aquasetup

Tổng quan cách trồng và chăm sóc cho cỏ giấy thủy sinh

Mục lục

Cỏ giấy

Nếu bạn là fan của bể thủy sinh với bộ nền xanh mướt thì bạn không thể bỏ qua cỏ giấy được. Chúng là loại cây tiền cảnh/ trải nền đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay. 

Loài cây săn mồi này khi được cung cấp điều kiện sống hợp lý thì có thể phát triển mạnh và lan khắp nơi. 

Chúng không phải là loài cây dễ. Mình cũng đã thử trồng mấy lần và không thành công. Cuối cùng sau khi nghiên cứu mới biết được cách trồng loài cây này tốt nhất. Bí quyết đó chính là bể cần phải ổn định và cycle đầy đủ và nước cần có độ pH thấp. Ngoài ra thì bạn cũng cần phải bổ sung thêm cho chúng CO2 và nước mềm nếu có thể. 

Cách trồng chi tiết mình sẽ nói thêm trong bài viết này. 

Về cỏ giấy

Mức độ chăm sócTrung bình khó
Yêu cầu ánh sángTrung bình 
Tên khoa học Utricularia Graminifolia
Màu sắcXanh lá sáng
Vị trí trồngTiền cảnh
Chiều cao2-5 cm
CO2Cần
Phân nướcKhông cần
Loại câyCây trải thảm

Cỏ giấy có nguồn gốc từ Đông Nam Á, bao gồm phía Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Burma, Lào và Việt Nam. 

Ngoài tự nhiên chúng thường sống tại các khu vực bờ sông, bờ suối, khu vực nước nông hoặc cũng có thể là trên cạn ở khu vực đất ẩm. Chúng mọc tại những nơi có nhiều bóng râm và có nước mềm. 

Cây cỏ giấy và tất cả loài cây thuộc họ Utricularia khác đều là loài cây bắt mồi. Ngoài tự nhiên chúng sống ở các khu vực nghèo dưỡng, vậy nên loài cây này đã phát triển cách thức khác để có được dinh dưỡng: đó là hình thành các túi nhỏ để bẫy côn trùng/ giáp xác và tiêu hóa chúng.

Nhưng bạn cũng không cần quá lo lắng khi nuôi cỏ giấy trong bể thủy sinh bởi túi bẫy mồi của chúng không đủ lớn để bắt cá cũng như là tép con. 

Ngoại hình

Cỏ giấy

Cỏ giấy có lá dẹp với màu xanh sáng và chỉ dài tối đa là vài cm. Khi phát triển thì loài cây này sẽ bò xung quanh thay vì mọc thẳng lên trên. Một khi cây đã quen với bể thì chúng sẽ phát triển rất nhanh. 

Giống như nhiều loài cây thủy sinh khác, cỏ giấy cũng có thể mọc cạn. Nếu bạn trồng chúng ở đất ẩm thì loài cây này sẽ phát triển nhanh và thường xuyên ra hoa nhỏ màu tím. Cành hoa khi đó có thể mọc cao đến 30cm. 

Cách chăm sóc cho cỏ giấy

Cỏ giấy là loài cây cũng tương đối phổ biến và được nhiều người coi là loài cây khó trồng. Tuy nhiên, chúng chỉ có nhu cầu chăm khác so với các loài cây thông thường khác mà thôi. 

Một khi nhu cầu cơ bản của cây được đáp ứng thì chúng lại trở thành loài cây dễ. 

Trồng cây đúng cách

Cỏ giấy khác với so với nhiều loài cây thủy sinh khác là chúng không không có rễ cũng như là lá rõ ràng. Cây có thể phát triển được kể cả với một phần lá hoặc là thân bị đứt ra. 

Cây có thể ra được rễ giả để bám vào nên nhưng bộ rễ này rất mảnh, khiến cây dễ bị bật gốc. 

Khi mua cỏ giấy về, bạn cần tách cây thành các bụi nhỏ và vùi cây sâu xuống dưới nền, chỉ để lộ vài phần lá phía bên trên để tránh cây bị bật gốc. Bạn nên vùi khoảng ⅔ của cây xuống phía dưới nền. 

Ngoài ra, bạn cũng cần tránh nuôi các loài sục đáy bể như là cá chuột bởi chúng có thể dễ dàng bới cỏ giấy lên. 

Bạn có thể sử dụng mọi bộ nền để trồng cỏ giấy như là phân nền thủy sinh chuyên dụng, nền cát hoặc là nền sỏi. 

Bạn cũng có thể buộc chúng lên lũa/ đá nếu muốn. 

Cycle cho bể

Một trong những điều kiện cần để bạn có thể trồng cỏ giấy thành công là bể phải được cycle đầy đủ. 

Xem thêm về quá trình cycle
Cỏ giấy đặc biệt nhạy cảm với ammonia trong nước. Nếu bể chưa ổn định, có nhiều ammonia thì cỏ giấy sẽ có thể bị rữa khi mới trồng. Ngoài ra, cỏ giấy nhiều khi cũng sẽ được bán dưới dạng cấy mô, vậy nên chúng sẽ càng nhạy cảm với chất lượng nước hơn nữa. 

Bể cá cần phải được làm và chạy lọc trong ít nhất khoảng 3 tuần trước khi trồng cỏ giấy. 

Thông số nước

Một số nơi nói rằng cỏ giấy cần nước mềm và không chứa dưỡng bởi chúng là loài cây săn mồi. 

Đúng là cây vẫn thích nước mềm và không dưỡng nhưng chúng vẫn có thể sống và phát triển tốt nếu được thêm phân nước cũng như là nước cứng, miễn là độ pH của bể thấp. 

Cách phổ biến nhất để có thể giúp hạ pH của bể cá là sử dụng nguồn nước có độ pH thấp ngay từ đầu. 

Nếu nước máy nhà bạn có pH cao thì bạn sẽ khó có thể thay đổi được pH bằng cách dùng thuốc hay là các loại lá ngâm. Theo kinh nghiệm của mình thì nước bể sẽ nhanh chóng quay lại ngưỡng ban đầu. 

Lý do là bởi độ cứng KH (độ cứng cacbonat) làm ổn định pH trong nước. Các ion cacbonat sẽ đóng vai trò làm chất đệm và sẽ làm trung hòa các ion H+ có trong nước, khiến cho độ axit trong nước không giảm sâu thêm và quay về mức ban đầu. 

Sử dụng các biện pháp hạ pH chỉ khiến cho bể bị mất cân bằng và làm cây dễ chết hơn mà thôi. 

Cách để xử lý là loại bỏ độ cứng KH trong nước bằng cách sử dụng nguồn nước mới hoặc tốt hơn là dùng nước lọc RO. 

Nước lọc RO là yếu tố không thể thiếu nếu bạn muốn trồng cỏ giấy thành công, không phải bởi vì chúng không chứa khoáng mà bởi vì nước lọc RO sẽ có độ pH trung tính hoặc hơi axit một tẹo. 

Độ pH của nước nên vào khoảng 5.5-7.0.

Nhiệt độ phù hợp để trồng cây vào khoảng 22-28 độ C. 

Cây có thể sống trong cả nước cứng lẫn nước mềm. 

Ánh sáng 

Cây có thể sống trong điều kiện ánh sáng trung bình. Tuy vậy, chúng sẽ phát triển tốt hơn nếu được chiếu sáng mạnh, vào khoảng 8-10 tiếng mỗi ngày. 

Khi được trồng trong điều kiện ánh sáng yếu thì chúng sẽ mọc ít dày với lá dài và mỏng hơn. 

CO2 và dưỡng

Cây cần phải được thêm CO2 nhưng không cần quá nhiều. Bạn vẫn có thể trồng được cỏ giấy mà không sử dụng CO2 nếu trồng chúng trong bể nông và có dòng chảy không quá mạnh.

 Ngoài ra, cây có thể trồng trong bể có nhiều dưỡng mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên, cây sẽ không cần quá nhiều dưỡng cũng như là bộ nền có dưỡng để có thể phát triển. 

Chúng sẽ có thể sống bằng cách bắt các loài giáp xác li ti có trong nước. 

Đó cũng là lý do bạn cần trồng cây trong bể đã ổn định, có hệ sinh thái đã phát triển đầy đủ. 

Cắt tỉa cho cây

Cỏ giấy cần phải được cắt tỉa mạnh và thường xuyên nếu bạn không muốn chúng bị rữa. Nếu không được tỉa định kỳ, cây sẽ mọc cao, dày. Khi đó phần cây phía dưới có thể sẽ không nhận đủ sáng và chết. 

Hoặc cây cũng sẽ bị nổi lên bởi rễ của chúng không bám được vào nền nữa. 

Khi tỉa thì bạn hãy cố cắt toàn bộ lá đi thay vì chỉ cắt đôi lá. Làm vậy đôi khi có thể làm lộ nền nhưng mà cây vẫn có thể nhanh chóng phủ bộ nền nếu điều kiện môi trường vẫn được đảm bảo. 

Nếu bạn cắt đôi lá cây thì có thể sẽ khiến lá chết hoặc bị dính rêu hại.

Phần lá bị cắt khi đó sẽ nổi lên phía trên mặt nước. Khi đó bạn có thể vớt lá và trồng lại vào khu vực khác trong bể. 

Kết lại

Cỏ giấy sẽ là loài cây dễ trồng nếu bạn có thể cho chúng nước ổn định, đã được cycle đầy đủ và sử dụng nước lọc RO để trồng cây. 

Khi trồng cây thì bạn cần vùi sâu chúng xuống bể để tránh tình trạng cây bị bật gốc. Ngoài ra, bể cần không có dòng chảy mạnh hoặc nuôi các loài sục đáy. 

Khi cây phát triển mạnh và dày bạn cần phải cắt tỉa cây thường xuyên để giữ cho thảm cỏ trong bể mạnh khỏe. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

2 bình luận

  1. Cho mình hỏi cỏ giấy mình từ lá cạn sang lá nước ok rồi, giờ mình lấy lá nước trồng lên cạn, cho nước vừa đủ ngập cây, sau giảm dần thì cây có trở lại lá cạn được không b nhỉ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *