aquasetup

Tổng quan cách trồng và chăm sóc cho bucep

Mục lục

Cách trồng bucep

Bucep là dòng cây độc đáo, đa dạng và cũng có vô cùng nhiều màu sắc khác nhau. Nhiều cộng đồng đông đảo được lập chỉ nhằm mục đích trao đổi, mua bán loài cây này. 

Bucep đồng thời cũng là dòng cây sống khỏe, là lựa chọn thay thế hoàn hảo cho ráy nếu bạn muốn có gì đó độc đáo, sặc sỡ hơn cho bể thủy sinh. 

Có một nhược điểm là dòng cây này sẽ lớn chậm hơn và có giá thành cao hơn so với ráy hoặc các loại cây thủy sinh. 

Về bucep 

Cách trồng bucep

Bucep là tên gọi bắt nguồn từ tên khoa học của loài cây này. Chúng là những loài cây bắt nguồn từ chi Bucephalandra. 

Bucep có môi trường sống tự nhiên tại bờ của những con suối có dòng chảy mạnh ở đảo Borneo, Indonesia. Bucep thực chất chỉ tồn tại ở khu vực đảo này. 

Cho đến hiện nay các nhà khoa học và người đam mê thủy sinh vẫn chưa khám phá hết được các dòng bucep với các dòng mới vẫn được khám phá thêm trong những năm gần đây. 

Ngoài tự nhiên, chúng sống tại bờ suối, vào mùa khô cây sẽ mọc phía trên mặt nước và sẽ ngập hoàn toàn dưới nước vào mùa mưa. 

Thông thường với dòng bucep hoặc nhiều dòng cây thủy sinh khác, khi bạn mua chúng thì khả năng cao là bạn sẽ mua được bucep lá cạn. Lý do là bởi trồng trên cạn sẽ tiết kiệm hơn nhiều và cây sẽ lớn, phát triển nhanh hơn nhiều khi trồng dưới nước. 

Vậy nên cây sẽ cần một thời gian để có thể phát triển lá nước và ban đầu bạn có thể sẽ thấy lá cây bị rữa một tẹo. 

Ngoại hình

Cách trồng bucep

Bucep giống như ráy là dòng cây có thân bò. Chúng sống bằng cách gắn thân lên trên bề mặt cứng như là lũa, đá, phát triển rễ bám chặt vào giá thể. 

Bucep là dòng cây phổ biến một phần vì dáng lá đa dạng của chúng. Tùy vào từng loại bucep mà cây có thể có lá dạng oval, lá thẳng hoặc là cong, tròn hoặc dài hoặc có hình giọt nước. Lá của bucep có thể có kích thước từ 1cm cho đến 20 cm. 

Bucep thông thường sẽ có màu xanh, nâu, một số dòng cao cấp hơn sẽ có màu tím hoặc xanh đỏ, một số dòng khác còn có màu hồng. 

Với cùng một cây thì lá còn có thể có nhiều màu sắc khác nhau. 

Và hơn hết nữa, đặc điểm dễ nhận dạng nhất của dòng cây này là các đốm trắng nhỏ ở phía trên bề mặt lá – lá cây có các đốm này nhờ vào quá trình quang hợp. 

Cách trồng bucep

Các đốm trắng này trên bề mặt lá tối có màu tím xanh có thể khiến cho bucep nhìn như dải ngân hà vậy. Đó cũng chính là đặc điểm khiến cho bucep ghost – dòng bucep đắt tiền trở nên phổ biến trong cộng đồng thủy sinh. 

Ráy cũng sẽ có những đốm trắng trắng nhỏ này nhưng đốm ở ráy sẽ nhỏ và mờ hơn nhiều. 

Thỉnh thoảng bucep có thể ra hoa. Hoa của chúng sẽ có dạng búp nhỏ, nhọn và sẽ hiếm khi nở dưới nước. Khi được trồng cạn hoa bucep sẽ nở và có màu trắng hoặc hồng nhạt. 

Bucep có dễ trồng không?

Bucep là dòng cây phát triển chậm và sẽ sẽ vô cùng dễ trồng. Nếu được chăm sóc hợp lý thì loài cây này cũng sẽ không cần được bơm thêm CO2 để phát triển. 

Cây cũng sẽ thích nghi tốt với nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau. Vậy nên bạn có thể thoải mái lựa chỗ để trồng cây trong bể mà lo sợ cây bị quá thừa sáng hoặc thiếu sáng. 

Nhìn chung thì cây là loài sống khỏe, đôi khi cây vẫn có thể bị rữa lá nếu nhiệt độ bể quá cao hoặc là môi trường nước không đảm bảo. 

Các loại bucep

Cách trồng bucep

Hiện nay trên thị trường có tầm khoảng 30 loài được đặt tên, tuy nhiên với mỗi loài bucep thì sẽ còn chia và có nhiều cách gọi khác nhau, con số sẽ vào khoảng hơn 200 tên gọi khác nhau, vậy nên đôi khi bạn có thể bị ngợp trước độ đa dạng của loài cây này. 

Một số dòng bucep phổ biến có thể kể đến là:

  • Brownie
  • Helena
  • Ghost
  • Mini Boyan
  • Velvet
  • Metallic
  • Godzilla
  • Mini Phantom
  • Pandora
  • Melawi

Cách trồng, gắn bucep lên lũa, đá

Thông thường thì bạn có thể mua bucep theo các cụm lớn hoặc là mua bucep được đặt trong cốc. Để trồng cây thì bạn nên tách chúng thành những bụi đủ lớn và gắn lên giá thể. 

Bạn cần tránh vùi gốc cây xuống dưới nền bởi làm vậy có thể khiến gốc cây bị rữa và cây chết. 

Thông thường bạn có thể gắn cây lên đá và lũa bằng chỉ hoặc bằng sợi cước. Tuy vậy, Để có thể buộc cây vào đá hay lũa thì cần phải tỉ mỉ và sẽ tốn nhiều thời gian. 

Cách dễ nhất để có thể trồng các loại cây này là sử dụng keo dán thủy sinh chuyên dụng.

1. Khi bạn mới mua cây về thì cây thường được để trong cốc nhỏ với bông cuốn quanh thân và rễ cây. Đầu tiên bạn cần phải nhấc cây ra khỏi cốc một cách nhẹ nhàng, sau đó gỡ bông ra khỏi thân và rễ, càng sạch càng tốt. Bạn cũng có thể gỡ bông ra bằng cách rửa cây dưới vòi nước. Khi gỡ cây ra, bạn có thể sẽ thấy 2-3 cây trong một cốc. 

2. Xác định phần thân cây, đây sẽ là phần bạn gắn vào đá hoặc lũa. Nếu bạn muốn trồng cây xuống dưới nền cũng được nhưng bạn chỉ được vùi rễ xuống bên dưới và không bao giờ được vùi toàn bộ thân cây. Các loại cây này khi bị vùi cả thân xuống dưới thì sẽ bị rữa. 

3. Xác định nơi bạn sẽ gắn cây vào.

4. Lau khô cây bằng khăn hoặc giấy ăn.

5. Mở tuýp keo thủy sinh ra, sử dụng phần nhọn ở phía trên nắp để chọc phần miệng tuýp. 

6. Bóp một lớp keo mỏng lên trên mặt đá. Sau đó bạn nhấn thân cây vào và giữ nguyên như vậy trong vòng 1 đến 2 phút. Khi keo khô thì cả thân và rễ cây sẽ bám chặt vào đá.

7. Sau đó bạn hãy tìm tảng đá hoặc thanh lũa tiếp theo để gắn cây vào và lặp lại như vậy. Bạn hãy cố gắn hết cây trong vòng 10 đến 15 phút bởi vì cây thủy sinh sẽ bị khô rất nhanh.

8. Khi đã xong thì bạn có thể đặt lũa và đá vào trong bể. Bucep sau đó sẽ tiếp tục phát triển mọc ra thêm rễ và lá mới.

Cách chăm sóc cho bucep

Tuy đơn giản nhưng mà để loài cây này có thể phát triển và lên màu tốt thì không phải là chuyện đơn giản. 

Thông thường cây sẽ khó chết nhưng mà chúng cũng sẽ phát triển rất chậm. Đôi khi cây còn có thể bị rữa là nếu môi trường bể bị xấu. 

Dưới là các điều bạn cần phải lưu ý nếu muốn chăm sóc cho bucep

Ánh sáng

Tùy vào việc bạn muốn cây phát triển như thế nào mà bạn có thể tùy ý cho bucep lượng ánh sáng cần thiết. Nếu bạn chỉ cần trồng cây để trang trí, chỉ cần cây sống được và phát triển chậm thì bạn chỉ cần cho chúng ánh sáng thấp, khoảng 6 tiếng chiếu sáng mỗi ngày. 

Khi đó cây sẽ phát triển rất chậm và sẽ chỉ có thể lên được màu đẹp. 

Nếu bạn muốn cây lớn nhanh và lên màu đẹp hơn thì bạn cần cho cây ánh sáng trung bình mạnh, khoảng 8-10 tiếng chiếu sáng mỗi ngày. 

Trong quá trình tăng thời gian chiếu sáng cho cây thì bạn cũng cần phải để ý đến vấn đề rêu hại. 

Bucep là dòng cây phát triển chậm, vậy nên chúng rất dễ bị dính rêu. Thông thường thì rêu sẽ không giết cây. Tuy nhiên, khi lá bucep bị dính rêu quá nặng thì cây sẽ không thể lấy được ánh sáng và sẽ chết dần. 

Thông số nước

Bucep là dòng cây thích nước mát với dòng chảy trung bình – mạnh, nước trung tính và hơi cứng một tẹo. Thông số nước phù hợp để nuôi bucep là:

  • Nhiệt độ nước: 21.5 °C – 28 °C 
  • Dòng chảy trung bình mạnh
  • Độ pH: 6-8
  • Độ cứng: >80 ppm

Dinh dưỡng và CO2

Do là loài phát triển chậm nên bucep không cần quá nhiều dưỡng. Thông thường thì nếu bạn chỉ muốn trồng cây và để cây sống thôi thì bạn không cần phải bổ sung thêm phân nước chũng như là CO2 cho cây. 

Tuy nhiên, để cây có thể lớn nhanh, lên màu đẹp thì bạn cần phải sử dụng đến phân nước và CO2. 

Cách để giúp bucep lên màu

Đầu tiên là bạn cần biết không phải loại bucep nào cũng có thể lên màu được. Một số loài dù bạn cố đến mấy thì chúng cũng chỉ lên được màu xanh lá mà thôi. 

Một số khác thì có thể lên được màu xanh, đỏ tím hồng khi mọc lá nước. Thông thường thì khó có cách nào phát hiện được cây nào sẽ có thể lên màu chỉ dựa vào hình dáng và màu sắc lá cạn. 

Cách tốt nhất bạn có thể có được bucep có màu đẹp là chọn mua từ người bán uy tín. 

Lá cây cũng sẽ chỉ lên được màu vào giai đoạn đầu khi lá còn non. Khi lá già dần thì chúng sẽ dần dần chuyển sang màu xanh lá/ nâu (một số dòng lá già vẫn có thể giữ được màu tím, có thể kể đến là dòng ghost)

Một số dòng bucep có thể lên màu tốt có thể kể đến là:

  • Brownie ghost
  • Brownie blue
  • Helena
  • Phoenix
  • Velvet
  • Mini Phantom

Một khi đã chọn được dòng bucep có khả năng lên màu tốt, bạn chỉ cần cho chúng ánh sáng tốt cộng với châm thêm phân nước cùng với nước mát, có dòng chảy tốt là được. 

Về ánh sáng: Bạn cần phải có đèn thủy sinh tốt với quang phổ tốt để có thể kích được màu của bucep. Thông thường thì để bucep lên màu bạn vẫn có thể dùng các loại đèn ánh sáng trắng như là chihiros a2, odyssea cũng đủ để cây lên màu rồi. Với các dòng đèn wrgb chất lượng cao thì sẽ tăng khả năng lên màu của bucep lên. 

Về nhiệt độ: Bucep sẽ phát triển tốt và lên màu đẹp nhất vào khoảng 22-27 độ C

Dinh dưỡng: Bạn hãy châm phân nước đầy đủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi bể bị cạn dưỡng. Không có lượng dưỡng cụ thể nhưng mà bucep khá là thích bể nhiều dưỡng. Tuy nhiên, với lượng dưỡng dồi dào thì bạn cũng cần phải bổ sung thêm CO2 để kiểm soát vấn đề rêu hại. 

Tại sao bucep lại bị rữa lá?

Bucep là loài cây sống khỏe, có thể sống trong những bể chiếu sáng ít và không có CO2. Tuy nhiên đôi khi chúng vẫn có thể bị rữa lá. 

Nguyên nhân đầu tiên khiến cho bucep bị rữa lá là do bể chưa được cycle. Tức là hệ vi sinh của bể chưa phát triển đủ mạnh để có thể xử lý được ammonia và các loại chất độc khác cũng như là cặn hữu cơ trong bể. Môi trường bể xấu từ đó có thể khiến cho bucep bị rữa. 

Đó là lý do bạn cần phải nuôi bucep trong những bể đã ổn định, có nước sạch và dòng chảy ổn định. 

Ngoài ra, nếu vào mùa hè khi mà nhiệt đổ bể tăng quá cao, vào tầm khoảng 30 độ C thì bucep cũng có thể dần có biểu hiện ngừng phát triển và bị rữa lá. 

Khi nước bể quá ấm thì bạn có thể hạ nhiệt cho bể bằng cách sử dụng quạt thủy sinh. Quạt có thể giúp giảm được 1-2 độ trong bể và giúp cây cũng như cá sống sót được qua mùa hè. 

Kết lại: Bạn có nên trồng bucep không?

Bucep là dòng cây dễ trồng, phù hợp với tất cả mọi người kể cả với những người mới nuôi. Tuy nhiên, vì giá thành của cây có phần đắt, bạn chỉ nên mua cây khi đã nghiên cứu cẩn thận trước. 

Cây có thể dễ bị rữa do quá trình vận chuyển hoặc là do trồng trong bể cá chưa ổn định. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *