Thêm CO2 vào bể thủy sinh là cách dễ và nhanh nhất để có thể giúp cho cây thủy sinh phát triển mạnh. Cây cối khỏe mạnh cũng giúp lọc nước và tạo môi trường sống tốt hơn cho cá.
Bạn có thể có nhiều cách khác nhau để thêm CO2 vào bể thủy sinh. Cách đơn giản và phổ biến nhất là sử dụng bình khí nén CO2, nối với dây dẫn khí, đi vào đầu sủi trong bể để có thể trộn CO2 vào trong nước.
Tại sao khí CO2 lại quan trọng đối với cây thủy sinh
Để có thể tạo ra năng lượng, cây thủy sinh cần có 3 yếu tố, đó là ánh sáng, dinh dưỡng và CO2. Giống như cây bình thường, quá trình lấy CO2 và tổng hợp năng lượng gọi là quang hợp. Thông thường, ngoài tự nhiên, cây cối thủy sinh thường sống tại những con sông, suối có dòng chảy với CO2 tự nhiên từ không khí và đất được cung cấp liên tục. Tại bể cá tại nhà, CO2 tự nhiên khá ít, chỉ vào khoảng 3-5 ppm (mình sẽ nói về thông số này ở phần sau). Khi thêm CO2, hàm lượng CO2 trong nước sẽ vào khoảng 25-35 ppm.
Có nhiều loại cây thủy sinh có thể được trồng trong điều kiện thiếu CO2 nếu bạn có thể kiểm soát được ánh sáng cũng như dinh dưỡng tốt. Hầu hết tất cả mọi người khi mới bắt đầu trồng cây thủy sinh thì làm gì biết cần phải thêm CO2.
Bạn có cần phải sử dụng CO2 không?
Việc bể của bạn có cần phải được bơm CO2 không phụ thuộc vào lượng ánh sáng trong bể và loại cây bạn trồng.
Trong những bể không cần chiếu sáng ít, bạn không cần thiết phải bơm thêm CO2. Các loại cây cần ít ánh sáng sẽ không sử dụng nhiều CO2 trong nước. Lượng CO2 trao đổi với không khí bên ngoài cũng đủ để có thể giúp cho cây sống. Tuy nhiên, bơm thêm CO2 vào các bể này cũng giúp cho cây lớn nhanh và khỏe mạnh hơn.
Với những bể chiếu sáng nhiều, từ 10-12 tiếng một ngày thì bạn cần phải bơm thêm CO2. Những loại cây trồng bể này thường là những cây phát triển nhanh. Bạn phải thêm CO2 đế đáp ứng về nhu cầu dinh dưỡng cho cây. Nếu thiếu CO2 thì cây sẽ chậm lớn, chết và bạn sẽ gặp vấn đề về rêu hại trong bể.
Bằng chứng cho thấy mức độ hiệu quả của CO2
Hình ảnh dưới đây là so sánh hai bể trồng những loại cây giống nhau, với điều kiện chiếu sáng, lọc và nền tương tự. Hai bể không được thêm phân nước và nuôi cùng số lượng cá. Chỉ khác một điểm là bể thứ 2 được thêm CO2 còn bể đầu thì không.
Bên trên là ảnh của hai bể sau khi vừa mới được làm.
Bên trên là ảnh bể sau khi làm được một tháng. Bạn có thể thấy rõ ràng bể nào được thêm CO2 còn bể nào thì không.
Cây thủy sinh trong bể thứ 2 không chỉ phát triển mạnh hơn, to hơn mà còn lên màu rực rỡ hơn. Thêm CO2 vào trong bể có thể giúp một số loại cây lên được màu đỏ và giúp thảm cây bò dưới nền nhanh hơn.
Hơn hết nữa là lượng nitrate và phốt phát trong bể thứ 2 gần như bằng 0. Trong đó, lượng nitrate trong bể đầu đã gần đạt mức cảnh báo và cần phải được thay nước.
Xem thêm: Chu trình cycle bể
Thêm CO2 vào bể có thể giúp cây cối hấp thụ được các chất gây hại cho cá dễ hơn.
Bạn cần những gì trong hệ thống CO2 cho bể cá?
Lưu ý: Mỗi loại thiết bị đều có thể được lắp với nhau kể cả khi bạn mua các hãng khác nhau nên bạn không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm của chung một hãng. Một khi bạn biết được hệ thống CO2 thủy sinh gồm những gì thì bạn có thể thoải mái lựa chọn các loại sản phẩm để thử nghiệm và thay thế.
Bình khí CO2
Bạn có nhiều lựa chọn khi chọn mua bình khí CO2. Nếu bạn chỉ có bể cá bé dưới 80 lít thì bạn có thể chọn mua loại 1 lít hoặc 2 lít. Nếu bạn có bể lớn hơn trăm lít thì bạn có thể mua bình 3 lít hoặc hơn.
Bình càng to thì bạn càng dùng được lâu hơn, tuy nhiên, đi kèm theo đó là bạn cũng phải bố trí không gian xung quanh bể để đặt bình. Chi phí bơm lại CO2 cũng tương đối rẻ nên bạn sẽ tiết kiệm về lâu dài so với những phương án khác.
Thông thường, khi dùng hết CO2, bạn có thể ra các cơ sở phòng cháy chữa cháy để bơm lại bình, chi phí khoảng 80-100 nghìn cho một lần bơm cho bình 3 lít. Hoặc bạn có thể đem bình đi đổi tại các cửa hàng thủy sinh, chi phí vào khoảng 120 nghìn.
Van bình
Van bình có thể giúp điều khiển lượng khí CO2 đi ra ngoài thành lượng đủ dùng cho cây thủy sinh. Thông thường thì nhiều người muốn CO2 chỉ đi vào bể khi bạn mở đèn bởi chỉ khi đó cây cối mới có thể bắt đầu lấy được CO2. Vậy nên bạn cần phải bật CO2 vài tiếng trước khi bật đèn. Để làm vậy thì bạn nên có van điện để có thể cắm vào ổ cắm hẹn giờ và chỉnh được thời gian tắt, mở CO2.
Nếu bạn sử dụng loại van bình thường thì bạn phải luôn để CO2 mở (có thể sẽ tốn CO2 nhưng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều cho cá nếu bạn để liều lượng vừa đủ) hoặc là tắt mở bằng tay (không phải là ý hay lắm).
Loại van điện nhiều người dùng nhất đó là loại van điện mufan. Loại van này bền và có thể hoạt động tốt, mình đã sử dụng loại van này trong vòng 3 năm và chưa gặp vấn đề gì.
Mỗi loại van điện sẽ đi kèm với đếm giọt.
Đếm giọt
Bộ đếm giọt là thiết bị giúp chúng ta có thể quan sát được lượng khí CO2 đang đi vào bể cá. Một số loại van sẽ có đếm giọt mua riêng thay vì bao gồm cả bộ. Bộ đếm giọt cũng có thể được tích hợp sẵn ở trong cốc sủi.
Ống dẫn CO2
Ống dẫn CO2 có nhiệm vụ đưa CO2 từ bình cho đến cốc sủi. Hoặc có thể là đưa vào bộ trộn CO2 (mình sẽ nói thêm sau) rồi sau đó đi vào bể cá. Bạn cần phải mua các loại ống CO2 chuyên dụng bởi áp suất của khí CO2 có thể tương đối lớn, bạn không nên sử dụng các loại ống mỏng như là ống của sủi oxy.
Cốc sủi CO2
Hiện nay trên thị trường có nhiều hình thức để trộn CO2 vào trong nước bể khác nhau. Phổ biến nhất trong số đó là sử dụng cốc sủi CO2. Cốc thường được làm bằng thủy tinh, nhựa dẻo hoặc là kim loại, với đĩa sủi làm bằng gốm. Khi khí CO2 đi qua cốc gốm thì khí sẽ tạo thành những hạt bong bóng nhỏ li ti, từ đó giúp cho khí CO2 hòa tan vào nước tốt hơn. Bạn không thể sử dụng sủi Oxy để dùng cho CO2 được.
Bong bóng khí càng bé thì lượng CO2 hòa tan vào nước càng nhiều.
Nếu bạn muốn trộn CO2 hiệu quả hơn thì bạn có thể sử dụng những phương pháp khác như là trộn CO2 inline hoặc trộn CO2 gắn ngoài hoặc bạn có thể đưa ống CO2 trực tiếp vào trong đầu hút nước của lọc. Các phương pháp này chỉ có thể sử dụng được với các loại lọc thùng.
Xem thêm: Review các loại cốc sủi CO2 – đâu là loại sủi tốt nhất cho bể thủy sinh?
Các giải pháp thay thế cho cốc sủi
Bộ trộn inline
Bộ trộn tốt sẽ tạo ra những hạt khí li ti vô cùng bé, nhìn giống như khói. Bạn có thể trộn CO2 tốt hơn với bộ trộn này so với cốc sủi CO2. Tuy nhiên, một số người lại không thích đám “bụi” CO2 trong bể. Khi đó bạn có thể sử dụng bộ trộn CO2 gắn ngoài.
Bộ trộn CO2 gắn ngoài
Với bộ trộn CO2 gắn ngoài bạn có thể hòa tan 100% CO2 vào trong nước bể. Bộ trộn gắn ngoài cũng bao gồm 3 ống, một ống để gắn đầu CO2, hai ống còn lại để gắn đầu dây out của lọc và dây đi vào bể thủy sinh.
Dùng bộ trộn này bạn có thể đảm bảo không còn tí bong bóng CO2 nào nữa. Thay vì đó, chúng sẽ được trộn hoàn toàn với nước. ĐIểm trừ là bộ trộn này có thể tốn diện tích và làm dòng chảy của lọc yếu đi tẹo.
Cho trực tiếp CO2 vào đầu hút của lọc
Đây cũng là cách nhiều người dùng để trộn CO2 cho bể. Không như nhiều người nghĩ, vi sinh sẽ không chết chỉ vì một lượng ít CO2 như thế này. Tuy nhiên, đôi khi khí CO2 có thể tắc lại ở trong lọc. Có thể khiến cho lọc kêu to hơn hoặc đầu out của lọc có bọt khí.
Tuy nhiên, xét về độ hiệu quả thì đây vẫn là một giải pháp tốt bạn có thể sử dụng để trộn CO2 cho bể.
Cách lắp đặt hệ thống CO2 cho bể thủy sinh
Bước 1: Nối bình thủy sinh với van điện
Bước đầu tiên là bạn nối van điện với bình, vặn khớp nối theo chiều kim đồng hồ cho đến khi van đóng chặt. Bạn có thể sử dụng kìm để vặn, đảm bảo van được đóng chặt hoàn toàn.
Bước 2: Đổ đầy đếm giọt và nối dây CO2
Bạn hãy mở nắp của đếm giọt (B) và đổ đầy nước vào trong (A). Sau đó bạn hãy vặn chặt nắp lại. Nếu bạn đổ đếm giọt bằng nước thì sau một khoảng thời gian, nước sẽ bốc hơi và bạn phải đổ đầy lại. Một số người sử dụng dầu cho bộ đếm. Tuy nhiên mình không thích lắm vì dầu tuy không bốc hơi nhưng có thể bị đổ ra và khá bẩn.
Để gắn dây vào thì bạn hãy tháo phần nắp nhỏ bên trên, luồn dây vào, cắm vào đầu nối nhỏ và vặn chặt nắp lại.
Bước 3: Gắn đầu dây vào sủi CO2/ bộ trộn
Bước tiếp theo bạn hãy gắn đầu dây nối CO2 vào cốc sủi hoặc vào bộ trộn CO2. Sau đó gắn sủi CO2 vào bên trong bể. Để sủi có thể hoạt động tối ưu thì bạn nên đặt sủi ở vị trí X.
Đó là nơi có dòng nước hướng xuống bên dưới. Đặt như vậy có thể giúp bong bóng khí CO2 di chuyển quãng đường xa hơn, hòa tan vào trong nước được nhiều hơn.
Bước 4: Cắm tụ điện ngắt mở van vào ổ cắm hẹn giờ
Tiếp theo bạn hãy cắm tụ điện vào ổ hẹn giờ và để ở chế độ mở. Cách tốt nhất để có thể căn CO2 với đèn là bạn sử dụng một ổ hẹn giờ cho cả hai thiết bị. Nếu bạn có đèn có thể chỉnh bằng app thì bạn hãy để cho CO2 chạy trước 1-2 tiếng trước khi mở đèn.
Tuy vậy mình để ý làm như vậy không thay đổi nhiều lắm, có thể cho cây lớn tốt hơn một tẹo nên tùy bạn. Bạn có thể chỉnh đèn với CO2 cùng lúc cũng được.
Bước 5: Mở van tổng và van tinh chỉnh
Tiếp theo đó bạn hãy mở ⅓ van tổng, xong rồi bạn mở van tinh chỉnh cho đến khi đạt được lượng CO2 đầu ra mong muốn. Mỗi bể cá sẽ yêu cầu mức độ bơm CO2 khác nhau. Thông thường là 1 giọt/ giây cho những bể bé và 2 giọt/ giây cho bể lớn. Để có thể đo chính xác hơn thì bạn có thể sử dụng bộ test CO2.
Trước khi bạn làm gì khác thì bạn nên kiểm tra lần cuối xem bình có bị rò khí ở đâu không đã. Bạn kiểm tra bằng cách lấy một ít nước xà phòng và xịt lên các mối nối. Nếu bạn thấy có bọt khí được thổi ra thì tức là bình đã bị rò khí và bạn phải vặn chặt chỗ đó lại nhanh. Bình CO2 rò khí có thể hết chỉ sau khoảng vài ngày 🙁 .
Cách để đo CO2 cho bể
Bạn có thể sử dụng bộ test nồng độ CO2 thủy sinh để có thể đo nồng độ CO2 trong bể. Khi cho vào trong bể, dung dịch sẽ có màu xanh nước biển, tức là khi đó nồng độ CO2 đang ở ngưỡng 5-20ppm. Khi bắt đầu bơm thì dung dịch trong bộ test sẽ chuyển sang màu xanh lá.
Lúc đó nồng độ CO2 bắt đầu đạt ngưỡng 30 ppm. Đây là ngưỡng thích hợp cho cá và cây thủy sinh.
Nếu dung dịch chuyển màu vàng thì nồng độ CO2 đã đạt ngưỡng 40-50+ ppm. Tại ngưỡng này, CO2 có thể làm ngộp cá hoặc tép trong bể, vậy nên bạn cần vặn nhỏ lại nhanh trước khi tình hình xấu hơn.