aquasetup

9 loại cá an toàn bạn có thể nuôi chung với tép cảnh

Mục lục

Tép cảnh nuôi chung với cá gì

Tép cảnh là loài không thể thiếu trong những bể thủy sinh. Chúng có thể giúp dọn dẹp đồ ăn thừa cũng như cho bể cá có thêm màu sắc. Tuy vậy, tép cũng có thể trở thành món mồi ngon và đắt tiền cho nhiều loài cá nếu bạn không chọn lựa các loài cá cùng bể cẩn thận. 

Mình cũng đã nuôi tép trong một thời gian dài, cũng đã lên mạng, các diễn đàn và nghiên cứu để tìm hiểu xem những loài cá nào có thể được nuôi chung cùng với tép. Lý do là bởi chỉ nuôi mỗi tép trong bể thì sẽ quá nhàm chán đúng không? Tép chủ yếu chỉ hoạt động ở tầng đáy và tầng giữa bể nên sẽ phải có thêm một số loài cá khác để bổ sung thêm cho khoảng trống bên trên. 

Nhưng vấn đề là gì? Hầu hết mọi loài cá đều là loài ăn tạp, vậy nên chúng sẽ ăn bất kỳ loài vật nào vừa với miệng của chúng, dù cho đó là tép hay là các loài cá bé hơn. Lý do chúng không ăn tép chỉ đơn giản là chúng không ăn được mà thôi. Vậy nên khi tép đẻ thì gần như tất cả các loài cá đều có thể ăn được tép con

Một số loài cá khác thậm chí lại tệ hơn. Đó là những loài cá dữ hoặc săn mồi và sẽ săn tép kể cả khi tép không vừa miệng chúng. Các loài cá đó có thể kể đến là các loài cichlid, cá xecan, cá betta, cá nóc,…

Vì vậy nếu bạn có ý định nuôi tép để sinh sản thì tốt nhất là bạn không nên nuôi chung tép với bất kỳ loài cá nào khác. Nếu bạn vẫn muốn nuôi thì bạn nên cung cấp cho tép nhiều chỗ trốn nhất có thể bằng cách nuôi nhiều cây, tạo nhiều chỗ trốn và nuôi các loài cá bé. 

Chỉ có loài cá duy nhất mình tìm hiểu được mà có thể nuôi chung cùng với tép là cá otto. Lý do là bởi thực đơn của chúng chỉ bao gồm rêu, tảo hoặc các loại rau. Nói một cách khác, cá otto là một kẻ ăn chay tự nhiên và cá sẽ không đoái hoài đến tép hoặc là tép con. 

Trong bài viết này mình sẽ đề cập đến các loài cá mà bạn có thể cân nhắc để chọn nuôi cùng với tép mà không sợ chúng ăn thịt tép trưởng thành. 

Bạn đã có những món đồ này cho bể thủy sinh chưa?
Cây hút cặn bể cá
Ổ cắm hẹn giờ cơ
Hệ thống CO2

1. Cá otto

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 4cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
  • Độ pH: 6-7.5
  • Độ cứng nước: 40-180 ppm

Đứng đầu trong danh sách này đương nhiên có thể kể đến là cá otto. Chúng là loài chỉ ăn rêu và sẽ không bao giờ làm phiền đến tép, kể cả tép con. 

Tuy nhiên, loài cá dọn bể bé nhỏ này cần điều kiện chăm sóc kỹ hơn các loài cá khác. Chúng cần bể có kích thước tối thiểu là 45 lít, được cycle đầy đủ và có nhiều rêu nhớt xanh. 

Bạn cũng nên nuôi cá otto theo đàn và cung cấp cho cá dòng chảy nước tương đối để cá có thể sống khỏe và hoạt động nhiều hơn. 

2. Cá tỳ bà bướm

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 5-6cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 20-27°C
  • Độ pH: 7.0-7.8
  • Độ cứng nước: 20-180 ppm

Cá tỳ bà bướm có kích thước trung bình vào khoảng 5-7cm và có tuổi thọ trung bình là 5-6 năm. 

Chúng có thân hình dẹt đặc trưng của loài cá ăn rêu và sống tầng đáy. Thân cá có màu vàng nâu, điểm nhiều đốm đen gần giống như hoạ tiết da báo. 

Cá tỳ bà bướm là loài cá thích dòng chảy và nước sạch. Ngoài tự nhiên chúng thường sống tại những con suối trong, nhiều rêu, có dòng chảy mạnh, cá thường sẽ bám vào các bề mặt cứng như là đá để kiếm ăn. 

Chúng đôi khi có thể tranh giành thức ăn của nhau, đặc biệt là giữa các con đực. Nhưng nhìn chung thì cá tỳ bà bướm vẫn là loài cá vô cùng hiền lành, có thể sống chung với nhiều loài cá và đương nhiên là tép. 

Chúng không phải là loài cá săn mồi và sẽ không thích thực đơn chứa nhiều protein, đó là lý do cá sẽ không tìm bắt tép để ăn. Tuy vậy, khác với cá otto, cá tỳ bà bướm vẫn là loài cá ăn tạp. Vậy nên nếu tép con quá bé và vừa miệng cá thì vẫn có khả năng cá tỳ bà bướm ăn chúng. 

Cá có thường xuyên ăn tép con không? Câu trả lời là không. Nhiều người vẫn thường nuôi chung cá tỳ bà bướm trong bể tép. Cá vẫn có thể ăn tép con nhưng đó là chỉ khi tép con ở gần, bị yếu hoặc vô tình bơi vào gần miệng của cá tỳ bà bướm. 

3. Chạch culi

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 5cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 21–27°C
  • Độ pH: 5.5–6.5 pH
  • Độ cứng nước: 10 – 80 ppm

Chạch culi có thể được nuôi chung với tép bởi chúng là loài cá hiền lành, không phải là loài săn mồi. Thực đơn chính của chạch culi chỉ bao gồm thức ăn thừa hoặc các loại chất hữu cơ khác dưới đáy bể. Một lý do nữa khiến cho chạch culi có thể được nuôi chung với tép là miệng chúng rất bé nên khó có thể ăn các loại tép trưởng thành được. Tuy nhiên, nếu chạch culi đói và có tép con ở gần thì chúng vẫn có thể ăn được. Vậy nên nếu bạn nuôi chung chạch với tép thì hãy đảm bảo chúng luôn được ăn no. 

Chạch culi là loài bơi theo đàn, nếu được nuôi theo số lượng từ sáu con trở lên thì chúng sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Nếu nuôi quá ít thì chạch sẽ dễ bị stress, thỉnh thoảng cũng sẽ bơi nhanh quanh bể và làm cho tép bị stress theo. Hơn hết nữa là chúng cũng sẽ dễ nhảy ra khỏi bể khi cảm thấy không an toàn. 

4. Cá chuột pygmy

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 2cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 22-26°C
  • Độ pH: 6.5-7.5
  • Độ cứng nước: 40—200 ppm

Cá chuột pygmy là loại cá chuột nhỏ nhất, với kích thước chỉ lên tới 2cm. Chúng là loài cá tí hon ưa hoạt động và cũng vô cùng hiền lành. Cá chuột pygmy cũng là loài cá hay được nuôi chung cùng với tép bởi kích cỡ nhỏ và bản tính hiền lành của chúng. 

Giống như các loài cá ở trên, cá chuột pygmy cũng là loài cá bơi đàn và bạn nên nuôi chúng theo bầy từ 6 con trở lên, tốt hơn nữa là 10 con, càng nhiều càng tốt. Khi được nuôi theo số lượng lớn thì chúng sẽ bơi theo đàn ở tầng giữa và tầng thấp bể và nhìn sẽ rất đẹp mắt. 

Mặc dù cá chuột pygmy không phải là loài săn mồi, sống hiền lành nhưng chúng vẫn là loài ăn tạp vậy nên chúng sẽ ăn tép con nếu vô tình bắt gặp. Tuy nhiên trường hợp này sẽ hiếm xảy ra vì cá chuột pygmy sẽ dành hầu hết thời gian đào bới nền bể và sẽ ít khi bắt gặp tép con. Hơn hết nữa thì khi tép con lớn được 1-2 tuần tuổi thì chúng sẽ quá lớn để bị cá chuột ăn. 

Mình có thể nói cá chuột pygmy là loài cá an toàn thứ hai để nuôi chung với tép, chỉ sau cá otto. 

5. Cá chuột 

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 4 cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 23-26°C
  • Độ pH: 6.5-7.5
  • Độ cứng nước: 50—150 ppm

Ngoài cá chuột pygmy thì hầu hết tất cả mọi loại cá chuột khác đều có thể được nuôi chung với tép. 

Chúng đều không phải là loài săn mồi và sẽ không ăn tép trưởng thành. 

Cá chuột không hề kén chọn, chúng sẽ ăn bất kì loại thức ăn nào bạn cho chúng ăn mà vừa miệng cá. 

Đôi khi, bạn cũng có thể cho cá chuột ăn thêm các loại rau củ quả luộc như là dưa chuột, rau cải hoặc đậu nếu cảm thấy chúng không có đủ thức ăn. 

6. Cá trâm

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 2cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 20-28°C
  • Độ pH: 6.8-7.8
  • Độ cứng: 20—90 ppm

Cá trâm là một loài cá nhỏ và hiền lành khác bạn có thể nuôi chung được với tép. Lý do cá trâm an toàn là chúng vô cùng bé (tầm khoảng 2cm), bé hơn cả tép trưởng thành vậy nên bạn không cần quá lo lắng. 

Cá trâm cũng khá phổ biến, bạn có thể dễ dàng tìm mua được cá trâm tại các cửa hàng cá cảnh và người ta thường bán chúng theo đàn từ 50-100 con. Một số người thậm chí còn mua cá trâm để làm cá mồi bởi giá thành của chúng cũng tương đối rẻ. 

Nếu bạn có bể cá mini, không có đủ không gian để nuôi một số loại cá thì cá trâm có thể sẽ là lựa chọn tốt, bạn có thể mua tầm 10 con là được. Khi được nuôi theo đàn thì cá trâm sẽ bớt nhút nhát và hoạt động nhiều hơn. 

Tép con lớn hơn 1-2 tuần tuổi sẽ an toàn bởi khi đó chúng sẽ đủ lớn để không bị cá trâm ăn. 

7. Cá ember tetra

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 2cm
  • Tích cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nước: 23–29°C
  • pH: 6.0–7.0 pH
  • Độ cứng nước: 90—200 ppm

Cá ember tetra là loại cá tetra bé, chúng có màu đỏ cam và ở phần rìa vây lưng đôi khi sẽ có một ít màu đen. Nếu bể bạn trồng nhiều cây thủy sinh thì cá ember tetra sẽ là điểm nhấn tuyệt vời. 

Lý do cá ember tetra có thể được nuôi chung với tép hoặc bất kì loài cá cộng đồng nào khác là bởi vì chúng rất nhỏ (khoảng 2cm). Vì có kích thước cùng với miệng nhỏ nên cá sẽ không thể bắt nạt hoặc ăn các loại tép trưởng thành. Tuy vậy bạn vẫn cần lưu ý là chúng rất nhanh và có thể sẽ ăn hết tép con nếu bạn định nuôi chung với bể tép sinh sản. 

8. Cá bảy màu

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 4 cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
  • Độ pH: 7.0-8.0
  • Độ cứng nước: 70—140 ppm

Cá bảy màu nhìn chung là loại cá hiền lành và cũng không có kích thước quá lớn. Kích thước trung bình của cá bảy màu đực vào khoảng 3cm, bảy màu cái vào khoảng 4cm. Các loại cá đẻ con như là bảy màu, bình tích, cá mún sẽ có miệng to hơn các loại cá khác, tuy vậy miệng chúng vẫn không đủ to để có thể ăn được tép trưởng thành. 

Cá bảy màu sẽ dành hầu hết thời gian ở tầng giữa và tầng mặt nước, ít khi tiếp xúc với tép và chúng cũng sẽ không để ý đến sự có mặt của tép ở trong bể. 

9. Cá mún

Tép cảnh nuôi chung với cá gì
  • Kích thước: 4cm
  • Tính cách: Hiền lành
  • Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
  • Độ pH: 7.0-8.0
  • Độ cứng nước: 70—140 ppm

Cá mún cũng gần tương tự như cá bảy màu, chúng là loại cá nhỏ, hiền lành và sẽ không bao giờ làm phiền đến các loại tép lớn hơn so với miệng chúng. Nhưng cá sẽ vẫn có thể ăn được tép con. Nếu bạn muốn tép con có thể sống sót và không muốn nuôi tép riêng thì bạn phải trồng thật nhiều cây trong bể, cung cấp cho tép nhiều chỗ để trốn và luôn đảm bảo rằng cá được ăn no. 

Về các loài cá khác

Trên là mình có liệt kê các loài cá phổ biến, ngoài ra còn rất nhiều loài cá khác bạn có thể nuôi chung được với tép cảnh. Ngoài ra cũng có một số loài cá bạn cần đặc biệt tránh. Bạn có thể tham khảo thêm ở bảng dưới. 

Tên loàiKhả năng nuôi chung với tép
Cá bút chìCá bút chì không có miệng đủ lớn để ăn tép trưởng thành.  
Cá cánh buồmCá cánh buồm có thể rỉa và ăn tép.
Cá nóc miniCá nóc mini dù bé nhưng vẫn có thể tấn công tép to hơn, chỉ vì chúng thích vậy mà thôi. Cá nóc mini và các loại nóc nói chung không nên được nuôi chung với tép. 
Diếc anh đàoDiếc anh đào có thể nuôi chung được với tép. 
Cá xecanCá xecan là cá dữ, cần tránh nuôi chung với tép. 
Cá bống mắt treBống mắt tre là cá săn mồi nhỏ. Cá sẽ cố bắt tép nhưng mà chúng bơi chậm nên sẽ khó bắt tép. 
BettaCá betta sẽ và rất thích ăn tép. 
Cá thần tiênCá thần tiên có ăn tép. 
Cá thủy tinh Cá thủy tinh không đủ lớn để có thể ăn tép trưởng thành.
Cá tam giácCá tam giác có thể nuôi chung với tép.
Cá cầu vồng/ Thạch mỹ nhânCá cầu vồng hiền lành, tuy nhiên chúng vẫn khá to nên đôi khi có thể ăn tép bé. Bạn nên nuôi chung chúng với dòng tép to như là amano. 
Cá trâm galaxyCá trâm galaxy có thể nuôi chung với tép. 
Cá bình tíchCá bình tích hiền lành, tuy nhiên chúng vẫn khá to nên đôi khi có thể ăn tép bé. Bạn nên nuôi chung chúng với dòng tép to như là amano. 
Cá đuôi kiếmCá đuôi kiếm hiền lành, tuy nhiên chúng vẫn khá to nên đôi khi có thể ăn tép bé. Bạn nên nuôi chung chúng với dòng tép to như là amano. 
Cá phượng hoàngCá phượng hoàng tuy tương đối hiền nhưng vẫn đủ lớn để ăn được tép. Vậy nên bạn cần tránh nuôi chung chúng. 
Bác sĩ pandaCá bác sĩ panda hiền lành, có thể nuôi chung với tép. 
Cá sọc ngựaCá sọc ngựa hiền lành, có thể nuôi chung với tép. 
Sóc đầu đỏCá sóc đầu đỏ hiền lành, có thể nuôi chung với tép.
Cá sặc gấmCá sặc gấm sẽ dễ dàng thịt tép. 
Cá dĩaCá dĩa đủ lớn để có thể ăn được tép. Bạn cần tránh nuôi chung chúng với nhau. 
Cá hồng nhung/ hồng tử kỳCá hồng nhung sẽ rỉa tép. Nếu nuôi chung với tép thì bạn cần có bể to và nhiễu chỗ trốn. 
Cá hồng miCá hồng mi là loài cá lớn, chúng sẽ có thể ăn được tép, kể cả tép trưởng thành. 
Cá hồng kétCá hồng két là loài cá lớn, chúng sẽ có thể ăn được tép, kể cả tép trưởng thành. 
Cá lau kiếngCá lau kiếng sẽ không tìm ăn tép, đôi khi chúng có thể vô tình bắt được tép nếu tép gần miệng. 
Cá nô lệCá nô lệ khi trưởng thành sẽ ăn tép. 
Cá nanaCá nana có thể không ăn tép nhưng chúng vẫn có thể rỉa tép. 
Cá ngân bìnhCá ngân bình sẽ ăn tép. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *