aquasetup

Cây thủy sinh bị rữa lá: nguyên nhân và cách khắc phục

Mục lục

Cây thủy sinh bị rữa lá

Cây thủy sinh đôi khi sẽ nhạy cảm hơn bạn nghĩ nhiều. Có thể cây đang sống khỏe, xanh tốt, nhưng chỉ ngày hôm sau bạn thấy cây bắt đầu rữa dần và không hiểu tại sao. Đôi khi bệnh rữa cây còn có thể lây được, vậy nên bạn cần phải tìm nguyên nhân và đưa ra cách chữa trị kịp thời. Cây có thể bị rữa do một số nguyên nhân sau:

  • Sốc nước: Cây thủy sinh có thể bị rữa do bị sốc nước, có thể là do bạn mới trồng cây vào bể, thời tiết đang vào điểm thay mùa hoặc bể của bạn mới châm thêm phân nước, sử dụng thuốc. 
  • Điều kiện nước không tốt: Hoặc cây cũng có thể bị rữa do điều kiện bể nuôi không tốt, có thể là do ánh sáng, dinh dưỡng và  CO2. 
  • Nhiễm khuẩn: Nguyên nhân tiếp theo khiến cây có thể bị rữa là do cây bị nhiễm khuẩn. Nếu cây bị bệnh do nhiễm khuẩn thì căn bệnh này có thể lan khắp bể nếu bạn không chữa kịp thời. 
  • Lý do tự nhiên: Nguyên nhân cuối cùng là do lý do tự nhiên, cây có thể đang thay lá cạn thành lá nước, hoặc cây đang vào thời mùa ra hoa, nên lá cây có thể bị rữa một cách tự nhiên. 

Một số loài cây hay bị rữa lá nhất bao gồm ráy, trân châu ngọc trai, bucep, huyết tâm lan, dương xỉ,… Trong bài viết này mình sẽ đề cập đến mỗi nguyên nhân và cách chữa trị cho cây phù hợp. 

Các nguyên nhân khiến cho cây bị rữa lá:

1. Cây bị sốc nước

Cây thủy sinh cũng giống như cá vậy, chúng cũng cần phải được làm quen dần dần với môi trường mới để có thể sống được. Nếu môi trường nước nuôi bị thay đổi quá đột ngột thì cây sẽ cũng có thể bị stress và chết. 

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho cây bị sốc nước là do bể mới làm hoặc bạn mới mua cây về trồng. Đặc biệt là nếu bạn mua những loại cây trên mạng và quá trình vận chuyển diễn ra quá lâu cũng có thể khiến cho cây bị stress. 

Cây có thể bị sốc nước vào thời điểm thay mùa. Ví dụ như là nếu bạn để mở cửa sổ khi từ hè chuyển sang đông, gió mùa có thể đi thẳng vào bể và khiến cho nước bể lạnh đi quá nhanh, từ đó khiến cây bị sốc. Tương tự, nắng hè chiếu trực tiếp vào bể cũng có thể khiến cho nhiệt độ tăng lên quá nhanh. 

Nguyên nhân tiếp theo khiến cây bị sốc nước là do bị sốc dưỡng, do được trồng trong bể mới hoặc bạn vừa mới bón phân nước. Thiếu hụt dinh dưỡng có thể khiến cây chậm phát triển, vàng lá. Tuy nhiên, thừa dinh dưỡng cũng có thể làm ảnh hưởng đến cây. 

2. Điều kiện bể không tốt cho cây

Cây thủy sinh bị rữa lá

Thông thường nếu bạn nuôi các loại cây cần nhiều dưỡng, có tốc độ phát triển từ trung bình – nhanh thì lý do cây bị rữa lá nhiều khả năng là do môi trường nuôi chưa đủ tốt. Các loại cây đó có thể kể đến là trân châu ngọc trai, huyết tâm lan, liễu răng cưa. 

Có thể là cây bị thiếu dưỡng, thiếu ánh sáng hoặc thiếu CO2. 

Thiếu dưỡng

Nếu bể của bạn đã được làm lâu hoặc bạn không có phân nền thì nhiều khả năng là cây đang bị thiếu dưỡng. Cây cối cần phải có lưu huỳnh, kali, carbon, magie, canxi, nitơ để có thể phát triển khỏe mạnh. Nếu thiếu một trong số các loại chất này thì cây có thể bị vàng lá, đen lá, bị lỗ rồi cuối cùng là rữa. 

Cây vẫn có thể lấy được những chất đó từ thức ăn thừa, chất thải của cá nhưng thế là chưa đủ. Nếu bể của bạn đã được làm lâu thì bạn cần phải châm thêm phân nước cho cây. Thông thường thì bạn nên sử dụng loại phân nước tổng hợp nếu không biết rõ cây đang bị thiếu chất gì. 

Thiếu CO2

Một số loại cây có thể dễ dàng sống được trong môi trường nghèo oxy. Tuy nhiên, một số loại cây khác lại có yêu cầu cao hơn. Ví dụ như là các loại cây trải nền như trân châu ngọc trai, trân châu cuba,… cần phải có CO2 để có thể mọc và bò nhanh được dưới đáy bể. 

Nếu bạn không cung cấp thêm cho cây CO2, cộng với việc bể không có bộ lọc đủ tốt thì nước bể sẽ dễ bị tù, từ đó có thể khiến cây bị thiếu CO2 và cả Oxy, có thể gây hiện tượng rữa lá trên cây. 

4. Do quá trình vận chuyển và trồng

Cây thủy sinh có thể sẽ mỏng manh hơn bạn nghĩ đấy. Trong quá trình vận chuyển, bạn có thể dễ dàng làm cây bị dập và đứt/ gãy. Hoặc khi bạn bỏ cây ra khỏi cốc, rửa và trồng cây không cẩn thận. Đôi khi gốc, rễ và thân cây có thể bị dập. Từ đó có thể khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào hoặc cây không thể hút được dinh dưỡng được nữa. Kết quả là cây bị rữa lá và chết dần. 

5. Do nguyên nhân tự nhiên

Cây có thể bị rữa lá do chúng đang chuyển từ lá cạn sang lá nước. Nhiều loại cây bạn mua tại cửa hàng đang có lá cạn. Nguyên nhân là trồng cây trên cạn sẽ dễ, đỡ tốn CO2 hơn nên các trại cây thủy sinh đều sử dụng phương pháp này. Khi cho cây xuống nước, các lá cạn đó sẽ chết dần, lá nước mới sẽ mọc lên. 

Hoặc cây thủy sinh đang vào giai đoạn ra hoa, dinh dưỡng từ lá cây sẽ chuyển hết vào quá trình ra hoa, do đó lá cây có thể rữa một ít. 

6. Do cây bị nhiễm khuẩn

Cây thủy sinh bị rữa lá

Ráy, bucep có thể bị rữa do bị nhiễm khuẩn. Khi cây bị nhiễm khuẩn thì căn bệnh này có thể dễ dàng lan rộng khắp hồ và khó chữa. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy ráy/ bucep đang bị rữa do nhiễm khuẩn là lá chúng bị rữa dần ở phía gần thân cây. Dần dần, phần cuống lá sẽ mềm và có cảm giác nhớt khi chạm vào. 

Khi đó, thân cây cũng sẽ bị vàng, mất dần màu xanh và có thể chuyển nâu. Thân cây ráy bị bệnh có thể sẽ mềm, nhớt, có thể có những đốm vàng, nâu, trắng hoặc đen. Nếu căn bệnh trở nặng thì cây có thể bốc mùi.

Vi khuẩn gây bệnh cho ráy/bucep luôn có trong nước nên bạn khó có thể tránh được. Cách tốt nhất để tránh bệnh này là bạn cần phải giữ cho nước ổn định, sạch, cho cây dinh dưỡng, ánh sáng đầy đủ để cây có thể khỏe. Từ đó, chúng có thể tự chống được vi khuẩn gây bệnh. 

Khi cây bị rữa do vi khuẩn thì đầu tiên là bạn cần phải sử dụng dao/kéo sắc để cắt bỏ phần bị rữa, chỉ để lại phần cây xanh/ mạnh khỏe. Sau đó bạn hãy tách cây ra bể riêng để tránh cây lây bệnh sang những cây khỏe mạnh khác. Sau đó, sử dụng các loại thuốc chữa bệnh để châm vào bể. Nếu bạn may mắn, cây sẽ khỏe dần, hiện tượng rữa sẽ dừng lại và lá mới sẽ mọc lên từ thân cây. 

Cách để tránh tình trạng cây bị rữa lá

Nhìn chung thì cách tốt nhất để tránh cho cây thủy sinh không bị rữa lá là cho chúng môi trường sống tốt nhất có thể. 

1. Giữ cho môi trường nước ổn định và bể được cycle đầy đủ

Thay nước định kỳ cho bể không chỉ giúp cho cá mà cho cả cây thủy sinh. Cây thủy sinh có thể lấy dinh dưỡng từ các chất gây hại như là nitrate, ammonia. Tuy nhiên, quá nhiều có thể gây chết cây và làm mất cân bằng cho bể. 

Đó là lý do bạn cần phải cho bể cycle đầy đủ trước thi trồng thêm cây thủy sinh và thả cá. Trong quá trình mới làm bể thì hệ vi sinh vẫn chưa được thiết lập đủ để xử lý ammonia trong nước. 

Xem thêm: về quá trình cycle bể cá

2. Cắt tỉa cây

Cắt tỉa lá cũ và lá đang chết có thể giúp cây phát triển lá mới. Nếu bạn thấy cây có lá đang vàng dần hoặc bị thương tích thì tốt nhất là bạn nên cắt nó đi. Nếu cây có lá bị thương tổn thì nó sẽ dồn dinh dưỡng để cố chữa lá đó. Bằng cách cắt đi, bạn có thể kích thích cây mọc lá mới mạnh khỏe hơn. Đó là trong điều kiện môi trường bể của bạn đủ tốt để giúp cây có thể phát triển được. 

Bạn có thể sử dụng kéo cắt bình thường hoặc các loại kéo tỉa cây thủy sinh chuyên dụng (lazada).

3. Châm thêm phân nước

Cây thủy sinh cần dinh dưỡng để có thể phát triển. Cây có lấy dinh dưỡng trực tiếp từ nước bể hoặc từ phân nền đối với những loại cây trồng nền bể. 

Khi bạn nuôi bể lâu thì dinh dưỡng trong bể cũng cạn dần. Cây thủy sinh trong đó cũng chậm lớn và chết dần. 

Lúc này bạn có thể bắt đầu sử dụng những loại phân nước tổng hợp (lazada) để châm thêm vào bể theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bạn nên để ý đến rêu hại trong bể, nếu thấy rêu bắt đầu phát triển, bạn nên giảm liều lượng phân nước và thay nước thường xuyên hơn. 

4. Sử dụng đèn led tốt

Cây cối cũng cần phải có ánh sáng để quang hợp. Những loại đèn led chuyên dụng cho cây thủy sinh sẽ có thể cung cấp đúng loại quang phổ cho cây cần để chúng có thể phát triển. Đèn led tốt cũng có thể giúp cho cây lên được màu sắc đẹp hơn, đặc biệt là những loại cây có màu đỏ. 

5. Cân nhắc thêm CO2 vào trong bể

Mình biết là nhiều người làm bể thiếu CO2. Khi nuôi bể thủy sinh mà không có CO2 thì bạn phải để ý đến nhiều thứ hơn để kiểm soát rêu hại và giúp cây có thể sống được. Với CO2 thì nhiều vấn đề sẽ được giải quyết nhanh và đơn giản hơn nhiều. 

Cây thủy sinh lúc đó sẽ phát triển tốt, mọc dày đặc. Nhờ đó mà bể cũng sẽ ít bị rêu hại hơn. Khi cây mọc nhanh, các chất độc hại trong bể cũng được hấp thụ nhanh, từ đó cũng giúp bạn ít phải thay nước thường xuyên hơn. 

Xem giá bán hệ thông CO2 cho bể thủy sinh (lazada)

Xem thêm: Tổng quan cách sử dụng hệ thống CO2 cho bể thủy sinh

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *