Trầu bà là loại cây tuyệt vời để lọc nước trong bể. Mình đặc biệt thích loại cây này bởi chúng dễ sống, dễ kiếm và hơn hết nữa là có thể giúp khử độc nước bể. Chúng có thể giúp hấp thụ các tạp chất nitơ có trong nước (tạo ra từ chất thải của cá).
Ngoài ra, chúng cũng có thể giúp lọc không khí trong phòng.
trầu bà sẽ không giúp làm trong, khử cặn nước, thay vì đó chúng sẽ hấp thụ nitrate dư thừa trong bể. Từ đó giúp cá cảnh khỏe mạnh, bể bị ít rêu hại hơn. Khi trồng trầu bà trong bể bạn cũng đỡ cần phải thay nước cho bể cá thường xuyên như trước nữa.
Tuyệt vời đúng không? Dưới là các điều bạn cần biết khi bạn muốn trồng loài cây này trong bể thủy sinh.
Về cây trầu bà
Cây trầu bà có tên gọi khác là vạn niên thao leo, hoàng kim, hoàng tam điệp,….
Chúng là loài cây thuộc họ ráy với tên khoa học là Epipremnum aureum. Bạn biết tại sao trầu bà lại phổ biến đến như vậy không? Lý do là bởi chúng không thể chết được. Loài cây này có thể sống trong điều kiện ánh sáng cực thấp, có thể gần như là không có ánh sáng.
Cây có thể được trồng vào bất kì loại đất nào hoặc cũng có thể trồng thủy sinh với lá ở bên ngoài mặt nước.
Điểm trừ duy nhất là loài cây này độc đối với chó và mèo nếu chúng ăn phải. Tuy nhiên, khi trồng trong bể cá thì chúng sẽ không gây bất kỳ vấn đề gì.
Lợi ích của trầu bà đối với bể cá
Trầu bà là loại cây phổ biến để trồng phía trên mặt nước của bể cá. Chúng không phải là loại cây thủy sinh hoàn toàn, chỉ có thể trồng được nếu phần rễ và thân của cây ngập trong nước và lá ở không khí.
Tuy vậy, chúng vẫn có thể có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của bể.
Cây có thể giúp hấp thụ nitrate trong bể cá. Nitrate sản sinh ra từ ammonia và trước đó là từ vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ dư thừa trong bể.
Nitrate sẽ không có hại nhiều cho cá. Nhưng nếu lượng nitrate bị tích tụ quá nhiều thì cá vẫn có thể bị ngộ độc. Hơn nữa, khi đó rêu hại cũng có thể sử dụng nguồn nitrate dư thừa này để xâm chiếm bể.
Cách giải quyết thường thấy nhất là thay nước định kỳ cho bể. Nếu bạn không có điều kiện thay nước cho bể thì bạn nên trồng nhiều loại cây thủy sinh có thể hấp thụ lượng nitrate dư thừa này. Một trong những loài cây phổ biến có thể kể đến là rong, bèo,.. và có cả trầu bà.
Khi trầu bà quen với môi trường, chúng sẽ phát triển nhanh và mọc rễ mạnh. Rễ của cây có thể tạo chỗ trú ẩn, kiếm ăn cho cá và tép trong bể.
Nếu rễ cây mọc quá mạnh thì bạn có thể cắt tỉa bớt đi để tránh rễ cây mọc chắn chỗ bơi của cá.
Cách trồng trầu bà trong bể cá
Bạn chỉ cần nhặt một nhánh trầu bà hoặc đặt mua trên mạng là được, không cần phải mua cây to bởi chúng sẽ lớn rất nhanh, đặc biệt là khi được trồng thủy sinh trong bể cá.
Bạn có thể thả trầu bà trực tiếp vào ngăn lọc của lọc treo cũng được, tránh ngăn có cánh quạt ra là được.
Bạn cũng có thể đặt rễ cây trực tiếp vào trong bể và để lá ngoài không khí. Trầu bà khi đó sẽ mọc nhánh dài, bò ra phía ngoài bể hoặc là leo lên tường cạnh bể.
Trầu bà có trồng ngập hoàn toàn dưới nước được không
Trầu bà sẽ khó có thể sống ngập hoàn toàn dưới nước. Mình nói khó là bởi vì mình đã thấy một số trường hợp hiếm trồng thành công rồi. Tuy vậy, khi đó cây sẽ mọc chậm bởi lá cây không thể lấy dinh dưỡng từ nước trực tiếp như các loại cây truyền thống khác.
Khi trồng cây bạn có thể để rễ cây ngập trong nước là được. Phần gốc thì bạn có thể để ngập hoặc không, lá cây buộc phải để ở ngoài mặt nước.