aquasetup

Chi tiết cách chăm sóc tiêu thảo parva: Loài cây trải nền không cần CO2

Mục lục

Tiêu thảo parva

Nếu bạn đang muốn tìm một loài cây trải nền đẹp không cần chăm sóc quá nhiều thì bạn có thể xem xét mua tiêu thảo parva. Đây là loài cây nhỏ nhất thuộc họ tiêu thảo. 

Chúng sống khỏe, lớn chậm và sẽ có thể bò khắp nền bể thủy sinh nếu được cung cấp cho môi trường sống hợp lý. 

Trong bài viết này mình sẽ nói tất cả những gì bạn cần biết, các vấn đề hay gặp và cách giải quyết khi chăm sóc loài cây này. 

Về tiêu thảo parva

Mức độ chăm sócDễ
Yêu cầu ánh sángTrung bình 
Tên khoa học Cryptocoryne Parva
Màu sắcXanh lá sáng
Vị trí trồngTiền cảnh
Chiều cao5 – 10 cm
CO2Không cần
Phân nướcNên có
Loại câyCây trồng nền

Tiêu thảo parva có nguồn gốc từ Nam Á, Sri Lanka. Ngoài tự nhiên chúng mọc thành những bụi dày ở khu vực bờ sông. 

Hồi trước, tiêu thảo parva bị nhầm lẫn với dòng tiêu thảo mũi tên (Cryptocoryne x willisii) bởi ngoại hình hai loại cây này khá tương đồng. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì bạn có thể thấy dòng tiêu thảo mũi tên có phần lá ngắn và tròn hơn một tẹo và loài cây này cũng sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với tiêu thảo parva. 

Hiện nay ở Việt Nam hơi khó kiếm dòng tiêu thảo mũi tên nên nhiều shop vẫn gọi chung tiêu thảo parva là tiêu thảo mũi tên.  

Ngoại hình

Tiêu thảo parva

Tiêu thảo parva là dòng tiêu thảo nhỏ nhất với chiều cao tối đa chỉ đạt khoảng 10cm, thường là sẽ nhỏ hơn, chỉ vào khoảng hơn 5cm với lá đạt độ dài khoảng 5-7 cm. 

Chúng có màu xanh sáng và sẽ hiếm khi đổi màu theo môi trường. 

Loài cây này có cả dạng lá cạn và lá nước. Lá tiêu thảo khi mọc trên cạn sẽ rộng hơn trong khi đó lá mọc dưới nước sẽ thon gọn hơn. 

Cách trồng tiêu thảo parva

Tiêu thảo thường được bán theo cốc với nhiều cụm nhỏ. Khi mua về bạn hãy tiến nhẹ nhàng tách cây ra khỏi cốc và rửa sạch chúng với nước chảy nhẹ. Sau đó bạn hãy tách cây thành từng cụm nhỏ khoảng 3 cm và trồng chúng cách nhau khoảng 5cm. 

Việc trồng cây theo cụm như vậy giúp cho tiêu thảo có không gian để phát triển nhánh ra xung quanh, từ đó khiến cây mọc thành thảm trong bể nhanh hơn. 

Khi trồng cây bạn hãy vùi toàn bộ phần rễ và một ít thân của cây xuống dưới nền. Bạn cần tránh vùi cây quá sâu để tránh tình trạng thôi thân cây. 

Lưu ý: tiêu thảo parva có thể có dấu hiệu rữa sau khi trồng. Đây là thời điểm khi chúng bắt đầu chuyển từ lá cạn sang lá nước. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường vậy nên nếu bạn thấy cây có dấu hiệu rữa thì đừng nên quá lo lắng và quan sát thêm. Thông thường thì cây sẽ nhanh chóng khỏe lại nếu được trồng trong môi trường tốt. 

Cách chăm sóc cho tiêu thảo parva

Tiểu thảo parva là loài cây không cần chăm sóc nhiều, vậy nên chúng sẽ phù hợp với cả những người mới nuôi. Khi nuôi cây thì bạn cần phải lưu ý đến một số điều sau:

Ánh sáng

Các dòng tiêu thảo bình thường không cần quá nhiều ánh sáng, thậm chí chúng có thể sống được dưới điều kiện ánh sáng thấp. 

Tiêu thảo parva cũng vậy nhưng chúng sẽ cần nhiều ánh sáng hơn một tẹo. Lý do là bởi chúng có kích thước nhỏ và thường được trồng khá sâu dưới đáy bể, cách xa nguồn sáng. 

Hơn hết nữa, nhiều khi cây cũng có thể bị các loài cây lớn khác che mất sáng. 

Cây vẫn có thể sống trong điều kiện ánh sáng thấp nhưng khi đó loài cây chậm lớn này sẽ càng lớn chậm hơn nữa. Vậy nên khi trồng cây bạn nên cho chúng ánh sáng cường độ trung bình với thời gian chiếu sáng khoảng 8 tiếng mỗi ngày. 

Thông số nước

Tiêu thảo parva có thể chịu được dải nhiệt độ rộng, vào khoảng 20 -28 độ C. Độ pH nên hơi cứng một tẹo, vào khoảng 5.5 – 7.5. 

Loài cây này có thể sống trong cả nước cứng lẫn nước mềm, vào khoảng 20- 400 ppm. Vậy nên bạn không cần quá quan trọng về thông số này. 

Bộ nền

Cây có thể sống trong nền cát hoặc là nền sỏi. Tuy nhiên mình không khuyến khích bạn trồng cây trong bộ nền này bởi khi đó cây sẽ bị khó phát triển rễ hơn. 

Hơn hết nữa nền cát sỏi không có dưỡng vậy nên bạn cần phải có thêm cốt nền hoặc là phân nhét. 

Cây tốt nhất nên được trồng trên đất nền thủy sinh chuyên dụng với độ dày nền tối thiểu là 5cm. 

CO2 và phân nước

Tiêu thảo parva là một trong số những dòng cây trải nền mà không cần dùng đến CO2. Vậy nên bạn có thể xem xét trồng loài cây này nếu như bạn đang có một chiếc bể low-tech (bể cá đơn giản chỉ có lọc đèn và bể thủy sinh, không dùng đến các loại thiết bị khác). 

Cây nên được bổ sung thêm phân nhét hoặc là phân nền nếu như bộ nền có dấu hiệu cạn dưỡng. 

Chăm sóc định kì cho cây

Tiêu thảo parva là loài cây lớn chậm. Vậy nên bạn không cần phải chăm sóc định kì cho cây nhiều, cụ thể là cắt tỉa hoặc là ngắt thân cây để trồng sang nơi khác. Thông thường thì bạn không cần phải cắt tỉa cây trong khoảng nửa năm sau khi trồng. 

Khi bộ nền cạn dưỡng thì bạn cần phải bổ sung thêm phân nước sau mỗi lần thay nước. Bạn nên sử dụng loại phân nước tổng hợp để có thể bổ sung toàn bộ dinh dưỡng cần thiết cho cây. 

Ngoài ra bạn có thể nuôi thêm các loài ăn rêu hại như là tép amano, ốc nerita để có thể xử lý vấn đề rêu hại trên mặt lá cây. 

Các vấn đề thường gặp phải

Vấn đề thường gặp phải nhất khi trồng tiêu thảo parva đó là cây bị rữa lá. Đây cũng là vấn đề thường gặp đối với các dòng tiêu thảo khác. Đôi khi tiêu thảo có thể bị rữa do bệnh, chúng có thể nhanh chóng lan sang khắp toàn bộ tiêu thảo trong bể trong thời gian ngắn. 

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho tiêu thảo bị rữa lá là chúng đang làm quen với môi trường nước mới. 

Tiêu thảo parva phải mất đến một tháng để có thể bắt đầu làm quen với bể mới trước khi chúng có thể phát triển lá mới. 

Trong trường hợp này thì bạn không cần quá lo lắng và chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi. 

Đôi khi tiêu thảo có thể bị rữa lá do nồng độ nitrate trong bể bị tăng cao. Khi đó bạn cần phải tích cực thay nước thường xuyên hơn. Để loại bỏ nitrate trong bể thì bạn cần phải thay khoảng 10% lượng nước bể mỗi tuần với nước sạch được khử clo. 

Ngoài ra, do tiêu thảo parva lớn chậm nên chúng sẽ bị rêu hại tấn công. Khi bạn để ý thấy cây có vấn đề rêu hại bạn cần phải giảm thời gian chiếu sáng cho bể lại, thay nước thường xuyên hơn và nuôi thêm các loài ăn rêu. 

Tiêu thảo parva đôi khi có thể cũng bị vàng hoặc bị lỗ trên lá. Tình trạng này xảy ra chủ yếu bởi cây bị thiếu sắt hoặc thiếu kali. Bạn có thể bổ sung thêm dưỡng cho cây bằng cách sử dụng phân nước tổng hợp. 

Kết lại: Bạn có nên trồng tiêu thảo parva không?

Nếu bạn đang tìm kiếm một loài cây dễ trồng, mọc chậm, không cần cắt tỉa và chăm sóc nhiều thì loài cây này sẽ dành cho bạn. Tiêu thảo parva phù hợp cho cả những người mới nuôi bởi chúng sống khỏe và có thể chịu được nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Đôi khi cây có thể bị rữa lá khi làm quen với môi trường mới hoặc là bị vàng lá do thiếu hụt sắt/ kali. Khi đó bạn cần cung cấp cho cây nước sạch và bổ sung thêm phân nước cho cây. 

Chúng là loại cây phù hợp để trồng trong những bể nano hoặc là để trải thảm cho những bể không sử dụng CO2. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *