Căn phòng của bạn không có nhiều không gian để đặt bể cá to? Cá cảnh cần đầy đủ không gian sống để có thể sống thoải mái và phát triển tốt. Tuy nhiên, với một con cá betta hoặc vài con cá bé thì bạn chỉ cần một bể khoảng 15-20cm là đủ, với điều kiện bạn chăm sóc cho cá đúng cách.
Với bể cá mini thì bạn cần phải setup một cách cẩn thận hơn để có thể tối ưu hóa được không gian trong bể. Dưới là các bước để bạn có thể setup một bể cá mini hoàn chỉnh.
1. Chuẩn bị đầy đủ thiết bị
Bể và lọc là hai thiết bị quan trọng nhất khi nuôi cá, những loại thiết bị còn lại bạn có thể có hoặc không. Những loại thiết bị bạn cần chuẩn bị là:
- Bể kính: Bể kính cần phải đủ to để nuôi cá. Thường thì khi mới bắt đầu mọi người hay nuôi bể nhỏ sau đó hối hận và bắt đầu chuyển sang bể to hơn. Mình khuyên khi bạn mới nuôi thì bạn nên mua bể to nhất trong giới hạn tài chính và không gian đặt bể tại nhà của mình. Bể cá to có thể giúp bạn đỡ phải chăm sóc nhiều, nước nuôi ổn định và cá sống khỏe hơn. Thông thường thì bạn nên chọn bể ít nhất là từ 25cm trở lên. Nếu không gian quá hạn chế bạn có thể cân nhắc mua bể cubic 15 hoặc 20cm để nuôi một chú cá betta.
- Lọc: Với những bể cá mini thì bạn chỉ cần trang bị một chiếc lọc thác (lazada) là đủ.
- Đèn thủy sinh: Đèn thủy sinh không quá quan trọng nhưng là thiết bị bạn nên có. Đèn có thể giúp bể thêm đẹp và giúp ổn định đồng hồ sinh học của cá. Thông thường để giúp bạn đỡ phải bật tắt đèn thủ công thì bạn cần phải sắm thêm một ổ cắm hẹn giờ (lazada). Với bể cá mini thì bạn có thể cân nhắc mua một chiếc đèn kẹp phía trên.
- Cây thủy sinh: Thông thường bể cá mini sẽ không có điều kiện để sử dụng CO2. Vậy nên bạn nên cân nhắc nuôi những loại cây đơn giản, sống khỏe. Những loại cây đẹp, phù hợp với người mới nuôi có thể kể đến là rong đuôi chó, cỏ thìa, hẹ thẳng (loài cây ưa thích của mình, cây có thể tạo thành những bụi cỏ cao trôi trong nước nhìn rất đẹp), thủy cúc, vảy ốc lá xanh,…
- Bộ nền: Bạn có thể sử dụng nền sạn suối, sỏi nhỏ hoặc là phân nền thủy sinh chuyên dụng. Khi sử dụng sạn suối, sỏi nhỏ bạn cần phải bổ sung thêm phân nước cho bể nếu bạn muốn trồng cây thủy sinh.
Xem thêm: Các loại cây thủy sinh không cần CO2
Khi mới chuẩn bị đồ, thiết bị để làm bể thì bạn chưa nên mua cá vội. Lý do là bởi khi mới làm bể, bạn cần phải chạy lọc khoảng 1 tuần để hệ vi sinh có thể phát triển trước khi thả cá.
2. Setup bể cá
Để setup bể cá mini bể cá đơn giản thì bạn hãy làm theo các bước sau:
- Rải nền bể cá: Để tối ưu không gian trong bể cá thì bạn không cần trải nền quá dày. Nếu bạn muốn trồng thêm cây thì bạn chỉ cần rải cho nền dày khoảng 3cm là được. Nếu bạn không trồng cây thì bạn chỉ cần rải một lớp rất mỏng hoặc thậm chí là không cần rải. Sau khi rải thì bạn hãy làm ướt bộ nền để dễ trồng cây hơn.
- Trồng cây thủy sinh: Sau khi rải nền bể thì bạn hãy trồng các loại cây mình đã đề xuất ở bên trên. Với những cây mọc cao thì bạn hãy trồng phía đằng sau. Phía đằng trước để trống hoặc là trồng những loại cây mọc thấp. Bạn có thể trang trí thêm cho bể bằng những viên đá nhỏ. Do thể tích bể hạn chế nên bạn nên tránh trang trí quá nhiều cho bể.
- Đổ nước vào bể: Sau đó bạn hãy nhẹ nhàng đổ nước vào trong bể. Bạn có thể đặt một chiếc đĩa dưới đáy nền và đổ nước lên bên trên để tránh làm động nền.
- Chạy lọc: Bước cuối cùng là lắp đặt đèn, lọc và chạy lọc cho bể. Với lọc thác thì bạn cần phải mồi nước, tức là cho một lượng nhỏ nước vào để lọc có thể hút được nước bể lên bên trên. Bạn cần chạy lọc trong vòng 1 tuần để hệ vi sinh trong bể có thể phát triển đầy đủ trước khi thả cá. Bạn có thể châm thêm vi sinh để có thể đẩy nhanh quá trình này.
3. Mua cá và thả vào bể
Lỗi sai phổ biến nhất khiến nhiều người mới nuôi không nuôi cá thành công được là do họ nuôi quá nhiều cá. Nhìn cá bơi lội đúng là thích mắt thật nên họ sẽ cố nhồi nhét bể với tất cả loại cá với đầy đủ kích thước và màu sắc họ mua được.
Xem thêm: Các loại cá cảnh cho bể mini
Nếu bạn nuôi quá nhiều cá thì bộ lọc của bể sẽ không đủ để có thể xử lý được chất lượng nước, nước nuôi sẽ bị bẩn và tích tụ chất độc rất nhanh, khiến cá dễ bị stress, bị bệnh và chết.
Nếu bạn nuôi các loại cá nhỏ bạn có thể sử dụng công thức là chỉ nên có 1cm cho mỗi 1.5 lít nước. Tức là nếu bạn có bể khoảng 10 lít nước bạn chỉ nên có 6cm cá trong bể, tức là khoảng 2 con cá bảy màu hoặc là một con cá betta.
Xem thêm: Nên nuôi bao nhiêu cá trong bể thủy sinh
Nếu bạn chỉ có bể cá bé thì mình khuyên là bạn hãy bắt đầu bằng việc nuôi cá betta. Cá betta là loài không yêu cầu quá cao về không gian sống. Chúng cũng là loài sống khỏe, phù hợp cho những người mới nuôi.
4. Chăm sóc bể định kỳ
Để bể cá luôn ổn định thì bạn phải thực hiện thay nước bể thường xuyên, tối ưu nhất là 10-15% lượng nước bể một tuần.
Thay nước cho bể định kỳ có thể giúp kiểm soát lượng nitrate trong nước, giúp tránh các vấn đề về rêu hại cũng như sức khỏe của cá bị ảnh hưởng.
Bể càng nuôi nhiều cá thì bạn càng phải thay nước thường xuyên. Nếu không chăm sóc bể định kỳ, có thể nhìn nước vẫn trong nhưng bạn không thể biết trong đó đang tích tụ những chất gì.
Ngoài việc thay nước thì bạn cũng phải vệ sinh bộ lọc khi lọc quá bẩn. Khi dùng lâu, cặn, bụi, phân cá có thể tích tụ trong lọc và làm nghẽn lọc. Khi đó, lọc sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Vi sinh có lợi cũng có thể chết và dẫn đến nhiều hậu quả khác.
Nếu bạn không có thời gian để chăm sóc cho bể thường xuyên thì sao? Làm thế nào để nước bể lâu bị bẩn hơn. Câu trả lời là bạn nên nuôi ít cá và trồng nhiều cây thủy sinh. Có nhiều loại cây thủy sinh dễ chăm sóc, chỉ cần thả nổi trong bể là chúng có thể tự sống được.