aquasetup

9 loài cá bạn có thể nuôi chung được với cá nana

Mục lục

Cá nana nuôi chung với cá nào

Hồi trước khi mới nuôi cá mình có đến cửa hàng và hỏi mua loại cá khỏe nhất. Khi đó người bán đề xuất cho mình mấy loài cá như là cá sọc ngựa, cá kim tơ vàng và cá nana. Đúng là bọn chúng khỏe thật, dù hồi đấy không có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc cá nhưng không có con nào chết cả. 

Tuy nhiên, sau vài ngày mua cá thả vào bể thì mình thấy có gì không ổn… Bọn cá nana bắt đầu đuổi các con cá khác và rỉa vây chúng. Tình hình cứ lặp lại cho đến khi bọn cá nana chiếm hẳn một vùng trong bể, các con còn lại chỉ dám bơi ở bên trên hoặc phía dưới. 

Sau khi mình nghiên cứu mình mới nhận ra. Cá nana là loài cá không hẳn là hiền lành, chúng đương nhiên không dữ như cá betta đực nhưng vẫn sẽ có hành vi rỉa vây và hơi dữ hơn loài tetra khác. Để nuôi được cá nana thì bạn phải nuôi chúng theo đàn, chọn bể to và chọn bạn cùng bể phù hợp. 

Tiêu chí chọn bạn cùng bể cho cá nana là như sau:

Tính cách – Bạn không thể nuôi cá nana với các con cá dữ và có tập tính bảo vệ lãnh thổ. Các loài cá dữ sẽ bắt nạt cá nana và làm chúng bị stress. Đó là lý do bạn cần tìm loài cá tương đối hiền lành và hiền lành để nuôi chung với cá nana. 

Kích thước – Cá nana không hiền như các loài cá tetra khác, chúng có thể sẽ bắt nạt các loài cá nhỏ hơn, nên bạn cần tránh nuôi cá nana chung với các loài quá bé như là cá trâm, bảy màu hoặc mún. Bạn cũng không được nuôi chung cá nana với các loài cá quá to bởi cá nana sẽ thành mồi cho chúng. 

Hình dạng vây – Cá nana nhiều khả năng sẽ rỉa vây cá khác nên bạn cần tránh nuôi các loài cá có vây dài như là sọc ngựa cánh tiên, cá betta, cá vàng, diếc anh đào vây dài,…

Dưới là danh sách tổng hợp các loài cá tốt nhất bạn có thể nuôi chung với cá nana

1. Cá cánh buồm

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Kích thước: 5 cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 24-27°C
  • Độ pH: 6.0-7.0
  • Độ cứng: 50—150 ppm

Cá cánh buồm là loài có nhiều điểm tương đồng so với cá nana. Chúng là loài cá bơi theo đàn. Khi được nuôi theo nhóm thì cá sẽ chỉ tương tác với những con cá trong đàn và không làm phiền đến cá khác. 

Bạn nên nuôi cá cánh buồm theo đàn ít nhất là năm con trở lên. Giống như cá nana, cá cánh buồm cũng có thể hay rỉa vây cá khác. Bạn nên tránh nuôi hai loài cá này với cá bơi chậm hoặc các loại cá có vây dài. Nuôi cá cánh buồm theo đàn cũng là cách để hạn chế hành vi này. 

2. Cá cầu vồng xanh

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 23-27°C
  • Độ pH: 6.8-7.5
  • Độ cứng: 140 – 360 ppm

Cá cầu vồng xanh là một loài cá bé trong số các loại cá cầu vồng. 

Chúng có tên gọi như vậy bởi màu sắc huyền ảo chạy dọc trên thân, khiến chúng ta liên tưởng tới những dải cầu vồng nhỏ bơi trong bể. Cá cầu vồng có bộ vảy lấp lánh với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng chủ yếu là màu xanh với bộ vây đỏ. 

Cá cầu vồng xanh có thân dẹt hình thoi cùng với cái miệng nhỏ. Do chúng có miệng nhỏ nên cá cầu vồng xanh sẽ không gây hấn hoặc “chén” các loài cá cùng bể nhỏ hơn. 

Do có chung kích thước với cá nana và đồng thời là loài cá hiền lành bơi nhanh nên cá cầu vồng xanh sẽ là bạn cùng bể hoàn hảo cho chúng. 

Cá cầu vồng là loài bơi đàn vậy nên bạn cũng nên nuôi chúng theo một nhóm ít nhất là sáu con trở lên để cá có thể cảm thấy thoải mái hơn. 

3. Cá hồng tử kỳ

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Kích thước: 5cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 22-26°C
  • Độ pH: 6.5-7.5
  • Độ cứng: 20—250 ppm

Cá hồng tử kỳ là một loài cá tetra phổ biến. Cá tetra là một dòng cá nước ngọt gồm nhiều loại cá nổi tiếng khác như là cá neon, cá cánh buồm, sóc đầu đỏ,…

Giống như các loài cá tetra khác, cá hồng tử kỳ hay hồng nhung là loài cá hiền lành. Chúng có tốc độ bơi nhanh, thích những bể trồng nhiều cây cối. Tuy nhiên, cá hồng tử kỳ đôi khi sẽ có tập tính rỉa vây cá khác. Do có kích thước tương đồng cộng với tập tính giống nhau nên cá hồng tử kỳ có thể được nuôi chung với cá nana. 

4. Cá sọc ngựa

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Kích thước: 4cm
  • Tính cách: hiền lành
  • Nhiệt độ nước: 20 °C – 27 °C 
  • Độ pH: 6.5-7.5
  • Độ cứng: 50ppm – 140ppm

Cá sọc ngựa là loài cá bơi vô cùng nhanh, do đó bạn hoàn toàn có thể nuôi chung chúng với cá nana. Chúng cũng là loài cá vô cùng khỏe, có thể sống được trong nhiều loại môi trường khác nhau. Cá cũng có thể chịu đựng được thay đổi môi trường tốt hơn so với một số loại cá khác. 

Tuy nhiên, bạn nên tránh nuôi loại cá sọc ngựa vây dài bởi bộ vây dài sẽ làm chúng bơi chậm lại, đồng thời cũng thu hút cá nana rỉa vây. Giống như các loài cá bên trên, cá sọc ngựa cũng là loài cá bơi theo đàn. Bạn nên nuôi chúng theo đàn từ 6 con trở lên để cá cảm thấy thoải mái hơn. Khi nuôi chúng trong bể lớn thì cá sọc ngựa và cá nana sẽ không làm phiền đến nhau. 

5. Cá tam giác

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Kích thước: 4cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 22-27°C
  • Độ pH: 6.0-7.5
  • Độ cứng: 50—150 ppm

Cá tam giác là loại cá ưa thích dòng chảy mạnh. Chúng là loài cá bơi đàn, có thân hình màu cam với mảng đen màu tam giác đặc trưng – lý do cho tên gọi. Cá tam giác là lựa chọn tốt cho những bể cá bé và có kích thước trung bình. 

Bạn nên nuôi cá theo đàn ít nhất là 10 con. Cá tam giác có kích thước trung bình vào khoảng 4cm, không quá bé. Hơn hết nữa chúng cũng bơi rất nhanh nên bạn có thể yên tâm chọn cá tam giác làm bạn cùng bể cho cá nana. 

6. Cá chuột

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Kích thước: 4 cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 23-26°C
  • Độ pH: 6.5-7.5
  • Độ cứng: 50—150 ppm

Khi nhắc đến cá sống tầng đáy thì bạn không thể bỏ qua cá chuột. Chúng là loài cá được ưu chuộng nhất trong những bể cá cộng đồng. Tập tính rúc nền để tìm kiếm thức ăn của cá chuột có thể giúp bể tránh bị đọng phân cá hoặc thức ăn thừa. 

Cá chuột sẽ chỉ hoạt động ở tầng đáy bể và sẽ ít khi hoặc gần như không tương tác với cá nana. Khi nuôi một mình cá chuột sẽ nhút nhát, trốn nhiều. Bạn nên nuôi chúng theo nhóm từ năm con trở lên để cá chuột thoải mái và hoạt động nhiều hơn. 

7. Cá pleco

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 24-28°C
  • Độ pH: 7.0-8
  • Độ cứng: 100 – 250 ppm

Cá pleco có rất nhiều loại khác nhau, điển hình là pleco mũi lông, longfin hoặc là pleco thường. Bạn nên nhớ là bạn cần phải để ý đến loài pleco định nuôi vì chúng có thể lớn đến kích thước vô cùng lớn, có thể lên tới 30cm đối với loài pleco thường! Một số khác thì chỉ có kích thước trung bình vào khoảng 12-15cm. 

Cá pleco là loài cá hiền lành, sẽ không bao giờ gây sự với cá nana. Tuy nhiên, chúng đôi khi vẫn có thể hung hăng với các con cùng loài. Không giống như cá chuột, chúng không thích bơi theo đàn và thích sống một mình hơn. 

8. Cá sặc gấm

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Kích thước: 5cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
  • Độ pH: 6.5-7.5
  • Độ cứng: 50—150 ppm

Cá sặc gấm là loài cá hiền lành, thích nước hơi ấm và không cần bể cá quá to. Chúng có thể là bạn cùng bể phù hợp cho cá nana bởi cá sặc gấm đủ to để dọa cá nana. Hơn hết nữa chúng sẽ không làm phiền đến cá nana và cũng dễ nuôi. 

Bạn cũng nên cho hai loài này không gian riêng để hoạt động với bộ lọc tốt để cung cấp nước sạch cho cá. 

Ngoài cá sặc gấm thì cũng còn nhiều loài cá sặc khác, tuy nhiên bạn cần phải nghiên cứu cẩn thận. Lý do là bởi không phải loại cá sặc nào cũng hiền lành, một số loại có thể hung dữ và có tập tính bảo vệ lãnh thổ. 

9. Cá phượng hoàng lam

Cá nana nuôi chung với cá nào
  • Kích thước: 5-6cm
  • Tính cách: Khá hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 26-30°C
  • Độ pH: 6.0-7.5
  • Độ cứng: 50—100 ppm

Cá phượng hoàng lam là một loài cá thuộc họ cá rô phi (cichlid). Không giống với các người anh em họ hàng của mình, cá phượng hoàng lam là loài cá hiền lành. Chúng lớn hơn so với cá nana một tẹo, có kích thước vào khoảng 5-7cm. Đó cũng là kích thước hoàn hảo để khiến cho cá nana không làm phiền. 

Tuy vậy đôi khi cá phượng hoàng vẫn có thể có hành vi bảo vệ lãnh thổ. Vậy nên bạn nên cho hai loài cá này đủ không gian sống và nhiều chỗ để trốn. Bạn cũng nên để ý thêm để có thể tách riêng nếu có vấn đề gì khác xảy ra. 

Cá nana có ăn tép không?

Có, cá nana sẽ có thể ăn tép, đặc biệt là tép màu. Chúng sẽ không thường xuyên ăn nhưng mà chúng sẽ ăn khi cá đủ lớn và chúng vô tình bắt gặp tép. Đừng nghe ai bảo là cá nana không ăn tép bởi mình đã từng thử nuôi rồi. Kết quả là đàn tép trong bể ít dần. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn nuôi chung thì bạn hãy trồng nhiều cây, cung cấp nhiều chỗ trốn cho tép để tép có thể sống sót. Hoặc bạn cũng có thể nuôi tép amano, tôm vợt – các loài đủ to để không vừa miệng cá nana. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *