Tôm cảnh là loài có ngoại hình sặc sỡ cùng với kích thước cũng tương đối to. Đôi khi bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi chọn cá để nuôi cùng loài sinh vật này. Lý do là bởi tôm là loài có tập tính bảo vệ lãnh thổ, chúng có thể sẽ tấn công hoặc tìm và săn các loài cá nhỏ. Tệ hơn là thời điểm kiếm ăn của tôm là vào ban đêm – thời điểm khi mà cá đang ngủ, vậy nên cá sẽ khó có thể trốn thoát được cặp càng của tôm hơn.
Để chọn cá nuôi chung thì bạn nên nuôi các loài cá đủ lớn nhưng cũng không quá lớn đến mức có thể thịt được tôm. Nếu không thì bạn cũng có thể chọn mua các loại cá bơi nhanh hoặc là các loại cá nhỏ, sinh sản nhanh bạn không ngại để tôm thỉnh thoảng ăn mất một vài con. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải chuẩn bị tinh thần bởi tôm có thể bắt và thịt được mọi loài cá kể cả là những loài cá lớn. Dưới là các loài cá bạn có thể xem xét để nuôi chung với tôm cảnh.
1. Cá chuột
- Kích thước: 4 cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 23-26°C
- Độ pH: 6.5-7.5
- Độ cứng: 50—150 ppm
Cá chuột là loài cá hiền lành, sống tầng đáy và bơi đàn. Chúng là loại cá phổ biến bạn có thể tìm thấy tại bất kì cửa hàng thủy sinh. Thông thường, cá chuột lẩn tránh rất giỏi và lớp vỏ cứng bên ngoài của cá có thể giúp chúng dễ dàng thoát được cặp càng của tôm.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôm vẫn có thể bắt được cá chuột. Tùy vào tính cách của từng con, mình đã từng thấy nhiều người nuôi cá chuột thành công với tôm. Một số khác thì vẫn thấy tôm thỉnh thoảng bắt được cá chuột nhưng chúng sẽ không bắt nhanh bằng các loại cá nhỏ khác.
2. Cá hắc xá
- Kích thước: 10-15cm
- Tính cách: bảo vệ lãnh thổ
- Nhiệt độ nước: 24–29°C
- pH: 6.5–7.5 pH
- Độ cứng: 30—200 ppm
Nếu bạn có bể cá to tầm 150 lít trở lên thì bạn có thể xem xét nuôi cá hắc xá. Loài cá này còn được gọi là cá mập cảnh đuôi đỏ bởi ngoại hình tương đồng với cá mập của chúng.
Mặc dù có thể nhìn giống cá mập nhưng cá hắc xá lại là loài chủ yếu tìm thức ăn dưới đáy bể và rêu hại để sống.
Bạn không nuôi chung cá hắc xá với các loại cá bé hơn chúng nhiều bởi cá hắc xá có thể hung dữ nhưng mà chúng có thể sống tốt với tôm miễn là cá lớn hơn chúng. Bể nuôi chúng cần có nhiều cây cối, chỗ trú và đá để chúng có thể bơi xung quanh và tương tác. Bể của bạn cũng nên có nắp đậy bởi loài cá này rất hay nhảy ra ngoài.
3. Cá rìu vạch
- Kích thước: 4cm
- Tính cách: hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 23-26°C
- Độ pH: 6.0-7.0
- Độ cứng nước: 20-200
Bởi vì tôm cảnh là loài sống ở đáy bể, vậy nên cách tốt nhất để bạn nuôi chung cá với tôm là chọn loài cá sống tầng mặt. Một trong những loại cá sống tầng mặt phổ biến nhất là cá rìu vạch.
Bạn có thể dễ dàng thấy được tại sao chúng lại có tên gọi như vậy. Cá rìu vạch có thân hình mảnh, với vây ngực kéo dài ra nhìn như một chiếc rìu. Phần cơ ngực của cá khỏe, vì vậy chúng có thể nhảy rất cao khỏi mặt nước, để trốn chạy kẻ thù hoặc để săn mồi.
Chúng thích nước tại khu vực nhiệt đới do môi trường sống của chúng nằm ở đó. Vậy nên bạn giữ nước nuôi cá ở nhiệt độ ấm với độ pH hơi mang tính axit. Tuy vậy, cá vẫn có thể sống được ở các mức độ pH và độ cứng khác nhau.
Khi nuôi cá rìu vạch bạn nên nuôi chúng theo đàn từ 6-12 con bởi chúng là loài cá bơi theo đàn.
4. Cá sọc ngựa vây ngắn
- Kích thước: 4cm
- Tính cách: hiền lành
- Nhiệt độ nước: 20 °C – 27 °C
- Độ pH: 6.5-7.5
- Độ cứng: 50ppm – 140ppm
Cá sọc ngựa là loài cá bơi nhanh, sống ở tầng giữa bể, vậy nên khả năng chúng bị bắt được sẽ bị giảm thiểu hơn. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng nếu bể không có nhiều chỗ trốn và ít không gian riêng cho cá và tôm thì cá sọc ngựa vẫn có thể bị săn được từng con một.
Loại cá sọc ngựa phổ biến nhất hiện nay là sọc ngựa dạ quang. Đó là một dòng cá sọc ngựa được chọn lọc và biến đổi gen từ cá sọc ngựa ngoài tự nhiên để có được màu sắc sặc sỡ và có thể cũng sẽ có bộ vây dài và đẹp hơn. Tuy vậy, dù là loại cá sọc ngựa nào thì về mặt bản chất chúng đều giống nhau. Khi nuôi chung với tôm thì bạn nên chọn loại sọc ngựa vây ngắn để giảm thiểu khả năng chúng bị tôm bắt được hơn.
5. Cá tam giác
- Kích thước: 4cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 22-27°C
- Độ pH: 6.0-7.5
- Độ cứng: 50—150 ppm
Cá tam giác là loại cá bơi đàn ưa thích dòng chảy mạnh. Chúng là loài cá bơi đàn, có thân hình màu cam với mảng đen màu tam giác đặc trưng – lý do cho tên gọi. Do bơi nhanh nên cá tam giác cũng sẽ ít có khả năng bị tôm bắt hơn.
Bạn nên nuôi cá theo đàn ít nhất là 10 con. Cá tam giác có kích thước trung bình vào khoảng 4cm, không quá bé. Một khi cá tam giác đã quen với bể rồi thì chúng sẽ sống rất khỏe và rất lâu. Điều duy nhất bạn cần lưu ý khi nuôi loài cá này là chúng sẽ dễ nhảy ra ngoài mà thôi.
6. Cá bướm châu phi
- Kích thước: 10-15cm
- Tính cách: hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 23-30°C
- Độ pH: 7.0-7.8
- Độ cứng nước: 100-300
Lại là một loài cá với ngoại hình thú vị khác – cá bướm châu phi, bạn có thể tìm mua loài cá này ở một số cửa hàng cá cảnh ở Việt Nam. Chúng là một trong số những loài cá bơi tầng mặt phổ biến nhất.
Cá bướm châu phi và tôm sẽ sống ở hai tầng bể hoàn toàn khác nhau vậy nên có thể tránh được xô xát sảy ra.
Chúng không chỉ có thể dễ dàng nhảy khỏi mặt nước mà chúng còn lướt được trên đó! Bạn có thể thấy vây của chúng có hình giống như những chiếc cánh, để giúp chúng ở trên không trung được lâu hơn.
Để nuôi được loài cá bướm châu phi thì bạn phải có một chiếc bể có khu vực dòng chảy cực chậm và nhiều cây cối để cá có thể trú và nghỉ ngơi. Đó là lý do không phải bể cá cộng đồng nào cũng có thể nuôi được chúng.
Hơn hết nữa đây là loài cá săn mồi vậy nên bạn phải cho chúng ăn thực đơn giàu protein, cụ thể hơn là các loài côn trùng hoặc giun. Bạn sẽ không thể nuôi chúng chỉ với thức ăn khô thông thường.
7. Cá kim ngân
- Kích thước trưởng thành: 35 cm
- Nhiệt độ nước: 22-25°C
- Kích thước bể tối thiểu: 250 lít
Cá kim ngân là loại cá bơi đàn lớn, hoạt động nhiều. Chúng sẽ có kích thước đủ to để có thể không trở thành con mồi của tôm. Cá kim ngân có kích thước trung bình vào khoảng 15-20 cm khi trưởng thành.
Để nuôi loại cá này bạn cần phải có bể đủ to, tối thiểu là 300 lít hoặc lớn hơn.
Ngoài cá kim ngân thì bạn cũng có thể cân nhắc nuôi cá đô la bạc – loài cá cũng có nhiều điểm tương đồng để nuôi chung với tôm.
8. Chạch culi
- Kích thước: 5cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 21–27°C
- Độ pH: 5.5–6.5 pH
- Độ cứng: 10 – 80 ppm
Nếu bạn đang tìm kiếm một loài cá độc và lạ cho bể của mình thì chạch culi là lựa chọn hoàn hảo. Loài cá lạ lùng nhìn giống lươn này sống cực kì ôn hòa và ngắm nhìn chúng bơi và chui rúc khắp bể sẽ rất thú vị. Chạch culi cũng là loài cá sống khỏe, ít khi mắc bệnh và có thể được nuôi chung với tôm. Lý do là bởi giống như tôm, chạch cũng là loài hoạt động về đêm, hơn hết nữa là chúng là loài trốn giỏi, có thể lẩn trốn vào kẽ đá, cây, lũa khi cảm thấy nguy hiểm.
Loài cá này có rất nhiều đặc điểm thú vị khác nhau. Chạch culi là loài cá sống theo cộng đồng, mặc dù chúng có thể hơi nhát nhưng chúng thích có bạn. Vậy nên nếu có thể thì bạn hãy nuôi chạch culi theo đàn từ 5 con trở lên.
Kết lại
Trên là các loại cá bạn có thể cân nhắc để nuôi chung với tôm. Tuy vậy, bạn cũng nên lưu ý rằng bạn chỉ nên nuôi cá chung với tôm khi bạn sẵn sàng để cá chết bởi tôm là loài cực cực xấu tính. Chúng sẽ bắt, săn các loại cá nhỏ và thậm chí có thể giết được cá lớn.
Một số con tôm sẽ hiền lành hơn con khác, khi đó bạn có thể thử nghiệm nuôi chúng trong những bể cộng đồng. Một số loại khác lại có thể săn mồi giỏi.
Để nuôi chung cá với tôm thì bạn cũng nên cho cá nhiều không gian để bơi và cung cấp cho chúng thêm nhiều chỗ trốn.