Không phải nguồn nước nào cũng như nhau và không phải nguồn nước nào bạn cũng có thể sử dụng để nuôi cá. Đảm bảo chất lượng nước tốt để nuôi cá là việc bạn luôn nên ưu tiên đầu tiên. Nếu bạn giữ được nước bể sạch và có thông số tốt, ổn định thì bạn có thể tránh được 90% vấn đề có thể phát sinh.
Dưới là các nguồn nước thông dụng và lưu ý khi sử dụng để nuôi cá.
1. Nước máy
Nước máy là nguồn nước thông dụng nhất và được nhiều người sử dụng để nuôi cá bởi lý do rất đơn giản là nhà nào cũng có nước máy. Bạn chỉ cần bật vòi nước lên và lấy nước đó đổ đầy bể cá, rất rẻ và tiện dụng đúng không? Tại sao phải tìm nguồn nước khác khi bạn có sẵn nước dùng hàng ngày rồi.
Tin vui là thường thì bạn có thể sử dụng nước máy để có thể nuôi cá. Nước máy đã được đưa qua nhiều bước xử lý để có thể được sử dụng trong các hộ gia đình. Tuy nhiên bạn cần lưu ý một số điều khi sử dụng nó.
Nguồn nước máy sẽ có thông số khác nhau ở các nơi khác nhau. Một số nơi sẽ có nước hơi mang tính axit, một số nơi nước máy hơi mang tính kiềm và nước có thể chứa lượng khoáng khác nhau. Nếu bạn nuôi các loài cá khỏe như cá bảy màu, cá mún,… thì bạn không cần quá lo lắng về thông số này. Tuy nhiên nếu bạn nuôi các loài đòi hỏi cao hơn về thông số nước như là tép thì bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Tuy nhiên vấn đề bạn cần qua tâm nhất đó là clo trong nước. Clo trong nước máy có thể làm chết vi khuẩn có lợi và làm hỏng hệ sinh thái trong bể cá nhà bạn. Vậy nên trước khi đưa nước vào bể cá thì bạn phải khử clo trong nước. Bạn có thể khử clo bằng cách để chậu nước ngoài không khí trong vài ngày hoặc dùng dung dịch khử clo theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
2. Nước giếng
Nếu nhà bạn có nước giếng thì bạn cần phải cân nhắc một số điều trước khi sử dụng nó. Mặc dù nước giếng sẽ không chứa clo như nước máy nhưng tùy thuộc vào nơi bạn sống mà nước giếng có thể chứa một lượng lớn chất độc có hại.
Các loại chất hóa học như phân bón hoặc thuốc trừ sâu từ đất có thể đi vào nguồn nước. Nước giếng cũng có độ pH và độ cứng dao động rất lớn và có rất ít oxy, vậy nên bạn cần kiểm tra chất lượng nước kí và sục khí cho nước đầy đủ trước khi bạn sử dụng để nuôi cá.
3. Nước chai
Chúng ta có thể uống nước đóng chai nên rõ ràng ta có thể sử dụng nước đóng chai để nuôi cá đúng không? Sai rồi, nước đóng chai thường là nước khoáng được lọc ngoài tự nhiên và có thể chứa các loại khoáng không cần thiết hoặc gây hại cho cá.
Một số loại nước đóng chai cũng có thể vẫn có chứa clo và bạn phải khử clo cho nó trước khi sử dụng để nuôi cá.
Nước đóng chai cũng đắt hơn rất nhiều so với nước máy vậy nên mình nghĩ bạn chỉ nên sử dụng nước đóng chai khi nó là biện pháp cuối cùng và bạn cũng nên kiểm tra chất lượng nước của hãng trước khi sử dụng.
4. Nước mưa
Nếu bạn không muốn sử dụng nước máy và không muốn tiêu quá nhiều tiền để mua nước đóng chai thì có một lựa chọn khác cho bạn đó chính là nước mưa. Tuy nhiên bạn cũng cần phải kiểm tra và khử độc cho nước mua trước khi dùng để nuôi cá.
Nếu bạn sống trong khu vực đô thị hoặc khu vực có nhiều nhà máy, nước mưa có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các chất hóa học trong không khí. Nước mưa đọng lại trên mái cũng sẽ chứa nhiều tạp chất khác nhau.
Nước mưa cũng sẽ không có sẵn và khó để dự trữ nên bạn phải có một thùng lớn hoặc khu vực để trữ nước mưa nếu muốn sử dụng nguồn nước này lâu dài.
5. Nước cất
Nước cất được sản xuất bằng cách đun sôi nước và làm ngưng đọng nước do đó sẽ loại bỏ được tạp chất cũng như vi khuẩn. Tuy vậy quá trình này cũng loại bỏ 99.9% lượng khoáng trong nước bao gồm canxi, magie và natri. Nếu bạn sử dụng nước cất thì bạn phải bổ sung thêm khoáng trước khi sử dụng để nuôi cá.
Bạn cũng chỉ nên sử dụng nước cất khi có bể cá bé và nuôi một số loại cây yêu cầu nước không có hoặc có ít khoáng. Nếu bạn có bể cá trung bình – lớn thì nguồn nước này không phải là giải pháp hợp lý bởi phương pháp này khá đắt đỏ.
6. Nước lọc RO và nước khử Ion
Nếu nhà bạn sở hữu bộ lọc nước để lọc nước máy thành nước có thể dùng để uống luôn thì đó thường là bộ lọc nước RO. Lọc nước RO dùng để lọc các tạp chất và vi khuẩn có hại trong nước. Lọc RO sử dụng các lõi lọc với các màng lọc diện tích khác nhau để loại bỏ tạp chất cũng như ion kim loại và vi khuẩn có hại.
Lọc nước khử ion có khả năng loại bỏ các khoáng chất và muối ion ra khỏi dung dịch thông qua quá trình trao đổi ion.
Cả hai loại lọc đều có thể loại bỏ tạp chất như kim loại, muối và khoáng và tạo nước tinh khiết cho bể cá. Tuy nhiên lọc khử ion sẽ không lọc vi khuẩn và lọc ion có thể lọc được tạp chất tốt hơn so với lọc RO nên bạn hãy cân nhắc ưu nhược điểm mỗi loại lọc trước khi mua.
Nước lọc RO hoặc khử Ion là giải pháp hoàn hảo cho những người muốn kiểm soát nguồn nước trong bể tốt hơn và muốn nuôi những loại cá/cây thủy sinh yêu cầu cao hơn về chất lượng nước.
Khi bạn sử dụng nước lọc RO và khử ion thì bạn cần châm thêm khoáng trước khi sử dụng để nuôi cá.