aquasetup

Setup bể thủy sinh phong cách Hà Lan: hướng dẫn và lưu ý chăm sóc

Mục lục

Setup bể thủy sinh hà lan

Một trong những phong cách lâu đời nhất trong thú chơi thủy sinh – phong cách Hà Lan, được coi là một trong những phong cách cần chăm sóc nhiều nhất. Phong cách này còn lâu đời hơn phong cách Iwagumi hoặc là phong cách tự nhiên. Chúng hình thành trước khi mà các loại vật trang trí khác như là lũa, đá trở nên phổ biến. 

Trong phong cách Hà Lan, khung cảnh trong bể sẽ được tạo chủ yếu nhờ kết hợp cây thủy sinh với màu sắc và hình dáng khác nhau. Nhờ cắt tỉa, cây sẽ tạo thành tầng lớp giống như là những vườn hoa Hà Lan vậy. 

Nếu bạn đang tìm một phong cách nhiều màu sắc với các loại cây đa dạng thì đây là phong cách dành cho bạn. 

Phong cách Hà Lan cần chăm sóc nhiều cũng như là yêu cầu cao hơn về thiết bị nên sẽ không phù hợp lắm dành cho người mới bắt đầu. Trong bài viết này mình sẽ nói về các loại cây phù hợp, cách chăm sóc và các lưu ý khi setup bể phong cách Hà Lan. 

Lịch sử

Phong cách Hà Lan có nguồn gốc từ Hà Lan (đương nhiên rồi) vào những năm 1930. Nó có thể coi là phong cách lâu đời nhất trong thú chơi thủy sinh. Phong cách này bắt đầu từ sự hình thành của Hiệp Hội Thủy Sinh Hà Lan (NBAT). 

NBAT đã đưa ra các tiêu chuẩn về phong cách Hà Lan và năm 1956. Họ dùng tiêu chuẩn này để chấm điểm và đánh giá các bể cá tham gia vào cuộc thi hàng năm do hiệp hội này tổ chức. 

Tiêu chuẩn phong cách Hà Lan

Tiêu chuẩn của NBAT bao gồm một số nguyên tắc như sau:

  • Khu vực cho một loài cây phải có độ rộng tối thiểu là 10cm
  • Một loài cây không được xuất hiện ở hai khu vực riêng biệt trong bể
  • Các loài cá bơi đàn phải nuôi với số lượng tối thiểu là 12 con. 

Ngoài ra, khu vực trồng cây nên chiếm khoảng 70% diện tích bể. Mặc dù tiêu chuẩn là như vậy nhưng bạn vẫn có thể sáng tạo hơn khi làm bể cá tại nhà. Tuy nhiên, việc làm theo nguyên tắc sẽ giúp cho bể đúng chuẩn và đẹp hơn. 

Cách sắp xếp bố cục phong cách Hà Lan

Bể phong cách Hà Lan sử dụng cây cối để tạo nên bố cục, vậy nên bạn cần phải có hiểu về cây thủy sinh, cụ thể hơn là các loại cây cắt cắm. 

1. Chọn bể kích thước phù hợp

Đầu tiên là bạn cần phải chuẩn bị bể đủ rộng và cao để cây cắt cắm có thể phát triển trước khi tỉa. Bể nên có kích thước vào khoảng hơn 100 lít. Tuy vậy bạn vẫn có thể làm bể phong cách Hà Lan trong những bể khoảng 60 lít. 

2. Tạo độ tương phản

Setup bể thủy sinh hà lan

Để bể có thể đẹp thì giữa những bụi cây phải có độ tương phản tốt.  Đây là nguyên tắc quan trọng nhất bạn cần phải nhớ nếu muốn làm một bể thủy sinh đẹp. Các bụi cây cạnh nhau cần phải có độ tương phản tốt. 

Cây có thể tương phản ở kiểu hình lá, kích thước, màu sắc lá hoặc là chiều cao. 

Bạn nên tránh đặt các loài cây quá giống nhau ở cạnh nhau. 

Bể nên có một loài cây lá to (ý mình là rất to ý), ví dụ như là sen tiger, trầu iguazu, cây choi lưới, cây biệt liên hoặc tiêu thảo ấn độ. 

Các ví dụ về tương phản tốt có thể kể đến là: 

  • Đặt hồng thái dương bên cạnh cỏ narong
  • Đặt hồ liễu cao (cây có lá to) cạnh cây có lá nhỏ, có thể là lá đỏ như là vảy ốc xanh hoặc vảy ốc đỏ

Các ví dụ không tốt:

  • Đặt diệp tài hồng lá hẹp cạnh vảy ốc lá xanh hoặc là rong la hán, tiểu bảo tháp do các loài cây này không có độ tương phản

3. Nguyên tắc một phần ba

Setup bể thủy sinh hà lan

Khi setup bể thì bạn nên làm theo nguyên tắc một phần ba. Nguyên tắc này được sử dụng rất nhiều trong thiết kế, chụp ảnh cũng như là trong các loại phong cách khác như là phong cách Iwagumi. 

Căn bản là bạn cần phải có một điểm nhấn, tạo từ loài cây to với màu sắc nổi bật nhất, thường là cây lá đỏ. Loài cây này nên được đặt ở phía bên bể, tránh đặt ở chính giữa. 

Bạn nên tránh trồng quá nhiều loài cây lá đỏ. Đây là lỗi sai của nhiều người khi làm bể phong cách Hà Lan. Bởi ai mà không thích cây lá đỏ cơ chứ?

Lý do là bởi khi trồng nhiều cây lá đỏ, bể sẽ có nhiều điểm nhấn, khiến cho mắt người nhìn vào không biết tập chung vào đâu, do đó sẽ khiến bố cục bị rối và xấu. 

Một hoặc hai bụi cây cho mỗi điểm nhấn là đủ rồi. Số lượng cây lá đỏ, cam, hồng trong bể nên ít hơn một phần tư. 

4. Để ý đến chiều cao của cây 

Bể cần có bố cục chiều cao rõ ràng với chiều cao giảm dần về phía đằng trước. Thông thường sẽ có một số loại cây chuyên dùng để trồng tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Có một số loại có thể sử dụng ở hai hoặc ba khu vực nếu được tỉa đúng cách. 

Các loại cây có thể được sử dụng để dùng cho bể Hà Lan

Như đã nhắc đến bên trên, để làm bể Hà Lan thì bạn cần phải biết về nhiều loài cây thủy sinh, hình dáng lá, chiều cao và màu sắc của chúng. 

Dưới đây là các loại cây phù hợp để cho bạn lựa chọn. 

Cây thấp để trồng tiền cảnh

  • Rau thơm
  • Hồng ba tiêu
  • Huyết tâm lan mini
  • Hồ liễu đỏ
  • Các loại tiêu thảo 
  • Sen tiger

Cây thủy sinh trung cảnh, hậu cảnh

  • Cây lệ nhi
  • Cây rau đắng thủy sinh
  • Cây tân đế
  • Diệp tài hồng lá táo
  • Cây táo xanh
  • Hồng hồ điệp
  • Các dòng vảy ốc (xanh, đỏ, Hra)
  • Tiểu bảo tháp, rong la hán 
  • Cây ngổ tím thủy sinh
  • Cỏ narong 

Bạn có thể dùng các loại cây hậu cảnh, trung cảnh tùy vào cách sắp xếp và cắt tỉa để đảm bảo bố cục đẹp trong bể. 

5. Giữ khoảng cách giữa các nhóm cây khi trồng

Setup bể thủy sinh hà lan
Setup bể thủy sinh hà lan

Khi trồng cây thì bạn không nên trồng các bụi cây quá sát nhau. Giữa các bụi cần có khoảng trống để chúng có thể phát triển ra xung quanh. Khoảng trống nên có độ rộng khoảng 2-5 cm tùy vào độ lớn của bụi cây và kích thước bể. 

Khoảng trống này cũng sẽ giúp các bụi cây có khoảng 0.5 cm khoảng trống giữa nhau khi chúng mọc to lên, giúp tách biệt các bụi cây và tăng độ tương phản trong bể. 

6. Diện tích trồng cây phù hợp

Thông thường thì diện tích tối ưu cho mỗi nhóm cây là vào khoảng 10x10cm. Bạn có thể tăng một ít hoặc giảm một ít tùy ý nhưng không nên tăng hoặc giảm quá nhiều. 

Khi trồng cây với mật độ loài quá dày, mỗi loại chỉ có một tẹo không gian thì bể sẽ nhìn trật trội. Khi đó thì bể sẽ giống phong cách rừng hơn là phong cách Hà Lan. 

Khi trồng một loài cây trong diện tích quá lớn thì bể sẽ nhìn đơn điệu, thiếu độ tương phản và sẽ bị xấu. 

Ngoài ra, bạn nên tránh trồng một loài cây ở hai nơi khác nhau. 

Cây thủy sinh nên chiếm khoảng 70-90% diện tích bể. Nếu bạn trồng cây vào tất cả mọi chỗ trong bể thì không gian bể sẽ nhìn chật hẹp. Trồng quá ít thì sẽ bị nhìn lưa thưa. 

Về cây thủy sinh cho bể Hà Lan

Setup bể thủy sinh hà lan

Các loài cây thủy sinh trồng trong bể Hà Lan sẽ là cây cắt cắm. Vậy nên chúng sẽ có xu hướng mọc thẳng và cao lên trên cho đến khi cây chạm mặt nước. 

Vậy nên bạn cần phải chăm sóc cho cây định kỳ. Thường là bạn nên tỉa cây hàng tuần hoặc hai tuần một lần.
Nếu bạn không chăm sóc cây thường xuyên, một số loại cây sẽ mọc lên cao nhanh và che hết sáng của các loài cây phía dưới. 

Cây thủy sinh cắt cắm cũng sẽ cần rất nhiều ánh sáng cũng như là CO2 để phát triển. Vậy nên khi làm bể phong cách Hà Lan bạn cần phải đầu tư một chiếc đèn tốt cộng với hệ thống CO2 đầy đủ. 

Cái hay ở cây cắt cắm là bạn có thể tỉa chúng và trồng lại một cách dễ dàng. Phần cây thừa bạn có thể thoải mái trồng sang chỗ khác, đem cho hoặc là vứt đi. 

Để cây có thể mọc được bụi dày thì bạn cần phải tỉa cây thường xuyên và trồng lại ngọn ở bên phía dưới gốc. 

Cách tỉa cũng khá đơn giản. Đầu tiên bạn nên có một chiếc kéo tỉa chuyên dụng. Sau đó bạn hãy tỉa cây theo hình dáng mong muốn, có thể là khối cầu, hình dốc hoặc là hình vuông. Sau đó với các bụi cây vừa cắt bạn hãy trồng chúng xuống dưới gốc nếu cảm giác bụi đang bị thưa. 

Ánh sáng

Bể Hà Lan cần rất nhiều ánh sáng. Đèn cho bể cần phải đủ rộng và đủ lớn để có thể chiếu sáng cho toàn bộ bể mà không có hoặc có ít khoảng tối. 

Không phải loại đèn thủy sinh nào cũng giống nhau, một số loại cao cấp có thể giúp cây lên được màu đỏ tốt, một số loại đèn tầm trung khác thì sẽ không giúp cây lên màu tốt bằng. 

Tùy vào nhu cầu cũng như là kinh phí của bạn thì sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau. 

Xem thêm: Các loại đèn thủy sinh tốt cho bể thủy sinh

Hệ thống CO2

Phong cách Hà Lan cần mức độ chăm sóc cao, có lẽ là cao nhất trong số các loại phong cách. Loại bể này cần được cung cấp CO2 liên tục để cây có thể phát triển và lên màu đẹp. Không có CO2 thì cây sẽ bị mọc thưa, lên màu nhạt hoặc thậm chí là chết. 

Vậy nên nếu bạn muốn làm bể Hà Lan đúng chuẩn thì bạn không còn cách nào khác ngoài việc sắm một hệ thống CO2 chuyên dụng. 

Một hệ thống CO2 sẽ bao gồm van, dây, cốc sủi hoặc là bộ trộn và bình CO2. 

Hệ thống CO2 theo mình khá là rẻ, mỗi bộ chỉ có giá đâu đó tầm 1 triệu đồng. Chi phí bơm lại hoặc đổi bình cũng không cao và mỗi bình thì bạn có thể dùng khá lâu, vào khoảng 2-5 tháng tùy vào mức độ dùng. 

Xem thêm: Cẩm nang về hệ thống CO2 cho bể thủy sinh

Bộ nền

Bởi vì cây thủy sinh cắt cắm sẽ hấp thụ dinh dưỡng từ nền vậy nên bạn cần phải sử dụng bộ nền thủy sinh chuyên dụng. 

Hiện nay có nhiều dòng nền thủy sinh khác nhau. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì các loại cây cắt cắm sẽ không yêu cầu quá cao về bộ nền, bạn có thể lựa chọn các loại nền khác nhau tùy vào nhu cầu và chi phí. 

Phân thủy sinh

Khi trồng một thời gian thì bể sẽ bị cạn dưỡng. Khi đó bạn cần phải bổ sung thêm phân nhét hoặc là phân nước cho bể. Đặc biệt là với mật độ trồng cây dày đặc như bể Hà Lan thì bạn sẽ cần phải bổ sung thêm phân nước liên tục. 

Các loại cây lá đỏ sẽ yêu cầu cao về dưỡng hơn là các loại cây lá xanh. 

Khi mua phân cho bể thì bạn có thể chọn các loại phân nước tổng hợp như phân nước thủy mộc, seachem hoặc là phân nước az. 

Cá cho bể thủy sinh Hà Lan

Không chỉ cây mà cá cũng sẽ là điểm nhấn cho bể. Có một đàn cá đẹp sẽ giúp bạn nâng tầm cho bể nên bạn không nên bỏ qua yếu tố này. Các loại cá tốt để nuôi trong bể là các loài cá bơi đàn. Phổ biến nhất trong số đó có thể kể đến là:

  • Cá neon
  • Cá sóc đầu đỏ
  • Cá ember tetra
  • Cá cầu vồng

Bạn không nên nuôi quá nhiều loài cá trong bể nếu không có bể lớn. Với các loại cá bơi đàn thì bạn nên nuôi chúng theo nhóm khoảng từ 10 con trở lên. 

Kết lại

Phong cách Hà Lan là phong cách đáng để thử nếu bạn có thể chăm sóc cho chúng và nếu bạn muốn có một khu vườn nhiều màu sắc trong nhà. 

Để trồng bể Hà Lan đẹp thì bạn cần phải để ý đến: 

  • Kích thước bể
  • Tương phản của các loài cây trong bể: về màu sắc, kích thước, kiểu dáng lá
  • Trồng cây theo mật độ vừa phải và trồng theo bụi nhỏ khoảng 10cm
  • Trồng cây theo bố cục rõ ràng, gồm tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh
  • Cung cấp cho bể nhiều ánh sáng, dưỡng cũng như là CO2

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *