Nếu bạn đang tìm một loài cá sống khỏe, bơi theo đàn, ưa hoạt động thì bạn có xem xét chọn mua cá xecan. Nhưng hãy cẩn thận vì chúng không phải là loài cá hiền lành, bạn cần phải nghiên cứu cẩn thận trước khi nuôi cá xecan và chọn các loài cá nuôi chung.
Bạn chỉ cần cho cá xecan môi trường tốt, đủ không gian bơi lội cùng thức ăn tốt thì chúng có thể sống tới 5-7 năm hoặc là nhiều hơn.
Trong bài viết này, mình sẽ viết về mọi điều bạn cần biết khi nuôi cá xecan.
Về cá xecan
Cá xecan có tên khoa học là Puntigrus tetrazona, là loài cá thủy sinh phổ biến bởi vẻ đẹp có phần hoang dã và tập tính thú vị của chúng.
Cá xecan có nguồn gốc từ Sumatra, Borneo, Indonesia và bán đảo Malaysia. Cá xecan kể từ khi trở nên phổ biến đã được đem đi khắp nơi trên thế giới. Bây giờ chúng cũng có thể được tìm thấy ở Úc, Singapore, Suriname và Colombia.
Ngoại hình
Cá có thân hình thoi với các sọc đen chạy ngang trên thân. Cá có đầu nhọn, miệng tương đối bé. Thân cá có màu vàng cam, hơi ánh đỏ ở giữa. Vây cá cũng có ánh đỏ ở rìa. Khi vào thời điểm sinh sản, miệng cá đực sẽ có màu đỏ hơn.
Tập tính
Cá xecan nổi tiếng là loài cá có bản tính hơi hung hăng, bảo vệ lãnh thổ. Đúng thật là chúng hơi dữ, thích va chạm và bảo vệ lãnh thổ. Tuy nhiên, chúng chỉ làm phiền chứ không thực sự tấn công các loài cá khác.
Nếu biết cách thì bạn có thể hạn chế được hành vi của loài cá này. Nếu được nuôi theo bầy, chúng sẽ hướng sự chú ý đến nhau, chỉ cạnh tranh với những con trong bầy và hình thành hệ thống cấp bậc. Khi đó, chúng sẽ không làm phiền đến các loài cá khác.
Bạn nên nuôi cá xecan theo số lượng từ 6 con trở lên, trên 8 con là tốt nhất.
Các loại cá xecan
Hiện nay, nhờ vào sinh sản chọn lọc mà có nhiều loại xecan với màu sắc khác nhau, có thể kể đến là:
Cá xecan thường: có thân màu vàng đỏ với 4 sọc đen
Cá xecan albino: có thân màu vàng, sọc trắng với vây đỏ
Cá xecan xanh: có thân có ánh xanh đen, với vây màu đen. Độ đậm của thân tùy vào từng loại, có loại chỉ hơi xanh, có loại có màu xanh đậm đến mức gần chuyển đen.
Bể nuôi cá xecan
Ngoài tự nhiên, loài cá này sống tại những con sông, đầm lầy và suối nhỏ. Chúng sống ở nhiều độ sâu khác nhau, nơi có nhiều cũng như ít ánh sáng. Tuy vậy, loài cá này vẫn thích khu vực nước nông, nước đen và mang tính axit hơn.
Cá xecan là một trong những loài cá sống khoẻ nhất bạn có thể nuôi. Miễn là bạn có thể cho chúng nước hợp lý thì chúng cũng không quá quan trọng lắm về thông số. Bạn chỉ cần đảm bảo nước bể ổn định là được. Tuy vậy, để cá có thể thoải mái thì bạn vẫn nên cho chúng thông số nước đúng.
Nhiệt độ thích hợp để nuôi cá xecan là vào khoảng 23 – 26 độ C, độ pH vào khoảng 6-8. Bạn có thể sử dụng nền sỏi nhỏ hoặc nền cát. Cá xecan không yêu cầu quá cao về ánh sáng, bạn có thể chiếu sáng nhiều hoặc ít tùy ý. Tuy nhiên, bạn vẫn nên có thời gian chiếu sáng ổn định để có thể mô phỏng được môi trường sống tự nhiên của cá.
Cá xecan thích bể được trồng nhiều cây cối. Bạn có thể trồng các loại hẹ nước, rong, cây cắt cắm mọc cao ở phía sau hoặc rìa bể. Bạn vẫn nên để bể có không gian mở để cá có thể bơi lội thoải mái.
Cá xecan là loài cá ưa hoạt động, bơi nhanh, do đó chúng đôi khi có thể nhảy ra ngoài bể. Vậy nên bạn nên tránh đổ nước bể quá đầy, tốt nhất là có nắp đậy bể hoặc là nuôi các loại cây trên mặt nước như là bèo.
Để nuôi một đàn cá xecan 5-6 con thì bạn cần bể có thể tích tối thiểu là 60 lít. Với mỗi một con cá xecan nuôi thêm thì bạn phải cho chúng thêm 10 lít nước không gian sống.
Bạn cùng bể
Cá xecan ngoài tự nhiên chung sống với nhiều loài cá khác nhau, vậy nên bạn hoàn toàn có thể tìm bạn chung bể cho cá.
Cá xecan thuộc họ cá diếc, vậy nên bạn có thể nuôi chung cá xecan với các loài cá diếc khác như là cá hồng cam, cá diếc anh đào vây ngắn,..
Ngoài ra, bạn có thể nuôi chung cá xecan với các loài cá có chung kích cỡ, bơi nhanh, có bộ vây ngắn để cá xecan không rỉa vây được. Bạn cũng có thể nuôi chung cá với các loài hoạt động ở tầng bể khác.
Một số loài cá phù hợp có thể kể đến là:
- Chạch culi
- Cá pleco
- Cá cánh buồm
- Cá chuột
- …
Các loài cá bơi chậm, có bộ vây dài như là cá thần tiên, cá betta cần được giữ tránh xa cá xecan. Nếu bạn nuôi chung chúng với nhau thì các loài cá vây dài sẽ liên tục bị rỉa vây, bắt nạt, lâu dần có thể bị stress và chết.
Cá xecan cũng sẽ bớt làm phiền đến các loài cá khác khi mà chúng được thả vào sau. Bạn có thể làm bể, nuôi các loài cá khác cho chúng quen với môi trường sống trước sau đó mới bắt đầu thả cá xecan. Nếu chúng là loài cá đầu tiên được thả thì cá xecan sẽ nghĩ những con cá khác là loài xâm chiếm lãnh thổ.
Xem thêm: Các loài cá có thể được nuôi chung với cá xecan
Cá xecan ăn gì?
Ngoài tự nhiên, cá xecan ăn rêu, tảo, sâu, các loài giáp xác nhỏ khác. Giống như hầu hết mọi loài cá cảnh, cá xecan là loài ăn tạp.
Vậy nên bạn nên cho chúng ăn thực đơn đa dạng, để mô phỏng lại thức ăn ngoài tự nhiên của chúng.
Thực đơn chính của cá xecan nên là các loại đồ ăn khô chất lượng tốt dành cho cá cảnh (mình thường sử dụng cám thái để cho các loài cá nhỏ ăn). Thỉnh thoảng bạn nên bổ sung thêm cho cá các loại đồ ăn tươi sống/ đông lạnh khác như là artemia, trùn chỉ, bo bo,…
Cá xecan đôi khi cũng có thể ăn các loại rêu ngoài tự nhiên. Bạn có thể cho chúng ăn các loại rau củ quả luộc cắt nhỏ như là dưa chuột, xà lách, cà rốt hoặc là rau cải. Các loại rau này có thể giúp bổ sung thêm vitamin và chất xơ cho cá.
Cá xecan nên được cho ăn một đến hai lần một ngày, với lượng thức ăn vừa đủ để ăn hết dưới 3 phút, tránh làm bẩn nước.
Các bệnh thường gặp
Giống như các loài cá cảnh khác, cá xecan có thể bị các bệnh do nhiễm nấm, vi khuẩn, virus hoặc các loài ký sinh.
Một trong những căn bệnh phổ biến nhất đó chính là cá bị nấm trắng. Khi đó, trên người cá sẽ có những hạt trắng nhỏ liti như là hạt muối. Ngoài ra, cá cũng có thể bị rách vây, thối vây, thối thân, xuất huyết,…
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nước bể bị bẩn, thông số nước bị sai, dẫn đến tình trạng cá bị stress và hệ đề kháng bị suy giảm.
Cách tốt nhất để phòng tránh vô số căn bệnh ở cá là đảm bảo nước bể của bạn luôn sạch và được chăm sóc thường xuyên.
Để làm vậy thì bạn cần phải thực hiện thay nước cho bể định kỳ. Tối ưu nhất là khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần với nước sạch đã được khử clo.
Bạn cũng nên tránh nuôi quá nhiều cá bởi lượng phân thải sẽ quá nhiều hoặc các loại cá khác nhau sẽ rỉa vây của loài cá yếu hơn.
Bạn cũng nên kiểm tra mức độ tương thích của từng loài cá trước khi nuôi chung chúng trong cùng một bể.
Bạn không nên cho cá ăn quá nhiều, chỉ cho cá ăn mỗi lần lượng thức ăn chất lượng tốt vừa đủ để chúng có thể ăn hết trong vòng 3 phút. Càng nhiều thức ăn thừa thì khả năng vi khuẩn có hại và chất độc trong nước càng tăng cao.
Khi cho cá ăn bạn cũng nên quan sát kĩ cá để phát hiện được các dấu hiệu sớm bệnh để có thể kịp thời đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp.
Sinh sản
Cá xecan thường có thể được sinh sản vào thời điểm 6 đến 7 tuần tuổi, khi mà cá đạt kích thước vào khoảng 3 đến 4 cm. Để nuôi cá xecan sinh sản tốt nhất thì bạn phải dưỡng cá đực, cá cái riêng sau đó ghép cặp cho chúng.
Thông thường tỷ lệ để dưỡng cá tốt nhất là một cá đực và hai cá cái. Khi chuẩn bị về để dưỡng cá thì bạn nên chuẩn bị để đủ to, tầm khoảng 3l nước cho mỗi một con cá.
Nhiệt độ tối ưu để kích thích cá đẻ trứng là từ khoảng 23 đến 26 độ C. Bạn không cần phải sử dụng lọc trong bể dưỡng cá, miễn là bạn có thể thay nước từ khoảng 20% đến 30% lượng nước bể mỗi ngày.
Khi đã chuẩn bị bể riêng để dưỡng cá đực và cá cái thì bây giờ bạn cần cho chúng ăn. Để kích thích cho cả sinh sản, bạn cần cho chúng ăn thức ăn giàu protein như là trùn chỉ, trùn huyết, và artemia 2 đến 3 lần mỗi ngày.
Quá trình dưỡng cá nên kéo dài từ khoảng 3 đến 4 ngày. Sau đó thì bạn nên ghép cặp cho cá theo tỉ lệ một đực và hai cái vào trong bể sinh sản riêng.
Khi cá đực ghép cặp với cả cái thì chúng sẽ đuổi nhau khắp bể. Cụ thể hơn là cá cái sẽ để cá đực đuổi nó. Thỉnh thoảng cá đực sẽ rỉa đuôi cá cái để kích thích cho cả cái đẻ trứng.
Sau quá trình này thì các cái sẽ bắt đầu đẻ trứng, và trứng sẽ được thụ tinh bởi cá đực. Không may, cá xexan không phải là loài cá có tập tính chăm con, vậy nên bạn cần tách riêng trứng khỏi cả bố mẹ ngay khi phát hiện thấy cá đã đẻ. Trong quá trình ghép cặp cho cá thì bạn hãy tiếp tục cho chúng ăn thức ăn chất lượng tốt và giàu protein. Sau khi ghép cặp, nếu bạn không phát hiện thấy cá đẻ thì hãy kiên nhẫn và đợi thêm một vài ngày nữa.
Để ngăn ngừa nấm phát triển trên trứng thì bạn cần phải cho bể có dòng chảy nhẹ. Tốt nhất là bạn nên sử dụng loại lọc vi sinh, chúng có thể vừa cung cấp oxy cho trứng cá vừa cung cấp dòng chảy để khiến không để khiến nước không bị tù. Ngoài sử dụng lọc vi sinh (link lazada) thì bạn nên sử dụng thêm xanh methylen (link lazada) để ngăn ngừa sự phát triển của nấm. Nhiều người nuôi và sinh sản cá ở các trại cá cũng sử dụng xanh methylen để diệt nấm trên trứng cá.
Sau khi bạn thấy cá con đã có thể bơi lội được thì đây là thời điểm bạn cần cho chúng ăn. Bạn lưu ý là không phải mọi quả trứng đều nở cùng lúc và mọi cá con đều có tốc độ phát triển giống như nhau. Tuy nhiên bạn cần phải cho chúng ăn ngay khi phát hiện ra cá con bắt đầu có thể bơi được.
Thức ăn tốt nhất cho cả con là artemia ấp nở, bạn có thể tự ấp bằng trứng artemia (link lazada) và bộ ấp (link lazada). Nếu bạn không có điều kiện để tự ấp artemia thì bạn có thể mua tại các cửa hàng cá cảnh. Ngoài ra thì bạn cũng có thể cho cá con ăn artemia sấy khô (link lazada).
Xem thêm: Cách cho cá bột ăn artemia sấy khô
Nếu bạn chưa có thời gian chuẩn bị thì trong một vài ngày đầu bạn có thể sử dụng lòng đỏ trứng gà hòa với nước để cho cá con ăn.
Bạn nên cho cá con ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ cho chúng ăn một lượng thức ăn ít vừa đủ. Tránh việc cho cá con ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thức ăn dư thừa và làm bẩn nước. Dấu hiệu để biết cá con đã no là chúng không ăn thêm thức ăn và bụng của cá con bắt đầu tròn lại.
Bạn có thể sử dụng artemia để nuôi cá con từ lúc bé cho đến lúc chúng trở thành. Hoặc bạn có thể dần dần cho chúng làm quen với thức ăn khô khi cá con lớn hơn. Khi nuôi cá con thì giữ chất lượng nước sạch cũng là vô cùng quan trọng, bạn cần thay từ 10 đến 15% nước 2 lần mỗi tuần. Sau khi cá con bắt đầu lớn hơn thì bạn cần phải cho chúng ra bể cá to hơn và tiếp tục cho cá ăn thức ăn tốt cộng với thay nước thường xuyên.
Xem thêm: Cách nuôi cá xecan sinh sản chi tiết