aquasetup

Diệp tài hồng lá táo: tổng quan cách chăm sóc

Mục lục

Diệp tài hồng lá táo

Diệp tài hồng lá táo là một trong những dòng cây thủy sinh sống khỏe nhất mình biết tới. Chúng có thể sống tốt cả ở trong những môi trường nghèo ánh sáng và CO2.
Theo mình thì dòng cây này có thể là dòng cây mọc nhanh nhất trong số các loại cây cắt cắm thủy sinh. Chỉ với một nhánh cây thì diệp tài hồng lá táo có thể dễ dàng mọc lan khắp bể chỉ trong khoảng thời gian ngắn. 

Vậy nên nếu bạn đang tìm kiếm một loài cây dễ trồng, phát triển nhanh và có thể lên được màu cam đỏ thì loài cây này sẽ phù hợp cho bạn. Hiện nay thì định nghĩa diệp tài hồng lá táo vẫn còn chưa rõ ràng ở Việt Nam. Có hai dòng cây hiện nay đều được gọi là diệp tài hồng lá táo, cụ thể là hai loại LUDWIGIA REPENS và LUDWIGIA OVALIS. 

Trong bài viết này mình sẽ nói về cách phân biệt hai loại cây này cũng như là cách chăm sóc cho chúng. 

Về diệp tài hồng lá táo

Mức độ chăm sócDễ
Yêu cầu ánh sángTrung bình thấp
Tên khoa học Ludwigia Repens, Ludwigia ovalis
Màu sắcVàng, cam đỏ tùy thuộc vào môi trường sống
Vị trí trồngTrung cảnh, hậu cảnh 
Chiều caoLên tới 50 cm nếu không được cắt tỉa
CO2Không cần
Phân nướcKhông cần hoặc ít cần
Loại câyCắt cắm

Diệp tài hồng lá táo được bán trên thị trường hiện nay chủ yếu là dòng Ludwigia Repens. Loài cây thuộc chi Ludwigia cùng với rất nhiều loài cây thủy sinh phổ biến khác như là diệp tài hồng lá táo, hoàng thái dương, tân đế tài hồng, bạch thái dương,… 

Diệp tài hồng lá táo có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Mexico, ngoài ra loài cây này cũng có thể được tìm thấy ở một số nơi ở Châu Phi, Châu Á và Úc. 

Ngoài tự nhiên chúng sống tại các khu vực kênh rạch, ao, sông, suối có mực nước thấp. Chúng thường mọc thành thảm dưới nước và vươn một ít lên phía trên bề mặt nước. 

Dòng diệp tài hồng lá táo Ludwigia ovalis có ngoại hình khá tương đồng, tuy nhiên chúng sẽ kém phổ biến hơn. Loài cây này có nguồn gốc từ phía Đông Á. 

Về điều kiện chăm sóc và thông số cần thiết để trồng thì hai loài cây khá tương đồng nên mình sẽ gộp hai loại làm một. Hơn hết nữa ngoài thị trường vẫn chưa phân loại hai loài này và vẫn gọi chung một tên gọi.

Diệp tài hồng lá táo

Cách phân biệt rất đơn giản. Mặc dù có hình dáng lá tương đồng nhưng dòng Ludwigia Repens sẽ có hai lá trên một đốt. Dòng Ludwigia ovalis sẽ chỉ có một lá trên một đốt. Để dễ tưởng tượng thì bạn có thể nhìn hình bên trên. 

Diệp tài hồng lá táo
Ludwigia ovalis
Diệp tài hồng lá táo
Ludwigia Repens

Có một số nơi cũng sẽ gọi diệp tài hồng táo đỏ/ (Ludwigia repens ‘Rubin’) là diệp tài hồng lá táo. Dòng cây này thực chất không phải là Ludwigia repens mà là Ludwigia aff. glandulosa.

Chúng sẽ có chế độ chăm sóc giống và sẽ lên được màu đỏ đậm hơn nhiều nếu được cho ánh sáng mạnh.

Diệp tài hồng lá táo
Ludwigia aff. glandulosa.

Đặc điểm của diệp tài hồng lá táo

Diệp tài hồng lá táo là dòng cây cắt cắm có thể mọc cạn hoặc bán cạn. Với mỗi một môi trường sống thì chúng sẽ có kiểu dáng lá khác nhau. 

Khi được trồng dưới nước thì chúng sẽ có lá to hơn với màu sắc đa dạng, có thể là xanh cho tới nâu đỏ hoặc là đỏ đậm. 

Khi có môi trường sống hợp lý thì cây sẽ mọc thành thảm dày với chiều cao có thể lên tới 30-50 cm và độ rộng tán cây vào khoảng 4-6cm. 

Với dòng Ludwigia Repens thì lá cây sẽ mọc thành hai lá trên một đốt cây. Dòng Ludwigia ovalis sẽ có lá ánh đỏ tím hơn một tẹo và chỉ có một lá trên một đốt. 

Thông thường thì phần mặt lá phía trên của cây sẽ có màu xanh ô liu còn mặt dưới lá sẽ có màu đỏ (Màu sắc của cây cũng sẽ có thể thay đổi tùy vào môi trường và điều kiện sáng). 

Cách để chăm sóc cho diệp tài hồng lá táo

Diệp tài hồng lá táo là dòng cây dễ chăm sóc. Chúng có lẽ là dòng cây sống khỏe nhất mình từng trồng. Có lẽ việc giết cây sẽ khó hơn là nuôi chúng sống. 

Miễn là bạn để ý đến một số điều dưới thì sẽ khó có gì có thể sai được. 

Thông số nước

Diệp tài hồng lá táo sẽ sống tốt ở môi trường nước hơi ấm một tẹo, vào khoảng 20 – 28 độ C. 

Cây có thể sống trong cả nước cứng lẫn nước mềm, vậy nên bạn không cần quá quan trọng về thông số này. 

Diệp tài hồng lá táo thích nước trung tính, tốt nhất là vào khoảng 5.5-8.0

Ánh sáng

Ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất bạn cần để ý nếu muốn trồng loài cây này. Mặc dù chúng có thể sống ở điều kiện ánh sáng thấp. Để cây ra lá to và lên màu đẹp thì bạn cần phải cho chúng ánh sáng mạnh và lâu hơn, vào khoảng 10 tiếng mỗi ngày. 

Khi tăng thời gian chiếu sáng cho cây thì bạn cũng cần phải để ý đến rêu hại. Bạn không nên chiếu sáng quá nhiều nếu bể không có CO2 hoặc là bạn phát hiện bể bắt đầu mọc rêu. 

Bộ nền

Cây cần được trồng trong bộ nền đủ dày, tối thiểu là tầm 4cm và giàu dưỡng. 

CO2 và phân nước

Cây sẽ không cần CO2 cũng như là phân nước châm thêm. Dinh dưỡng từ thức ăn thừa cũng như phân cá có thể giúp cây có thể sống được. 

Để cây có thể phát triển tốt thì bạn vẫn nên bổ sung thêm CO2 và châm phân nước định kì trong bể. 

Cách trồng, cắt tỉa cây diệp tài hồng lá táo

Cây thường được bày bán trong các chậu cát nhỏ. Vậy nên khi mới mua cây về bạn cần phải nhẹ nhàng nhổ cây khỏi cốc và rửa sạch đất cát bẩn. 

Khi đó bạn hãy trồng cây thành các nhóm nhỏ và trồng chúng cách nhau khoảng 2-4 cm để chừa không gian cho cây lớn và mọc tán ra xung quanh. 

Sau khi trồng một thời gian thì bạn cần phải cắt tỉa cho cây để đảm bảo bể không bị quá lộn xộn. Hơn hết nữa là phần gốc của cây sẽ chết dần. Vậy nên nếu bạn không cắt tỉa cây và cắm lại ngọn thì cây sẽ bị chết dần với phần gốc xơ xác. 

Bạn có thể tỉa phần ngọn của cây khoảng 10cm trở lên và cắm trở lại gốc để giúp cây phát triển và mọc tán rậm hơn. 

Vấn đề phổ biến

Khi trồng cây bạn có thể gặp một số vấn đề như là:

  • Cây bị mất lá phía dưới: Tình trạng này thường xảy ra khi cây mọc quá cao và phát triển tán rộng, cộng với việc được chiếu sáng thấp. Do đó các lá phía dưới sẽ bị rữa và chết dần. Đó là lý do bạn cần phải cắt tỉa cây định kì. 
  • Lá cây bị lỗ: Lá cây bị lỗ là biểu hiện của việc cây bị thiếu kali. Thông thường cây có thể lấy được kali từ thức ăn thừa cho cá hoặc là phân cá. Tuy nhiên, nếu bể của bạn nuôi quá ít cá thì bạn cần phải bổ sung thêm phân nước cho cây. 
  • Rữa lá: Loài cây này ít khi bị rữa lá, tình trạng bị rữa lá phổ biến nhất là khi cây đang chuyển dần từ lá cạn sang lá nước. Trong trường hợp này thì bạn không cần phải làm gì bởi đây là quá trình tự nhiên. 

Cách để cây diệp tài hồng lá táo lên màu đỏ đậm

Cây không lên được màu cũng là vấn đề phổ biến nhiều người gặp phải khi cố trồng loài cây này. 

Đôi khi bạn có thể thấy loài cây này trên mạng hoặc ngoài cửa hàng có màu đỏ tươi rực rỡ nhưng khi trồng chúng ở nhà thì cây lại nhợt nhạt và thiếu sức sống, khá là khó chịu đúng không?

Để cây có thể lên được màu đỏ đậm thì bạn cần phải đảm bảo 3 yếu tố sau:

  • Ánh sáng mạnh (cường độ cao với ánh sáng xanh/ đỏ mạnh)
  • CO2 nhiều
  • Mức NO3 hay nitrate trong bể thấp

Ánh sáng là yếu tố đầu tiên giúp diệp tài hồng lá táo có thể lên được màu. Để có thể có được màu đỏ đậm thì bể phải có đèn thủy sinh chuyên dụng loại tốt và được chiếu sáng mạnh 10 tiếng một ngày. 

Ngoài ra, đi kèm với việc chiếu sáng thì bạn cần phải sử dụng CO2 để cây có thể tận dụng hết được ánh sáng cũng như là dưỡng trong bể. 

Yếu tố cuối cùng cũng là yếu tố quan trọng nhất để giúp cây thủy sinh lên màu đỏ: Nồng độ nitrate trong bể thấp. 

Để hiểu hơn về nitrate và quá trình cycle bể cá bạn có thể đọc thêm trong bài viết này. 

Nhìn chung thì miễn là nồng độ nitrate trong bể thấp thì dù một số loại cây có nuôi trong điều kiện ánh sáng mạnh hay yếu, mức độ dinh dường nghèo hay nhiều đều có thể lên được màu đỏ. 

Vậy làm thế nào để bạn giảm được nồng độ nitrate trong nước?

Câu trả lời là thay nước thường xuyên hoặc trồng nhiều cây thủy sinh. Nitrate là một chất sản sinh ra nhờ quá trình vi sinh tiêu thụ ammonia có hại. Khi đó cây thủy sinh hoặc rêu hại có thể lấy được nitơ từ nitrate để phát triển. 

Bể cá bị thừa quá nhiều nitrate thì sẽ bị rêu hại và gây hại cho cá cũng như tép. Đây là lý do bạn cần phải thay nước bể định kỳ, để giữ cho nước bể luôn sạch và ổn định. 

Kết lại: Bạn có nên trồng diệp tài hồng lá táo không?

Diệp tài hồng lá táo là loài cây sống khỏe, phù hợp với tất cả mọi người nuôi, kể cả với những người mới chơi. 

Theo mình thì bạn không nên trồng loài cây này trong bể bé bởi lá của chúng có thể khá to và cây phát triển nhanh nên sẽ có thể chiếm hết không gian trong bể nếu không được cắt tỉa thường xuyên. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *