Hệ vi sinh khỏe mạnh là yếu tố quan trọng để bể cá có thể ổn định, cá có thể khỏe mạnh, không bị bệnh. Vi sinh trong bể cần thời gian để có thể phát triển và xử lý chất có hại trong bể cá. Tuy nhiên, đôi khi có thể có nhiều vấn đề có thể xảy ra, đó là hệ vi sinh trong bể bị chết.
Trong bài viết này mình sẽ nói về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách khắc phục bể cá bị chết vi sinh.
Về vi sinh và quá trình cycle bể cá
Khi làm bể cá thì bạn cũng đang xây một hệ sinh thái trong bể kính. Nhiều người không nhận ra vấn đề này. Họ có lẽ chỉ nghĩ rằng nuôi cá chỉ là cho cá vào bể, sử dụng bộ lọc lớn và bộ lọc sẽ lọc phân cá, cặn bẩn.
Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn thế. Có nhiều yếu tố bạn không nhìn thấy được nhưng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến bể cá của bạn. Một trong số đó là hệ vi sinh.
Cách hệ vi sinh có lợi hình thành và vận hành trong bể cá còn được biết đến là quy trình cycle.
Khi cho cá ăn, cá sẽ tạo chất thải. Chất thải của cá sau đó sẽ được các loại vi sinh chuyển hóa thành ammonia. Sau đó, ammonia sẽ được các loại vi khuẩn có lợi chuyển hóa thành nitrite. Nitrite sẽ được các loại vi khuẩn có lợi khác chuyển hóa thành nitrate. Cuối cùng, cây cối thủy sinh sẽ có thể sử dụng nitrate làm nguồn nitơ để phát triển. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục trong bể.
Nitrite và ammonia là hai chất có hại cho cá, dù chỉ với số lượng vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, ở mức độ vừa phải thì nitrate an toàn đối với cá cũng như các loại sinh vật dưới nước khác.
Đây là quá trình vô cùng quan trọng để bể cá có thể ổn định. Nếu chỉ một bước trong quá trình này gặp vấn đề thì bể cá có thể bị tích tụ chất độc. Có thể là bị tích tụ nitrate, nitrite, hoặc tệ nhất là ammonia.
Có hai loại vi khuẩn trong bể – đó là vi khuẩn tự dưỡng và dị dưỡng. Bạn không cần phải nhớ hết mấy cái này, mình chỉ nói qua để bạn biết điều gì đang xảy ra trong bể thôi. Các loại vi sinh dị dưỡng là loại giúp phân hủy phân cá, thức ăn thừa,… thành ammonia. Chúng phát triển nhanh và là nguyên nhân chủ yếu khiến cho bể bị đục khi mới được làm.
Vi khuẩn tự dưỡng là các loại vi khuẩn có lợi, giúp xử lý ammonia, nitrite thành chất không độc.
Khi mới làm bể, hai loại vi khuẩn này không cân bằng với nhau. Do vi khuẩn dị dưỡng phát triển nhanh hơn, nếu bạn thả cá sớm, phân cá trong nước sẽ là nguồn thức ăn tốt cho chúng. Loại vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh, cho đến khi bạn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Màu trắng đục trong bể cá chính là loại vi khuẩn này.
Dấu hiệu bể bị chết vi sinh
Thường thì vi sinh có lợi trong bể chết sẽ không có nhiều dấu hiệu nhận biết. Bạn thường sẽ không để ý được vi sinh có lợi chết trong bể cho đến khi cá bắt đầu có biểu hiện ngộ độc ammonia. Khi cá bị ngộ độc ammonia, chúng có thể có biểu hiện:
- Cá có những vệt đỏ ở trên thân, vây và mang
- Cá bơi lờ đờ, bỏ ăn
- Mang của cá hoạt động liên tục
- Cá cố lấy không khí từ mặt nước
Khi bạn để ý thấy cá có biểu hiện này bạn cần hành động nhanh trước khi quá muộn. Bạn nên thay lập tức 30-50% lượng nước trong bể. Đồng thời thêm các loại thuốc khử độc như là API stress coat và vi sinh vào trong bể. Trong lúc đó, bạn cũng nên chạy lọc mạnh và thêm sủi oxy nếu cần.
Ngoài ra thì bể cá bị chết vi sinh sẽ có mùi hôi. Khi đó, hệ vi sinh sẽ không có đủ để xử lý ammonia trong nước, từ đó tạo ra mùi hôi đặc trưng của ammonia trong bể.
Chết vi sinh thì làm sao
Một trong những mục đích chính của vi sinh có lợi là để có thể xử lý được ammonia, nitrite trong bể cá. Vậy nên khi chết vi sinh, lượng ammonia và nitrite sẽ tăng nhanh, có thể giết hết cá trong bể của bạn chỉ sau một đêm.
Nguyên nhân
Sử dụng thuốc – Sử dụng thuốc bừa bãi là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn có thể giết hệ vi sinh có lợi trong bể. Nếu bạn để ý kỹ đến một số loại thuốc, công dụng và thành phần của chúng, bạn có thể thấy rất nhiều loại sẽ có công dụng kháng khuẩn, có chứa kháng sinh. Vậy nên ngoài việc giết các loại vi khuẩn có hại thì các loại thuốc này cũng giết cả vi khuẩn có lợi.
Rửa lọc – Lọc hay cụ thể hơn là vật liệu lọc là nơi vi sinh hoạt động mạnh, sinh sôi nhiều. Khi bạn rửa lọc, bạn có thể sẽ vô tình rửa trôi đi hết vi sinh sống tại vật liệu lọc. Hoặc tệ hơn, bạn có thể sử dụng nước máy có chứa clo, làm chết hết vi sinh sống trong đó.
Tắt lọc – Tắt lọc trong thời gian quá dài có thể khiến cho vi sinh trong lọc bị chết. Nguyên nhân là các loại vi sinh nitrat hóa cần oxy và dòng nước để có thể sống được. Nếu bạn tắt lọc quá 14 tiếng thì hệ vi sinh trong lọc có thể chết.
Sử dụng đèn UV – Đèn UV có công dụng sát khuẩn. Giống như kháng sinh vậy, đèn UV không thể phân biệt được đâu là vi khuẩn có hại và có lợi, vậy nên sử dụng đèn UV lên bể chính, bạn có thể vô tình giết hệ vi sinh trong đó.
Thay quá nhiều nước – Bạn cần phải thay nước định kì cho bể. Nhưng một số người đang thực hiện chăm sóc cho bể cá hơi quá đà. Việc thay nước quá nhiều có thể giết chết các loại vi sinh có lợi trong nước. Ngoài giết vi sinh, thay nước nhiều có thể dễ dàng làm cho cá bị sốc nước hoặc chết.
Sử dụng nước máy có chứa clo – Clo có trong nước để có thể diệt khuẩn, giúp nước an toàn hơn để sử dụng trong hộ gia đình. Tuy nhiên, clo có thể gây hại cho cá và đặc biệt là hệ vi sinh trong bể. Cá bị ngộ độc clo có thể biểu hiện mang bị tổn thương, thở mạnh , cố lấy không khí mặt nước. Vi sinh tiếp xúc với clo cũng sẽ có thể bị chết.
Ngoài ra, còn có thể có các nguyên nhân khác có thể khiến cho bể cá bị mất cân bằng như là: Thả thêm cá, cho cá ăn quá nhiều, cá bị chết,… Tuy sẽ không làm chết vi sinh, nhưng trong trường hợp này, ammonia sẽ sản sinh quá nhiều, đến mức hệ vi sinh đang có trong bể không xử lý được. Khi đó, hiện tượng xảy ra cũng tương tự như khi bể bị chết vi sinh.
Muối có làm chết vi sinh không?
Vi sinh có lợi có thể chịu được nồng độ muối nhất định. Vậy nên bạn sẽ không làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh nếu cho muối vào bể cá. Tuy nhiên, nếu bạn cho muối với nồng độ cao thì bạn vẫn có thể giết vi sinh và khiến cho bể cá bị mất cân bằng.
Xem thêm: Có nên cho muối vào bể thủy sinh không
Bio knock 2 có làm chết vi sinh không?
Bio knock 2 là loại thuốc trị nấm. Theo lý thuyết thì các loại thuốc chứa thành phần diệt nấm sẽ không làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh trong bể.
Than hoạt tính có làm chết vi sinh không?
Than hoạt tính có tác dụng khử độc hồ cá tốt và chúng sẽ không làm chết vi sinh có lợi. Tuy nhiên, nếu bạn xếp than hoạt tính trước ngăn để vật liệu lọc sinh học thì than có thể hấp thụ bớt ammonia – nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi.
Xem thêm: Cách sắp xếp vật liệu lọc cho lọc thùng
Cách giải quyết và tránh hệ vi sinh trong bể bị chết
Một khi bạn phát hiện bể cá bị chết vi sinh tức là nếu thấy cá có dấu hiệu ngộ độc ammonia thì bạn cần phải thay nước ngay lập tức. Bạn nên thay lập tức 30-50% lượng nước trong bể. Đồng thời thêm các loại thuốc khử độc như là seachem stress guard và vi sinh vào trong bể. Trong lúc đó, bạn cũng nên chạy lọc mạnh và thêm sủi oxy nếu cần.
Những ngày sau bạn hãy tiếp tục thay tầm khoảng 10% nước bể mỗi ngày, tránh thay quá nhiều nước. Nếu thay quá nhiều bạn có thể sẽ làm ảnh hưởng đến vi sinh đang phát triển và cân bằng lại trong bể.
Nếu mọi thứ thuận lợi thì bể bạn sẽ có thể bắt đầu cân bằng lại trong vài ngày sau đó.
Để hệ vi sinh trong bể khỏe mạnh, không bị chết thì bạn nên đảm bảo tất cả các điều sau:
- Sử dụng bộ lọc đủ mạnh với vật liệu lọc tốt, giữ cho lọc chạy 24/24.
- Khi sử dụng thuốc hoặc đèn uv, muối để chữa bệnh thì bạn nên bắt cá ra bể chữa bệnh riêng
- Thay lượng nước vừa phải cho bể, tốt nhất là khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần
- Sử dụng thuốc để khử clo, hoặc để nước máy bên ngoài với sục khí khoảng 1 ngày trước khi cho vào trong bể
- Châm thêm vi sinh cho bể mỗi khi thay nước, rửa lọc hoặc khi mới thả thêm cá.
Xem thêm: Cách châm vi sinh cho bể cá đúng cách.