Loài tép bé tí hon khá nhạy cảm với môi trường nước, vậy nên việc chăm sóc cho chúng đôi lúc có thể sẽ có vấn đề. Dù một số người có thể nuôi thành công tép, cứ để mặc chúng trong bể, tép vẫn tự sinh sản thành đàn và sống tốt. Một số người khác dù cố gắng chăm sóc cũng không thể nuôi được chúng và không hiểu họ làm gì sai.
Vấn đề là hầu hết người nuôi chưa biết nhiều về tép để có thể cho chúng môi trường sống tốt nhất để phát triển.
Trong bài viết này mình sẽ nói cho các bạn biết những điều cần làm để có thể nuôi tép khỏe mạnh, không hoặc ít khi bị chết.
Các dòng tép cảnh và lưu ý khi chọn nuôi
Khi mới nuôi tép, bạn có thể sẽ bị ngợp trước mức độ đa dạng của chúng. Có vô số loại tép khác nhau như là tép RC, tép vàng đài, tép socola, tép ong đỏ, ong đen, tép blue bolt, ….
Nhìn chung thì có hai dòng tép chính hiện nay đó là tép màu( Neocaridina) và tép lạnh (Caridina). Bạn vẫn có thể tìm thêm được các dòng tép khác như là tép amano, tép sula, tép mũi đỏ, tép thanh mai,… nhưng các dòng này sẽ không phổ biến hay đẹp bằng nên mình sẽ tạm bỏ qua.
Tép màu thường chỉ có một màu duy nhất, đôi khi sẽ có thêm sọc ở trên lưng. Tép lạnh sẽ có màu sắc sặc sỡ, với thân mình có màu sứ bóng hơn, chúng đắt hơn và cũng khó nuôi hơn tép màu. Nếu bạn không chắc tép thuộc loài nào thì bạn có thể tra mạng hoặc là hỏi trực tiếp người bán.
Dù cho có ngoại hình có nhiều điểm tương đồng nhưng hai loài tép này lại thuộc chi khác nhau và không thể lai được với nhau và có thông số nước nuôi tương đối khác nhau. Các loại tép màu có thể được sinh sản với nhau và các loài tép lạnh cũng tương tự.
Dù cho nước sạch mà thông số nước sai thì điều đó vẫn có thể khiến tép bị stress, bỏ ăn thậm chí có thể chết lai rai.
Thông số nước – Mỗi loại tép sẽ yêu cầu một loại thông số nước khác nhau. Chúng cần phải có khoáng trong nước để có thể lột vỏ, độ pH ổn định với ammonia, nitrite trong nước xấp xỉ 0.
Tép màu
Nhìn chung tép màu có khả năng chịu đựng và sống tốt hơn so với tép lạnh. Một loại tép màu phổ biến là tép đỏ hay còn gọi là tép anh đào. Loại tép này có thể sống được kể cả ở trong môi trường không lý tưởng.
Thông số để nuôi tép màu là:
- Nhiệt độ: 18 °C- 28 °C
- pH: 6.5-8.0
- TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 200-300ppm
- GH (độ cứng của nước): 4-8 dGH
Mặc dù tép màu có thể sống được ở nhiệt độ 18 °C- 28 °C nhưng chúng sẽ thoải mái hơn khi bể ấm một tẹo, tức là khoảng 22 °C- 26 °C, nếu bể của bạn quá lạnh, quá ấm hoặc có độ pH nằm ngoài khoảng trên thì có thể tép cũng sẽ bỏ ăn. Tép màu có khả năng chịu độ cứng tốt và chúng có thể sống trong cả môi trường nước cứng lẫn nước mềm nên thường thông số TDS và GH sẽ không phải nguyên nhân khiến tép bỏ ăn.
Tép lạnh
Tép lạnh thường đắt, khó nuôi và đòi hỏi về thông số nước hơn so với tép màu. Tuy nhiên, chúng lại đa dạng về họa tiết và màu sắc hơn so với người họ hàng kia. Một số dòng tép lạnh có thể kể đến là tép ong đỏ, tép ong đen, tép kingkong, blue bolts, tép tiger, …
Nếu các chỉ số nước nằm ngoài điều kiện sống của tép ong thì chúng sẽ bị stress và bỏ ăn.
- Nhiệt độ: 17 °C- 24 °C
- pH: 6.5-7.5
- TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 100-200ppm
- GH (độ cứng của nước): 4-6 dGH
Khi mới nuôi thì mình khuyên bạn chỉ nên mua dòng tép màu bởi chúng sẽ sống khỏe, dễ sinh sản và cũng sẽ có giá thành rẻ hơn nhiều so với tép lạnh.
Bể nuôi tép hoàn hảo cần những gì?
Để nuôi tép thành công thì bạn cần bể nuôi tốt với kích thước đủ lớn và trang bị thêm lọc, đèn và cần được trồng thêm cây thủy sinh.
Bể nuôi đủ lớn
Tép có kích thước nhỏ và không tạo nhiều phân như cá, vậy nên bạn có thể nuôi tép với mật độ dày hơn. Tuy nhiên bạn chỉ nên nuôi 1 con cho mỗi một lít nước. Nếu nuôi nhiều hơn thì bạn phải chăm thay nước và dọn dẹp cho bể cũng như sủi oxy nhiều hơn.
Khi nuôi tép thì bạn nên nuôi bể lớn, từ 30 lít trở lên. Lý do là bởi bể càng to thì nước càng ổn định, tránh tình trạng tép bị sốc nước do thay đổi nhiệt độ hoặc là thông số nước. Bạn vẫn có thể nuôi tép trong những bể khoảng 20 cm nhưng khi đó tép sẽ dễ chết hơn.
Nuôi tép cần phải có lọc vi sinh, mà lọc vi sinh thì khá là tốn chỗ, vậy nên bể vuông sẽ giúp cho bể có chiều rộng đủ tốt để có thể đặt lọc và tép vẫn có không gian bơi lội đằng trước cho bạn ngắm.
Bộ lọc
Bộ lọc là thiết bị cực kì quan trọng, chúng không chỉ giúp lọc nước cho bể mà còn giúp thiết lập hệ vi sinh, xử lý các chất gây hại tích tụ trong bể và cung cấp Oxy cho tép.
Lọc vi sinh là loại lọc thích hợp nhất để nuôi tép. Bộ lọc bao gồm một máy sủi, bộ lọc vi sinh và một ít vật liệu lọc sinh học.
Với những bể to hơn 40cm thì bạn có thể sử dụng hai lọc vi sinh nếu cảm thấy một lọc không đủ.
Phân nền
Phân nền có tác dụng cung cấp dưỡng nếu bạn có cây thủy sinh trong bể tép. Ngoài ra phân nền cũng giúp làm ổn định độ pH trong bể.
Với mỗi loại tép thì sẽ yêu cầu độ pH khác nhau. Ví dụ như tép lạnh sẽ cần độ pH vào khoảng 6.5-7, thấp hơn so với tép màu một tẹo. Bạn nên sử dụng nền trơ, không ảnh hưởng đến pH nước nếu chỉ nuôi tép màu.
Bạn không cần sử dụng quá nhiều phân nền cho bể tép, chỉ cần dải một lớp mỏng lên trên đáy bể là được rồi. Lớp phân nền mỏng có thể giúp bạn dễ dàng vệ sinh bể hơn, tránh việc làm thức ăn thừa và phân tép bị tích tụ dưới đáy.
Vi sinh cho tép
Vi sinh cho tép ngoài tác dụng đẩy nhanh quá trình cycle bể còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa, sức để kháng của tép.
Bạn có thể sử dụng vi sinh sống, vi sinh dạng nước hoặc là vi sinh dạng bột như là V-active.
Cây thủy sinh
Cây thủy sinh sẽ giúp cung cấp chỗ trốn cho tép và lọc nước. Đương nhiên là trong bể tép bạn sẽ không nuôi loại cá nào rồi. Tuy nhiên, tép không biết vậy. Khi vừa lột vỏ xong, chúng sẽ cảm thấy không an toàn dù bể có cá hay không.
Cung cấp cho tép chỗ trốn trong khoảng thời gian này sẽ giúp tép cảm thấy thoải mái hơn, tránh việc chúng bị stress.
Do bể tép thường sẽ không có bộ nền dày, vậy nên bạn không thể trồng được các loại cây trồng nền được. Thay vì đó, bạn chỉ nên sử dụng các loại cây không cần đất nền, tốt nhất là các loại rêu thủy sinh hoặc là bèo.
Cây thủy sinh ngoài việc cung cấp cho tép chỗ trốn còn có thể cho tép thức ăn và lọc nước. Tép có thể ăn được các loại lá cây chết. Các loại cây phát triển nhanh còn giúp xử lý các chất gây hại trong nước như là nitrate.
Bể tép không có phân nền nên bạn chỉ trồng được các loại cây thả nổi như là bèo, dương xỉ, rêu thủy sinh hoặc là rong.
Bể nên thả càng nhiều cây càng tốt, cây thủy sinh sẽ giúp làm ổn định nước và giảm tình trạng tép chết lai rai đi rất nhiều. Lý do là bởi nguyên nhân chính khiến tép chết lai rai là do NO3 dư thừa trong bể. Các loại cây mọc nhanh như là bèo, rong có thể giúp hấp thụ bớt các chất này và từ đó cũng giúp bạn đỡ cần phải thay nước thường xuyên hơn.
Ánh sáng
Tép không yêu cầu quá cao về ánh sáng. Bạn chỉ cần chiếu sáng 2 tiếng một ngày là được. Vậy nên bạn không cần một cái đèn quá xịn xò. Tuy nhiên, theo ý mình thì bạn cũng nên đầu tư một chiếc đèn tốt thay vì mua loại đèn rẻ nhất để đảm bảo chất lượng và độ bền. Trước mình cũng ham đèn rẻ lắm, nhưng mua được 4 cái thì hỏng 2 rồi.
Đèn nên có thêm ổ cắm hẹn giờ để có thể điều chỉnh thời gian chiếu sáng ổn định hơn.
Cách làm bể cho tép
1. Chọn chỗ đặt, rửa qua bể tép
Khi mới mua bể cá về thì bạn nên rửa qua bể. Bạn lưu ý là không sử dụng xà phòng hoặc bất kỳ loại chất tẩy rửa nào khác. Bạn có thể chọn khu vực gần cửa sổ nhưng nên tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
2. Thêm nền bể, vi sinh, lũa, đồ trang trí
Đối với bể tép, bạn chỉ cần chải một lớp nền mỏng là được. Khi đổ phân nền, bạn hãy dùng tay, chải đều nền khắp bể.
Nếu bạn sử dụng vi sinh bột như là v-active thì bạn hãy rắc vi sinh quanh bể.
Nếu bạn sử dụng các loại cây không cần đất nền như ráy, bucep thì bạn hãy gắn chúng lên đá và lũa, sử dụng keo dán thủy sinh chuyên dụng.
Cuối cùng bạn hãy đặt đá, lũa, vật trang trí vào trong bể cá.
3. Lắp đặt lọc
Bước tiếp theo là lắp đặt máy sủi, lọc vi sinh cùng với một ít vật liệu lọc. Lọc vi sinh không cần mồi nước giống như các loại lọc khác. Bạn chỉ cần lắp vào thành kính, bật sủi lên là lọc sẽ chạy được.
4. Đổ đầy nước
Một khi bạn đã hoàn thành việc sắp xếp bố cục trong bể thì bước tiếp theo là đổ đầy nước bể. Bạn có thể đặt một cái đĩa nhỏ ở dưới đáy nền, từ từ đổ nước lên để tránh làm động nền.
Khi đổ đầy nước xong, nếu bạn thấy nước đục thì đừng quá lo lắng, bạn chỉ việc chạy lọc trong một vài ngày là nước sẽ trong. Khi đó hệ vi sinh sẽ có thể phát triển ổn định, xử lý được chất gây hại trong bể.
Sau khi đổ đầy nước bạn có thể thả cây thủy sinh luôn cũng được bởi cây sẽ sống khỏe hơn tép nhiều.
5. Thêm vi sinh, các loại chất xử lý nước và cycle bể
Tiếp theo, bạn hãy châm thêm vi sinh nước và các chất khử độc cho nước nếu có.
Bạn cần phải chạy lọc và đèn cho bể trong vòng ít nhất là 2 tuần trước khi thả tép. Nếu muốn chắc chắn hơn thì bạn thậm chí cần phải chạy lọc 4 tuần.
Đây là bước quan trọng nhất khi thiết kế bể để nuôi tép. Bước này sẽ đảm bảo nước bể nuôi của bạn an toàn cho tép có thể sống được.
Nhiều người nuôi hay thả tép trực tiếp vào bể mà không xử lý nước. Làm vậy thường sẽ giết hết tép trong bể. Nguyên nhân là do ammonia. Các loại chất thải hữu cơ khi phân hủy sẽ sản sinh ra ammonia, và chất này vô cùng độc đối với tép.
Bể tép được cycle đầy đủ sẽ có hệ vi sinh đủ lớn để có thể chuyển hóa ammonia thành các chất không gây hại. Đó là lý do bạn cần phải chạy lọc cho bể
Chạy lọc, chạy đèn cho bể trước khi thả tép cũng giúp cho bể phát triển thêm rêu – nguồn thức ăn tự nhiên cho tép, giúp tép trưởng thành cũng như tép con có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Để bể có thể phát triển được rêu thì bạn nên bật đèn từ 8-10 tiếng một ngày, hoặc nhiều hơn trong vài tuần đầu.
6. Thả tép
Sau khoảng hơn 2 tuần, khi bạn cảm giác được nước đã trong, bể đã có nhiều rêu trên thành kính thì bây giờ là đến thời điểm thả tép.
Tép khá nhạy cảm với thay đổi môi trường của nước, vậy nên bạn cần phải cho chúng làm quen dần dần với môi trường của bể trước khi thả.
Cách để giúp tép không bị sốc nước khi mới mua về
Cách 1: Thả nổi túi
Các thả nổi túi là cách giúp tép không bị sốc nước đơn giản và thông dụng nhất bởi nó không yêu cầu dụng cụ hoặc kiến thức đặc biệt nào cả. Bạn chỉ cần làm theo các bước:
- Không mở túi và thả nổi trong bể trong vòng 15 phút đến nửa tiếng. Làm vậy để giúp nhiệt độ nước trong túi và nhiệt độ nước bể cân bằng.
- Cho nước vào trong túi – Bạn có thể cho thêm nước bể vào trong túi bằng cách cắt một lỗ nhỏ và đổ nước bể vào bên trong. Bạn chỉ nên đổ từng chút một và lặp lại sau 5 phút cho đến khi lượng nước trong túi tăng gấp đôi.
- Chờ và ngâm túi trong bể thêm 15-30 phút. Làm vậy sẽ giúp tép thích nghi dần dần với môi trường nước trong bể. Nếu tép không có biểu hiện sốc nước thì hãy mở túi và vớt tép bằng vợt nhỏ sau đó đặt chúng từ từ xuống bể.
Cách 2: Sử dụng xô nước
Sử dụng xô nước sẽ giúp bạn cho tép làm quen với nước bể chính xác và an toàn hơn. Tuy vậy phương pháp này sẽ tốn sức hơn một tẹo.
- Chuẩn bị một xô hoặc chậu đủ lớn.
- Cho tép vào bên trong xô một cách nhẹ nhàng để tránh tép bị stress. Bạn nên cho hết tép và nước trong túi vào xô.
- Bắt đầu cho nước từ bể chính vào xô. Bạn chỉ nên cho 25% nước trong xô một lần mỗi 5 phút, lặp lại quá trình cho đến khi nước trong chậu hoặc xô tăng gấp đôi.
- Bạn có thể đợi 30 phút đến 2 tiếng rồi sau đó dùng vợt để vớt tép và nhẹ nhàng cho vào bể chính.
Sau khi thả tép vào bể, chúng sẽ dành vài tiếng đầu để trốn hoặc là bơi lội khắp bể, đây là hiện tượng bình thường, bạn không cần phải quá lo lắng.
Trong trường hợp tép trốn nhiều hoặc là vẫn bơi loạn xạ quanh bể trong vài ngày tới thì chúng có thể đã bị stress.
Chăm sóc định kì cho bể
Các loại chất độc thường thấy trong bể nuôi tép là ammonia, nitrite, clo hoặc là kim loại nặng.
Bạn cần phải để ý kỹ đến nguồn nước nuôi tép. Nước máy nên được khử clo hoặc sử dụng các loại thuốc khử độc nước (lazada) để loại bỏ kim loại nặng, clo trước khi dùng để thay nước cho bể.
Hệ vi sinh có thể chuyển hóa ammonia thành nitrite và rồi thành nitrate. Hệ vi sinh có thể tự ổn định nếu bạn có bộ lọc tốt và bạn cho bể thời gian để ổn định.
Nittrate là chất không gây hại nếu ở số lượng ít, tuy nhiên vẫn có thể làm ảnh hưởng đến tép nếu bị tích tụ nhiều. Để loại bỏ chất này thì chỉ có cách là thay nước hoặc trồng thêm cây thủy sinh.
Kể cả khi nước bể tép của bạn không có độc thì bể vẫn có thể sẽ dần dần tích tụ các chất gây hại về sau nếu không được chăm sóc thường xuyên. Bạn nên sử dụng cây hút cặn để có thể dọn dẹp đáy bể và thay nước cho bể hàng tuần.
Lượng nước tối ưu nên được thay cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể mỗi tuần. Thay nước cho bể định kì sẽ giúp cho tép luôn có nguồn nước sạch nhất và cũng giúp cho tép tránh được các bệnh có thể xuất hiện về sau.
Tép có thể hấp thụ canxi trong nước, vậy nên khi nuôi tép bạn cũng nên châm thêm khoáng (lazada) định kì cho bể. Nếu tép bị thiếu khoáng, chúng có thể gặp vấn đề khi lột vỏ và sẽ bị hở cổ.
Tép ăn gì? Ăn gì cũng được…
Tép là loài ăn tạp, chúng sẽ ăn bất kì cái gì chúng thấy, bao gồm thức ăn thừa cho cá, rêu, tảo, lá cây chết,… Khi bạn nuôi bể tép sinh sản riêng thì bạn có thể cho chúng ăn các loại thức ăn chuyên dành cho tép (lazada), kết hợp với các loại rau củ quả luộc.
Bạn nên cho tép ăn chế độ ăn đa dạng, để có thể mô phỏng lại thức ăn ngoài tự nhiên của chúng, đề phòng tép bị thiếu chất. Canxi trong đồ ăn cũng khá quan trọng cho việc lột vỏ của tép. Nếu tép bị thiếu canxi thì sẽ dẫn đến tình trạng lột vỏ không thành công và chết.
Dưới là bảng so sánh lượng canxi (mg) có trong 100gam rau củ các loại. Bạn có thể luộc các loại rau này để cho tép ăn.
Rau cải xoăn | 137 |
Rau chân vịt | 99 |
Cải thảo | 74 |
Đậu xanh | 44 |
súp lơ | 40 |
xà lách | 33 |
Cà rốt | 33 |
Cải bắp | 32 |
Bí đỏ | 24 |
Dưa chuột | 21 |
Ngoài ra, bạn cũng có thể đánh đèn mạnh khoảng trên 8 tiếng mỗi ngày để có thể tạo nguồn thức ăn tự nhiên dành cho tép.
Khoáng nước dành cho tép
Tép cần khoáng để có thể lột vỏ, phát triển. Tép có thể lấy được khoáng từ nước nuôi và từ thức ăn. Khi nuôi lâu thì bạn cần phải châm thêm khoáng đều đặn cho tép, đặc biệt là khi bể của bạn có tép con.
Thiếu khoáng có thể dẫn đến tình trạng tép bị hở cổ và chết.
Bạn không cần loại khoáng quá cao cấp, chỉ cần sử dụng những loại như là Nutrafin hay x2, vin là được rồi.
Với nước lọc Ro thì tds mình để 175-185 là sẽ cho ra được gh 7-8.
Đảm bảo tép có nhiều chỗ trốn
Bạn nên cho tép chỗ trốn như là lũa, đá, rêu, rong trong bể. Lý do đầu tiên là tép thích ăn rêu, rêu mọc trên các bề mặt cứng trong bể, càng nhiều lũa, đá thì sẽ càng có nhiều nơi để cho rêu mọc.
Thứ hai là tép thường xuyên lột vỏ. Khi lột vỏ xong chúng sẽ cảm thấy không an toàn, tép sẽ trốn nhiều trong khoảng thời gian này, kể cả khi bể của bạn không nuôi cá.
Nếu không có chỗ trốn, tép có thể sẽ bị stress, lâu dần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng, khiến cho tép chết lai rai.
Bạn có thể sử dụng các loại ống gốm, ống nhựa để cho tép chỗ trốn. Hoặc bạn cũng có thể nuôi các loại cây thả nổi như là rong, rêu, bèo.
Tép là bạn, không phải đồ ăn
Gần như mọi loài cá là đều là loài ăn tạp, chúng sẽ ăn bất kì loại đồ ăn nào vừa miệng, và đó đương nhiên là bao gồm cả tép. Hầu hết loài tép đều có kích thước nhỏ, chỉ lên tới 2-3 cm. Vậy nên chúng sẽ vừa miệng bất kể loài cá nào lớn từ 7cm trở lên.
Có một số loài cá vẫn bắt nạt và rỉa tép, kể cả khi tép không vừa miệng cá.
Vậy nên nếu bạn muốn nuôi tép sinh sản thì bạn không nên nuôi chung chúng với bất kì loài cá nào. Chỉ trừ trường hợp đặc biệt duy nhất là cá otto. Loài cá này là loài ăn chay tự nhiên. Chúng chỉ ăn rêu trong bể và sẽ không quan tâm đến tép, kể cả tép con.
Trong trường hợp bạn vẫn muốn nuôi chung cá với tép thì bạn phải cho tép nhiều chỗ trốn. Đồng thời bạn cũng nên nuôi chung tép với các loài cá nhỏ, hiền lành.
Xem thêm: Các loài cá nuôi chung với tép
Kết lại
Để có thể đảm bảo được đàn tép khỏe mạnh thì bạn cần phải biết về thông số nước yêu thích của loài tép mình nuôi, nếu bạn là người mới nuôi thì bạn nên chọn dòng tép màu như là tép anh đào, tép cam, rili,..
Ngoài ra thì bạn cần phải cung cấp cho tép bể đủ to với lọc đầy đủ, nhiều cây thủy sinh, có đủ chỗ trốn, cho chúng nước sạch, được thay thường xuyên và cho tép ăn các loại thức ăn chất lượng tốt. Bạn cũng cần phải tránh nuôi các loại cá quá to hoặc cá dữ chung với tép.