aquasetup

Chi tiết cách chăm sóc cỏ dùi trống thủy sinh

Mục lục

Cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống là loại cây thủy sinh với hình dáng đặc biệt. Chúng có lá dạng gai và mọc thành bụi hình cầu nhỏ. 

Bất kì ai nhìn thấy loài cây này đều muốn mua về và trồng thử, mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, hồi trước khi mua về do không nghiên cứu kĩ nên cây đã bị rữa và chết dần. 

Sau tìm hiểu mới biết loài cây này không dễ để chăm sóc. Chúng cần đất nền giàu dinh dưỡng cộng thêm nguồn CO2 dồi dào và ánh sáng mạnh để có thể sống được. 

Về cỏ dùi trống

Mức độ chăm sócKhó
Yêu cầu ánh sángTrung bình cao
Tên khoa học Eriocaulon cinereum
Màu sắcXanh lá sáng
Vị trí trồngTiền cảnh
Chiều cao8 – 10 cm
CO2Cần
Phân nướcCần
Loại câyCỏ thủy sinh

Cỏ dùi trống có tên khoa học là Eriocaulon cinereum. Chi Eriocaulon thường là các loại cây mọc ở khu vực đất ẩm tìm thấy nhiều ở ruộng lúa ở Đông Nam Á. 

Ngoài ra loài cây này cũng phân bố ở cả Châu Phi và Châu Úc. 

Ngoài tự nhiên, loài cây này có thể mọc cả trên cạn lẫn dưới nước với hình dáng lá trên cạn sẽ to và dài hơn. Chúng chỉ sống ở các khu vực nước nông. 

Ngoài ra, loài cây này không nổi tiếng là loài cây thủy sinh, thay vào đó chúng lại được dùng chủ yếu để làm thuốc chữa bệnh. Theo y học cổ truyền, cỏ dùi trống có thể được dùng để hạ sốt, giảm đau đầu,…

Ngoại hình của cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống có lá kim nhọn mọc tua tủa ra xung quanh nhìn giống như là con nhím nhỏ. Lá cây có màu xanh sáng với độ rộng chỉ vào khoảng 2-3 mm và dài tầm 6cm. 

Nếu bạn có điều kiện để trồng thì loài cây này sẽ trở thành điểm nhấn khu vực tiền cảnh trong bất kì bể thủy sinh nào. 

Chúng là loài cây nhỏ với chiều cao chỉ lên tới 8-10 cm với tán cây rộng 10-15 cm. 

Khi trồng một thời gian chúng sẽ có thể ra hoa. Cành hoa của cây sẽ khá dài, vào khoảng 25-30 cm. Độ cao của cành hoa sẽ giúp cho chúng có thể vươn lên được phía trên mặt nước và có thể được thụ phấn. 

Đặc điểm quan trọng nữa của cây là chúng có bộ rễ vô cùng lớn. Rễ của cây có thể dài gấp 2-3 lần chiều cao của thân. Vậy nên bạn cần phải cho cỏ dùi trống bộ nền dày và nhiều dưỡng để cây có thể bám rễ và phát triển. 

Cách chăm sóc cho cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống là loài cây khó chăm sóc, bạn cần phải đảm bảo chúng có môi trường sống ổn định với nhiều dưỡng, ánh sáng và CO2. 

Cách trồng cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống thường được bán theo từng cây riêng lẻ. Khi mua về thì bạn cần rửa nhẹ qua cây trước. 

Sau đó bạn hãy trồng chúng sao cho toàn bộ phần rễ và một ít thân nằm dưới lớp nền. Bạn cũng nên trồng chúng tại khu vực thoáng, nhận nhiều ánh sáng và trồng mỗi cây cách nhau khoảng 4-5 cm. 

Ánh sáng

Cỏ dùi trống cần ánh sáng trung bình mạnh với thời gian chiếu sáng khoảng 10-12 tiếng mỗi ngày. 

Thời gian chiếu sáng quá ít có thể khiến cây bị rữa lá và chết. 

Thông số nước

Cỏ dùi trống thích nước nhiệt đới vậy nên bạn cần để nước hơi ấm một tẹo. Tốt nhất nước nên có nhiệt độ vào khoảng 20 đến 28 độ C. 

Độ pH nên hơi mang tính axit, vào khoảng 5.5 – 7.0. Nếu nước có tính kiềm quá cao thì cây có thể bị khó phát triển. 

Cây có thể sống được cả trong môi trường nước cứng và nước mềm vậy nên bạn không cần quá quan tâm về thông số này. 

Bộ nền

Cỏ dùi trống có bộ rễ cực to và cực khỏe vậy nên bạn cần phải trồng chúng trong bộ nền đủ lớn. Ngoài ra bạn cũng cần phải có bộ nền giàu dưỡng và phù hợp để chúng có thể bám rễ. 

Mình chưa thấy ai trồng thành công cỏ dùi trống trên cát hoặc là sỏi nền cả. 

Bạn cần phải sử dụng phân nền chuyên dụng để trồng loại cây này. Độ cao của nền nên vào khoảng 7-8 cm. 

CO2 và phân nước

Bạn bắt buộc phải sử dụng CO2 để trồng cỏ dùi trống. Ngoài ra, cỏ dùi trống là loài cây cần nhiều ánh sáng và dinh dưỡng. 

Khi bể có nhiều ánh sáng và dinh dưỡng nhưng lại không sử dụng CO2 thì sẽ không thể tránh khỏi vấn đề rêu hại. 

Cỏ dùi trống là loài cây hấp thụ dưỡng chủ yếu từ nền vậy nên bạn cần phải bổ sung thêm phân nhét định kỳ cho cây. 

Chăm sóc cho cây

Cỏ dùi trống sẽ phát triển rất chậm. Khi mới mua về và trồng cây sẽ cần thời gian dài để phát triển rễ và làm quen với bể trước khi chúng có thể lớn được. Và cây cũng phải cần 4-6 tháng để có thể phát triển 8-10cm nếu được chăm sóc hợp lý. 

Cỏ dùi trống cần phải được đặt trong môi trường nhiều ánh sáng vậy nên bạn cần đảm bảo khu vực trồng cây phải thoáng và không có loài cây mọc to với tán rộng trồng bên cạnh. 

Nếu bạn trồng loài cây này một thời gian thì sẽ không thể tránh được tình trạng chúng mọc cành hoa. Thời điểm chúng ra hoa cũng là đánh dấu thời điểm chúng đã sẵn sàng để thụ phấn để ra hạt và sinh sản. Sau khi cây tạo hạt thì chúng sẽ dồn toàn bộ năng lượng vào quá trình này và chúng sẽ chết sau đó. 

Không may là dù bạn có cắt cành hoa thì cỏ dùi trống vẫn sẽ tiếp tục dồn năng lượng để tạo các cành hoa mới. Việc cắt cành sẽ chỉ giúp cây sống được khoảng thêm 1-3 tháng. Để có thể giúp cho cây tiếp tục sống thì bạn có thể ngắt cây con (Nếu chúng có mọc) và trồng chúng sang nơi khác. 

Nhân giống cây

Cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống thường sẽ tạo cây con khi chúng phát triển lớn hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện bể quá hợp lý thì chúng lại thường chỉ phát triển to lên chứ không tạo cây con ở gốc. 

Khi cây bị tổn thương một tẹo hoặc bị nhổ và trồng lại chúng sẽ tạo cây con . Kể cả khi không tạo cây con thì bạn vẫn có thể dùng dao sắc để cắt đôi cây. Khi đó mỗi nửa của cây sẽ phát triển thành một bụi cây con khác nhau. 

Khi bụi cây con mọc đủ lớn bạn có thể nhẹ nhàng tách chúng ra và trồng chúng vào các khu vực khác nhau trong bể. 

Các vấn đề thường gặp khi trồng cỏ dùi trống

Cỏ dùi trống không phải là loài cây dễ trồng vậy nên bạn sẽ có thể gặp kha khá vấn đề khi trồng loài cây này, có thể kể đến là: 

Cây bị rữa lá: Cỏ dùi trống cũng như nhiều loài cây thủy sinh khác đều được trồng cạn tại các trại cây để tiết kiệm chi phí cũng như là giúp cây phát triển nhanh hơn. Vậy nên khi chuyển cây vào môi trường dưới nước thì lá cạn của cây sẽ chết dần, dẫn tới tình trạng rữa lá. Nếu điều kiện bể thuận lợi thì cây có thể nhanh chóng thích nghi và phát triển lá nước sau đó. 

Ngoài ra, cây cũng có thể bị rữa lá do không có đủ ánh sáng/ CO2 hoặc là dưỡng.  

Cây có tuổi thọ ngắn: Cỏ dùi trống chỉ có tuổi thọ khoảng một năm trước khi nó bắt đầu ra hoa và chết dần. Đây là quá trình tự nhiên và bạn không thể làm gì được. 

Rêu hại: Cỏ dùi trống là loài cây chậm lớn nhưng lại đòi hỏi nhiều ánh sáng cũng như là dinh dưỡng. Vậy nên khi trồng chúng trong bể thi cây sẽ dễ bị rêu hại tấn công. 

Khi phát hiện bể có tình trạng rêu hại thì bạn cần phải giảm sáng, thay nước thường xuyên và nuôi thêm các loài ăn rêu. 

Kết lại: bạn có nên trồng dùi trống thủy sinh không?

Cỏ dùi trống là loài cây đặc biệt với mức độ chăm sóc đặc biệt không kém. 

Bạn nên tránh nuôi loài cây này nếu bạn là người mới bởi chúng sẽ đòi hỏi cao về dinh dưỡng, ánh sáng cũng như là CO2. Ngoài ra loài cây này cũng cần phải được nhân giống, tách thân đúng cách bởi chúng có tuổi thọ khá ngắn. 

Nếu bạn có thể cung cấp cho chúng môi trường sống phù hợp và đang muốn tìm loài cây tiền cảnh thú vị thì loài cây này sẽ dành cho bạn. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *