aquasetup

Cá betta: đặc điểm, cách chăm sóc và sinh sản

Mục lục

Cá betta

Bạn vừa mới mua hoặc muốn mua cá betta mà không biết cách phải chăm sóc cho chúng như thế nào cho đúng? 

Cá betta nổi tiếng là loài cá sống khỏe. Tuy vậy, bạn vẫn cần cho chúng môi trường sống, thức ăn tốt để cá có thể sống lâu được. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách chăm loài cá tuyệt đẹp này. 

Nguồn gốc cá betta

Cá betta

Cá betta, hay ở Việt Nam còn được gọi là cá xiêm, cá chọi,.. Là một trong những loài cá được nuôi làm cảnh lâu đời nhất. 

Cá betta có tên khoa học là Betta plendens, chúng nổi tiếng nhờ màu sắc sặc sỡ, sở hữu bộ vây dài cùng với tập tính hiếu chiến. Cá betta được nuôi chọn lọc để làm cá chọi từ thế kỷ 14 và vô cùng phổ biến trong giới hoàng gia Thái Lan thời đó. Về sau này, cá càng được nuôi sinh sản phổ biến hơn và trở thành loài cá cảnh phù hợp để nuôi trong mọi hộ gia đình. 

Nhờ vài trăm năm nuôi chọn lọc, cho đến ngày nay, cá đã có được vô vàn kiểu hình, dáng vây cùng màu sắc khác nhau. 

Cá betta có khu vực sống tự nhiên ở Đông Nam Á, có thể được tìm thấy tại Việt Nam, Lào, Malaysia, Indonesia,.. Trong tự nhiên, chúng sống tại những khu vực nước nông, đục, có dòng chảy chậm như là ruộng lúa. 

Vì là loài cá từ khu vực nhiệt đới nên cá betta thích nước ấm, không chịu được lạnh. Thực đơn ngoài tự nhiên của chúng bao gồm các loại giáp xác, ấu trùng, bọ trong nước.  

Vì môi trường sống của chúng nghèo oxy, vậy nên cá betta đã tiến hóa để có khả năng lấy oxy trực tiếp từ không khí. Đó là lý do chúng có thể sống sót kể cả khi được nuôi trong những cốc nước nhỏ (tuy làm vậy là ngược đãi cá, nuôi trong môi trường nước bé lâu có thể khiến cá bị bệnh và chết). 

Bể nuôi cá betta

Cá betta

Bể nuôi của chúng phải đủ to, có hệ thống lọc, ánh sáng, nắp đậy, lũa, đá và có cây thủy sinh thì càng tốt. Cá betta là loài cá có tính cách riêng, mỗi một con có thể sẽ có tính cách khác nhau. Nếu nuôi chúng trong những bể quá bé hoặc đơn điệu thì cá sẽ nhanh chóng bị chán, stress hoặc thậm chí là bỏ ăn. 

Để nuôi cá betta thì bạn cần những gì?

  • Bể nuôi đủ to: Bạn nên nuôi chúng trong bể có thể tích ít nhất là 10 lít. Tuy nhiên, bạn nên nuôi chúng trong bể 15 lít hoặc rộng hơn, càng lớn thì càng tốt. 
  • Lọc: Mặc dù cá betta sống trong những khu vực nước tĩnh, nghèo oxy, có thể đục và bẩn ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, bạn vẫn nên có lọc để nuôi cá betta. Lọc bể cá ngoài chức năng lọc cặn bẩn trong nước còn có tác dụng khác là cung cấp chỗ sống cho vi sinh. Các loại vi sinh có thể giúp xử lý các loại chất có hại cho bể cá. Đối với những bể cá betta bé thì bạn sử dụng lọc thác (lazada) là đủ. 
  • Sưởi (tùy chọn) : Nếu bạn sống tại những khu vực lạnh vào mùa đông, thường xuyên xuống dưới 10 độ ngoài trời thì bạn cần phải trang bị thêm sưởi. Bạn lưu ý là không sử dụng sưởi cho những bể cá dưới 15 lít bởi nước có thể bị nóng và lạnh quá nhanh, dẫn đến việc cá bị stress. 
  • Nền bể: Bạn cần tránh sử dụng các loại nền sỏi nhọn để tránh làm cá betta bị thương, rách vây. Bạn cũng cần tránh các loại nền sỏi to bởi thức ăn thừa có thể rơi và mắc vào kẽ sỏi, có thể làm bẩn nước trong khoảng thời gian ngắn. Các loại nền tốt là nền sỏi nhỏ, phân nền (lazada) hoặc cát mịn (lazada). 
  • Lũa/ đá và cây thủy sinh: Cá betta sống tại những khu vực nước chảy chậm, nhiều cây cối, chỗ trốn ngoài tự nhiên. Cá betta thích sống trong những bể cá có hang, khu vực để trốn và có nhiều cây thủy sinh. Chúng cũng thích ngủ trong khu vực kín, trên các loại lá cây lớn. Bạn nên tránh sử dụng các loại đá quá nhọn đề phòng trường hợp cá betta bị rách vây. Cây thủy sinh ngoài việc cho cá chỗ trốn thì còn có tác dụng khác là lọc nước. Khi bạn trồng nhiều cây thủy sinh, nước cũng sẽ sạch, ít rêu hại hơn. 
  • Đèn: Cá betta không yêu cầu nhiều về chất lượng đèn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tránh mua các loại đèn quá rẻ bởi vì chúng khá nhanh hỏng (theo kinh nghiệm của mình, trước mua 4 cái đèn rẻ thì cũng phải hỏng 2 cái sau một thời gian sử dụng). Đèn tốt hơn một tẹo sẽ giúp cây thủy sinh có thể sống tốt hơn. Ngoài ra, thời gian bật tắt đèn là rất quan trọng. Cá betta cũng giống như người, chúng cần phải có thời gian ngủ đúng lúc, nếu không đồng hồ sinh học của cá sẽ bị ảnh hưởng. Nếu đèn không có tích hợp hẹn giờ thì bạn nên đầu tư một ổ cắm hẹn giờ (lazada) để có thể kiểm soát thời gian chiếu sáng tốt hơn. 

Xem thêm: Cách làm bể nuôi betta đúng chuẩn

Thông số nước nuôi cá betta

Cá betta giống như mọi loài cá cảnh khác, chúng sẽ sống tốt nhất nếu bạn cho chúng môi trường nước với thông số phù hợp. 

Nhiệt độ : Betta cần nước ấm trong khoảng 22-30 độ C, tốt nhất là từ 23 đến 27 độ C. May mắn là thời tiết tại Việt Nam không quá lạnh, với khí hậu nhiệt đới phù hợp để nuôi cá betta. Tuy nhiên, nếu bạn sống tại khu vực lạnh, với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên khoảng dưới 15 độ C thì bạn cần mua thêm sưởi. 

Độ pH: Betta nên được nuôi trong nước có độ pH trung tính, tức khoảng 7. Chúng có thể sống tốt trong khoảng pH từ 6.5 đến 8.5. 

Độ cứng :Trong tự nhiên, cá betta sống tại những khu vực nước mềm, cá betta cảnh cũng như vậy. Chúng sẽ thích nước mềm hơn nhưng có thể sống được trong nước có độ cứng vào khoảng 5-20 Dh hay là 70-300 ppm. 

Mức ammonia, nitrite và nitrate: Ammonia, nitrite và nitrate là các chất có mặt trong quá trình cycle bể cá và cần phải được chú trọng, đặc biệt là khi bạn mới làm bể. Chúng được đo bằng đơn vị ppm (part per million). Khi thức ăn thừa, phân cá, chất hữu cơ phân hủy, chúng sẽ tạo ra nitrite, từ nitrite sẽ tiếp tục tạo ra nitrate. Ammonia và nitrite là chất có hại cho cá, ammonia phải được giữ ở mức 0 ppm. Trong khi đó nitrite nên ở mức 0-40ppm. Khi nitrite vượt mức 80ppm thì chúng sẽ làm cá betta bị ngộ độc và chết. Nếu bể nuôi của bạn có mức nitrite cao thì bạn cần phải thay lập tức 50% lượng nước trong bể. Nitrate là chất ít độc hơn, tuy nhiên vẫn có thể gây hại cho cá nếu bị tích tụ nhiều. Bạn có thể hạn chế nitrate bằng cách thay nước thường xuyên hoặc là nuôi nhiều cây thủy sinh. 

Các chất hóa học khác cần quan tâm: Các chất hóa học khác có trong nước máy có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá betta là Clo và kim loại nặng như là đồng, chì, kẽm Bạn có thể sử dụng các loại thuốc khử độc nước (lazada) để loại bỏ clo, khử độc cho nước để đảm bảo nước máy luôn an toàn cho cá betta. 

Đảm bảo bể cá được cycle

Bạn đã làm bể, xử lý được, thêm lọc, đồ trang trí và cây thủy sinh. Tuy nhiên, bạn nên tránh thả cá betta vội. Đầu tiên, bạn hãy bật lọc lên, cho nước chạy một tuần trước khi thả cá. 

Khi đó, trong bể cá sẽ có một quá trình gọi là cycle, tức là hệ vi sinh bể sẽ phát triển để có thể xử lý được các chất độc như là ammonia và nitrite. 

Nếu ammonia và nitrite bị tích tụ trong bể của bạn, vi sinh không xử lý kịp thời thì cá có thể bị ngộ độc và chết. 

Vì vậy bạn luôn phải để bể cycle xong trước khi thả cá. Bạn có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách sử dụng vi sinh (lazada) hoặc là sử dụng nước từ bể cá cũ. 

Cá betta ăn gì

Cá betta

Cá betta là loài cá săn mồi, vậy nên chúng cần rất nhiều protein. Cá betta đặc biệt thích ăn côn trùng, ấu trùng, các loại giun và sâu ngoài tự nhiên. 

Cá betta sẽ không thể sống tốt nếu ăn các loại thức ăn giàu rau củ. Thức ăn tốt nhất cho cá betta bao gồm thức ăn tươi sống như là trùn chỉ, loăng quăng, trùn huyết artemia hoặc đồ đông lạnh. Bạn cũng có thể cho cá betta ăn các loại đồ ăn khô giàu protein chuyên cho cá betta. Các loại thức ăn tốt cho cá betta có thể kể đến là:

Đồ ăn khô/cám: Giống như các loài cá khác, cá betta có thể ăn được đồ ăn khô. Nhiều người nuôi cá betta lâu năm vẫn sử dụng đồ ăn khô để nuôi cá betta. Bạn nên sử dụng loại đồ ăn giàu protein, có chất lượng tốt. Bạn cũng nên mua loại thức ăn khô chuyên dụng để nuôi cá betta. Thức ăn chuyên dụng cho cá betta sẽ giàu protein hơn các loại thức ăn thường cho cá khác, do đó sẽ cung cấp cho cá đầy đủ dinh dưỡng hơn. Mình thường sử dụng cám thái (lazada) để cho cá betta cũng như các loại cá nhỏ ăn.

Đồ tươi sống: Không có gì tốt hơn là nuôi cá betta với đồ tươi sống. Những loại thức ăn tươi cho cá tốt nhất là artemia, loăng quăng, trùn chỉ và trùn huyết. Cho cá ăn đồ tươi sống có thể giúp cá betta hoạt động nhiều hơn, kích thích bản năng săn mồi của cá. Hơn hết nữa, các loại đồ tươi sống sẽ ít khi để lại thức ăn thừa và giúp cho nước sạch hơn. 

Thức ăn đông lạnh: Thức ăn đông lạnh có thể là giải pháp thay thế tốt cho đồ ăn tươi sống. Chúng có thể chứa lượng dinh dưỡng gần tương tự như đồ tươi sống, dễ bảo quản và dễ cho ăn. Nhược điểm của đồ ăn đông lạnh là chúng không hấp dẫn cá bằng đồ tươi sống. Cử động bơi của đồ tươi sống sẽ thu hút cá hơn, giúp cho cá hoạt động nhiều hơn. Có rất nhiều loại thức ăn đông lạnh khác nhau cho bạn chọn như là: Artemia, trùn huyết, bo bo đông lạnh.

Xem thêm: Artemia đông lạnh để được bao lâu

Thức ăn sấy khô: Nếu cá betta của bạn không ăn đồ ăn khô, bạn không có điều kiện mua, bảo quản đồ tươi sống, đông lạnh thì bạn luôn có thể thử đồ ăn sấy khô. Các loại đồ ăn này đơn giản chỉ là đồ tươi sống được sấy khô mà thôi. Hiện nay có rất nhiều nơi bán các loại đồ sấy khô cho cá như là artemia sấy khô, loăng quăng sấy khô, trùn huyết sấy khô,… Mặc dù đồ ăn sấy khô có thể giúp thay thế cho đồ ăn tươi sống nhưng chúng không phải là lựa chọn thay thế hoàn hảo. Lý do là bởi quá trình sấy khô có thể lấy đi ít nhiều dinh dưỡng ở trong đồ ăn. Hơn nữa, các loại đồ ăn này có thể hút nước và nở ra trong bụng cá, trong một số trường hợp hiếm có thể khiến cho cá bị đầy bụng và táo bón.  Vậy nên trước khi cho cá ăn các loại đồ ăn này bạn phải cho đồ sấy khô ngấm nước trước đã. Điểm cộng của đồ ăn sấy khô là chúng sẽ không chứa vi khuẩn hoặc kí sinh gây bệnh cho cá. 

Bạn nên cho cá betta ăn bao nhiêu và bao lâu một lần?

Cá betta là loài cá nhỏ và không cần nhiều đồ ăn, đặc biệt là khi bạn cho chúng ăn các loại đồ ăn chất lượng tốt. Bạn chỉ cần cho chúng ăn một tẹo, đủ để cho cá ăn hết dưới 3-4 phút là được. Hơn hết nữa trừ khi cá betta chưa phát triển hết thì bạn chỉ không nên cho cá ăn quá 2 lần một ngày. Một lần một ngày cũng được hoặc thậm chí bạn cho chúng nhịn một ngày cũng không sao. Trong tự nhiên cá không thể có lượng thức ăn đều đặn hàng ngày, đặc biệt là với các loại cá săn mồi như là cá betta.  

Nếu cá betta có dấu hiệu bỏ ăn bởi vì cá bị stress do vận chuyển, môi trường nước thay đổi hoặc bị bệnh thì đừng lo. Bạn có thể bỏ không cho cá ăn vài ngày cũng không sao. 

Nếu cá betta bị stress do vận chuyển xa thì bạn hãy tắt đèn bể để giảm stress ở cá và thử cho cá ăn sau nửa ngày. 

Các loài cá nuôi chung với cá betta

Cá betta dù dữ nhưng bạn có thể cân nhắc nuôi chung chúng với những loài cá phù hợp và bạn có bể đủ lớn. Một số loài cá kể đến là:

  • Cá chuột
  • Cá neon
  • Cá tam giác
  • Cá pleco
  • Chạch culi

Xem thêm: Các loài cá có thể nuôi chung được với cá betta

Chăm sóc cho bể cá định kỳ

Cá betta là loài cá yêu cầu chăm sóc ít, bể nuôi của bạn càng lớn thì bạn càng ít phải chăm sóc. Bạn có thể làm theo lịch trình như dưới để đảm bảo cá luôn khỏe mạnh. 

Tóm tắt lại lịch trình chăm sóc bể

Hằng ngày

  • Đảm bảo thiết bị hoạt động tốt
  • Quan sát cá mỗi khi cho cá ăn để đảm bảo chúng vẫn khoẻ mạnh, không có vấn đề gì

Hàng tuần hoặc hai tuần một lần

  • Thay 10-15% lượng nước bể bằng nước sạch đã được khử clo
  • Hút cặn cho đáy bể
  • Rửa lọc, thay bông lọc nếu chúng bị quá bẩn. Bạn nên rửa vật liệu lọc sinh học bằng nước sạch khử clo hoặc bằng nước từ bể cá. 
  • Châm thêm vi sinh sau khi thay nước

Hàng tháng

  • Kiểm tra lại hạn sử dụng của đồ ăn cho cá, vứt các loại thức ăn đã quá hạn đi.
  • Thay vật liệu lọc hoá học nếu đã dùng được hơn nửa năm.

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *