aquasetup

Chi tiết về đá nham thạch và cách sử dụng trong bể thủy sinh

Mục lục

đá nham thạch thủy sinh

Đá nham thạch là loại vật liệu phổ biến được sử dụng trong bể thủy sinh bởi nhiều lợi ích rõ ràng. Đá nham thạch có thể được sử dụng để làm vật liệu lọc, sử dụng để trải nền hoặc là dùng để làm bố cục thủy sinh. 

Chúng là loại vật liệu bền, cứng, xốp và có trọng lượng nhẹ. Vậy nên sẽ giúp bạn dễ dàng setup bể hơn. Cùng với trọng lượng đó thì bạn sẽ có thể có nhiều đá nham thạch hơn là các loại đá thủy sinh khác. 

Ngoài ra, đá nham thạch cũng sẽ có đủ màu sắc, từ màu đồng cho đến màu đen. 

Trong bài viết này mình sẽ nói về các loại đá nham thạch cũng như là cách sử dụng chúng. 

Về đá nham thạch

Khi nói đến nham thạch thì bạn nghĩ đến cái gì? Núi lửa đúng không? Đá nham thạch đúng là đến từ núi lửa. Các loại đá nham thạch được khai thác hiện nay có lẽ cũng phải có tuổi đời khoảng 20.000 năm rồi. 

Đá nham thạch còn có tên gọi khác là đá Scoria (loại đá màu đen/ đỏ/xám) hoặc đá pumice (đá màu xám/ trắng) tùy vào cách thức chúng hình thành và thành phần trong đá. Loại đá này được hình thành khi mà khí từ núi lửa trộn với macma. Khi nham thạch nguội lại trước khi khí kịp thoát ra thì chúng sẽ tạo thành các cấu trúc đá xốp như ta thấy hiện nay. 

Chính nhờ cấu trúc xốp đó mà đá nham thạch là vật liệu hoàn hảo để giúp cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi. 

Các loại đá nham thạch

Màu của đá sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là cách nham thạch nguôi và loại khoáng chất có trong đá. Đá nham thạch thường có các màu như là đỏ, đen, xám hoặc trắng.

Đá nham thạch đỏ

đá nham thạch thủy sinh

Đá nham thạch có màu đỏ là do chứa nhiều quặng sắt bị oxy hóa, cụ thể là Hematite (Fe2O3). Khi dung nham phun trào ra từ núi lửa, chúng cũng có thể chứa các hợp chất giàu sắt. Nhiệt độ cao của dung nham cũng khiến cho các loại hợp chất đó oxy hóa, tạo thành màu đỏ như bạn thấy hiện nay. 

Ngoài ra, quá trình nguội và đông lại của nham thạch cũng ảnh hưởng đến màu sắc của đá. Dung nham nguội nhanh sẽ khiến đá có màu tối hơn, ngược lại khi dung nham nguội chậm thì chúng thường sẽ có màu đỏ rõ hơn. 

Đá nham thạch đen

đá nham thạch thủy sinh

Đá nham thạch đen cũng là loại đá phổ biến để setup bể thủy sinh. Loại đá này ở Việt Nam còn có tên gọi khác là đá đen gia lai. Dung nham thông thường sẽ giàu quặng sắt và magie như là pyroxene và olivine. Các chất này trong đá sẽ khiến cho đá có màu đen. 

Ngoài ra, quá trình nguội nhanh sẽ khiến cho nham thạch kết tinh nhỏ hơn, từ đó khiến cho các tinh thể đá sẽ ít phản chiếu ánh sáng hơn và từ đó khiến cho chúng có màu đen hơn. 

Đá nham thạch trắng

đá nham thạch thủy sinh

Loại đá nham thạch trắng bạn thường thấy đó chính là đá pumice, perlite (loại vật liệu không thể thiếu nếu bạn muốn trồng sen đá hoặc xương rồng), đá lông vũ hoặc là vật liệu lọc matrix. 

Đá nham thạch trắng có màu sắc như vậy bởi vì chúng chứa nhiều silica. 

Đá nham thạch trắng cũng được tạo ra từ núi lửa phun trào. Tuy nhiên, quá trình phun trào để hình thành đá nham thạch trắng sẽ mạnh và có nhiều khí ga nén hơn nhiều, từ đó khiến cho chúng rỗng và nhẹ hơn so với đá nham thạch đen/ đỏ. 

Chính vì vậy chúng sẽ phù hợp để làm vật liệu lọc hơn so với đá nham thạch đen, đỏ. Bởi đá nham thạch trắng sẽ nổi trong nước và có nhiều bề mặt hơn để tạo nơi sống cho các loại vi sinh có lợi. 

Công dụng của đá nham thạch

Đá nham thạch có thể được cho vào bể thủy sinh bởi chúng là loại vật liệu trơ, không ảnh hưởng đến chất lượng nước, chúng có thể được dùng để làm:

Tạo bố cục bể

Các loại đá nham thạch đen và đỏ có thể được sử dụng để tạo bố cục cho bể thủy sinh. Theo ý kiến của mình, dùng đá nham thạch đen sẽ đẹp hơn. Bởi chúng sẽ tạo độ tương phản rõ hơn với cây thủy sinh màu xanh. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là sở thích cá nhân. 

Đá nham thạch đỏ cũng có thể tạo bố cục đẹp và tạo phong cách riêng. 

Lưu ý là do có bề mặt xốp nên khi gắn đá bạn nên sử dụng keo silicon thay vì các loại keo thông thường như là keo dính thủy sinh chuyên dụng hoặc keo 502. 

Làm nền bể

Bạn cũng có thể dùng đá nham thạch vụn để làm nền bể thủy sinh nếu bể không trồng cây. Khi sử dụng nền đá nham thạch bạn chỉ nên dải một lớp mỏng là được. Nếu lớp nền bể bằng đá nham thạch quá dày thì có thể dễ khiến cho thức ăn thừa cũng như là phân cá bị tích tụ. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng kết hợp nền đá nham thạch và phân thủy sinh chuyên dụng để có thể tăng thêm nơi sống cho vi sinh có lợi. 

Sử dụng làm vật liệu lọc

Đá nham thạch trắng là phù hợp nhất để làm vật liệu lọc. Lý do là bởi chúng nhẹ và rỗng nên sẽ nổi trong nước, do đó không phù hợp để làm nền bể. 

Ngoài ra, vì rỗng hơn nhiều so với loại đá đen và đỏ nên chúng có thể cung cấp thêm chỗ sống cho các loại vi khuẩn có lợi. 

Loại đá lọc phổ biến nhất đó chính là matrix. Matrix thật ra cũng làm từ cùng một loại vật liệu so với đá lông vũ thông thường. 

Tuy nhiên, chúng là loại đá nham thạch trắng đã được qua chọn lọc và xử lý để có công dụng nuôi vi sinh có lợi tốt nhất. 

Lưu ý khi sử dụng đá nham thạch cho bể cá

Đá nham thạch sẽ xốp và có nhiều lỗ nhỏ vậy nên sẽ dễ bị tích tụ cặn bẩn bên trong hơn. Vậy nên khi sử dụng đá để setup bể cũng như là bộ nền bạn cần lưu ý chăm sóc bể kĩ hơn. 

Ngoài ra, đá có thể có cạnh sắc. Nếu bạn nuôi một số loại cá có vây dài như là cá betta hoặc là cá vàng bạn nên cân nhắc sử dụng một số loại đá khác bởi đá nham thạch có thể khiến cá bị rách vây. 

Đá nham thạch có thể dễ vỡ, tạo bụi, cặn nhỏ. Vậy nên trước khi cho đá vào trong bể bạn cần rửa sạch kĩ. 

Khi sử dụng đá nham thạch để tạo bố cục cho bể, bạn cần tránh sử dụng keo 502 hoặc các loại keo  Cyanoacrylate khác. Lý do bởi các loại keo này không dính tốt trên bề mặt lỗ như đá nham thạch. Thay vì đó bạn nên sử dụng keo dán silicon. 

Kết lại

Đá nham thạch là loại vật liệu trơ tuyệt vời bạn có thể sử dụng cho bể thủy sinh. Bạn có thể sử dụng đá đen/ đỏ để tạo bố cục, làm nền bể. Với loại đá trắng bạn có thể sử dụng làm vật liệu lọc. 

Với khối lượng nhẹ và độ rỗng lớn, đá nham thạch có thể giúp tạo nơi sống cho các loại vi sinh có lợi cho bể. Tuy nhiên bạn cần lưu ý là không nên sử dụng đá nham thạch trong những bể nuôi các loài cá vây dài như là cá betta hoặc cá vàng bởi cạnh của đá có thể làm rách vây cá. 

Ngoài ra, đá nham thạch có thể dễ bị tắc cặn bẩn và tạo cặn cho bể khi mới setup hơn. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *