn chứa nhiều rau củ và rêu hơn. Khi cá nhỏ bạn chỉ cần cho chúng ăn rêu tự nhiên và các loại thức ăn cho cá bình thường là được. Nếu cá lớn hơn thì bạn hãy tự luộc rau củ cho cá ăn, hoặc cho cá ăn các loại thức ăn chuyên dụng cho cá tầng đáy. 

Cá pleco là loài kiếm ăn chủ yếu ban đêm, vậy nên bạn hãy thả thức ăn vào bể khi chuẩn bị tắt đèn. 

Thỉnh thoảng bạn thậm chí cũng có thể cho chúng ăn một chút thực đơn chứa nhiều protein như là trùn chỉ, trùn huyết để tránh cho cá bị thiếu hụt chất. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho chúng ăn đồ tươi sống tối đa 2 lần một tuần bởi chúng không thích đồ chứa nhiều protein cho lắm. 

Cách nuôi cá pleco sinh sản

Có hơn 150 loài pleco được biết đến, với nhiều loài hơn được phát hiện mỗi năm, giữa chúng có một điểm chung là chúng khá dễ để sinh sản và môi trường sinh sản của chúng cũng khá tương đồng.

Khi cá pleco sinh sản, con cái sẽ chui vào hang và con đực nhốt con cái lại trong đó. Hành động này sẽ kéo dài vài giờ. Một khi trứng đã được đẻ, con đực sẽ đuổi con cái đi rồi thụ tinh cho trứng. Sau khi trứng đã được thụ tinh, con đực sẽ canh giữ chúng đến khi trứng nở.

Trứng cá pleco khác lớn, có hình cầu đường kính tầm 2-4mm và màu cam. Chúng được đẻ theo cụm từ 10 đến 300 trứng tùy thuộc vào loài. Không giống như cá chuột, cá pleco đẻ trứng theo cụm, ở trong hang. Vậy nên bạn sẽ hiếm thấy trứng trong bể.

Trung bình, trứng cá pleco sẽ nở trong khoảng 3-10 ngày, phụ thuộc vào loài và nhiệt độ nước. Nhiệt độ nước càng cao thì trứng sẽ nở càng nhanh, cá con sẽ hấp thu dinh dưỡng từ noãn hoàng trong khoảng 5-10 ngày. Trong khoảng thời gian này, cá đực vẫn sẽ bảo vệ cá con cho đến khi chúng sẵn sàng ra khỏi hang.

Thông thường, trứng cá sẽ theo cụm từ mười đến hơn trăm trứng. Nếu bạn thấy chúng có màu cam tươi nghĩa là chúng đã được thụ tinh. Nếu trứng cá nhạt màu và hơi trắng thì tức là sẽ không có cá con trong đấy.

Cá pleco sẽ không ăn cá con nên bạn không nhất thiết phải tách riêng chúng sau khi cá con nở.

Khi cá con nở, bạn có thể cho cá con ăn các loại thức ăn cho cá trưởng thành, bể có thể được đánh đèn nhiều để lên rêu. Ngoài ra, bạn có thể cho cá con ăn bột tảo xoắn hoặc là rau củ quả luộc. 

Xem thêm: Cách nuôi cá pleco sinh sản

Cá lau kiếng có ăn tép không?

Cá lau kiếng hay cá pleco không phải là loài cá dữ, chúng sẽ không săn hoặc ăn tép. Tuy  nhiên, chúng vẫn có thể sẽ vô tình ăn phải tép con nếu tép con ở gần miệng. 

Cá lau kiếng có cần oxy không?

Nếu bạn nuôi cá pleco/ cá lau kiếng với mật độ vừa phải thì bạn không cần phải sử dụng đến sủi oxy để nuôi cá. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *