aquasetup

Tép suối đổi màu: cách chăm sóc và sinh sản

Mục lục

Tép suối đổi màu

Nếu bạn đang tìm kiếm loài tép dọn rêu tốt, sống khỏe và có giá thành rẻ thì tép suối đổi màu là lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Dù có thể sẽ không sặc sỡ bằng các loại tép màu khác như là tép anh đào, tép vàng thái, nhưng tép suối đổi màu vẫn có thể sẽ lên được nhiều màu sắc thú vị  khác nhau tùy thuộc vào môi trường sống. 

Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc và nuôi sinh sản loài tép đặc biệt này. 

Tép suối đổi màu là gì

Tép suối đổi màu

Tép suối đổi màu là dòng tép được bắt ngoài tự nhiên tại các con suối ở Việt Nam. Chúng là tép hoang dã, cùng loài với tép màu, với tên khoa học là Neocaridina davidi. Chúng thường có thân hình trong suốt đôi khi ngả nâu với họa tiết đốm nâu, cam, vàng hoặc xanh trên thân. Đôi khi tép có thể có sọc vàng/nâu trên lưng. Nếu được nuôi trong điều kiện hợp lý thì loài tép này sẽ sinh sản nhanh và tạo thành đàn trong bể thủy sinh. 

Tép có khả năng tự đổi màu tùy vào môi trường chúng sống, chúng làm vậy để có thể ngụy trang tốt hơn ngoài tự nhiên, tránh được kẻ săn mồi. 

Thông số nước nuôi tép suối đổi màu

Tép suối đổi màu

Thông số lý tưởng để nuôi tép suối đổi màu là:

  • Nhiệt độ: 18 °C- 28 °C
  • pH: 6.5-8.0
  • TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 200-300 ppm
  • GH (độ cứng của nước): 4-8 dGH

Mặc dù tép suối đổi màu có thể sống được ở nhiệt độ 18 °C- 28 °C nhưng chúng sẽ thoải mái hơn khi bể ấm một tẹo, tức là khoảng 22 °C- 26 °C, nếu bể của bạn quá lạnh, quá ấm hoặc có độ pH nằm ngoài khoảng trên thì có thể tép cũng sẽ bỏ ăn. Tép suối đổi màu có khả năng chịu độ cứng tốt và chúng có thể sống trong cả môi trường nước cứng lẫn nước mềm. 

Nếu bạn không có thời gian để có thể đo đạc thông số nước cho tép suối đổi màu thì bạn chỉ cần đảm bảo nước bể nuôi ổn định nhất có thể là được. 

Đồng thời bể cũng nên được cycle đầy đủ khi nuôi tép. 

Giải thích qua về cycle thì đó là quá trình vi sinh có lợi trong bể sinh sôi đủ để có thể xử lý được các chất độc trong bể cá như là ammonia, nitrate, nitrite. Nơi mà vi sinh sống có thể là trong vật liệu lọc, dưới nền và trên các bề mặt trong bể. Vi sinh có lợi có vai trò xử lý nước và làm nước an toàn để các loài khác có thể sinh sống được. Bạn nên đảm bảo bể đã được cycle đầy đủ trước khi thả cá hoặc tép vào bể.

Bể mới làm cần phải được cycle trước khi được thả tép. 

Quá trình cycle mất bao lâu? Không có một con số cụ thể, quá trình cycle có thể tốn một tuần cho đến tháng tùy thuộc vào cách bạn xử lý nước. Nếu bạn châm thêm vi sinh (lazada) cho bể hoặc sử dụng nước từ bể cá khác để làm bể mới thì quá trình này sẽ diễn ra rất nhanh và chỉ tốn vài ngày.

Ngoài ra, dù cho bể đã làm lâu và bạn vô tình làm chết vi sinh có lợi cho bể do thay quá nhiều nước, rửa lọc hoặc bạn nuôi thêm cá thì cùng sẽ làm cho bể quay trở lại quá trình cycle. 

Bể nuôi tép suối đổi màu

Bạn có thể nuôi được tép suối đổi màu trong những bể 20 lít trở lên, càng to thì càng tốt. Bể càng lớn thì càng nuôi được nhiều tép, bạn càng đỡ phải chăm sóc nhiều, bể sẽ có môi trường nước khó bần, ổn định hơn. 

Lọc cho tép suối đổi màu

Bạn cần phải cho tép suối đổi màu nước sạch. Để làm vậy thì bể cần phải có bộ lọc tốt cộng với có vật liệu lọc đầy đủ. 

Tép suối đổi màu là loài tép khỏe, tuy vậy chúng vẫn nhạy cảm với nước bể nuôi nhiều hơn so với cá. Những loại chất độc có thể có trong bể là ammonia, nitrite và nitrate. Khi thức ăn thừa, phân cá phân hủy, chúng sẽ tạo ra ammonia. Vi sinh có lợi trong lọc sẽ giúp xử lý, chuyển hóa ammonia thành nitrite và rồi thành nitrate. Nitrate chỉ có thể được xử lý bằng cách thay nước hoặc là trồng nhiều cây thủy sinh. 

Xem thêm: Cách chọn bộ lọc tốt cho bể thủy sinh

Nếu bể bạn chỉ nuôi tép thì bạn chỉ cần lọc vi sinh là đủ rồi. Nếu bạn có bể to, sử dụng lọc thác, lọc treo hoặc lọc thùng thì bạn cần phải bịt đầu lọc lại. Đầu hút quá lớn có thể hút được tép trưởng thành và đặc biệt là tép con nếu bạn định nuôi tép sinh sản. 

Ánh sáng cho tép

Tép không yêu cầu quá cao về ánh sáng, bạn chỉ cần đảm bảo bể nuôi tép được chiếu sáng khung giờ đều đặn hàng ngày là được. Bạn cũng có thể bật sáng lâu để bể có thể lên rêu, tạo nguồn thức ăn tự nhiên tốt cho tép. Để có thể kiểm soát thời gian chiếu sáng tốt hơn thì bạn có thể mua ổ cắm hẹn giờ (lazada) thay vì bật tắt bằng tay.

Xem thêm: Rêu trong bể cá có tốt không

Tép ăn gì? Ăn gì cũng được…

Tép là loài ăn tạp, chúng sẽ ăn bất kì cái gì chúng thấy, bao gồm thức ăn thừa cho cá, rêu, tảo, lá cây chết,… Khi bạn nuôi bể tép sinh sản riêng thì bạn có thể cho chúng ăn các loại thức ăn chuyên dành cho tép, kết hợp với các loại rau củ quả luộc. 

Bạn nên cho tép ăn chế độ ăn đa dạng, để có thể mô phỏng lại thức ăn ngoài tự nhiên của chúng, đề phòng tép bị thiếu chất. Canxi trong đồ ăn cũng khá quan trọng cho việc lột vỏ của tép. Nếu tép bị thiếu canxi thì sẽ dẫn đến tình trạng lột vỏ không thành công và chết. 

Dưới là bảng so sánh lượng canxi (mg)  có trong 100gam rau củ các loại. Bạn có thể luộc các loại rau này để cho tép ăn. 

Rau cải xoăn137
Rau chân vịt 99
Cải thảo74
Đậu xanh44
súp lơ40
xà lách33
Cà rốt33
Cải bắp32
Bí đỏ24
Dưa chuột 21

Thực đơn chính của tép nên bao gồm rêu tự nhiên và rau củ quả luộc. Nếu bể nhiều rêu thì bạn chỉ cần cho tép ăn 1-2 lần một tuần là được. 

Tép sẽ dành cả ngày để bơi khắp bể, kiếm ăn trên các bề mặt như là đá, lũa, lá cây, thành kính. Bật đèn đủ, cộng với có nhiều mặt phẳng trong bể là cách để giúp tép không bao giờ bị thiếu thức ăn.

Bạn cùng bể cho tép

Gần như mọi loài cá là đều là loài ăn tạp, chúng sẽ ăn bất kì loại đồ ăn nào vừa miệng, và đó đương nhiên là bao gồm cả tép. Hầu hết loài tép đều có kích thước nhỏ, chỉ lên tới 2-3 cm. Vậy nên chúng sẽ vừa miệng bất kể loài cá nào lớn từ 7cm trở lên. 

Có một số loài cá vẫn bắt nạt và rỉa tép, kể cả khi tép không vừa miệng cá.

Vậy nên nếu bạn muốn nuôi tép sinh sản thì bạn không nên nuôi chung chúng với bất kì loài cá nào. Chỉ trừ trường hợp đặc biệt duy nhất là cá otto. Loài cá này là loài ăn chay tự nhiên. Chúng chỉ ăn rêu trong bể và sẽ không quan tâm đến tép, kể cả tép con. 

Trong trường hợp bạn vẫn muốn nuôi chung cá với tép thì bạn phải cho tép nhiều chỗ trốn. Đồng thời bạn cũng nên nuôi chung tép với các loài cá nhỏ, hiền lành. 

Xem thêm: Các loài cá nuôi chung với tép

Đảm bảo tép có nhiều chỗ trốn

Bạn nên cho tép chỗ trốn như là lũa, đá, rêu, rong trong bể. Lý do đầu tiên là tép thích ăn rêu, rêu mọc trên các bề mặt cứng trong bể, càng nhiều lũa, đá thì sẽ càng có nhiều nơi để cho rêu mọc. 

Thứ hai là tép thường xuyên lột vỏ. Khi lột vỏ xong chúng sẽ cảm thấy không an toàn, tép sẽ trốn nhiều trong khoảng thời gian này, kể cả khi bể của bạn không nuôi cá. Nếu không có chỗ trốn, tép có thể sẽ bị stress, lâu dần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng, khiến cho tép chết lai rai. 

Bạn có thể sử dụng các loại ống gốm, ống nhựa (lazada) để cho tép chỗ trốn. Hoặc bạn cũng có thể nuôi các loại cây thả nổi như là rong, rêu, bèo. 

Cách nuôi tép suối đổi màu sinh sản

Tép suối đổi màu rất dễ đẻ, chỉ cần bạn cho chúng nước tốt, với đầy đủ đồ ăn là chúng sẽ sinh sản nhanh chóng. Hầu hết mọi loài cá đều có thể ăn tép, đặc biệt là tép con nếu vừa miệng chúng. Vậy nên nếu bạn muốn nuôi tép sinh sản trong bể cá thì bạn cần phải cho chúng nhiều chỗ trốn, bể có cây cối dày đặc. 

Khi đến thời điểm sinh sản, tép suối đổi màu cái sẽ mang trứng ở gần phần đầu, còn được gọi là phần yên ngựa. Tép cái sẽ sẵn sàng sinh sản vào lần lột vỏ tiếp theo. 

Khi tép cái lột vỏ, chúng sẽ giải phóng pheromones vào trong nước, thu hút con đực. Đây cũng là một trong những lý do bạn có thể thấy tép thường xuyên bơi loạn xạ trong bể. Quá trình tép đực thụ tinh cho tép cái chỉ kéo dài vài giây. Con đực sẽ cố gắng bấu vào lưng con cái để thụ tinh cho trứng. 

Một khi trứng đã được thụ tinh thì trứng sẽ được chuyển xuống phía bên dưới bụng. Tùy vào loại mà trứng tép có thể có màu sắc khác nhau, thường là xanh lá, vàng hoặc là nâu, đen. Tép cái sẽ giữ trứng, liên tục quạt chân bơi để trứng có thể có đủ oxy trong vòng 2-3 tuần. 

Trứng nở

Sau khoảng 2-3 tuần, bạn có thể sẽ nhìn thấy mắt tép con trong trứng nếu nhìn kĩ. Khi đó, trứng tép sẽ có thể nở vào vài ngày sau. Tép con khi nở sẽ nhìn giống hệt tép trưởng thành, chỉ khác là chúng nhỏ hơn mà thôi. Sau khi mới nở, tép con có thể tự do bơi lội và lẩn trốn kẻ thù. 

Chăm sóc cho tép con sẽ giống hệt như là chăm sóc cho tép trường thành. 

Bạn chỉ cần nhớ cho chúng nhiều chỗ trốn, đảm bảo đầu hút của lọc có mút bịt là được. Nếu bể không có quá nhiều cá thì khả năng cao là tép con có thể sống sót với số lượng lớn. Bạn không cần phải cho tép con ăn, chúng có thể tự sinh tồn, kiếm ăn dựa vào nguồn rêu, tảo tự nhiên trong bể. 

Kết lại

Tép suối đổi màu là sự bổ sung hoàn hảo cho bể cá, chúng có thể giúp dọn dẹp rêu hại, xử lý thức ăn thừa cho cá. 

Bạn không cần nhiều để chăm sóc cho loại tép này, chỉ cần đảm bảo bể được lọc đầy đủ, có một ít rêu hại, không cần phải có quá nhiều rêu, cung cấp cho chúng nước ổn định, không nuôi chúng tép với các loài cá quá dữ, to và bể có nhiều chỗ trốn là được. 

Nếu tép cảm thấy thoải mái thì chúng sẽ nhanh chóng sinh sản trong bể. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *