aquasetup

Tổng quan cách chăm sóc tảo cầu marimo

Mục lục

tảo cầu marimo

Tảo cầu marimo là loài thực vật thú vị, nhìn như là được tạo ra bởi con người vậy. Trên thực tế chúng có thể tự hình thành ngoài tự nhiên. Chúng là một loại tảo có đặc tính khá đặc biệt. 

Loài tảo này có hình dạng cầu phủ lông nhỏ, thường chỉ có kích thước vào khoảng 2-5cm, đôi khi có thể lớn hơn. 

Ngoài ra, đây cũng là loại thực vật dễ nuôi, dễ sống, không yêu cầu nhiều về môi trường sống. Bạn có thể nuôi chúng trong bể cá thủy sinh hay đơn giản là chỉ nuôi trong một lọ nước bé cũng được. 

Về tảo cầu marimo

Nghe từ Marimo khá “Nhật Bản” đúng không? Đúng là tên gọi của chúng bắt nguồn từ Nhật, có nghĩa là “viên tảo biển”.

Chúng có nguồn gốc từ Nhật Bản, Estonia, Iceland, Scotland và Úc. 

Ngoài tự nhiên, nhờ vào dòng chảy của sông đẩy viên tảo này qua lại mà chúng có thể dần dần phát triển thành hình cầu tròn nhỏ nhìn như có lớp lông phủ bên ngoài. 

Tảo cầu marimo là biểu tượng của sự may mắn tại Nhật Bản. Có một vài câu truyện còn kể rằng loài tảo này có thể sống tới 200 năm, còn có thể được truyền lại trong gia đình, truyền lại từ đời ông xuống bố mẹ và rồi tới con cháu. Sau mỗi thế hệ thì chúng lại lớn hơn. 

Ngoài ra viên tảo này cũng có một sự tích khá thú vị. Truyền thuyết kể rằng có một đôi nam nữ yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau. Khi tình yêu của họ bị ngăn cấm, cặp đôi này cùng nhau quyết định nhảy xuống sông, tim của họ biến thành viên tảo cầu marimo. Do đó nhiều người tin rằng tảo cầu marimo sức mạnh đặc biệt, có thể giúp ta đạt được điều ước mong muốn từ trái tim. 

Cách chăm sóc cho tảo cầu marimo

Tảo cầu marimo là loài thực vật dễ chăm sóc và không cần quá nhiều ánh sáng. Tuy vậy chúng sẽ lớn khá chậm và dễ bị rêu hại nếu bạn không cẩn thận. Dưới là các lưu ý bạn cần biết khi muốn chăm sóc cho loài tảo này. 

1. Chăm sóc trong bình nhỏ

tảo cầu marimo

Tảo cầu marimo không yêu cầu cao về kích thước bể. Bạn có thể nuôi được chúng chỉ trong bình thủy tinh nhỏ cũng được. 

Thay nước cho bể

Tuy nhiên với bể nhỏ thì bạn cần phải thay nước hàng tuần hoặc hai tuần một lần khi bạn nhận thấy nước có dấu hiệu bị đục hoặc bị hôi. Khi đó nhiều khả năng là do bể bị các loại rêu/ vi khuẩn khác xâm chiếm. 

Nếu mọi thứ ổn, nước trong và không có mùi thì bạn chỉ cần thay nước cho chúng một tháng một lần để bổ sung dinh dưỡng cho tảo phát triển là được. 

Có nắp đậy hay không có nắp?

Tảo cầu marimo hay được nuôi trong các bình nhỏ có nắp đậy. Nếu bạn thay nước hàng tuần cho cây thì bạn có thể đậy nắp cũng được. Tuy nhiên bạn cần để ý kĩ, khi nhiệt độ ngoài trời nóng thì tảo sẽ khó lấy O2 trong nước hơn. 

Nếu bạn thấy có nước đọng lại phía trên thành bình thì bạn cần mở nắp ra. 

Nếu bạn nuôi chúng mà không thay nước trong thời gian dài thì bạn cần phải để nắp bình hé hoặc thỉnh thoảng mở nắp ra để tảo cầu có thể có nguồn oxy mới từ bên ngoài. 

Dinh dưỡng cho tảo cầu

Tảo cầu có thể sống được mà không cần phải châm thêm phân nước gì cả. Bạn chỉ cần thay nước cho chúng định kỳ để tảo có thêm nguồn dưỡng mới là được. 

Nếu bạn muốn cho tảo xanh hơn thì bạn có thể thử mua phân nước thủy sinh và nhỏ một vài giọt vào trong. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể thả một tí tẹo thức ăn cho cá vào bên trong để tạo chất hữu cơ phân hủy cho tảo. Bạn cần tránh thả quá nhiều bởi làm vậy có thể dễ dàng làm đục và bẩn nước. 

Ánh sáng 

Tảo cầu marimo không cần quá nhiều ánh sáng, ánh sáng gián tiếp từ cửa sổ là đủ rồi. Chúng cũng có thể sống được chỉ từ ánh sáng đèn huỳnh quang/led thông thường trong phòng. 

Chiếu sáng nhiều sẽ giết cây nhanh hơn là chiếu sáng ít. Bạn cần tránh để cây dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp. Làm vậy có thể khiến nhiệt độ bình tăng và tảo bị nâu, chết. 

Ngoài ra, thỉnh thoảng bạn cũng nên lật tảo để chúng không bị thiếu sáng ở phần đáy. 

Nguồn nước

Nguồn nước máy chứa clo có thể giết tảo từ từ. Vậy nên bạn cần thay nước cho chúng bằng nước sạch đã được khử clo. Để khử clo bạn có thể để nước ở ngoài một ngày, sử dụng thêm sủi để clo nhanh bay hơi. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc khử độc nước. 

2. Chăm sóc trong bể cá

Chăm sóc tảo trong bể cá sẽ đơn giản hơn. Bạn chỉ cần thả tảo vào bể và để chúng ở trong đó là được. Vấn đề lớn nhất đối với mình khi chăm tảo trong bể cá là chúng bị dính các loại rêu hại khác. Khi đó tảo có thể sẽ bị che sáng và chết dần. 

Khi chăm sóc cho tảo trong bể cá thì bạn sẽ không cần phải quá lo ngại về thông số nước như là nhiệt độ, độ cứng, ph bởi tảo có thể sống được ở gần như mọi điều kiện mà cá có thể sống được. 

Dinh dưỡng cho tảo

Phân cá hoặc các chất hữu cơ khác trong bể sẽ có thể cung cấp đủ dinh dưỡng để cho tảo phát triển. 

Ngoài ra, nếu như bể của bạn có thêm CO2 thì càng tốt. CO2 sẽ giúp cho tảo phát triển nhanh hơn nhiều khi đó chúng sẽ mọc bông xù và lên màu đẹp hơn. 

Ánh sáng

Ngoài tự nhiên, tảo cầu marimo sống tại đáy sông. 

Vậy nên chúng không cần quá nhiều ánh sáng. Chúng có thể sống được cả trong ánh sáng mạnh lẫn ánh sáng yếu. Tuy nhiên bạn cần lưu ý khi nuôi chúng trong ánh sáng mạnh. Khi đó tảo có thể dễ bị dính rêu hại, đặc biệt là rêu tóc. Khi đó bạn cần phải giảm sáng và thay nước cho bể thường xuyên hơn. 

Tảo cầu marimo sinh sản

Tảo cầu marimo có thể sinh sản, tức là đẻ cục tảo mới khi nuôi trong bể lớn. Chúng sẽ không làm vậy khi nuôi trong bể nhỏ hoặc là bình thủy tinh nhỏ. 

Khi chúng sinh sản, viên tảo sẽ mọc một cục nhỏ mới ở trên, cục tảo nhỏ này sẽ dần phát triển và tách khỏi thân của viên tảo cũ. 

Cách nhân giống tảo cầu marimo

Bạn có thể nhân giống tảo cầu marimo bằng cách cắt chúng làm đôi hoặc cắt làm 4. 

Vì tảo cầu chúng là tập hơn tảo liên kết lại với nhau, chúng không có lá, thân hay rễ nên bạn hoàn toàn có thể cắt đôi chúng để tạo thành hai viên tảo cầu mới. 

Để cắt đôi tảo thì bạn có thể dùng kéo sắc để cắt tảo ở chính giữa. Sau đó bạn có thể cắt lần nữa để tạo thành 4 viên tảo mới. 

Tuy nhiên bạn cần lưu ý là tảo lớn rất chậm, chỉ vào khoảng 5mm mỗi năm, vậy nên phải mất kha khá thời gian để viên tảo nhỏ có thể lớn được như viên ban đầu, có thể mất tới vài năm. 

Cách cho viên tảo cầu lớn nhanh hơn

Bạn có thể cho tảo cầu lớn nhanh hơn bằng cách cho chúng nguồn nước sạch, mới đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, bạn cũng cần phải đảo tảo ít nhất là một lần một tuần để chúng có thể tròn hơn và nhận được ánh sáng đều. 

Tại sao tảo marimo nổi/chìm?

Tảo cầu marimo sẽ nổi và chìm dựa vào quá trình quang hợp của chúng. Khi tảo quang hợp vào ban ngày, các bong bóng nhỏ O2 sẽ bị kẹt lại ở trong và khiến cho tảo marimo nổi lên. 

Nhưng mà không phải ban đêm tảo cũng sẽ hô hấp, lấy O2 và nhả CO2 ư?

Đúng là vậy nhưng mà CO2 sẽ tan dễ hơn trong nước (gấp 22 lần O2). Vậy nên chỉ bong bóng O2 mới bị kẹt lại ở trong tảo mà thôi. 

Tức là tảo sẽ nổi lên vào ban ngày, đặc biệt là khi có nhiều ánh sáng. 

Tảo sẽ nổi dễ hơn khi bạn cho chúng nhiều sáng (tuy nhiên cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp). Ánh sáng từ bóng đèn phòng sẽ khó có thể khiến tảo quang hợp đủ mạnh để nổi lên được. 

Ngoài ra thì tảo cũng sẽ dễ nổi hơn nếu bạn cho chúng chu kì chiếu sáng đều đặn (12 h sáng, 12h tối và lặp lại như vậy)

Còn nếu bạn muốn tảo chìm xuống thì bạn chỉ cần nhấc chúng ra ngoài, bóp nhẹ tảo để bong bóng đi hết ra ngoài và đặt chúng lại trong bể là được. 

Cách nhận biết marimo chết

tảo cầu marimo

Bạn có thể nhận biết marimo đang và đã chết dựa vào màu sắc, kết cấu và mùi. 

Cụ thể hơn là khi tảo marimo đang chết, chúng sẽ bị mất dần màu xanh, bắt đầu xuất hiện các đốm nâu trắng. 

Ngoài ra, khi chúng chết thì tảo sẽ mất kết cấu bông xù. Khi bạn chạm vào viên tảo thì bạn sẽ thấy nhớt hơn. 

Cuối cùng là bạn hãy thử bỏ viên tảo ra và ngửi thử, tảo chết sẽ có mùi khá là tệ, chúng sẽ tanh kiểu cá chết vậy. 

Cách chữa trị cho tảo

Nếu như là tảo vẫn còn chút màu xanh thì có lẽ vẫn còn cứu vớt được. 

Tảo có thể bị chết do nhiều nguyên nhân. Phổ biến nhất sẽ là do bị chiếu sáng quá nhiều, bị dính các loại rêu hại hoặc là nhiệt độ trong bình/ bể bị quá cao (trên 30 độ C). 

Ngoài ra tảo cũng có thể bị nâu do thiếu sáng. Tuy nhiên, trường hợp này sẽ hiếm hơn và quá trình chết của tảo sẽ diễn ra lâu hơn nhiều. 

Khi tảo có dấu hiệu chết dần thì đầu tiên bạn hãy nhấc tảo ra ngoài. Tiếp theo đó là rửa qua chúng với nước sạch để trôi hết cặn bẩn . 

Tiếp theo đó bạn hãy đặt viên tảo vào bình nước sạch đã được khử clo. Những ngày sau đó bạn hãy tiếp tục thay nước đều đặn cho tảo nếu nước có dấu hiệu bị bẩn. 

Ngoài ra, bạn có thể thêm một tẹo muối vào và đặt tảo vào trong tủ lạnh để giúp mô phỏng lại môi trường tự nhiên của chúng, đặc biệt là khi tảo bị nâu do nhiệt độ quá cao. (ngoài tự nhiên, tảo cầu marimo có thể được tìm thấy tại những khu vực nước lợ và có nhiệt độ mát tại Nhật Bản)

Kết lại: bạn có nên mua marimo không?

Tảo cầu marimo là một trong những loại thực vật dễ nuôi nhất mình từng mua. Chúng có thể được nuôi trong bể cá cũng như là bình, chai nước nhỏ. Bạn hoàn toàn có thể mua và nuôi chúng kể cả khi không có quá nhiều kinh nghiệm. 

Để chăm sóc cho tảo cầu thì bạn chỉ cần nhớ là cho chúng ánh sáng, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp hoặc ánh sáng mạnh, cộng với việc đảo chúng thường xuyên là được. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *