Nếu bạn đã nuôi cá một thời gian rồi thì chắc hẳn bạn cũng đã nghe đến việc sử dụng lá bàn cho cá. Loại lá cây có thể được coi là loại thuốc tự nhiên tuyệt vời cho cá cảnh cũng như tép. Lá bàng không thể thiếu được, đặc biệt là khi bạn đang nuôi cá betta.
Có một số người còn nói rằng lá bàng có thể chựa trị được cho cá sắp chết của họ, giúp cá betta sinh sản tốt hơn, giúp cho cá giảm stress.
Liệu lá bàng có công dụng thực sự tốt như là lời đồn?
Trong bài viết này mình sẽ nói về các công dụng của lá bàng và cách để sử dụng chúng đúng nhất.
Xem giá và mua nước cốt lá bàng (lazada)
Công dụng của lá bàng
Dưới là 5 cộng dụng chủ yếu của lá bàng trong bể cá
1. Cải thiện chất lượng nước
Khi ngâm trong nước, lá bàng sẽ rữa dần, giải phóng tannin và các chất khác vào trong nước.
Khi tannin được hòa vào trong nước thì chất này sẽ hạ pH của nước bể cá. Nếu nước máy từ nhà của bạn đang có độ pH hơi cao và bạn muốn hạ độ pH xuống một tẹo thì lá bàng khô ngâm là lựa chọn tuyệt vời.
Cũng đã có nghiên cứu cho rằng lá bàng ngâm có thể làm giảm độ cứng cho bể.
Công dụng của những đặc tính này là chúng giúp mô phỏng môi trường sống tự nhiên của một số loài cá. Khi nước máy của bạn có tính kiềm với độ cứng cao thì bạn sẽ khó nuôi được các loài cá từ khu vực sống suối ở Đông Nam Á hoặc là Nam Mỹ.
Lá bàng có thể giúp mô phỏng khu vực nước đen, nơi nước mang tính axit và mềm. Khi nuôi cá trong môi trường sống giống tự nhiên thì bạn cũng có thể kích thích được cá sinh sản dễ hơn. Một số loài cá có thể kể đến là:
- Cá thần tiên
- Cá betta
- Cá chuột
- Cá dĩa
- Cá sặc
- Cá kili
- Một số loại cá tetra
- Cá tam giác
- Cá mún
- …
2. Liều thuốc tự nhiên cho các bệnh về da
Nhiều người nuôi cá sử dụng lá bàng khi cá của họ có vấn đề về da hoặc là vảy.
Tannin được giải phóng từ lá bàng có tác dụng diệt khuẩn, nấm, virus và giúp cho cá bị thương lành nhanh hơn.
Ở một số trại cá, người ta sử dụng lá bàng để dưỡng cho cá rất nhiều, khi cá bị bệnh, họ sẽ ưu tiên sử dụng lá bàng ngâm hơn là các loại thuốc như là thuốc kháng sinh.
Đặc biệt, khi nuôi cá betta, ngâm cá trong lá bàng có thể giúp da, vảy cá cứng hơn, giúp cho cá sung và chiến đấu tốt hơn. Sau mỗi lần chọi cá, nhiều người ngâm cá trong nước ngâm lá bàng để cá nhanh lành vết thương và vết rách ở đuôi. (Mặc dù hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy lá bàng cá tác dụng làm cho vảy và da cá cứng hơn)
Khả năng chữa bệnh của lá bàng thì có nhiều bằng chứng hơn. Trong lá bàng có chứa flavonoid. Đây là một chất giúp cho rau củ quả có màu sắc. Có một chất flavonoid mà lá bàng có rất nhiều, đó là quercetin. Quercetin có chức kháng khuẩn, kháng nấm, giúp cá lành các vết thương trên da và vây nhanh hơn.
3. Tạo nơi cho cá đẻ
Nhiều loài cá thích đẻ lên trên lá cây dưới nền bể, từ đó giúp trứng được bảo vệ khỏi các loại săn mồi. Một số loài cá có thể kể đến là cá dĩa và các loài cá tetra như là cá neon, cá sóc đầu đỏ,…
Cá betta và cá sặc thì ngược lại, sẽ thích làm tổ trứng ở cạnh lá bàng nổi trên mặt nước. Một số loài cá chỉ sinh sản khi môi trường nước có thông số đúng. Công dụng giảm pH và độ cứng nước của lá bàng sẽ giúp bạn có thể sinh sản các loài cá đến từ Nam Mỹ như là cá thần tiên, cá chuột, cá dĩa, cá tetra tốt hơn.
4. Cung cấp thức ăn và nơi trốn cho cá bột
Khi cá bột nở thì lá bàng vẫn có thể giúp ích được cho chúng. Lá bàng có thể cung cấp được cho cá con nơi trốn, giúp cho chúng cảm thấy an toàn. Kể cả khi trong bể của bạn không có cá săn mồi thì cá con cũng không biết như thế. Có nơi trốn trong điều kiện bể không có cá lớn vẫn sẽ giúp cá con cảm thấy thoải mái hơn.
Khi lá bàng phân hủy, rửa ra thì trùng cỏ sẽ xuất hiện để ăn lá. Trùng cỏ là loài giáp xác nhỏ, đôi khi không thể nhìn thấy được. Chúng là nguồn thức ăn tốt dành cho cá bột, khi mà cá vẫn chưa đủ lớn để ăn được các loại thức ăn khác.
5. Cung cấp thức ăn cho tép
Bạn đang nuôi tép và không có thức ăn cho chúng? Lá bàng có thể là nguồn thức ăn tốt giúp tép bổ sung thêm dinh dưỡng.
Tép thích ăn lá bàng, đặc biệt là lá bàng đang rữa. Một chiếc lá bàng có thể sẽ rữa chậm, cung cấp thức ăn cho tép trong cả tuần nếu bể bạn có ít tép, vậy nên bạn không cần lo về việc tép bị thiếu thức ăn.
Tại sao lá bàng làm đổi màu nước?
Lá bàng hoặc các loại lá khô khác khi ngâm vào nước sẽ giải phóng tannin vào trong bể. Tannin có thể làm đổi màu nước, khiến nước chuyển sang màu vàng hoặc nâu.
Khi bạn mới làm bể và ngâm lũa mới cũng như vậy, trong một vài ngày đầu, nếu bạn không thay nước thì nước sẽ dần chuyển vàng, sau đó nâu và có thể sẽ dần chuyên sang đen.
Một số loài cá thích màu nước vàng nâu này. Trong tự nhiên, nhiều con sông và suối thường có màu đen bởi có hàng nghìn hoặc hàng triệu lá cây khô nằm phân hủy dưới đáy sông. Khu vực nước này gọi là khu vực nước đen, là một trong những phong cách bể biotop phổ biến nhất.
Nước đen có thể giúp một số loài cá giảm stress, cảm thấy an toàn và thoải mái hơn.
Nếu bạn cảm thấy không thích nước có màu vàng thì có một số giải pháp cho bạn. Một là thay nước dần dần cho đến khi nước trong trở lại. Bạn nên tránh thay quá nhiều nước trong một lần thay.
Thứ hai đó là sử dụng vật liệu lọc carbon. Vật liệu lọc carbon có thể giúp hấp thụ tannin và các loại chất hóa học khác, giúp cho nước trong trở lại.
Lá bàng và cá betta
Cá betta có nguồn gốc từ Đông Nam Á, cụ thể là từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Hồi trước cá betta hay còn gọi là cá xiêm có nhiều ở các ruộng lúa ở Việt Nam (bây giờ thì ít hơn rồi). Khu vực ruộng lúa cũng có thể được coi là khu vực nước đen. Nước có màu nâu đục bởi lá cây phân hủy và có không có dòng chảy.
Khu vực sống tự nhiên của cá betta thường có tính axit và nước mềm.
Lá bàng ngâm có thể giúp mô phỏng môi trường như vậy, giúp cho cá betta cảm thấy thoải mái hơn.
Cá betta thường được nuôi trong bể cá nhỏ, vậy nên nước có thể nhanh bị bẩn, khiến cho cá thượng bị các bệnh như là nấm, thối vây, thối đuôi,… Nước lá bàng có thể giúp chữa bệnh cho cá betta, giúp chúng bình phục nhanh hơn.
Xem thêm: Cách làm bể nuôi cá betta chuẩn.
Lá bàng có thể nổi lâu và không phân hủy nhanh, do đó là nơi hoàn hảo để làm nơi cho cá betta đực tạo bọt để cá betta cái đẻ trứng.
Nếu bạn đã từng nuôi cá sinh sản thì bạn hẳn sẽ biết vấn đề lớn nhất khi chăm trứng đó là trứng cá bị mốc. Nếu bạn cho cá đực chăm trứng thì chúng có thể tự xử lý được những quả trứng hỏng. Nếu bạn tách riêng cá đực và trứng thì lá bàng có thể giúp ngừa nấm cũng như vi khuẩn làm ảnh hưởng đến trứng.
Và cuối cùng, như đã nhắc đến bên trên, trùng cỏ kiếm ăn trên lá bàng rữa có thể làm nguồn thức ăn tốt cho cá betta bột khi chúng chưa đủ to để ăn các loại thức ăn khác.
Tại sao lại chọn lá bàng thay vì các loại lá khô khác
Lá bàng có một ưu điểm là chúng rữa chậm hơn so với các loại lá khác. Lá bàng dày, vân lá cứng, giúp cho lá cần nhiều thời gian để phân hủy hơn.
Ngoài tannin thì lá bàng cũng có thể giải phóng các chất khác giúp ngừa nấm, vi khuẩn vào trong nước.
Hơn hết nữa, một số loại cây có thể chứa chất có hại cho cá, vậy nên bạn cần nghiên cứu kĩ mỗi loại trước khi ngâm lá cây khô vào trong bể.
Cách sử dụng lá bàng khô
Đầu tiên là bạn phải kiếm lá bàng đã. May mắn là ở Việt Nam có rất nhiều bàng, bạn có thể nhặt ở bất kì đâu. Nếu khu vực bạn sống không có cây bàng thì bạn có thể mua lá bàng trên mạng (lazada), giá thành cũng khá rẻ. Bạn nên sử dụng lá bàng khô, tránh sử dụng các lá vẫn còn xanh.
Nếu lá bàng có bụi bẩn thì bạn rửa qua nước sạch vài lần trước khi sử dụng.
Có hai cách để bạn có thể sử dụng lá bàng khô, đó là ngâm trực tiếp vào trong bể hoặc là tạo nước chiết xuất lá bàng.
1. Ngâm trực tiếp vào trong bể
Cách thông dụng nhất là bạn ngâm trực tiếp lá bàng vào trong bể. Lượng lá bàng bạn nên sử dụng là một lá cho 30 lít nước, bạn có thể sử dụng nhiều hơn cũng không sao.
Trước khi bạn ngâm lá bàng vào trong bể, bạn cần bỏ vật liệu lọc carbon ra khỏi lọc nếu đang sử dụng.
Sau đó, bạn chỉ cần ngâm trực tiếp lá bàng vào trong bể. Ban đầu, lá bàng sẽ nổi, sau một vài ngày, khi lá ngấm nước và bắt đầu rữa, lá sẽ tự động chìm xuống. Nếu bạn muốn lá chìm thì bạn có thể để một hòn đá hoặc sỏi nhỏ lên bên trên và để lá xuống dưới đáy bể.
Sau đó lá sẽ bắt đầu rữa dần, nếu không có tép để ăn lá thì một chiếc lá phải mất đến 2 tháng để rữa hết.
Nếu bạn có bể bé, không muốn sử dụng hết cả một cái lá thì bạn có thể cắt đôi hoặc ngâm trước vào xô nước trong vài ngày trước khi ngâm vào bể. Bạn cần tránh luộc lá trước khi ngâm, làm vậy có thể khiến cho lá bàng giải phóng lượng lớn tannin ra nước, khiến cho lá có ít tác dụng hơn.
2. Làm chiết xuất lá bàng
Nếu bạn không muốn cho lá trực tiếp vào trong bể, nghĩ vậy có thể làm xấu bể thì bạn có thể sử dụng chiết xuất lá bàng.
Để làm chiết xuất lá bàng thì bạn chỉ cần đun 1 lít nước, sau đó cho nhiệt nhỏ, cho tầm khoảng 2-4 chiếc lá bàng khô vào, đun nhỏ trong vòng 5 phút, sau đó để lá ngâm qua đêm. Bạn có thể bảo quản nước chiết xuất trong chai/ lọ và bảo quản trong tủ lạnh.
Nước chiết xuất lá bàng có thể để được trong vòng 6 tháng nếu được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Liều lượng chiết xuất lá bàng khuyên dùng cho bể là 10ml cho 4 lít nước. Bạn nên thêm vào sau mỗi lần thay nước. Tùy thuộc vào nhu cầu, bạn có thêm sử dụng ít hoặc nhiều nước chiết xuất hơn.
Ưu điểm của việc sử dụng nước chiết xuất lá bàng là bạn có thể kiểm soát được mức độ tannin trong bể cá, không có lá cây phân hủy trong bể.
Nếu bạn sử dụng quá nhiều nước lá bàng thì sao?
Thông thường thì cho quá nhiều nước lá bàng vào bể không làm hại quá nhiều đến cá, trong một số trường hợp, độ pH có thể giảm đột ngột và giảm quá nhiều, có thể làm cá bị sốc nước.
Khi trường hợp này xảy ra thì bạn chỉ cần thay 25% nước bể với nước sạch là được hoặc thêm vật liệu lọc carbon vào trong lọc.
Các loại lá khác tốt cho cá cảnh
Bạn không thích hoặc không có lá bàng nơi bạn sống? Bạn có thể sử dụng các loại lá hoặc vật liệu sau
- Peat moss: Peat moss có thể được cho vào túi lọc và bỏ bộ lọc, chúng có tác dụng giống như là lá bàng, có thể giúp làm hạ độ pH và giải phóng tannin vào trong nước.
- Lá chuối khô: Lá chuối khô cũng có thể được sử dụng như lá bàng – có thể được sử dụng cho bể tép hoặc là bể cá betta
- Trái thông alder: Thông alder nhìn giống như những quả thông mini. Thông alder cũng có tác dụng giống lá bàng, thường được thả vào trong bể tép để trang trí hoặc để giúp cải thiện chất lượng nước cho tép.
- Lá ổi khô: Lá ổi cũng có chức năng kháng khuẩn và giải phóng tannin cho bể cá