Váng dầu là tình trạng phổ biến khi nuôi cá, đặc biệt là trong những bể nước tù như là bể nuôi cá betta. Dù khiến bể cá nhìn bẩn, xấu nhưng mà loại váng dầu này ít gây hại cho bể. Vậy nên bạn đừng quá vội lo lắng, váng dầu có thể được chữa trị nhanh chóng nếu bạn biết cách.
Thông thường váng dầu xuất hiện khi bể cá mới làm, đôi khi bể cá đã làm lâu vẫn bị nếu bị mất ổn định. Váng dầu này thực chất là lớp màng sinh học. Một số loại cá hoặc tép rất thích ăn lớp màng này.
Trong bài viết này mình sẽ viết về các lý do bể cá của bạn có thể bị váng dầu và cách giải quyết chúng.
Váng dầu bể cá là gì?
Thoạt nhìn qua thì lớp màng trên bề mặt bể cá sẽ hơi lấp lánh nhiều màu nhìn như váng dầu vậy. Tuy vậy, chúng không phải là dầu mà là một lớp màng sinh học.
Váng bể cá được cấu tạo từ vi khuẩn và các loại sinh vật nhân thực (rêu, tảo, nấm) cùng kết hợp với nhau tạo thành một lớp màng mờ trên mặt bể.
Các loại sinh vật nhân thực và nhân sơ này được liên kết với nhau bởi một chất gọi là polysaccharides. Chất này đóng vai trò là chất kết dính cũng như là nguồn năng lượng cho các loài sinh vật này phát triển.
Màng sinh học có thể ở phía trên mặt nước hoặc bám lên lũa, đá, cây thủy sinh trong bể.
Nguyên nhân gây váng dầu mặt nước
Váng dầu nhìn chung được tạo thành nhờ chất hữu cơ dư thừa phân hủy trong bể. Khi chất thải hữu cơ không được lọc và bị tích tụ trong bể chúng sẽ tạo nguồn thức ăn cho các loại sinh vật cấu tạo nên váng dầu.
Lượng chất hữu cơ phân hủy này có thể đến từ nhiều nguồn, có thể kẻ đến là:
- Các loại thức ăn thừa bạn cho cá ăn
- Phân cá
- Cây thủy sinh chết
- Ốc, cá chết
Váng dầu có hại không?
Váng dầu không có hại có hại trực tiếp cho bể. Tuy nhiên, nếu bể bị váng dầu quá nặng và tình trạng này kéo dài quá lâu thì bể sẽ gặp vấn đề về oxy.
Oxy có trong bể cá có được là nhờ trao đổi khí diễn ra phía trên bể mặt nước. Khi bề mặt nước bị màng sinh học bao phủ thì quá trình này sẽ diễn ra thiếu hiệu quả hơn. Từ đó dẫn đến nước bể bị tù, thiếu oxy.
Ngoài ra, khi bể cá có quá nhiều màng sinh học thì chứng tỏ là bể đang bị thừa dinh dưỡng. Dinh dưỡng hoặc các loại chất thải hữu cơ phân hủy có thể sản sinh ra ammonia, gây hại cho cá cũng như là các loài khác trong bể.
Lợi ích của váng mặt nước
Váng dầu mặt nước không phải là trường hợp quá hiếm gặp. Khi tình trạng này xảy ra thì chứng tỏ là bể cá của bạn đang trong quá trình tự cân bằng lại mà thôi. Thông thường thì vấn đề này sẽ tự mất sau vài ngày hoặc vài tuần.
Ngoài ra, váng có thể làm nguồn thức ăn cho một số loại cá và tép. Thực chất, màng sinh học trên đá, cây, lũa là thức ăn ngoài tự nhiên, giàu dinh dưỡng của tép, giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho tép và giúp cho tép phát triển nhanh hơn.
Các cách tự nhiên bạn có thể sử dụng để loại bỏ váng mặt nước
1. Làm động mặt nước
Váng sẽ không thể hình thành trên mặt nước động được. Đó là lý do váng thường xuất hiện tại những bể có nước tù như là bể nuôi cá betta.
Bạn có thể trang bị cho bể thêm một chiếc lọc thác hoặc là hướng đầu out của lọc chính lên phía trên mặt nước.
2. Xịt oxy già
Nhiều người có sử dụng oxy già để loại bỏ váng trên mặt nước.
Lưu ý: Tránh tiếp xúc oxy già với da, mắt hoặc quần áo. Bạn nên đeo kính trước khi xịt oxy già lên mặt nước.
Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần cho oxy già (3%) vào lọ xịt nhỏ rồi xịt một tẹo lên lớp váng. Sau đó lớp váng sẽ bị tan đi nhanh chóng. Đây chỉ là cách giải quyết tạm thời, bạn không nên sử dụng cách này về lâu dài.
3. Giảm bớt chất thải trong nước
Nếu tình trạng váng kéo dài lâu thì tức là nước bể đang ở trong tình trạng không tốt và cần can thiệp.
Điều đầu tiên bạn cần làm là xác định vấn đề gây nước bẩn. Đó có thể là bể nuôi quá nhiều cá, không được thay nước thường xuyên, hệ thống lọc không đủ lớn hoặc không tốt, cho cá ăn quá nhiều, cây hoặc cá chết trong bể.
Nếu bộ lọc của bạn không đủ tốt thì bạn cần mua một bộ lọc mới hoặc nuôi ít cá, cho cá ăn ít đi.
Nếu bạn kiểm tra thấy cá, ốc hoặc tép chết trong bể thì bạn cần hút hoặc vớt chúng ngay ra khỏi bể.
Khi thức hiện các biện pháp giải quyết các vấn đề trên thì bạn cũng cần phải kết hợp với việc thay 10-15% nước trong bể và lặp lại hàng tuần. Bạn cũng nên hút cặn đáy bể để loại bỏ hoàn toàn chất thải hữu cơ bị đọng lại bên dưới.