aquasetup

Hướng dẫn trồng cây thủy sinh

Mục lục

Cách trồng cây thủy sinh

Hy vọng rằng bài viết này có thể giúp bạn biết cách trồng các loại cây thủy sinh tốt hơn. Tuỳ thuộc vào loại cây thuỷ sinh mà bạn có, mỗi loại sẽ có một các trồng khác nhau.

Và để quá trình thêm các cây mới vào bể trở nên dễ dàng hơn nữa, bạn vui lòng tham khảo các hướng dẫn chi tiết về quy trình thực hiện qua bài viết dưới đây nhé.

Cách tách cây thủy sinh khỏi cốc

Phần lớn các cây thuỷ sinh bạn mua, dù là mua qua mạng hay mua trực tiếp tại các cửa hàng đều sẽ được để sẵn trong các cốc nhựa lót bông . Trừ trường hợp loại cây bạn mua thuộc nhóm cây trải nền, cây cắt cắm thì cây có thể sẽ được đặt trong chậu chứa cát.  

  1. Bóp chậu để đẩy cây và phần bông đá ra khỏi chậu. Nếu rễ mọc dày và rối, hãy tỉa một ít rễ trong lúc lấy cây để quá trình này thuận lợi hơn.
  2. Từ từ tách phần bông đá để lấy cây ở giữa, lưu ý để không làm hỏng phần rễ cây.
  3. Nếu có bông đá bị dính vào cây, cần gỡ bông bằng tay hoặc dùng nhíp gắp.
  4. Đảm bảo loại bỏ hết các hạt phân bón vàng, tránh làm ảnh hưởng đến hàm lượng chất dinh dưỡng trong bể.
  5. Rửa sạch hết các tạp chất còn sót lại và chuẩn bị cho quá trình trồng cây.

1. Cây thân rễ

Hướng dẫn trồng cây thủy sinh

Các loại cây thân rễ phổ biến nhất có thể thấy là ráy, dương xỉ java và bucep. Đây đều là dòng thân rễ – với hình dáng có thể như một dạng rễ cứng hay rễ mềm, dày và nằm ngang. Với loại cây này, toàn bộ phần lá và thân cây sẽ mọc từ đoạn thân rễ trở lên, còn phần rễ cây sẽ mọc tiếp từ thân rễ xuống dưới. 

Cây thân rễ không cần chất nền để có thể sống. Bạn có thể nhét, chèn cây vào giữa các vết nứt trên đá, hoặc gắn vào lũa thuỷ sinh với keo thủy sinh hoặc chỉ khâu, cước (theo mình thì dùng keo là dễ nhất). Sau đó, rễ của cây sẽ tự phát triển và quấn quanh các mảng đá hay lũa một cách cực kỳ chắc chắn.

Xem thêm: Cách trồng cây thủy sinh không cần đất nền

Cuối cùng, trong trường hợp bạn muốn trồng ráy hoặc dương xỉ java trong đất, bạn cũng có thể vùi hay chôn phần rễ cây, miễn đảm bảo cho thân rễ không bị chất nền che phủ. Cây thân rễ hấp thụ chất dinh dưỡng chủ yếu trong nước, nên loại phân bón phù hợp nhất cho cây sẽ là loại phân dạng nước. 

Xem giá bán và mua cây:

2. Cây lưỡi mác

Hướng dẫn trồng cây thủy sinh

Lưỡi mác là thực vật thuộc chi Thị, toàn bộ lá cây sẽ mọc vươn khỏi phần gốc và tỏa đều ra các phía, tạo thành một khuôn tròn. Một số cây lưỡi mác có thể kể đến là dòng lưỡi mác Amazon, và lưỡi mác đỏ. 

Thường thì cây lưỡi mác phát triển về chiều cao rất tốt, nên bạn sẽ cần lưu ý để trồng các cây loại này vào khoảng ngang thành bể hoặc ở phía hậu cảnh, tránh cản tầm nhìn với các loại cây còn lại. 

Dùng tay đào và tạo một khoảng trống giữa lớp sỏi và chất nền dưới đáy bể, sau đó chôn hoặc vùi phần rễ cây vào. Nếu có nhíp chuyên dụng, bạn có thể dùng nhíp trồng cây để thực hiện bước này. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý để phần ngọn cây không bị che phủ hoặc bị sỏi và chất nền đè lên. 

Cây lưỡi mác là loại cây hấp thụ mạnh qua rễ cây, vậy nên bạn cần bổ sung thêm nhiều phân nhét, nhất là trong các trường hợp bạn sử dụng loại chất nền trơ như sỏi hoặc cát, hay khi chất nền và dinh dưỡng đang bị gần hết.

Lưu ý: Trước khi được trồng trong bể cá với môi trường phần lớn là nước, các cây thuỷ sinh vốn được nuôi trên cạn – như các loại cây thông thường khác. Với cây lưỡi mác, thường thì các lớp lá ở phía trên mặt nước sẽ có dáng tròn và to, trong khi lớp lá bên dưới mặt nước có dáng dài và nhọn hơn – đây là hình dáng lá cạn của cây. 

Cây khi trồng trong bể sẽ dần phát triển lá nước: phần lá tròn bên trên sẽ tan dần, tạo thành chất dinh dưỡng để phần lá dài bên dưới hấp thụ ngược lại, từ đó tiếp tục phát triển độ dài của tán lá.

Xem giá và mua cây lưỡi mác (lazada)

3. Tiêu thảo

Cách trồng cây thủy sinh
Tiêu thảo prava

Tiêu thảo cũng là một loại thực vật thuộc chi Thị. Cây có thể thể phát triển bộ rễ lớn nên cây cần được bổ sung nhiêu chất nền và phân nhét trong quá trình phát triển. Các dòng tiêu thảo phổ biến có thể kể đến là: Tiêu thảo xanh, tiêu thảo nâu, tiêu thảo parva … 

Lá của tiêu thảo có xu hướng rụng dần và tan ra khi được trồng trong một bể cá mới hay môi trường mới. Đây là hiện tượng bị rữa lá thường thấy khi bạn trồng tiêu thảo. 

Nhưng lá cây rụng không đồng nghĩa với việc cây có vấn đề, bạn đừng vội vứt bỏ các cây tiêu thảo nếu thấy dấu hiệu này. Một khi cây đã quen dần với môi trường, những tán lá mới cũng sẽ bắt đầu phát triển cho phù hợp với điều kiện sinh trưởng. Trước khi trồng tiêu thảo, theo một số người có kinh nghiệm trồng cây thuỷ sinh thì bạn có thể cắt bỏ những lớp lá cây nổi phía trên, để cây tập trung dinh dưỡng phát triển cho phần lá mọc bên dưới môi trường nước, vì cuối cùng các lá phía trên cũng sẽ dần rụng một cách tự nhiên. 

Tuy nhiên nếu loại cây bạn đang trồng là tiêu thảo parva, bạn không cần phải cắt bỏ lá trên , vì khác với các loại tiêu thảo khác, lá tiêu thảo parva sẽ không hoặc rất hiếm khi bị rữa. 

Xem giá và mua:

4. Các loại cỏ

Hướng dẫn trồng cây thủy sinh

Một số loại cây cỏ phổ biến có thể kể đến là các loại cỏ như là cỏ narong, cỏ thìa, cỏ cọp, hẹ xoắn, hẹ thẳng. Các loại cây này nhân giống qua các dây leo – phần nhánh cây nhỏ nằm ngang dưới nền, sinh ra các cây con, từ đó tạo thành một chuỗi các cây liền kề. 

Giống với các cây khác cũng thuộc chi Thị, bạn hãy chôn rễ cây thân thảo vào một lớp chất nền, đồng thời đảm bảo phần thân và lá cây không bị che lấp. Thông thường trong một chậu sẽ có một nhóm cây, bạn nên trồng xen kẽ và tách riêng từng nhóm cây này, đảm bảo giữ đủ khoảng để cây có thể mọc lan ra về sau này. 

Từng loại cỏ, hẹ sẽ có kích thước đa dạng với tốc độ phát triển khác nhau. Một số loại cỏ như cỏ thìa sẽ phát triển nhanh, từ đó có thể tạo thành một thảm cỏ ở phần tiền cảnh hay một các loại hẹ có thể tạo khu rừng rong biển cao ở hậu cảnh. Trong trường hợp bạn muốn chuyển hoặc tách cây sang bể khác, chỉ cần cắt phần dây leo đã có rễ con và lá con, sau đó trồng sang khu vực bạn muốn để cây tiếp tục phát triển.

Xem giá và mua cỏ thìa (lazada)

5. Rêu

Hướng dẫn trồng cây thủy sinh

Giống với cây thân rễ, rêu không cần được trồng trên lớp chất nền và có thể gắn trực tiếp vào lũa hay các phần có sẵn trong bể bằng keo. Trên thực tế, rêu cũng thường được bán kèm và gắn sẵn vào các lưới chữ nhật, lũa hay đồ trang trí. Loại cây này sẽ dần phát triển thành một lớp rêu lớn, trôi tự do trong bể – từ đó tạo điều kiện cho việc sinh sản theo đàn, vì cá con có thể trốn dưới lớp rêu này, tránh cá lớn tấn công. Trên thị trường, một số loại rêu phổ biến có thể kể đến thường là rêu java và rêu weeping,…. Ngoài ra có một loại tảo là Marimo moss ball – nhưng cũng sẽ giống với rêu thông thường, thay vì trồng hay chôn rễ thì bạn chỉ cần đặt trực tiếp tảo Marimo xuống đáy bể hoặc trên đá trang trí.

Xem thêm: Các loại rêu trong bể thủy sinh

Xem giá và mua các loại rêu thủy sinh (lazada)

6. Cây cắt cắm

Cách trồng cây thủy sinh
cây thủy sinh vảy ốc siêu đỏ

Cây cắt cắm bạn có thể hiểu đơn giản là các loại cây dạng nhánh thẳng, có thể được cắt và trồng trực tiếp xuống dưới nền. Các loại cây cắt cắm sau đó sẽ phát triển rễ ở phần thân bị cắt. 

Một số loại cây cắt cắm phổ biến có thể kể đến là cây vảy ốc, cây thủy cúc, cây diệp tài hồng lá táo, cây tiểu bảo tháp,…

Ở khâu chuẩn bị, bạn cần nhấc cây ra khỏi cốc. Với loại cây này, bạn sẽ cần trồng riêng lẻ từng nhánh một bằng cách vùi gốc cây xuống lớp chất nền, với độ sâu ít nhất từ 5 – 8cm và có thể che lấp một vài lá phía dưới cùng.

Lưu ý là bạn không nên trồng sát các nhánh cây thành một chùm mà sẽ cần giữ khoảng cách giữa các cây, tạo không gian cho rễ phát triển. Để quá trình trồng cây thuận lợi hơn, bạn có thể sử dụng nhíp chuyên dụng. Với một vài cây con chưa có rễ, bạn có thể thả trôi nhánh cây trong bể cho đến khi rễ phát triển và tiếp tục trồng nhánh cây đó theo các bước tương tự như trên. Cây cắm cắm là loại cây ưa lấy dinh dưỡng từ nước. Vậy nên, một khi bộ nền đã hết dưỡng, bạn nên châm thêm các loại phân dạng nước. 

Xem thêm: Các loại cây thủy sinh cắt cắm không cần CO2

7. Cây rễ củ

Cách trồng cây thủy sinh
Cây sen tiger

Các loại cây rễ củ bao gồm: cây chang chuối, sen tiger, các loại súng,…và cây choi đều là các loại thực vật phát triển từ rễ củ. Để bắt đầu trồng, bạn cần rửa sạch phần củ hay rễ củ nhằm loại bỏ bông đá và các tạp chất khác, sau đó đặt cây lên lớp chất nền. Nếu như thấy phần củ nổi lên, bạn có thể đợi cho đến khi nó tự chìm xuống hoặc đặt phần củ bên dưới một vật nặng để cố định cây. Sau đó, lá và rễ cây sau đó sẽ mọc ra từ phần củ này. 

Tuy nhiên nếu bạn không quan sát thấy bất kỳ sự phát triển nào sau 1 đến 3 tuần, bạn có thể lật phần củ đã trồng vì có thể cây đã bị đặt ngược. Cây rễ củ có thể phát triển rất cao, lá cây vươn tới mặt nước. Bạn có thể bổ sung thêm phân nước và phân nhét trong trường hợp bể hết dưỡng. 

Xem giá và mua cây sen tiger (lazada)

8. Cây trải nền

Cách trồng cây thủy sinh
Cây trân châu ngọc trai trải nền

Có nhiều loại cây thuỷ sinh trang trí tiền cảnh, hay rêu cũng sẽ được dùng để che phủ khu vực mặt trên của nền bể. Một số loại cây trải nền phổ biến có thể kể đến là trân châu ngọc trai, ngưu ma chiên, cỏ giấy, tiêu thảo prava,..

Bạn có thể sẽ thấy vài bài hướng dẫn nói rằng nên chia gốc cây ban đầu thành các nhánh nhỏ và trồng xung quanh mặt đáy bể, sau đó chờ chúng phát triển và lan rộng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện cách này khi bể không có các loài sục đáy hoặc có dòng chảy không quá mạnh. Lý do bởi rễ của các cây này đều rất nhỏ và không đủ sức bám. Nếu trồng cây theo mảng quá nhỏ, cây có thể mọc lan tốt hơn, nhưng đi kèm với đó chúng cũng dễ bị bật rễ hơn. 

Các cây trải nền thường là loại cây ưa sáng và CO2, bạn có thể bổ sung dưỡng cho cây bằng phân nước hoặc phân nhét. 

Xem thêm: Các loại cây trải nền không cần CO2

9. Cây thuỷ sinh nổi

Cách trồng cây thủy sinh

Phần cuối cùng này dành để nói về dòng thuỷ sinh nổi – có thể coi là dòng cây dễ trồng nhất trong bể cá. Các cây thuỷ sinh nổi phổ biến có thể nói tới là: bèo Nhật, bèo rễ đỏ, bèo tấm hay một số cây có nhánh khác như rong đuôi chồn.

Với dòng thuỷ sinh nổi này, bạn chỉ cần đặt cây trôi trên mặt nước, lưu ý cung cấp nhiều ánh sáng và chăm sóc bằng phân bón dạng lỏng, đồng thời chỉnh cho dòng nước chạy chậm là được.

Nếu bạn không muốn lá cây bị chìm và cuốn theo chiều nước hút của máy lọc trong bể, bạn có thể sử dụng ống nhựa nổi trên mặt nước để cố định cây. Cuối cùng, bạn nên vớt bèo thường xuyên nếu chúng mọc lan khắp mặt nước. Quá nhiều bèo trên mặt nước có thể ngăn cản bể trao đổi oxy với không khí, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy trong nước. 

Xem giá và mua bèo rễ đỏ (lazada)

Kết lại

Với những thông tin và hướng dẫn trên đây, hy vọng bạn sẽ có những khởi đầu thật thuận lợi trong hành trình chăm sóc cây thuỷ sinh của mình. Trong quá trình này nếu nhận thấy cây có vấn đề hay kém phát triển như là lá cây bị vàng, rữa, kém phát triển bạn có thể tham khảo những bài viết này:

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *