Nhiều người lầm tưởng rằng họ chỉ có thể nuôi cá chép hoặc cá koi trong các ao to ngoài trời. Đúng là cá koi sẽ đẹp khi nuôi ngoài trời và được ngắm từ trên xuống. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nuôi được chúng tại bể kính trong nhà, miễn là bạn có thể cho chúng đủ không gian sống.
Bạn có thể nuôi cá koi tạm thời trong các bể kính khi chúng chưa phát triển quá to. Khi cá phát triển to hơn bạn có thể đem cho, bán hoặc là di chuyển chúng ra ao ngoài trời nếu bạn có.
Hoặc bạn cũng có thể chuẩn bị bể kính lớn để nuôi luôn chúng trong nhà nếu nhà có đủ không gian, tuy nhiên, bể kính sẽ phải rất, rất to, ít nhất là phải tầm khoảng hơn 600 lít.
Lợi ích của việc nuôi cá koi trong bể kính
Bể kính thường được đặt trong nhà, nơi có nhiệt độ giao động ít hơn nhiều so với ngoài trời. Vậy nên cá koi trong bể kính sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Đặc biệt là khi cá koi/ cá chép là dòng cá thích nước mát. Chúng sẽ có thể bị stress khi sống ở ngoài trời tại Việt Nam vào những ngày hè.
Hơn hết nữa, khi nuôi cá koi trong bể kính, bạn có thể dễ dàng ngắm cá và tương tác với chúng hơn. Một khi cá quen với người và bể mới thì bạn có thể huấn luyện chúng ăn từ tay.
Bạn cần những gì để nuôi cá koi trong bể kính?
Để nuôi cá koi hay cá chép trong bể kính thì bạn cần phải chuẩn bị những dụng cụ, thiết bị cần thiết, có thể kể đến là:
- Bể cá: Tùy thuộc vào kích thước cá và không gian trong nhà, bạn cần phải chuẩn bị bể kính có kích thước khác nhau. Nếu bạn định nuôi cá koi kích thước khoảng 10cm thì bạn cần bể khoảng 60 lít. Với cá koi size 20cm thì bạn cần phải có bể hơn 150 lít.
- Chân đỡ bể: Bể kính lớn nuôi cá koi sẽ có trọng lượng lớn, vậy nên bạn cần phải có chân bể chắc để có thể đỡ được trọng lượng bể
- Lọc: Cá koi và cá chép là loài ăn tạp, chúng ăn rất nhiều và tạo nhiều chất thải. Bộ lọc tốt là thiết bị cực kì quan trọng. Bộ lọc nên có đủ công suất để lọc hết nước bể 3 lần trong vòng một tiếng.
- Sủi oxy: Cá koi, cá chép thích và sẽ sống khỏe hơn trong nước giàu oxy.
- Bộ dụng cụ dọn bể: Ống hút cặn, lưới, cạo rêu là các loại dụng cụ bạn có thể cân nhắc mua để dọn dẹp bể hiệu quả hơn.
- Đèn bể: Giúp bể và cá nhìn đẹp hơn, đèn bể cũng sẽ giúp ổn định đồng hồ sinh học cho cá.
- Ổ cẳm hẹn giờ: Không cần thiết lắm nhưng sẽ giúp bạn kiểm soát thời gian chiếu sáng của đèn tốt hơn.
- Đồ trang trí: Bạn có thể mua đồ trang trí cho bể hoặc là trồng thêm cây thủy sinh nếu muốn. Cá koi không phải là loài ăn cây thủy sinh nên bạn có thể thoải mái lựa chọn bất kì loại cây thủy sinh nào phù hợp cho bể.
Nên nuôi bao nhiêu cá chép/ cá koi trong bể kính?
Đầu tiên, bạn lưu ý rằng bạn chỉ nên nuôi những con cá koi, cá chép có chiều dài từ 25cm trở xuống trừ khi bạn có bể kính khổng lồ trong nhà.
Lượng cá koi có thể nuôi trong bể:
Kích thước bể | Số lượng cá koi (10-15cm) | Số lượng cá koi (15-20 cm) |
60 lít | 6 | 3 |
150 lít | 15 | 7 |
200 | 20 | 10 |
Bạn không nên nuôi quá nhiều cá trong bể. Càng nhiều cá trong bể thì bể càng bị bẩn nhanh hơn và càng dễ khiến cho chất độc trong bể bị tích tụ.
Chuẩn bị trước khi nuôi cá
Trước khi tiến hành thả cá koi vào bể thì bạn cần phải
1. Chuẩn bị trước không gian để đặt bể
- Bể cá koi/ cá chép rất nặng. Vì vậy bạn cần phải có chân bể vững, chắc có thể chịu được khối lượng lớn.
- Khu vực đặt bể nên tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Ánh sáng từ mặt trời có thể khiến bể bị tăng nhiệt độ nhanh và có thể dẫn đến tình trạng bùng phát rêu hại.
- Bạn cần tránh đặt bể nơi có nhiều tiếng ồn, nhiều người qua lại như cạnh loa bởi làm vậy có thể gây stress cá.
- Bạn nên đặt bể ở nơi tiện chăm sóc, thay nước. Trong quá trình nuôi, bạn cần thay nước định kì. Đặt bể cá cạnh nơi có vòi nước có thể giúp bạn đỡ mệt hơn nhiều trong quá trình này.
2. Chuẩn bị bể cá
Trước khi thả cá thì bạn cần phải tiến hành làm bể, trồng cây thủy sinh, trang trí bể. Bạn cần phải đổ đầy nước và chạy lọc trước cho bể ít nhất làm 1 tuần trước khi thả cá để hệ vi sinh có thể phát triển đầy đủ.
Thực chất, một số nơi còn khuyên bạn là bạn cần chạy lọc cho bể trong vài tuần để chắc chắn hơn.
Để đẩy nhanh quá trình này bạn hãy châm thêm vi sinh có lợi.
3. Thả cá koi
Khi mua cá và thả cá vào bể bạn cần làm vậy một cách từ từ để tránh làm chúng bị sốc nước. Bạn có thể giúp cá làm quen với nước bằng 2 cách:
Cách 1: Thả nổi túi
Các thả nổi túi là cách giúp cá không bị sốc nước đơn giản và thông dụng nhất bởi nó không yêu cầu dụng cụ hoặc kiến thức đặc biệt nào cả. Bạn chỉ cần làm theo các bước:
- Không mở túi và thả nổi trong bể trong vòng 15 phút đến nửa tiếng. Làm vậy để giúp nhiệt độ nước trong túi và nhiệt độ nước bể cân bằng.
- Cho nước vào trong túi – Bạn có thể cho thêm nước bể vào trong túi bằng cách cắt một lỗ nhỏ và đổ nước bể vào bên trong. Bạn chỉ nên đổ từng chút một và lặp lại sau 5 phút cho đến khi lượng nước trong túi tăng gấp đôi.
- Chờ và ngâm túi trong bể thêm 15-30 phút. Làm vậy sẽ giúp cá thích nghi dần dần với môi trường nước trong bể. Nếu cá không có biểu hiện sốc nước thì hãy mở túi và vớt cá bằng vợt nhỏ sau đó đặt chúng từ từ xuống bể.
Cách 2: Sử dụng xô nước
Sử dụng xô nước sẽ giúp bạn cho cá làm quen với nước bể chính xác và an toàn hơn. Tuy vậy phương pháp này sẽ tốn sức hơn một tẹo.
- Chuẩn bị một xô hoặc chậu đủ lớn.
- Cho cá vào bên trong xô một cách nhẹ nhàng để tránh cá bị stress. Bạn nên cho hết cả cá và nước trong túi vào xô.
- Bắt đầu cho nước từ bể chính vào xô. Bạn chỉ nên cho 25% nước trong xô một lần mỗi 5 phút, lạp lại quá trình cho đến khi nước trong chậu hoặc xô tăng gấp đôi.
- Bạn có thể đợi 30 phút đến 2 tiếng rồi sau đó dùng vợt để vớt cá và nhẹ nhàng cho vào bể chính.
Cách nuôi cá chép/ cá koi trong bể kính
Nói tóm lại, để cá có thể khỏe mạnh thì bạn cần tránh cho chúng ăn quá nhiều, tránh nuôi quá nhiều cá và chăm sóc cho bể định kỳ.
Cách cho cá chép/ cá koi trong bể kính ăn
Bạn chỉ cần cho cá ăn 1-2 lần một ngày là đủ. Mỗi lần ăn, hãy cho chúng ăn lượng thức ăn vừa đủ để cá có thể ăn hết trong vòng 3 phút. Trong trường hợp thức ăn thừa bị sót lại trong bể thì bạn cần hút thức ăn ra trước khi chúng phân hủy và làm bẩn nước.
Cách chăm sóc bể định kì
Bạn cần thay nước cho bể mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần. Trong quá trình thay nước bạn không cần phải bắt cá ra ngoài.
Thay nước cho bể cá có thể được coi là khâu quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc bể cá. Lượng nước tối ưu bạn nên thay mới cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần hoặc hai tuần một lần nếu bạn nuôi lượng cá vừa phải.
Bạn nên sử dụng cây hút cặn (lazada) để có thể vừa thay nước vừa dọn dẹp được bể cá. Hút cặn đáy có thể giúp bạn loại bỏ được phân cá, thức ăn thừa và các loại chất thải hữu cơ khác bị tích tụ dưới nền bể.
Khi đổ nước mới vào bể, bạn cần phải đảm bảo rằng nước mới không được chứa clo.
Nước máy đôi khi có thể chứa clo. Clo trong nước có tác dụng sát khuẩn, đảm bảo nước không quá nguồn bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn cho nước có clo vào bể thủy sinh thì bạn sẽ giết cá, tép và hệ vi sinh trong bể.
Để khử clo thì bạn có thể để nước bên ngoài không khí trong vòng một ngày. Bạn cũng có thể cho thêm sủi oxy để quá trình clo bay hơi diễn ra nhanh hơn.
Nếu bạn muốn khử clo nhanh hơn thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc xử lý nước (lazada).