aquasetup

14 nhầm tưởng phổ biến khi nuôi cá cảnh

Mục lục

Lầm tưởng khi nuôi cá

Mình đã nuôi cá một thời gian lâu và cũng đã đọc qua không ít lời khuyên trên mạng. Một số thì đúng thật nhưng nhiều lời khuyên thì bị sai, không đúng với khoa học. Đó cũng là một phần lý do mình tạo nên trang web này. 

Một số lời khuyên thì không có ảnh hưởng gì mấy, tuy nhiên một số khác thì có thể gây hại cho bể cá. Bạn có thể đang tự hỏi tại sao lời khuyên sai như vậy nhưng vẫn được nhiều người làm theo đúng không?

Đơn giản là vì chứng minh một thứ gì đó sai sẽ khó hơn nhiều. Bạn cần phải nghiên cứu, thử nghiệm vô số lần. Trong khi đó việc làm theo thì đơn giản hơn nhiều. Đôi khi họ có thể có được kết quả tốt thì họ sẽ cho rằng là do họ làm theo lời khuyên đó chứ không phải vì thứ gì khác. 

Các nhầm tưởng phổ biến mà nhiều người đang làm theo:

  • 1. Nên cho muối vào bể cá để chữa bệnh cho cá
  • 2. Bạn cần tăng nhiệt độ để giúp chữa bệnh đốm trắng cho cá
  • 3. Cá cần được bổ sung thêm vitamin 
  • 4. Vi sinh có lợi chỉ sống trong lọc
  • 5. Bể cá bị váng bọt do chết vi sinh
  • 6. Vi sinh giúp làm trong nước bể cá và mọi vấn đề trong bể có thể giải quyết bằng cách châm thêm vi sinh
  • 7. Vi sinh psb giúp thay thế các loại vi sinh có lợi khác
  • 8. Bể cá dùng lọc càng lớn thì càng ít cần được thay nước
  • 9. Bạn nên nuôi 1cm cá với mỗi 1.5 lít nước
  • 10. Bạn có thể cho cá ăn cơm
  • 11. Cá vàng hay cá chép là loại cá mồi tốt
  • 12.  Bạn nên luộc lũa để giúp lũa chìm
  • 13. Bạn không thể sử dụng lũa ngoài tự nhiên
  • 14. Bạn cần phải sử dụng sủi oxy cho bể

Giải thích

1. Nên cho muối vào bể cá để chữa bệnh cho cá

Mình thấy nhiều người khuyên nên cho muối vào bể cá nước ngọt trên mạng. Phần lớn trường hợp cho muối vào bể là để chữa bệnh cho cá. 

Nhưng trên thực tế, một số người đang cho muối vào bể hoàn toàn khỏe mạnh, cá của họ hoàn toàn không bị bệnh gì đơn giản chỉ là để phòng bệnh hoặc cho cá khỏe hơn. 

Nếu có thể thì bạn hãy tránh cho muối vào bể chính. 

Rõ ràng là chúng có một vài lợi ích tốt, như là giảm độc nitrite, chữa bệnh, tăng điều hòa thẩm thấu cho cá, lượng muối cần thiết là rất nhỏ. 

Theo Algone, một hãng sản xuất bán muối Using salt in the freshwater aquarium (algone.com) thì 4g muối đủ dùng cho 1000L nước.

Vậy nghĩa là lượng muối tự nhiên trong nước của bạn đủ cho bể rồi. Trong trường hợp mức nitrite cao, thêm muối có thể tốt cho cá của bạn nhưng có rất nhiều cách tốt hơn để xử lý như thay nước cho bể cá.

Muối là thuốc chữa bệnh tốt và nó có thể chữa một số loại bệnh. Tuy nhiên không có nghĩa là bạn phải cho muối vào bể chính của bạn.

Mình đã nhắc ở trên, muối làm giảm mức độ hòa tan oxy của bể cá. Có nghĩa là những loài cá đang bị khó thở sẽ càng khó khăn hơn trong việc lấy oxy trong nước. 

Cách tốt hơn trong trường hợp cá bị bệnh là tắm muối cho cá. Nghĩa là thay vì cho muối trực tiếp vào bể, bạn “tắm” cho cá trong một bể nước nhỏ khác có cho muối trong vòng 5 đến 30 phút. Sau đó thả chúng lại bể nước ngọt.

2. Bạn cần tăng nhiệt độ để giúp chữa bệnh đốm trắng cho cá

Cá mắc khi mắc bệnh nấm trắng sẽ có những hạt trắng nhỏ li ti với đường kính khoảng 1 mm nhìn giống như những hạt muối, xuất hiện trên thân, vây, mang hoặc thậm chí là ở trên mắt. 

Bệnh nấm trắng hay còn gọi là bệnh đốm trắng là căn bệnh phổ biến, xuất hiện ở hầu hết các loại cá nước ngọt. 

Nguyên nhân gây bệnh nấm trắng là một loài ký sinh – một loài trùng lông với tên khoa học là Ichthyophthirius multifiliis. 

Thông thường trên mạng nhiều người có khuyên bạn nên mua sưởi để dùng chữa trị cho bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, nếu dùng sưởi thì bạn sẽ càng dễ giết cá hơn. 

Dùng sưởi sẽ dễ gây stress cá khi đang chữa bệnh. Tăng nhiệt độ lên chỉ giúp rút ngắn quá trình sinh sản và trưởng thành của loài ký sinh này, khiến chúng rơi ra khỏi người cá nhanh hơn và không có tác dụng khác. 

Khi bạn gia tăng nhiệt độ thì cũng khiến nhu cầu về oxy của cá gia tăng. 

Vậy nên cá khi đang bị nhiễm đốm trắng, gặp khó khăn trong việc hô hấp bởi đốm trắng nhiều khi sẽ tấn công mang cá, sẽ càng khó thở hơn khi bạn tăng nhiệt độ nước. 

Cách tốt nhất để chữa đốm trắng là tắm muối cho cá hoặc sử dụng các loại thuốc khác như xanh methylen hoặc bio knock 2. 

3. Cá cần được bổ sung thêm vitamin

Bạn không cần phải sử dụng vitamin bổ sung cho cá cảnh. 

Với chế độ ăn hợp lý thì mọi nhu cầu về vitamin cho cá sẽ được đáp ứng. Đặc biệt là với chế độ ăn giàu rau xanh. 

Đôi khi nếu không cẩn thận, việc cho thêm vitamin vào bể cá có thể gây hại cho cá. 

Một số người còn cho thêm B1 hoặc C sủi vào trong bể cá để giúp chữa bệnh hoặc cải thiện sức khỏe. Với B1 thì bạn có thể gây ngộ độc cho cá. Với vitamin C thì mặc dù không gây ngộ độc nhưng mà các thành phần khác có trong C sủi có thể khiến cho các thông số của nước bị thay đổi nhiều, có thể gây rêu hại hoặc là khién cho cá bị stress. 

4. Vi sinh có lợi chỉ sống trong lọc

Vi sinh có lợi có thể sống được ở bất kì đâu trong bể, trên mặt nền, trên lá cây, đá, lũa, mặt kính,… 

Vi sinh có lợi là loại vi khuẩn nitrat hóa. Chúng là loại vi khuẩn hiếu khí, sống tốt tại những nơi có nhiều dòng chảy, giàu oxy. 

Vậy nên không ngạc nhiên khi mà không gian trong lọc là nơi sống yêu thích của chúng. Tuy nhiên, một phần lớn vi sinh vẫn có thể sống ở ngoài lọc và ở khắp mọi nơi trong bể cá. 

5. Bể cá bị váng bọt do chết vi sinh

Chết vi sinh sẽ không có nhiều dấu hiệu nhận biết. Trong bể cá thì chúng ta có thể chia vi sinh ra làm hai loại. Đó là vi khuẩn tự dưỡng và dị dưỡng. Bạn không cần phải nhớ hết mấy cái này, mình chỉ nói qua để bạn biết điều gì đang xảy ra trong bể thôi. Các loại vi sinh dị dưỡng là loại giúp phân hủy phân cá, thức ăn thừa,… thành ammonia. Chúng phát triển nhanh và là nguyên nhân chủ yếu khiến cho bể bị đục khi mới được làm. 

Vi khuẩn tự dưỡng là các loại vi khuẩn có lợi, giúp xử lý ammonia, nitrite thành chất không độc. 

Khi mới làm bể, hai loại vi khuẩn này không cân bằng với nhau. Do vi khuẩn dị dưỡng phát triển nhanh hơn, nếu bạn thả cá sớm, phân cá trong nước sẽ là nguồn thức ăn tốt cho chúng. Loại vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh, cho đến khi bạn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Màu trắng đục trong bể cá chính là loại vi khuẩn này. Khi bể cá bị đục do vi khuẩn thì hiện tượng này gọi là vi khuẩn nở hoa/ bùng nổ vi khuẩn hoặc vi khuẩn bloom (hiện không có thuật ngữ rõ ràng ở tiếng Việt nên mình tạm dịch vậy )

Thường thì vi sinh có lợi trong bể chết sẽ không có nhiều dấu hiệu nhận biết. Bạn thường sẽ không để ý được vi sinh có lợi chết trong bể cho đến khi cá bắt đầu có biểu hiện ngộ độc ammonia. Khi cá bị ngộ độc ammonia, chúng có thể có biểu hiện:

  • Cá có những vệt đỏ ở trên thân, vây và mang
  • Cá bơi lờ đờ, bỏ ăn
  • Mang của cá hoạt động liên tục
  • Cá cố lấy không khí từ mặt nước

Còn trường hợp váng bọt là do nhiều nguyên nhân khác. Chủ yếu là do bể bị thừa protein. 

Bạn đã từng đánh bông lòng trắng trứng chưa? Chính protein trong lòng trắng là thứ giúp giữ không khí và tạo bọt đó. Với protein trong bể cá cũng vậy, chúng có thể liên kết với nhau và giữ bọt khí lại ở bên trong, tạo tình trạng bọt mặt bể. 

Cách để giải quyết trong trường hợp này là thay nước, rửa lọc và hút cặn đáy bể. 

6. Vi sinh giúp làm trong nước bể cá và mọi vấn đề trong bể có thể giải quyết bằng cách châm thêm vi sinh

Vi sinh đúng là một yếu tố không thể thiếu đối với mọi hệ sinh thái. Chúng có nhiều tác dụng, chủ yếu trong số đó là xử lý các chất độc gây hại cho cá. 

Tuy nhiên, khi nước bể cá bị đục hay cá bị chết thì bạn cần phải tìm hiểu kĩ nguyên nhân chứ không thể chỉ châm thêm vi sinh được. 

Trong trường hợp bạn châm thêm vi sinh và thấy nước trong lại vào ngày hôm sau là bởi trong lọ vi sinh có chứa enzyme hoặc các chất khác làm trong nước. Chúng có thể giúp liên kết các loại cặn, bụi bẩn lại và làm cặn chìm xuống dưới đáy nền. 

Trường hợp đục nước trong bể có thể bị gây ra bởi một trong ba yếu tố sau: 

  • Cặn hữu cơ
  • Cặn vô cơ (bụi bẩn)
  • Vi khuẩn bùng phát

Với cặn hữu cơ và vô cơ thì bạn có thể sử dụng bông lọc mịn để xử lý và làm trong nước. 

Với vi khuẩn bùng phát thì bạn chỉ có cách đợi một thời gian để bể có thể tự cân bằng lại là được. 

7. Vi sinh psb giúp thay thế các loại vi sinh có lợi khác

Vi sinh PSB giúp xử lý ammonia và nitrite trong bể, khử độc nước và giúp cá, tép phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, vi khuẩn PSB không thể hoạt động thiếu ánh sáng và chúng không góp phần trực tiếp vào quá trình cycle bể cá, thay vì đó chúng chỉ giúp xử lý ammonia tạm thời cho đến khi các loài vi sinh nitrite và nitrate hóa phát triển để hệ vi sinh trong bể có thể cân bằng. Nó có mùi hôi vậy nên bạn phải lưu ý khi sử dụng. Giá thành của vi khuẩn PSB rẻ hơn nhiều so với vi sinh extra bio.

Xem thêm: So sánh vi sinh psb và extra bio

8. Bể cá dùng lọc càng lớn thì càng có ít nitrate và càng ít cần được thay nước

Vi sinh trong lọc có thể xử lý được ammonia, chuyển hóa ammonia thành nitrite và rồi thành nitrate. Để giải quyết được nitrate thì có hai cách. 

Một đó là thay nước định kì, hai là trồng nhiều cây thủy sinh để chúng giúp hấp thụ lượng nitrate dư thừa. 

Vậy nên dù lọc có lớn hay hệ vi sinh có khỏe như thế nào, chúng vẫn không thể xử lý được nitrate trong bể cá. Nếu nitrate bị tích tụ quá nhiều thì có thể gây độc cho cá. 

Ngoài ra, nếu như bạn châm thêm nước cho bể bằng nước máy và không thay nước thì bạn sẽ làm các loại khoáng, kim loại tích tụ trong bể. 

Để tránh trường hợp này thì bạn nên thay nước bể hàng tuần hoặc hai tuần một lần nếu nuôi ít cá. 

9. Bạn nên nuôi 1cm cá với mỗi 1.5 lít nước

Tức là nếu bạn có bể khoảng 30 lít nước thì bạn có thể nuôi được 20cm cá (tương đương với 6-7 con cá bảy màu). 

Tuy nhiên, công thức này chỉ đúng với các loại cá bé. 

Với loại cá lớn hơn thì bạn cần phải cho chúng bể to hơn nhiều. Bạn có thể tham khảo thêm trong bài viết này. 

10. Bạn có thể cho cá ăn cơm

Hầu hết tất cả mọi loài cá đều là loài ăn tạp. Chúng sẽ ăn bất kể mọi thứ bạn cho ăn và trong trường hợp này bao gồm cả cơm.Khi nuôi cá bạn cần phải cho chúng ăn chế độ ăn đa dạng và giàu dinh dưỡng để cá có thể lớn nhanh và khỏe.

Tuy vậy, gạo không chứa nhiều dinh dưỡng và chứa rất ít vitamin. Hơn hết nữa là nó chứa nhiều tinh bột. Cá không thể tiêu hóa tinh bột tốt như các loại đồ ăn khác như là côn trùng loăng quăng và các loại đồ ăn cho cá cảnh khác.

Một số loài cá như là cá vàng thậm chí còn không có dạ dày, vậy nên chúng sẽ khó có thể tiêu hóa được cơm tốt được. Nếu bạn cho cá vàng ăn cơm thường xuyên thì có thể gây bệnh đường ruột cho cá, thậm chí giết cá.

Nếu bạn đã không có thức ăn cho cá, bạn có thể thỉnh thoảng cho chúng ăn cơm. Nhưng mà mức độ thường xuyên thì còn phụ thuộc vào loài cá bạn đang có. Ví dụ như là các loài cá săn mồi như là cá betta chỉ nên được cho ăn cơm một lần một tuần.

Với các loài cá ăn tạp khác như là cá bảy màu và cá mún thì bạn có thể cho chúng ăn cơm hai lần một tuần.

11. Cá vàng hay cá chép là loại cá mồi tốt

Cho cá ăn cá mồi là cách tốt để bổ sung dinh dưỡng và kích thích khả năng săn mồi của chúng. Tuy nhiên, đôi khi cá mồi có thể chứa mầm bệnh, có thể làm lây sang bể chính của bạn. Để phòng tránh bệnh thì bạn nên thực hiện cách ly cá mồi, tắm muối cho cá.

Bạn cũng không nên sử dụng các loại cá thuộc họ cá chép để làm cá mồi quá nhiều.

Một số loại cá mồi như là cá vàng, cá chép,.. chứa nhiều thiaminase, đây là một loại enzyme có khả năng phá hủy thiamine (vitamin B1) trước khi dạ dày có thể tiêu hóa được chúng. Cho cá ăn quá nhiều cá vàng có thể khiến cho chúng bị mất cân bằng dinh dưỡng. 

12.  Bạn nên luộc lũa để giúp lũa chìm và loại bỏ tannin

Nhiều người hay luộc gỗ để xử lý mầm bệnh và loại bỏ tannin bởi họ không muốn lũa giải phóng tannin vào trong nước. Về vấn đề mầm bệnh thì bạn không nhất thiết phải làm vậy bởi các loại cá cảnh bạn cho vào trong bể sẽ chứa nhiều mầm bệnh hơn nhiều so với lũa/ gỗ. 

Luộc gỗ có thể giúp loại bỏ tannin nhưng chỉ có thể xử lý được tannin ở lớp ngoài của gỗ mà thôi. Tannin tại lớp trong của gỗ vẫn sẽ tiếp tục nhả vào nước bể trong một hoặc vài tháng tiếp theo. 

Chưa kể rằng luộc gỗ có thể làm vỡ cấu trúc của gỗ và khiến cho gỗ mềm hơn. Vậy nên luộc gỗ đôi khi có thể khiến cho gỗ bị mòn, rữa nhanh hơn. 

13. Bạn không thể sử dụng lũa ngoài tự nhiên

Đúng thật là một số loại gỗ tự nhiên có độc như là gỗ thông hoặc tuyết tùng để xua đuổi côn trùng. Tuy nhiên, không có bất kì loại gỗ nào, bao gồm cả gỗ thông có thể giết cá khi với điều kiện gỗ đã chết và được phơi nắng trong vài tháng. 

Dù một số loại cây có lá độc như là đào, đỗ quyên,..  gỗ của những loài cây này sẽ không có hoặc có rất ít độc. Cá phải ăn một lượng lớn gỗ mới có khả năng bị nhiễm độc. Và gần như không có loài cá nào ăn gỗ cả, trừ một số loại cá pleco. 

Gỗ thông có chứa tinh dầu nhựa thông. Loại tinh dầu này độc đối với cá những sẽ dễ bay hơi. Cây tuyết tùng cũng có chứa Polyphenol giúp xua đuổi côn trùng nhưng loại chất này cũng dễ bay hơi. Các loại chất độc trong gỗ/lũa chết sẽ biến mất hết nếu được phơi dưới ánh năng mặt trời trong thời gian dài. 

14. Bạn cần phải sử dụng sủi oxy cho bể

Mình thấy rất nhiều người sử dụng sủi oxy cho bể, kể cả khi họ không cần phải làm vậy. Nhiều người cũng hỏi liệu loài cá này hay loại cá kia có cần sủi oxy không. 

Đa số trường hợp thì với một bộ lọc tốt thì bạn có thể cung cấp đủ oxy cho bể rồi. 

Oxy trong bể có được là nhờ trao đổi không khí qua mặt nước. Mặt nước động càng nhiều thì lượng oxy có được càng lớn. 

Nhiệm vụ chính của sủi oxy chỉ là phá vỡ bề mặt của mặt nước mà thôi. Lượng oxy hòa tan vào nước thông qua bong bóng là không đáng kể. 

Vậy nên nếu bạn nuôi cá với mật độ vừa phải, có một bộ lọc tốt thì bạn sẽ không cần phải sử dụng đến sủi oxy. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *