aquasetup

9 loại cá cảnh phù hợp nhất cho bể mini

Mục lục

Cá cảnh cho bể mini

Không phải ai cũng có điều kiện để có bể cá cảnh lớn hoặc là bạn chỉ muốn có một bể cá cảnh nhỏ đặt trên bàn. Tuy vậy, trái với nhiều người nghĩ, nuôi cá trong bể cá bé sẽ khó hơn nhiều và bạn cũng cần phải chăm cá nhiều hơn so với bể cá lớn. Khi nuôi cá trong bể bé, bạn có thể sẽ dễ dàng gây chết cá nếu chăm cá không đúng. 

Mặt lợi của bể cá mini

Điểm lợi của bể cá mini là ai cũng có thể sở hữu bể cá, kể cả trẻ con, vốn đầu tư cũng nhỏ và không yêu cầu quá nhiều không gian. Học sinh, sinh viên, người làm văn phòng không có diện tích trong phòng có thể chỉ cần một góc nhỏ trên bàn làm việc là có thể đặt được bể.

Mặt hại của bể mini

Giống như khi nuôi cá ở bể lớn, bể nhỏ cần phải được thay nước thường xuyên, thậm chí là thay nước hàng ngày nếu bạn không muốn bể bị tích tụ chất độc như là ammonia. Bạn chỉ có thể nuôi được 1,2 con cá bé. Nước có thể bị thay đổi nhanh chóng, không ổn định, có thể dễ dàng gây stress cá, khiến cho cá bị bệnh. Bể khi không có lọc sẽ khiến nước bị tù đọng, không có oxy. 

Kích cỡ bể cần thiết

Suy cho cùng cá cũng là động vật sống mà đúng không, cá cũng có thể bị stress như mọi loài động vật khác. Nuôi cá trong bể bé không khác gì nuôi chó hay mèo rồi nhốt chúng trong cũi và không bao giờ cho chúng ra ngoài vậy. Cho chúng đủ không gian sống có thể giúp cho cá thoải mái, bạn đỡ cần phải thay nước, chăm sóc bể thường xuyên. Không kể là có thêm không gian có thể giúp bạn có thể trồng thêm cây, nuôi thêm cá, khiến cho bể đẹp hơn. 

Vậy nên bạn không nên nuôi cá trong các bể bé, đặc biệt là các loại bể tròn. Bể nên có thể tích tối thiểu vào khoảng 8 lít để nuôi 1,2 con cá bé, càng lớn thì càng tốt. Bạn nên mua bể lớn nhất trong giới hạn tài chính và không gian có thể đặt được. 

Nói đủ về kích thước bể rồi, dưới đây là các loài cá cảnh bạn có thể nuôi được trong các bể cá mini. 

1. Cá betta

Cá cảnh cho bể mini
  • Kích thước: 5-6 cm
  • Tính cách: Hơi hung dữ
  • Nhiệt độ nuôi: 22-30°C
  • Độ pH: 6.5-7.5
  • Độ cứng: 90—300 ppm

Chắc hẳn không ai xa lạ gì với loài cá betta. Chúng là loài cá phù hợp cho những người mới nuôi bởi cá betta sống rất khỏe và có thể ăn được mọi thứ, không yêu cầu cao về môi trường sống! Tuy nhiên chúng vẫn thích thực đơn giàu protein hơn. 

Cá betta là loài cá bơi tầng mặt và tầng giữa. Chúng là loài cá phù hợp cho những bể cá bé, có dòng chảy chậm và trồng nhiều cây cối.

Thực sự thì mình nghĩ không loài cá nào phù hợp để nuôi trong bể mini hơn là cá betta. Chúng có màu sắc đẹp, phù hợp để nuôi một mình, không cần lọc quá mạnh và có tích cách thú vị. Tuy vậy, bạn vẫn nên cần có bể có thể tích tối thiểu là 8 lít, 15 lít thì càng tốt để nuôi loài cá này. Cá betta hay tò mò, thích khám phá xung quanh, nếu bị nuôi trong bể quá bé, chúng có thể bơi ít và trở nên stress. 

Xem thêm: Cách làm bể nuôi cá betta đúng chuẩn

2. Cá mún

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước: 4cm
    • Tính cách: Hiền lành
    • Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
    • Độ pH: 7.0-8.0
    • Độ cứng: 70—140 ppm

    Cá mún là loại cá khỏe, đẻ nhanh và dễ thích ứng với mọi loại môi trường và thời tiết khác nhau. Không những vậy cá mún thường có màu sắc đỏ nổi bật với kích thước nhỏ, giúp chúng phù hợp để nuôi trong các bể cá mini. 

    Bạn có thể nuôi được 3 con cá mún nhỏ trong bể 15 lít. 

    3. Cá bảy màu

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước: 4 cm
    • Tính cách: Hiền lành
    • Nhiệt độ nuôi: 22-28°C
    • Độ pH: 7.0-8.0
    • Độ cứng: 70—140 ppm

    Cá bảy màu – dòng cá quốc dân ai cũng từng đã nghe qua nếu muốn tìm hiểu và mua cá cảnh. 

    Cá bảy màu có rất nhiều màu sắc, hoa văn và hình dáng vây khác nhau. Bạn có thể chọn mua các loại bảy màu thường, bảy màu fancy, bảy màu rừng,… tùy vào sở thích. 

    Mỗi loại đều có một nét đẹp riêng, chúng đều có chung một điểm đó là cá bảy màu sống rất khỏe và ít khi bị bệnh nếu bể nuôi đã vào giai đoạn ổn định. 

    Bảy màu cũng rất dễ sinh sản và chúng sẽ đẻ rất nhiều mà không cần tới người nuôi can thiệp. Giống như cá mún, bạn chỉ nên nuôi khoảng 3 con cá bảy màu trong một bể 15 lít. 

    4. Cá nóc mini 

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước tối đa: 3.8 cm
    • Ph: 6.8-8.0
    • Nhiệt độ: 22-28°C
    • Tính cách: dữ
    • Thức ăn: Đồ đông lạnh hoặc sống

    Cá nóc mini là loài cá nóc tí hon, dễ thương mà bạn có thể nuôi trong bể thủy sinh nhỏ của mình. Bạn có thể nuôi 1 con cho bể 10 lít, 2 đến 3 con cá nóc mini trong bể 30 lít, 3 đến 5 con cho bể 50 lít. 

    Giống như hầu hết các loại cá nóc khác, mấy anh bạn này là loài ăn thịt. Trong tự nhiên, chúng ăn sò, động vật giáp xác nhỏ, động vật thân mềm, .. 

    Khi được nuôi trong bể cá, chúng sẽ không ăn thức ăn khô. Bạn phải cho chúng ăn đồ đông lạnh hoặc thức ăn tươi như artemia, trùn chỉ, bo bo, ốc sên nhỏ,..

    5. Cá trâm

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước: 2cm
    • Tính cách: Hiền lành
    • Nhiệt độ nuôi: 20-28°C
    • Độ pH: 6.8-7.8
    • Độ cứng: 20—90 ppm

    Cá trâm là loài cá thủy sinh nhỏ nhất được bán tại các cửa hàng cá cảnh tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Chúng chỉ có thể đạt tới kích thước trưởng thành khoảng trên 1cm và thường được bán theo bầy khoảng 50-100 con. 

    Bạn có thể nuôi một đàn cá trâm khoảng 10 con cho bể 15 lít. 

    Thậm chí đôi lúc cá trâm còn được bán để làm cá mồi cho các loài cá lớn hơn. 

    Tuy ngoại hình nhỏ bé nhưng chúng có thể có màu sắc vô cùng đẹp, bạn có thể nhìn rõ hơn khi chúng bơi thành đàn trong bể. 

    6. Cá chuột pygmy

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước: 2cm
    • Tính cách: Hiền lành
    • Nhiệt độ nuôi: 22-26°C
    • Độ pH: 6.5-7.5
    • Độ cứng: 40—200 ppm

    Cá chuột pygmy là dòng cá chuột đặc biệt và thú vị nhất. Chúng là loại cá bé nhất trong số các loài cá chuột với kích thước chỉ lên tới tầm 2cm. 

    Nếu bạn đang tìm kiếm loài cá nhỏ dễ chăm sóc thì cá chuột pygmy là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. 

    Vì có kích thước bé nên bạn không nuôi chung chúng với các loại cá quá lớn hoặc quá hung dữ để tránh việc cá chuột pygmy bị ăn mất hoặc liên tục bị làm phiền dẫn đến stress. 

    7. Cá mắt đèn

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước: 2cm
    • Tính cách: Hiền lành
    • Nhiệt độ nuôi: 23-26°C
    • Độ pH: 6.5-7.0
    • Độ cứng: 20—200 ppm

    Đây là loài cá tương đối mới trên thị trường Việt Nam hiện nay. 

    Chúng đèn từ các con sông và suối với mật độ cây cối dày đặc vậy nên bạn cần phải có nhiều cây thủy sinh trong bể. Trong tự nhiên, cá mắt đèn thường bắt đàn và bơi thành bầy hàng nghìn con. Bể nuôi cá mắt đèn cần có nước sạch với dòng chảy chậm. 

    Tuy là loài cá đẹp nhưng nuôi chúng sẽ khó hơn một tẹo so với các loài cá kể trên bởi cá mắt đèn là loài tương đối nhạy cảm với môi trường. Ngoài trồng nhiều cây cối thì sử dụng lớp nền bể tối màu có thể giúp làm nổi bật màu sắc của loài cá thú vị này. 

    8. Cá ember tetra

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước: 2-3 cm
    • Tích cách: Hiền lành
    • Nhiệt độ nước: 23–29°C
    • pH: 6.0–7.0 pH
    • Độ cứng: 90—200 ppm

    Có nhiều dòng tetra khác nhau trong cộng đồng thủy sinh như là cá neon, sóc đầu đỏ, cá nana, … Trong số đó, cá ember tetra là loài có kích thước gần như nhỏ nhất. 

    Bạn có thể xem xét nuôi loại cá này nếu bạn không có bể cá có kích thước quá lớn nhưng lại muốn nuôi cá theo đàn. 

    Nếu được nuôi theo đàn, chúng sẽ sống hạnh phúc, lên màu rực rỡ hơn. Loài cá này thường có màu đỏ cam hoặc đỏ rực tùy thuộc vào chế độ ăn và loại đèn thủy sinh bạn sử dụng. 

    9. Cá neon

    Cá cảnh cho bể mini
    • Kích thước: 3-4 cm
    • Tính cách: Hiền lành
    • Nhiệt độ nuôi: 21-27°C
    • Độ pH: 6.0-7.0
    • Độ cứng: 50 – 100 ppm

    Có lẽ không ai còn xa lạ gì với loài cá neon khi đã nuôi cá được một thời gian. Đây là loại cá tetra phổ biến nhất với nhiều dòng cá neon khác nhau như là neon kim cương, neon vua, neon albino,… 

    Cá neon là dòng cá hiền lành, có màu sắc sặc sỡ. Để có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của chúng thì bạn cần nuôi cá theo đàn. Cá neon sẽ đỡ nhát hơn và bơi thành bầy nếu được nuôi từ 6 con trở lên. 

    Bài viết này có giúp ích không

    Không
    Cảm ơn bạn đã phản hồi

    Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

    Bạn có câu hỏi?

    Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

    Hi 👋

    Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
    Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
    Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
    Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

    Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

    Please wait...

    Cảm ơn đã đăng ký.

    Mail có thể mất một lúc để gửi

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *