Cá thanh ngọc: một loài cá thuộc họ cá sặc, là loài cá nước ngọt dễ nuôi, có thể sống được trong môi trường nước tù và nghèo oxy. Chúng là loài cá có nguồn gốc từ Đông Nam Á, tuy có thể tìm thấy ở Việt Nam nhưng mà cá bãi trầu hiện không phải là loài cá cảnh khá phổ biến.
Một đặc điểm thú vị của cá thanh ngọc mà bạn có thể không biết đó là chúng có thể tạo được tiếng động như tiếng cóc kêu nhờ vây ngực.
Trong bài viết này mình sẽ nói về cách chăm sóc, đặc điểm, cách sinh sản loài cá này,…
Về cá thanh ngọc
Mức độ chăm sóc | Dễ |
Tính cách | Hiền lành, đôi khi có thể dữ với cá cùng loài |
Màu sắc | màu nâu nhạt hoặc tím đậm với các đốm nhỏ màu đen hoặc tím trên vây |
Tuổi thọ | 2 năm |
Kích thước | 5 cm. |
Chế độ ăn | Thịt |
Tên khoa học | Trichopsis vittata |
Kích thước bể tối thiểu | 30 lít cho một cặp |
Bể nuôi | Đủ lớn, có nhiều cây thủy sinh |
Cá thanh ngọc là loài cá có kích thước trung bình bé, vào khoảng 5cm khi trưởng thành. Đôi khi chúng có thể đạt kích thước lên tới 6 hoặc 7cm.
Chúng là loài cá có môi trường sống tự nhiên tại những khu vực nước tĩnh như là ao, kênh rạch ruộng lúa nằm ở Sumatra, Malay, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam.
Hiện nay, nhờ vào hoạt động trao đổi mua bán mà cá thanh ngọc cũng đã xuất hiện tại nhiều khu vực nước khác nhau trên toàn thế giới.
Cá thanh ngọc có thể tạo được tiếng kêu nhỏ giống như tiếng cóc kêu bằng cách sử dụng vây bụng.
Cả cá cái lẫn cá đực đều có thể tạo tiếng này khi cá vào giai đoạn sinh sản. Hoặc là khi cá đực kè nhau để phân cấp bậc.
Khi hai con cá đực kè nhau, chúng sẽ cùng nhau bơi thành vòng tròn, xoè vây, thỉnh thoảng bơi nhanh hơn, cuối cùng là tạo tiếng động.
Ngoại hình
Cá thanh ngọc có thể có màu nâu nhạt hoặc tím đậm với các đốm nhỏ màu đen hoặc tím trên vây. Phần rìa vây của cá cũng sẽ màu xanh dương nhạt.
Hai bên thân của chúng sẽ có 2-4 sọc chạy ngang.
Cá cái thường sẽ nhạt màu hơn so với cá đực. Cá cái có vây lưng tròn và vây hậu môn ngắn hơn.
Tuổi thọ
Cá sặc nói chung sẽ có tuổi thọ tương đối ngắn. Cá thanh ngọc hay cá bãi trầu có thể sống được trung bình vào khoảng 2 năm. Tuy nhiên, với chế độ chăm sóc hợp lý thì cá có thể sống lâu hơn, có thể lên tới 5 năm.
Tính cách
Cá thanh ngọc có thể sẽ hơi bảo vệ lãnh thổ một tẹo. Tuy nhiên, nhìn chung thì chúng vẫn là loài cá nhỏ tương đối hiền lành, có thể được nuôi chung với các loài cá cộng đồng khác.
Chúng đôi khi có thể dữ với con đực cùng loài. Khi được nuôi theo nhóm trong cùng một bể thì sẽ có thể xảy ra xô xát. Tuy vậy, hành vi này sẽ kết thúc cho đến khi thứ bậc trong bể được thiết lập.
Cách chăm sóc cho cá thanh ngọc
Cá thanh ngọc là loài cá tương đối hiền lành, sống cộng đồng.
Các con cá đực đôi khi có thể bảo vệ lãnh thổ đối với con đực cùng loài, đặc biệt là vào thời điểm sinh sản. Tuy nhiên, chúng sẽ không gây thương tích lẫn nhau. Vậy nên bạn vẫn có thể nuôi chung nhiều con cá đực trong cùng một bể.
Bể nuôi cá thanh ngọc
Kích thước bể tối thiểu cho một cặp cá là vào khoảng 30 lít. Với mỗi một con cá thanh ngọc nuôi thêm thì bạn cần phải cho chúng 20 lít không gian sống.
Cá thanh ngọc là loài cá hay tò mò. Chúng thích bơi khắp bể để khám phá. Hơn hết nữa, ngoài tự nhiên, loài cá này thường sống trong những khu vực dày cây cối. Để cá có thể cảm thấy thoải mái và an toàn thì bạn cần phải mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của chúng tốt nhất có thể. Bể nên được trồng nhiều cây thủy sinh với nhiều chỗ trốn như là lũa, đá, hang,…
Vào buổi tối, đôi khi bạn có thể thấy cá ngủ trên nền, trên những cái lá cây to hoặc là không cử động và trôi lơ lửng trong nước. Đấy không phải là việc đáng lo. Giống như người, cá thanh ngọc cũng cần ngủ vào ban đêm. Việc có nhiều chỗ để trốn sẽ giúp chúng thoải mái khi đang ngủ hơn.
Cá thanh ngọc có thể lấy oxy trực tiếp từ không khí nhờ vào cơ quan hô hấp đặc biệt, giống như là cá betta.
Vậy nên nếu bể của bạn không giàu oxy, có nước tù thì bạn nên tránh bịt kín mặt bể, bạn nên có một khu vực thoáng để cá có thể ngoi lên và lấy oxy.
Bể không cần thiết phải có nền, tuy nhiên nếu có thì bạn nên sử dụng nền tối màu. Nền tối màu sẽ giúp mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của cá và giúp chúng lên màu đẹp hơn.
Cá thanh ngọc là loài cá nhát. Chúng khá nhạy cảm với tiếng ồn. Vậy nên bạn cần đặt bể ở nơi yên tĩnh và ít người qua lại.
Cá thanh ngọc ăn gì?
Ngoài tự nhiên, cá thanh ngọc có chế độ ăn đa phần là thịt, chủ yếu là các loại giun, sâu, côn trùng, ấu trùng và các loại động vật giáp xác khác ở trong nước. Đôi khi cá cũng vẫn có thể ăn ít thực vật.
Khi nuôi thì bạn có thể cho cá ăn cám chuyên dụng cho cá cảnh. Vạn nên sử dụng loại cám giàu đạm. Kết hợp với đó là bạn cũng nên thỉnh thoảng cho cá ăn thêm thức ăn tươi sống/ đông lạnh như là trùn chỉ, trùn huyết, artemia,…
Thông số nước
Giống như các loài cá khác, cá sặc cũng sẽ dễ bị bệnh hoặc bị stress nếu được nuôi trong môi trường không đảm bảo.
Cá sặc sẽ sống thoải mái nhất trong môi trường nhiệt đới với nhiệt độ dao động trong khoảng 23 đến 28 độ C.
Độ pH nên dao động trong khoảng 6-7.5.
Bạn cùng bể
Bạn không nên nuôi chung cá thanh ngọc với các loài cá quá lớn hoặc quá dữ. Loài cá thích hợp nhất để nuôi chung với cá thanh ngọc là các loài cá cộng động có cùng kích thươc. Có thể kể đến là:
- Cá bình tích
- Cá đuôi kiếm
- Cá bảy màu
- Cá neon
- Cá sóc đầu đỏ
- …
Nuôi cá thanh ngọc sinh sản
Nuôi cá thanh ngọc sinh sản khá dễ. Chúng giống như cá betta, có thể dễ dàng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt tại nhà.
Để nuôi cá sinh sản thì bạn nên có bể 60 lít để nuôi cá ghép cặp cũng như là nuôi cá con. Bể không nên có nền và mực nước chỉ nên vào khoảng 15-20cm. Phía trên mặt nước bạn nên thả vài nhánh bèo để cá có thể xây tổ.
Bể nên có lọc nhẹ như là lọc vi sinh để đảm bảo chất lượng nước, đồng thời không tạo quá nhiều dòng chảy làm ảnh hưởng đến cá.
Đầu tiên để phân biệt giới tính thì bạn có thể nhìn vào vây lưng của cá. Cá cái sẽ có vây lưng tròn, trong khi đó cá đực sẽ có vây lưng nhọn hơn.
Để kích thích cá sinh sản, bạn nên cho chúng ăn nhiều mồi sống như là trùn chỉ, artemia,.. trong vài tuần đầu.
Nếu có thể thì bạn hãy dùng sưởi để tăng nhiệt độ bể lên khoảng 28 độ C. Thông thường thì hành vi sinh sản sẽ diễn ra sau khi bể được thay nước.
Khi cá ghép cặp bạn có thể nghe thấy tiếng giống như là tiếng cóc kêu.
Khi đến thời điểm sinh sản, cá đực sẽ xây tổ bong bóng phía trên mặt nước hoặc dưới lá cây lớn, giống như là cá betta vậy. Tổ bong bóng này khá mỏng manh vậy nên bạn cần tránh dùng lọc quá mạnh hoặc tác động nhiều vào bể. Sau đó cá đực sẽ ôm cá cái để ép trứng ra ngoài.
Quá trình này thường diễn ra trong khoảng 2 tiếng. Mỗi lần đẻ cá cái có thể đẻ từ 70 đến 180 trứng.
Cá đực khi đó sẽ ngậm trứng và đặt trứng vào trong tổ bong bóng. Cá đực sau đó sẽ chăm sóc rổ, bạn sẽ không cần phải tách riêng cá bố mẹ ra trong khoảng thời gian này.
Trứng sẽ nở sau khoảng 1-2 ngày. Khi đó cá con sẽ chưa bơi tự do được. Chúng khi đó sẽ hấp thụ dinh dưỡng thừa từ noãn hoàn và chưa cần cho ăn.
Sau khoảng 2-3 ngày, khi cá con đã có thể tự do bơi lội thì bạn cần phải tách riêng cá bố mẹ ra bể khác.
Để chăm cá con thì bạn hãy cho chúng ăn thức ăn tươi sống, nhỏ như là artemia ấp nở hoặc là artemia sấy khô. Trong 10 ngày đầu, khi cá vẫn còn nhỏ thì bạn có thể cho cá ăn trùng cỏ hoặc là lòng đỏ trứng hoà với nước.
Trong khoảng 4-5 tuần đầu, bạn hãy đậy nắp bể để tạo độ ẩm cùng với nhiệt độ ấm cho bể. Làm vậy có thể giúp cá con phát triển cơ quan hô hấp khí tốt hơn.