Cá phượng hoàng là loài cá đẹp, sặc sỡ và có tính cách thú vị. Cá phượng hoàng có họ cá rô phi. Không giống như các anh em họ hàng cá rô phi khác, cá phượng hoàng tương đối hiền lành. Tuy vậy, chúng đôi khi vẫn có thể hơi hung hăng với các con cá cùng kích thước và màu sắc khác. Bởi vậy bạn cần phải lưu ý một số điều khi muốn nuôi loài cá này.
Phượng hoàng lam là loài cá dễ chăm sóc, sống khỏe, phù hợp cho cả những người mới nuôi.
Trong bài viết mình sẽ nói về các điều bạn cần nhớ khi muốn chăm sóc cho cá, các loại cá phượng hoàng, bạn cùng bể và cách nuôi cá sinh sản.
Về cá phượng hoàng
Mức độ chăm sóc | Trung bình |
Tính cách | Hiền lành, có thể dữ nếu được nuôi trong bể bé hoặc vào thời điểm sinh sản |
Màu sắc | Xanh, đỏ, vàng |
Tuổi thọ | 4 năm |
Kích thước | 5 – 6cm. |
Chế độ ăn | Ăn tạp |
Tên khoa học | Mikrogeophagus ramirezi |
Kích thước bể tối thiểu | 60 lít cho một cặp |
Bể nuôi | Trồng nhiều cây, có nhiều chỗ trốn |
Cá phượng hoàng lam có nguồn gốc từ lưu vực sống Amazon ở Nam Mỹ, cụ thể hơn là ở Venezuela và Colombia. Cá phượng hoàng có tên khoa học là Mikrogeophagus ramirezi, thuộc họ cá rô phi (cichlid).
Đặc điểm chung của chúng là có thân hình bầu dục, đôi khi khá tròn và có màu sắc sặc sỡ với vây lưng cao, vây bụng dài. Cá phượng hoàng tự nhiên đã được lai tạo, chọn lọc để cho ra các dòng như là cá phượng hoàng lam, phượng hoàng ngũ sắc, phượng hoàng vàng, phượng hoàng lửa.
Tính cách của cá phượng hoàng
Khác với các loài cá cùng họ cichlid khác, cá phượng hoàng có thể được coi là hiền lành và có thể nuôi với nhiều loại cá cộng đồng khác.
Cá phượng hoàng thích không gian sống rộng, có chỗ trốn và nước ấm. Nếu bạn có thể cung cấp cho chúng đủ không gian sống thì bạn sẽ không gặp khó khăn khi tìm bạn cùng bể cho loài cá này.
Cá phượng hoàng có thể được nuôi trong bể cộng đồng. Chúng nên nuôi chung với các loài cá nhỏ, hiền lành khác. Đôi khi, cá phượng hoàng có thể trở nên hơi hung dữ nếu được nuôi trong bể quá bé hoặc đang chuẩn bị sinh sản/ bảo vệ trứng.
Cá phượng hoàng là loài cá ưa hoạt động, thích bơi khắp nơi quanh bể. Đôi khi bạn có thể thấy cá phượng hoàng đuổi khác con cá khác trong bể, tuy nhiên, cá phượng hoàng nhiều khi chỉ đuổi cho vui chứ không tấn công cá khác.
Ngoại hình
Cá phượng hoàng hoang dã có màu sắc hơi ánh vàng với mắt đỏ. Cá có vây màu vàng với ánh đỏ phần rìa và các dài đốm xanh chạy dọc. Cá đực sẽ có vây bụng to hơn cá cái.
Cá có thân hình ovan, với đuôi và vây nhọn. Cá cái thường sẽ có bụng cam và nhỏ hơn so với cá đực.
Trung bình cá phượng hoàng có kích thước khoảng 5 – 6cm.
Kích thước bể nuôi cá phượng hoàng
Dù có kích thước không quá lớn nhưng cá phượng hoàng vẫn cần không gian lớn để có thể thoải mái bơi và khám phá. Thông thường bạn cần phải có bể từ 60 lít trở lên để có thể nuôi một cặp cá phượng hoàng. Mỗi con cá phượng hoàng cần phải có 30 lít nước không gian sống để chúng có thể thoải mái và không bị stress.
Bạn cũng nên có bể to để có thể giữ được cho nước ổn định hơn bởi cá phượng hoàng là loài đặc biệt với thay đổi môi trường sống.
Yêu cầu bể và thông số nuôi
Trong tự nhiên, cá phượng hoàng sống ở khu vực có nước chảy chậm, nền cát với cây cối thủy sinh dày đặc.
Khi làm bể, để cá có thể cảm thấy thoải mái thì bạn cần phải mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của chúng tốt nhất có thể. Bể nên có nền cát/sỏi nhỏ, được trồng nhiều cây thủy sinh và có dòng chảy chậm.
Cá phượng hoàng là loài nhạy cảm với môi trường sống so với các loại cá khác vậy nên bạn cần phải để ý kỹ đến thông số nước hơn. Nhiệt độ tối ưu cho bể là vào khoảng 25 – 29°C, độ pH tối ưu là từ 6.0-7.5. Bể nên có độ cứng vào khoảng 6-14 dGH, tức là khoảng 100 – 250 ppm.
Bể cũng nên có nhiều chỗ để cho cá trốn như là đá và lũa. Dù cá thích bể trồng nhiều cây thủy sinh, bể vẫn nên có không gian trống để cho cá có thể bơi lội.
Đảm bảo bể cá được cycle
Nếu bể vừa mới làm, thêm lọc, đồ trang trí và cây thủy sinh. Bạn nên tránh thả cá phượng hoàng vội. Đầu tiên, bạn hãy bật lọc lên, cho nước chạy một tuần trước khi thả cá.
Khi đó, trong bể cá sẽ có một quá trình gọi là cycle, tức là hệ vi sinh bể sẽ phát triển để có thể xử lý được các chất độc như là ammonia và nitrite.
Nếu ammonia và nitrite bị tích tụ trong bể của bạn, vi sinh không xử lý kịp thời thì cá có thể bị ngộ độc và chết.
Vì vậy bạn luôn phải để bể cycle xong trước khi thả cá. Bạn có thể đẩy nhanh quá trình này bằng cách sử dụng vi sinh hoặc là sử dụng nước từ bể cá cũ.
Xem thêm: Cách châm vi sinh cho bể cá
Bạn cùng bể
Cá phượng hoàng có thể được nuôi cùng với đa số các loại cá hiền lành và có kích thước tương đương với chúng.
Nếu bạn mua cá quá to thì chúng có thể bắt nạt hoặc ăn thịt cá phượng hoàng và ngược lại, cá phượng hoàng sẽ ăn bất kỳ loài nào vừa miệng của chúng. Một số loài cá có thể được nuôi chung với cá phượng hoàng là: Cá pleco, cá dĩa, cá tetra, cá chuột, sặc gấm,…
Nếu bạn thấy cá phượng hoàng tấn công bạn cùng bể (đuổi và rỉa vây) thì đó có thể là do cá phượng hoàng cảm thấy không an toàn. Trong trường hợp này bạn có thể thêm cây thủy sinh, đồ trang trí cho bể để tạo chỗ trốn cho cá.
Xem thêm: Các loài cá có thể được nuôi chung với cá phượng hoàng
Nếu bạn đinh nuôi chung cá phượng hoàng với nhau thì bạn phải lưu ý một số điểm. Đầu tiên là bạn nên nuôi cá theo cặp hoặc nuôi một mình. Nếu bạn định nuôi nhiều hơn một con đực thì bạn cần phải nuôi chúng trong bể đủ lớn để mỗi con có thể có lãnh thổ riêng.
Cá phượng hoàng ăn gì?
Cá phượng hoàng giống như mọi loại cá cảnh khác, chúng là loài ăn tạp. Cá có thể ăn thức ăn từ thịt hoặc rau củ quả. Ngoài tự nhiên, thực đơn chính của chúng là các loại côn trùng, giáp xác nhỏ cũng như các loại cây nổi trên mặt nước.
Khi mới được thả vào bể, cá có thể sẽ nhát và bỏ ăn. Nguyên nhân là chúng cần thời gian để có thể làm quen được với môi trường mới.
Để kích thích cá ăn thì bạn có thể cho chúng ăn các loại đồ ăn tươi sống như là loăng quăng, trùn chỉ, artemia,… Một khi chúng đã ăn bình thường thì bạn có thể sử dụng các loại đồ ăn khô cho cá khác.
Bạn nên cho cá phượng hoàng ăn với thức ăn chính là đồ ăn khô chất lượng cao như là các loại cám. Thỉnh thoảng bạn nên bổ sung thêm cho chúng đồ tươi sống, đông lạnh và các loại rau củ quả luộc cắt nhỏ để tránh cá bị thiếu chất.
Bạn chỉ nên cho cá ăn 1-2 lần một ngày với lượng thức ăn vừa đủ để ăn hết dưới 3 phút.
Các loại bệnh phổ biến
Nếu bạn không thể cho cá môi trường sống tốt thì cá có thể sẽ bị yếu, dễ mắc bệnh hơn. Cá phượng hoàng khi đó có thể mắc các bệnh do nhiễm khuẩn, virus, nấm hoặc là kí sinh trùng.
Một số trong số đó có thể là:
Để tránh việc cá bị bệnh thì bạn cần phải cho cá ăn đầy đủ chất, kết hợp với việc thay nước cho bể thường xuyên.
Thay nước cho bể cá có thể được coi là khâu quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc bể cá. Lượng nước tối ưu bạn nên thay mới cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần hoặc hai tuần một lần nếu bạn nuôi lượng cá vừa phải.
Bạn nên vừa hút cặn đáy vừa thay nước một thể luôn để có thể dọn dẹp bể hiệu quả nhất. Hút cặn đáy có thể giúp bạn loại bỏ được phân cá, thức ăn thừa và các loại chất thải hữu cơ khác bị tích tụ dưới nền bể.
Khi đổ nước mới vào bể, bạn cần phải đảm bảo rằng nước mới không được chứa clo.
Nước máy đôi khi có thể chứa clo. Clo trong nước có tác dụng sát khuẩn, đảm bảo nước không quá nguồn bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn cho nước có clo vào bể thủy sinh thì bạn sẽ giết cá, tép và hệ vi sinh trong bể.
Để khử clo thì bạn có thể để nước bên ngoài không khí trong vòng một ngày. Bạn cũng có thể cho thêm sủi oxy để quá trình clo bay hơi diễn ra nhanh hơn.
Nếu bạn muốn khử clo nhanh hơn thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc xử lý nước.
Nuôi cá phượng hoàng sinh sản
Nếu bạn đang muốn nuôi cá phượng hoàng sinh sản thì tin tốt đây, chúng là loài cá rất dễ sinh sản trong bể tại nhà. Cá phượng hoàng cũng có tập tính chăm con, tuy nhiên, chúng chăm con không tốt như các loại cá họ rô phi khác như là cá két panda, cá dĩa,… Vậy nên bạn nên tách riêng cá bố mẹ và trứng ra nếu có thể.
Nếu bạn nuôi một nhóm cá phượng hoàng trong bể thì bạn sẽ có thể thấy cá ghép cặp tự nhiên. Khi đó bạn nên tách riêng cặp cá ra bể sinh sản riêng để tránh việc cá khác ăn mất trứng.
Cá phượng hoàng thích nước hơi mang tính axit. Bạn có thể cho thêm lá bàng khô vào bể để hạ pH trong nước, tái tạo lại môi trường sống tự nhiên của cá để kích thích chúng sinh sản. Bạn cũng có thể cho thêm các loại rêu vào bể.
Để cho cá dễ đẻ hơn, bạn có thể cho chúng ăn các loại đồ tươi sống/ đông lạnh như là trùn chỉ, trùn huyết, artemia.
Trong bể nên có đá, lũa hoặc cây có lá to để tạo giá thể cho cá đẻ trứng.
Một khi cá đã đẻ trứng, bạn nên tách riêng cá bố mẹ ra. Dù cho cá có thể chăm được cá con, tuy nhiên, đôi khi cá vẫn có thể tự ăn trứng của chính chúng.
Trứng cá sau đó sẽ nở sau khoảng 3 ngày. Vào vài ngày đầu, cá con vẫn sẽ hấp thụ dinh dưỡng từ noãn hoàng nên bạn chưa cần cho chúng ăn vào thời gian này. Một khi cá đã có thể bơi được thì bạn có thể cho cá con ăn artemia ấp nở hoặc các loại đồ ăn nhỏ khác.
Cách tạo như sau:
- Sử dụng một chậu hoặc bể nước tầm 5-10 lít
- Đổ đầy nước từ bể cá, cho thêm vài lát dưa chuột, rau, vỏ chuối tùy bạn chọn
- Để chậu nước ở nơi thoáng mát, ấm, tránh ánh sáng quá mạnh
- Chờ tầm 4 ngày thì nước sẽ bắt đầu xuất hiện trùng cỏ, bạn có thể đợi cho rau phân hủy và chìm xuống dưới đáy để có thể hút hoặc vớt trùng cỏ ra cho cá ăn.
Cá con cần được cho ăn bằng trùng cỏ trong một tuần đầu tiên. Sau đó thì bạn có thể chuyển sang các loại thức ăn lớn hơn. Loại thức ăn mình thích dùng nhất mà có thể cung cấp đầy đủ chất cũng như kích thích cá con phát triển là artemia mới ấp nở.
Bạn có thể sử dụng artemia ấp nở kết hợp với thức ăn khô nghiền để nuôi cá con cho đến lúc trưởng thành.
Trong giai đoạn đầu, bạn nên cho cá con ăn nhiều bữa một ngày, khoảng 3-4 lần hoặc nhiều hơn với lượng thức ăn ít.
Bể cá con nên được thay nước thường xuyên để tránh việc thức ăn thừa cũng như chất độc bị tích tụ. Bạn nên thay tối thiểu là 20% nước hai lần một tuần để cho nước bể nuôi cá con luôn sạch. Khi cá lớn dần lên bạn cũng cần phải di chuyển chúng sang bể to hơn để cá có thể phát triển được.