aquasetup

Tảo nâu trong bể cá: nguyên nhân và cách trị dứt điểm

Mục lục

Bể cá bị tảo nâu

Có một số loại rêu, tạo có hại trong bể cá. Tảo nâu là một trong số đó, chúng là vấn đề có lẽ là phổ biến nhất, đặc biệt là trong những bể cá mới được làm. Tảo nâu không gây hại cho cá mà chỉ khiến bể bị xấu mà thôi. Lớp nhầy màu nâu này sẽ bám khắp nơi: trên thành kính, trên nền, đá, lá cây. 

Vậy loài tảo này có hại gì không và cách trị chúng như thế nào?

May mắn cho bạn, tảo nâu là một trong những loại tảo dễ xử lý nhất. Nếu bạn biết cách, bạn có thể trị dứt điểm loại tảo này trong vòng vài ngày đến một tuần. 

Tảo nâu thực chất là gì?

Bể cá bị tảo nâu

Tảo nâu là một loại tảo silic hay còn gọi là tảo cát. Tảo cát là một loại sinh vật đơn bào,, với thành tế bào được làm bằng silica, được gọi là vỏ tảo cát. 

Các mảng tảo nâu bạn thấy trong bể được cấu tạo từ hàng tỷ tế bào tảo nâu gộp, liên kết lại với nhau. Tảo nâu có dạng mảng nhớt màu nâu, bám trên các bề mặt trong bể như là thành kính, đá, lũa,… 

Nguyên nhân khiến bể cá bị tảo nâu

Tảo nâu xuất hiện trong bể cá thủy sinh là do: bể cá bị chiếu sáng ít, nồng độ silicat, phốt phát và nitrate cao. Điều kiện chiếu sáng ít là nguyên nhân chủ yếu, kết hợp với các nguyên nhân khác, tảo nâu có thể xâm chiếm bể thủy sinh một cách dễ dàng. 

Silicat có thể có sẵn trong nước máy, có trong sỏi, đá, nền bể. Phốt phát đến từ thức ăn thừa cho cá, phân cá, phân nước, dưỡng từ nền. Nitrate đến từ thức ăn thừa cho cá, cây cối chết, phân nước và các loại chất thải hữu cơ khác trong bể. 

Xem thêm: Về quá trình cycle bể cá

Tảo nâu có hại gì không?

Bể cá bị tảo nâu

Tảo nâu không có hại cho cá, thực chất, tảo nâu còn giúp cho cá bằng cách cân bằng lại hệ sinh thái trong bể, tạo nguồn thức ăn cho cá và tép. Ngoài ra, tảo nâu cũng có thể tạo ra Oxy giống như cây thủy sinh. 

Tảo nâu cũng hầu như không gây hại cho cây thủy sinh. Tuy nhiên, nếu bể bạn bị tảo nâu nặng thì chúng có thể lấy hết dinh dưỡng của cây. Tảo nâu cũng có thể bám lên lá cây, khiến cho cây không quang hợp được, yếu dần và chết.  

Ngoài ra, nguyên nhân phụ khác khiến cho bể cá bị tảo nâu là dòng chảy bể bị chậm. Tảo nâu có độ bám yếu. Dòng nước yếu trong bể giúp cho tảo có cơ hội để có thể sinh sôi, bám vào các bề mặt cứng. Hơn nữa, dòng chảy chậm cũng sẽ khiến cho bể có nhiều khu vực nước tù, bị tích tụ cặn bẩn, chất thải. 

Cách để trị tảo nâu trong bể cá

Mặc dù tảo nâu không trực tiếp gây hại cho cá nhưng mà chả ai muốn bể thủy sinh có mấy mảng màu nâu loang lổ đúng không? Bạn có thể dễ dàng xử lý được tảo nâu bằng cách sử dụng biện pháp vật lý, sinh học cũng như hóa học. Tảo nâu là loại tảo dễ xử lý, vậy nên mình không khuyến khích sử dụng biện pháp hóa học, tức là dùng thuốc để trị tảo cho lắm. Lý do là sử dụng thuốc không cẩn thận có thể làm bể bị mất cân bằng, hoặc gây nguy hiểm cho cá và các loài khác trong bể. 

Các cách để xử lý tảo nâu:

Kiên nhẫn chờ đợi 

Tảo nâu thường xuất hiện khi bạn mới làm bể. Bể cá mới làm cần thời gian để cân bằng. Thông thường thì bể cần 4-6 tuần để hệ vi sinh trong đó mới có thể ổn định. Khi bể cá đã ổn định, cây thủy sinh, dinh dưỡng, vi sinh sẽ tạo thành một hệ thống cân bằng. Khi đó, tảo nâu cũng sẽ tự biến mất. 

Lau hoặc cọ tảo đi

Nếu tảo không tự biến mất hoặc bạn không thể chờ được thì bạn có thể tự mình xử lý. Tảo nâu bám yếu vậy nên cọ tảo đi sẽ rất dễ. 

Để cạo tảo khỏi thành kính thì bạn chỉ cần sử dụng miếng bọt, khăn để lau hoặc cọ kính để cạo đi. Nếu bạn sợ bể bị xước thì bạn có thể dùng một miếng thẻ nhựa để cọ thành bể cũng được. Dù bạn sử dụng biện pháp gì thì bạn cũng nên để ý, tránh để cát kẹt lại giữa khăn/mút và kính, bởi khi bị vậy thì thành kính sẽ dễ bị xước. 

Để cọ tảo nâu trên lũa, đá hoặc đồ trang trí thì bạn nên nhấc hẳn ra. Sau đó bạn có thể xịt nước mạnh hoặc sử dụng bàn chải để cọ tảo đi. 

Tảo nâu trên nền bể sẽ nhìn rất xấu, đặc biệt là khi bạn có nền cát trắng. Khi tảo dính trên nền bể, bạn có thể sử dụng ống hút cặn để có thể để có thể xử lý tảo và cặn bể tích tụ dưới đáy. 

Xử lý tảo nâu trên mặt lá cây thì sẽ khó hơn một tẹo. Để có thể dọn tảo trên cây thủy sinh, bạn nên mua các loài chuyên ăn tảo. 

Nuôi các loài ăn rêu tảo

Rêu, tảo là nguồn thức ăn dinh dưỡng dành cho tép, ốc và các loại cá như là cá pleco, cá otto. Một số loại tép, ốc, dọn rêu tảo ốc tốt có thể kể đến là tép amano, tép thanh mai, ốc nerita, ốc táo. 

Bạn nên nuôi chúng sau khoảng 2 tuần sau khi làm bể, khi mà tảo nâu trong bể xuất hiện nhiều hơn. Bạn cũng cần phải để ý kỹ đến nhu cầu của mỗi loài. Ví dụ như là cá otto cần có nước sạch, có dòng chảy tốt. Các cá, ốc ăn rêu như là cá otto, ốc nerita có thể sẽ chết đói nếu bể hết rêu hại để chúng ăn. Bạn có thể cho các loài này ăn thêm rau củ quả luộc khi bể bị hết nguồn rêu tự nhiên. 

Thay nước cho bể

Tảo nâu thường xuất hiện trong bể mới được làm. Nguyên nhân là khi bể mới làm, dinh dưỡng trong bể sẽ dư thừa nhiều, tảo nâu xuất hiện cũng là cách để bể có thể cân bằng lại. Bằng cách thay nước thường xuyên, bạn có thể cắt nguồn thức ăn của tảo nâu, từ đó cũng làm chúng chết nhanh hơn. 

Tuy nhiên, khi bể cá mới làm, hệ vi sinh trong bể đang phát triển nên bạn không nên thay quá nhiều nước. Thay khoảng 10-15% lượng nước bể hai lần một tuần là đủ rồi. 

Cách để ngừa tảo nâu xuất hiện trong bể

Bể cá bị tảo nâu

Một khi bạn đã xử lý được tảo nâu, bạn cần phải có biện pháp để ngăn cho chúng phát triển thêm hoặc quay trở lại. Tảo nâu có thể dễ dàng quay trở lại nếu như điều kiện trong bể thủy bị mất cân bằng, thuận lợi cho rêu, tảo phát triển. 

1. Sử dụng bộ lọc tốt

Bộ lọc đóng vai trò giống như là trái tim của bể vậy. Bộ lọ tốt có thể giúp dòng nước đi khắp bể, cung cấp nước sạch cũng như dinh dưỡng cho cá, cây thủy sinh phát triển. Ngoài ra, vật liệu lọc có trong bộ lọc có thể giúp xử lý các chất gây hại mà mắt thường không nhìn thấy được tích tụ trong bể thủy sinh. 

Bộ lọc tốt cũng có thể cho bể thủy sinh dòng chảy tốt, giúp cho bể không có khu vực nước tù đọng, tích tụ chất thải. Dòng chảy tốt cũng khiến cho tảo nâu không thể bám lên được mặt đá, mặt kính và trên cây thủy sinh. 

Xem thêm: Cách chọn bộ lọc tốt cho bể thủy sinh. 

2. Chăm sóc bể thường xuyên

Để bể cá có thể khỏe mạnh, không bị rêu hại thì bạn cần phải thay nước, hụt cặn, rửa lọc định kỳ. Cụ thể, bạn nên sử dụng cây hút cặn (lazada) để có thể vừa hút cặn bể và thay nước cùng lúc. Bạn nên thay khoảng 10-15% lượng nước bể mỗi tuần với nước sạch đã được khử clo. 

Bạn cũng không nên thay quá nhiều nước trong một lần. Nếu thay nhiều nước quá, cá có thể bị sốc nước, bỏ ăn hoặc thậm chí là chết. 

Thay nước cho bể cá có thể giúp loại bỏ chất thải hữu cơ và các loại chất độc khác tích tụ trong bể. Dù bể cá của bạn nhìn vẫn sạch và trong, có thể trong đó vẫn tích tụ các loại chất độc bạn không nhìn thấy được như là ammonia và nitrite. Thay nước định kỳ là cách tốt nhất để có thể loại bỏ được các chất này. 

Xem thêm: Cách hạn chế số lần thay nước khi nuôi cá. 

3. Cho cá ăn vừa phải

Cá không cần phải được cho ăn nhiều như một số người nghĩ. Ngoài tự nhiên, chúng hiếm khi được ăn no và nhiều khi sẽ không có gì ăn trong vài ngày liên tục. Vậy nên bạn chỉ nên cho chúng ăn 1-2 lần một ngày. 

Nếu cho cá ăn quá nhiều thì bạn không chỉ làm cá bị phình bụng, khó tiêu, táo bón, mà còn có thể khiến thức ăn thừa tích tụ dưới đáy bể. Sau đó chất lượng nước sẽ xấu đi nhanh chóng, khiến cho bể bị rêu, tảo, gây bệnh và khiến cá chết hàng loại. Vậy cần cho cá ăn bao nhiêu là đủ? 

Bạn chỉ nên cho cá ăn lượng thức ăn vừa đủ để cho chúng có thể ăn hết trong vòng dưới 5 phút. 

Tuy nhiên mới đầu thì chúng ta không thể biết được tốc độ ăn của cá như thế nào đúng không? Nếu bạn chưa rõ nên cho cá ăn bao nhiêu, tốt nhất là cho chúng ăn một lượng nhỏ và sau đó dần dần tăng lượng thức ăn lên, nếu thấy bụng cá có vẻ vẫn không đầy, hoặc chúng ăn hết quá nhanh. 

Trong trường hợp bạn để ý thấy thức ăn thừa rơi xuống đáy bể, và bạn không có loài nào khác để xử lý được đống thức ăn đó, như là tép, ốc, các loài dọn bể thì bạn nên hút hoặc vớt ra ngay lập tức. Nếu để lâu thì thức ăn có thể sẽ bị mốc trắng, sau đó sẽ nhanh chóng tạo ra các chất độc cho cá như là ammonia. 

Xem thêm: Cách cho cá ăn đúng cách

4. Trồng nhiều cây thủy sinh

Một bể cá trồng nhiều cây thủy sinh sẽ luôn ổn định hơn bể cá trồng ít. Bạn có thể coi cây thủy sinh là một bộ lọc tự nhiên cho bể cá vậy. 

Cây thủy sinh sẽ sử dụng nitrate trong nước làm nguồn nitơ để phát triển. Do đó, nuôi nhiều cây thủy sinh, bạn cũng sẽ cắt nguồn thức ăn để tảo nâu cũng như các loại rêu khác phát triển. Bạn nên nuôi các loài cây phát triển nhanh như là các loại rong hoặc các loại cây cắt cắm, bèo để giúp hấp thụ dinh dưỡng dư thừa trong bể. Từ đó chúng cũng giúp tránh được vấn đề về rêu hại trong bể thủy sinh. 

Xem thêm: Các loại cây thủy sinh lọc nước tốt 

Thực chất, việc nuôi nhiều cây thủy sinh là cách duy nhất giúp bạn tránh phải thay nước khi nuôi cá. Các biện pháp khác chỉ giúp kéo dài thời gian không phải thay nước lên thôi. Nếu không có cây thủy sinh và bạn không thay nước thì các chất độc tích tụ trong nước sẽ không khác gì quả bom nổ chậm, chỉ chờ để giết hết cá của bạn vậy. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *