aquasetup

Cách nuôi cá không cần sục oxy

Mục lục

nuôi cá không cần sục oxy

Bạn đi vào các cửa hàng cá cảnh và thấy bể cá nào của họ cũng sử dụng sủi oxy, hoặc bạn thấy sủi oxy cũng có mặt ở hầu hết các bể cá bạn thấy trên mạng và ai cũng khuyên bạn nên sử dụng chúng. Vậy thực sự thì sủi oxy có quan trọng đến như vậy không?

Cá đúng thật là cần oxy để sống và sử dụng sủi là cách tốt để cung cấp cho chúng lượng oxy cần thiết. Tuy nhiên không phải ai cũng muốn sử dụng chúng, đặc biệt nếu máy sục khí có êm như thế nào thì ban đêm vẫn sẽ tạo ra tiếng ồn. 

Hơn hết nữa là quả sục sẽ khá to, chiếm nhiều diện tích trong bể cá. Không phải ai cũng thấy bong bóng khí đẹp, thậm chí một số người còn thấy nó khó chịu. 

Tin vui là bạn không cần thiết phải sử dụng sủi oxy nếu bạn lưu ý đến một số điều mình sẽ nhắc đến trong bài viết dưới đây. 

Bạn đã có những món đồ này cho bể thủy sinh chưa?
Cây hút cặn bể cá
Ổ cắm hẹn giờ cơ
Hệ thống CO2

1. Nuôi ít cá

nuôi cá không cần sục oxy

Đây là lỗi sai nhiều người dễ mắc phải nhất khi nuôi cá. 

Nhìn cá bơi lội thực sự rất vui mắt vậy nên nhiều người thích nhồi nhét bể của mình với mọi loại cá họ có thể mua. 

Kết quả là cá sẽ chết trong một vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí là chỉ một lúc sau khi được thả vào bể. Nguyên nhân có thể là do cá bị ngộ độc ammonia trong nước hoặc là cá bị thiếu oxy. 

Khi bạn nuôi quá nhiều cá và không sử dụng máy sủi oxy thì chúng đương nhiên sẽ bị thiếu khí. Tuy nhiên bạn có thể phòng tránh được tình trạng này bằng cách nuôi ít cá đi và nuôi các loại cá nhỏ hơn. 

Trong trường hợp bể của bạn đã ổn định (bể đã có vi sinh có lợi hoạt động tốt và có trồng cây cối) và nếu bể của bạn chỉ nuôi một số loại cá bé thì bạn có thể sử dụng công thức 1cm cá cho mỗi 1.5 lít nước.

Ví dụ như nếu bể của bạn có 45 lít nước và nuôi cá neon, mỗi con có chiều dài khoảng 3cm thì bạn có thể nuôi được 10 con cá neon. 

Tuy nhiên, công thức này không thể áp dụng được cho các loài cá to hơn như là cá vàng, cá thần tiên,… 

Trong trường hợp đó thì bạn hãy tham khảo bài viết này.

2. Nuôi các loại cá không yêu cầu cao về oxy

nuôi cá không cần sục oxy

Một số loại cá cần nhiều oxy để sống. Ví dụ là các loại có môi trường sống tại những con suối chảy mạnh và giàu oxy ngoài tự nhiên như cá tỳ bà sao, cá otto,… Tuy nhiên một số khác lại không cần nhiều oxy. Chúng có thể sống tại những khu vực nước tù và có dòng chảy chậm. 

Ví dụ tiêu biểu nhất là cá betta. Khi nuôi cá betta thì bạn không nên sử dụng sủi oxy bởi chúng thích nước yên tĩnh và nhiều cây cối hơn. Thay vào đó bạn chỉ nên cung cấp cho cá đủ không gian sống và với bộ lọc chảy nhẹ như là lọc thác.

Xem thêm: Các loại cá sống khỏe nhất

3. Trồng nhiều cây

nuôi cá không cần sục oxy

Không chỉ đẹp, cây thủy sinh còn có thể giúp lọc nước, cung cấp oxy và tạo độ ổn định cho bể cá. Cây thủy sinh có thể tạo ra lượng oxy nhỏ giúp bù đắp cho việc thiếu hụt sủi oxy trong nước. 

Các loại cây cung cấp nhiều oxy là những loại cây thủy sinh có tốc độ phát triển nhanh, có thể kể đến là:

  • Rong đuôi chồn
  • Rong la hán
  • Rong đuôi chó cứng
  • Cỏ thìa
  • Tiêu thảo

Cây thủy sinh có tác dụng cân bằng dinh dưỡng trong bể, giúp cho bể cá của bạn ổn định hơn. 

Theo kinh nghiệm của mình, những bể cá khỏe mạnh và đẹp nhất luôn là những bể trồng nhiều cây và nuôi ít cá. (đương nhiên là trừ những trường hợp bạn định trồng bể phong cách biotop amazon hoặc phong cách biotop hồ malawi thì bạn có thể trồng ít cây hơn).

Xem thêm: Các loại cây không cần nhiều ánh sáng và CO2

4. Sử dụng bộ lọc đủ mạnh

Trên thực tế, bể cá luôn trao đổi oxy với môi trường bên ngoài. Hoạt động trao đổi oxy này diễn ra ở mặt nước. Nước càng động thì hoạt động trao đổi này diễn ra càng thuận lợi, càng có nhiều oxy đi vào trong nước hơn. 

Có một cách để bạn giúp quá trình trao đổi oxy hiệu quả hơn là sử dụng bộ lọc đủ tốt. 

Ngoài việc giúp làm động mặt nước, bộ lọc tốt còn có thể giúp cho phân phối oxy đi khắp bể hiệu quả hơn. 

Hiện nay trên thị trường có vô số loại lọc bạn có thể chọn. Nếu bạn có những bể cá bé tầm 20, 30 lít đổ xuống thì bạn có thể cân nhắc những loại lọc bé như lọc tháng hoặc lọc treo. 

Đối với những loại bể to hơn thì bạn phải sử dụng các loại lọc treo hoặc lọc thùng để có thể giúp xử lý được lượng nước lớn. 

Bộ lọc tốt không những giúp cung cấp thêm oxy cho bể cá mà tác dụng chính của chúng còn là giúp xử lý các chất độc hại trong nước. 

Vi sinh sống trong bộ lọc có thể giúp hấp thụ lượng ammonia, nitrite có hại sản sinh ra từ thức ăn thừa và phân cá trong bể. 

5. Thay nước thường xuyên

Mình luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay nước thường xuyên cho bể cá. Ngoài việc giữ cho nước bể cá sạch mà thay nước còn giúp bổ sung lượng khí Oxy, CO2 và lượng khoáng thiếu hụt hoặc xử lý các chất độc hại ứ đọng trong bể cá. 

Kể cả bạn có bộ lọc tốt thì bạn không thể bỏ qua bước này được. 

Lượng nước tối ưu để thay thường xuyên là 10-15% nước bể mỗi tuần. Thay nước thường xuyên không chỉ giúp cá sống khỏe mà còn giúp cho nước trong, cây cối trong bể phát triển nhanh, tạo sự ổn định cho bể cá. Đọc bài viết này để có thể giảm thiều số lần thay nước định kì.

Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh thay nước quá nhiều. Làm vậy có thể gây sốc nước cá, cây, khiến chúng bị chết. Hoặc bạn cũng có thể sẽ làm chết hệ vi sinh chưa kịp sinh sôi trong bể, từ đó khiến chúng không kịp xử lý lượng thức ăn thừa và chất thải từ cá. 

Kết lại

Để nuôi cá mà không cần sủi oxy thì bạn phải nuôi cá với số lượng ít và nuôi các loại cá bé. Một số loại cá sẽ quá to, ăn và thải quá nhiều như là cá vàng cần phải được nuôi trong bể to hơn nhiều. Đồng thời bạn cũng có thể xem xét nuôi các loại cá không cần quá nhiều oxy như là cá betta hoặc két panda. 

Sử dụng bộ lọc đủ mạnh, nuôi thêm nhiều cây thủy sinh và thay nước thường xuyên là cách hay và cần thiết để giúp bổ sung lượng oxy thiếu hụt cho bể cá, đồng thời giúp cho bể cá luôn ổn định và cá có thể sống khỏe hơn. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *