Ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của cây thủy sinh. Tuy vậy, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Việc chiếu sáng quá nhiều cho bể cá có thể tạo ra những hậu quả lớn và nhiều tác hại kèm theo. Trong bài viết này, mình sẽ chỉ cho bạn năm dấu hiệu để nhận biết cây thủy sinh bị thừa sáng và cách để chiếu sáng cho bể đúng cách.
1. Lá quá to
Bạn có thể sẽ thấy vui khi nhận thấy cây phát triển nhanh và tạo ra những nhánh lá to. Nhưng một khi bạn ngừng chú ý, nhiều vấn đề có thể phát sinh.
Cây phát triển quá mức đòi hỏi chăm sóc cao và bạn cần phải cắt tỉa cho chúng thường xuyên. Không nhiều người có thời gian để làm vậy, và đối với những bể cá nhỏ thì bạn sẽ không muốn để một số cây phát triển lá quá to.
Hai là, khi lá cây phát triển quá mức, cá sẽ có ít chỗ để bơi lội hơn. Khi đó chúng sẽ có biểu hiện stress, hung dữ hơn,..
Giảm ánh sáng sẽ giúp bạn kiểm soát được mức độ phát triển của cây cối trong bể.
2. Lá cây đổi màu
Một dấu hiệu cho việc bể của bạn đang có quá nhiều ánh sáng là lá cây bắt đầu chuyển màu (trừ trường hợp cây đang đổi từ lá cạn sang lá nước).
Ví dụ, nếu một số cây đang ở trong môi trường ít ánh sáng và đột ngột chuyển sang môi trường nhiều ánh sáng, lá của chúng có thể chuyển dần sang màu vàng. Điều này hay xảy ra với những cây yêu cầu ánh sáng thấp như các loại rêu như rêu java, rêu minitaiwan, .. và dương xỉ. Nếu tình trạng chiếu sáng cao diễn ra lâu, lá của chúng có thể bị cháy, sau đó chuyển nâu và chết.
Các loại cây sẽ cần một tuần để có thể trở về màu cũ của nó, với điều kiện là bạn cho cây đó vừa đủ lượng ánh sáng chúng cần.
Nếu lá cây chuyển sang màu tím hoặc đỏ, tức là ánh sáng bể đang quá cao. Ánh sáng quá cao khiến cho chất diệp lục biến mất, dẫn đến việc đổi màu lá ở cây.
Nếu lá cây chuyển nâu, đó là dấu hiệu lá bị “cháy” do bị tiếp xúc với cường độ ánh sáng quá cao trong thời gian dài.
3. Viền nâu xung quanh lá
Viền nâu xung quanh lá cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy là bị “cháy” do ánh sáng quá cao.
4. Rêu hại
Việc rêu hại xuất hiện nhiều trong bể chủ yếu là kết quả của việc dư thừa dinh dưỡng trong bể cộng với ánh sáng cao.
Cách giải quyết tối ưu nhất cho vấn đề này là chỉnh lại lượng ánh sáng cho bể và thay nước thường xuyên, làm vậy sẽ giúp giảm dinh dưỡng bị thừa trong bể và từ đó giúp cắt đi nguồn thức ăn của rêu hại. Trong thời gian này, bạn cũng nên tránh cho cá ăn quá nhiều, có thể dẫn đến thức ăn dư thừa.
Thêm nữa, bạn có thể nuôi thêm một số loài ăn rêu để có thể xử lý vấn đề rêu hại.
Xem thêm: rêu bám kính, nguyên nhân và cách xử lý
5. Lá cây bị rữa
Đây thường là tác hại phụ gây ra bởi rêu hại và không phải do ánh sáng quá cao trực tiếp gây ra.
Lượng rêu hại quá cao trong bể có thể bao phủ lá cây và ngăn không cho chúng quang hợp và khiến cho lá bị hư hại.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng rữa lá.
Bể cá nên được chiếu sáng như thế nào?
Có nhiều loại cây thủy sinh, mỗi loại có một nhu cầu khác nhau. Không có một công thức chung cho câu hỏi về lượng ánh sáng tối ưu cho bể.
Tuy vậy có những nguyên tắc cơ bản bạn cần biết. Bạn chỉ nên chiếu sáng cho bể tầm 8-10 tiếng mỗi ngày. Ánh sáng này có thể là ánh sáng gián tiếp từ mặt trời, ánh sáng đèn huỳnh quang hoặc từ đèn led.
Bạn có thể mua ổ cắm hẹn giờ (link lazada) để có thể kiểm soát được thời lượng chiếu sáng tốt hơn.
Hơn nữa hãy lưu ý đến mật độ cây và ánh sáng trong phòng. Nếu bể cá được đặt trong phòng được chiếu sáng tốt thì nhu cầu ánh sáng của bể sẽ ít hơn.
Lưu ý rằng một khi bạn nhận thấy có dấu hiệu rêu hại trong bể bạn hãy chỉnh cho cường độ ánh sáng yếu đi hoặc cho thời gian chiếu sáng ngắn lại và theo dõi thêm.
Ánh sáng cho bể mới làm
Bể mới setup thì sẽ không ổn định, luôn luôn sẽ có vấn đề có thể xảy ra, đây là thời điểm hoàn hảo để cho rêu hại phát triển. Vậy nên bạn cần đặc biệt quan tâm chú ý tới bể trong thời gian này.
Khi bạn mới làm bể thì bạn cần thí nghiệm với ánh sáng để có thể chọn lựa được ánh sáng phù hợp nhất. Ban đầu mình khuyên là bắt đầu với 8 tiếng một ngày, sử dụng cường độ ánh sáng vừa phải. Sau đó bạn hãy quan sát bể trong một vài tuần. Sau khoảng thời gian đó (tầm một tháng), bạn thử để ý xem bể có loại rêu hại nào phát triển không. Đó có thể là rêu tóc hoặc rêu tảo nâu,..
Khi mà bể của bạn có quá nhiều rêu xanh, điều đó chứng tỏ bể đang có quá nhiều ánh sáng. Để chữa thì bạn có thể giảm thời gian chiếu sáng hoặc trồng thêm một số loại cây phát triển nhanh để chúng có thể hấp thụ được lượng dinh dưỡng dư thừa trong bể.
Khi bể của bạn bị rêu nâu, có nghĩa là bể của bạn đang có quá nhiều dinh dưỡng nhưng lại không có đủ ánh sáng để cây cối có thể hấp thụ được lượng dinh dưỡng đó. Khi bể bạn bị rêu tảo nâu, bạn nên gia tăng thêm ánh sáng cho bể bằng cách kéo dài thời gian chiếu sáng hoặc tăng cường độ sáng.
Kết luận
Việc dư thừa ánh sáng cũng có thể giết chết cây thủy sinh và gây nhiều vấn đề về rêu hại. Đảm bảo bạn nghiên cứu tốt các loại cây trong bể và cung cấp cho chúng lượng ánh sáng cần thiết.
Hơn nữa bạn cần lưu ý là đừng đặt bể dưới ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
Xem thêm: nên treo đèn thủy sinh cao bao nhiêu