aquasetup

Bạn có nên đặt bể cá ngoài ban công không?

Mục lục

có nên đặt bể cá ngoài ban công không?

Bạn cảm thấy ban công khá là trống trải? Muốn có thêm gì đó để trang trí? Bể thủy sinh ngoài ban công có thể là điểm nhấn cho căn nhà của bạn. 

Bạn có thể đặt bể cá ngoài ban công, nhiều người cũng làm vậy để tận dụng tối đa không gian có trong nhà. Tuy nhiên, làm bể cá ngoài trời sẽ có thể có nhiều vấn đề có thể xảy ra hơn khi đặt bể cá trong nhà. 

Có một số yếu tố bạn cần phải chú ý đó là môi trường xung quanh, thiết kế, nhiệt độ, lọc nước, loài cá. 

Vấn đề có thể xảy ra khi đặt bể cá ngoài ban công

Các loại bể cá ngoài trời đều có chung những vấn đề, đó là bạn khó có thể kiểm soát môi trường nước được như bể trong nhà, một số hậu quả có thể xảy ra đó là:

1. Rêu hại bùng phát

Nếu ban công của bạn hứng nhiều ánh sáng mặt trời trực tiếp thì rêu hại sẽ có thể bùng phát. Dinh dưỡng dư thừa trong bể từ phân nền, phân cá hoặc thức ăn thừa sẽ là nguồn thức ăn tuyệt vời cho rêu hại. Nếu bạn nuôi nhiều cá thì bể sẽ càng bị dư thừa dinh dưỡng. 

Chúng có thể phát triển nhanh, mất kiểm soát chỉ trong vài ngày. Sau cùng, tất cả những gì bạn có còn lại chỉ là một bể rêu xanh lè, đục ngầu. 

Thông thường thì rêu hại sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Tuy nhiên, khi chúng phát triển quá nhiều và trong quá trình chết bớt thì rêu sẽ tiêu thụ rất nhiều oxy. Chúng sẽ lấy oxy nhiều hơn chúng tiêu thụ, có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt oxy trong bể cá. Nếu bạn không kịp thời kiểm soát thì tình trạng này có thể dễ dàng giết hết cá cảnh. 

Xem thêm: Rêu trong bể cá có tốt không?

2. Ít điều kiện để sử dụng lọc

Bể cá ngoài trời thường sẽ ít sử dụng thiết bị hơn. Tức là một số bạn sẽ không thể sử dụng lọc, sưởi, máy sục hoặc máy bơm cho bể cá ngoài ban công. 

Để cho cá được khỏe mạnh bạn cần nhiều hơn là chỉ cho chúng ăn. Giữ cho nước bể cá luôn sạch và ổn định là một nhân tố quan trọng đối với việc quyết định sức khỏe cho bể thủy sinh của bạn.

Lọc đóng vai trò không chỉ là giúp xử lý cặn bẩn hồ cá mà hệ vi sinh sống trong lọc còn giúp xử lý các chất độc tích tụ trong bể. 

Vậy nên khi không có lọc thì ammonia, nitrite trong bể sẽ bị tích tụ nhanh, nếu trong bể có quá nhiều chất thải hữu cơ thì cá sẽ có thể bị ngộ độc và chết. 

3. Nhiệt độ thay đổi nhanh chóng

Ngoài trời có nhiệt độ thay đổi nhanh chóng hơn nhiều so với trong nhà. Vậy nên cá và cả cây thủy sinh trong bể sẽ phải chịu thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều. Ngoài trời vào mùa hè đôi khi có thể lên tới 40 độ C và xuống 10 độ C vào mùa đông hoặc thấp hơn tại Việt Nam. 

Nhiệt độ khắc nghiệt không phải là vấn đề duy nhất, một số loài cá có thể sống sót tại nhiệt độ này. Điều quan trọng hơn là nhiệt độ bị thay đổi quá nhanh. Khi nhiệt độ thay đổi nhanh thì cá và cây thủy sinh có thể bị sốc nước. 

Khi tình trạng này xảy ra thì chúng sẽ gặp vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, bị stress và có thể chết. 

4. Khó chăm sóc hơn

Chăm sóc bể cá yêu cầu bạn phải thay nước cho bể đều đặn. Mục đích của việc thay nước là xử lý được các chất độc tích tụ trong bể. 

Nếu bể cá được đặt tại nơi bạn ít khi qua lại thì việc chăm sóc như là thay nước sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bể cá bị ít chăm sóc sẽ bị rêu hại cùng với nước bẩn. 

5. Các loài săn mồi

có nên đặt bể cá ngoài ban công không?
Ấu trùng chuồn chuồn

Bạn có thể tự hỏi tại sao tự dưng lại nhắc đến loài săn mồi đúng không? Không may là nếu bạn để thùng xốp ngoài trời thì sẽ có khả năng xuất hiện một số loài săn mồi có thể săn cá của bạn như các loài chim, ấu trùng chuồn chuồn, tắc kè hoặc thạch sùng. Không có cách nào để có thể phòng chống và ngăn chặn tình trạng đó xảy ra hoàn toàn nhưng có những cách bạn có thể làm để giảm thiểu nó.

Cách đầu tiên là cung cấp nhiều chỗ trốn cho cá bằng cách trồng nhiều cây, thêm ống nhựa pvc hoặc các loại đồ trang trí khác. 

Nếu cẩn thận hơn thì bạn có thể lắp thêm một lớp lưới để có thể bảo vệ thùng cá. Tuy vậy cách này không cần thiết lắm và việc lắp đặt có thể tốn kha khá công sức.

Đây cũng là lý do bạn nên nuôi các loại cá sinh sản nhanh, đẻ con trong thùng xốp bởi khả năng sinh sôi của những loại cá này sẽ giúp số lượng cá không bị ảnh hưởng bởi các kẻ săn mồi ngoài tự nhiên.

6. Cá cảnh dễ chết

Việc thay đổi nhiệt độ, khó chăm sóc, khó lắp đặt lọc và sủi sẽ dẫn đến tình trạng cá chết nhiều hơn. Nuôi cá thì đương nhiên là không ai mong cá chết mà phải không. 

Nếu bạn chọn bừa loại cá để nuôi thì chúng sẽ không thể sống sót được trong môi trường khắc nghiệt như vậy. Hầu hết loài cá đều nhạy cảm với môi trường nước, dễ bị ngộ độc ammonia nếu không được thay nước thường xuyên. 

Biện pháp để nuôi bể cá ngoài ban công

Dù cho sẽ có nhiều vấn đề xảy ra nhưng bạn vẫn có biện pháp để khắc phục. Cụ thể là:

Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp

Ánh sáng mặt trời là thủ phạm chính khiến cho rêu hại phát triển cũng như là nhiệt độ thay đổi đột ngột. Tốt nhất là bạn nên đặt nơi nhiều bóng râm hoặc có mái che cho bể cá. 

Bạn cũng có thể nuôi các loại cây mọc mặt nước như là sen, bèo để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào bể. 

Nếu có thể thì bạn hãy dán một lớp che nắng vào mặt bể trong trường hợp bạn sử dụng bể kính. 

Có sử dụng lọc

Nếu có điều kiện thì bạn nên sử dụng lọc. Lọc ngoài khả năng lọc nước thì còn có tác dụng tạo dòng chảy, cung cấp oxy, tạo nơi sống cho vi sinh, tránh khu vực nước tù trong bể. 

Khu vực nước tù có thể làm tích tụ ammonia, có ít oxy và có thể gây chết cây, cá hoặc tép.Nếu bạn có bể bé mà không có lọc hoặc sủi oxy thì bạn sẽ phải cần thay nước thường xuyên, thậm chí là thay hằng ngày để đảm bảo cá có nước sạch để sống. 

Dòng chảy tốt trong bể cũng giúp đưa thức ăn, dinh dưỡng đến khắp nơi, giúp cho cây cối và cá có thể phát triển. Và đương nhiên, lọc cũng giúp làm sạch bể cá, giúp cho nước trong hơn. Nuôi cá là để ngắm mà đúng không, nếu không có bộ lọc tốt thì nước sẽ luôn bị đục ngầu và gây khó chịu cho người nuôi. 

Nuôi nhiều cây thủy sinh

có nên đặt bể cá ngoài ban công không?
Bể cá ngoài trời trong vắt nhờ trồng tiểu bảo tháp

Cây có thể giúp hấp thụ dinh dưỡng dư thừa, xử lý các chất độc như là nitrate, ngăn tình trạng cá chết và có thể giúp phòng tránh rêu hại phát triển, đồng thời tạo chỗ trốn cho cá con và tép con. 

Những bể thủy sinh đẹp, ổn định và khỏe mạnh nhất luôn là bể trồng nhiều cây và nuôi ít cá. Với số lượng cây thủy sinh nhiều và bạn nuôi ít loài trong bể, bạn thậm chí còn không cần phải thay nước, có thể giảm được công sức chăm sóc cho bể. Những loại cây thủy sinh lọc nước tốt nên là cây phát triển nhanh, sống khỏe. 

Cây thủy sinh trong bể cá ngoài ban công có thể giúp hấp thụ ánh sáng dư thừa, ngăn rêu hại, xử lý chất độc, giúp nước trong và cá khỏe mạnh hơn nhiều. 

Các loại cây giúp lọc nước và phát triển nhanh tốt cho bể là:

Xem thêm: Các loại cây giúp lọc nước

Nuôi các loài cá sống khỏe

Không phải loại cá cảnh nào cũng có thể nuôi được ngoài trời được. Lý do vì điều kiện sống bên ngoài sẽ khắc nghiệt, thay đổi nhiều hơn ở trong nhà rất nhiều. 

Vì vậy tiêu chí để chọn là chúng phải sống khỏe và đồng thời có khả năng chịu được thay đổi nhiệt độ thường xuyên. Loại cá đó cũng phải có kích thước phù hợp với bể ngoài trời của bạn.

Các loài cá phổ biến là:

Xem thêm: Các loài cá cho bể ngoài trời

Nuôi bể to

Lý do là bể càng lớn thì càng ổn định, hệ vi sinh có thể hoạt động được tốt và nước bể sẽ sạch hơn. Hơn nữa là nếu nuôi trong bể quá bé, bạn cần phải thay nước hàng ngày. Với bể cá to hơn thì bạn chỉ cần thay nước hàng tuần là được. 

Với bể cá to thì môi trường trong bể sẽ ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài hơn so với bể cá bé. 

Chăm sóc bể thường xuyên

Thay nước cho bể cá có thể được coi là khâu quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc bể cá. Lượng nước tối ưu bạn nên thay mới cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần hoặc hai tuần một lần nếu bạn nuôi lượng cá vừa phải.

Bạn nên vừa hút cặn đáy vừa thay nước một thể luôn để có thể dọn dẹp bể hiệu quả nhất. Hút cặn đáy có thể giúp bạn loại bỏ được phân cá, thức ăn thừa và các loại chất thải hữu cơ khác bị tích tụ dưới nền bể.

Khi đổ nước mới vào bể, bạn cần phải đảm bảo rằng nước mới không được chứa clo.

Nước máy đôi khi có thể chứa clo. Clo trong nước có tác dụng sát khuẩn, đảm bảo nước không quá nguồn bệnh. Nếu bạn cho nước có clo vào bể thủy sinh thì bạn sẽ giết cá, tép và hệ vi sinh trong bể. 

Nếu bạn nuôi ít cá cộng với việc trồng nhiều cây thủy sinh thì bạn sẽ đỡ phải thay nước thường xuyên hơn. 

Nuôi ít cá

Nhìn cá bơi lội thực sự rất vui mắt vậy nên nhiều người thích nhồi nhét bể của mình với mọi loại cá họ có thể mua. 

Kết quả là cá sẽ chết trong một vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí là chỉ một lúc sau khi được thả vào bể. Nguyên nhân có thể là do cá bị ngộ độc ammonia trong nước hoặc là cá bị thiếu oxy. 

Khi bạn nuôi quá nhiều cá và không sử dụng máy sủi oxy thì chúng đương nhiên sẽ bị thiếu khí. Bạn có thể phòng tránh được tình trạng này bằng cách nuôi ít cá đi và nuôi các loại cá nhỏ hơn. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *