aquasetup

Cách nuôi cá cảnh trong văn phòng

Mục lục

Cách nuôi cá cảnh trong văn phòng

Cũng không có gì khó hiểu khi nhiều người muốn tìm gì đó để có thể giải trí/ thư giãn khi làm việc. Vậy tại sao bạn không thử nuôi cá? Bể cá có thể là vật trang trí hoàn hảo dành cho văn phòng. 

Tuy nhiên, nuôi cá sẽ trở nên phức tạp và đau đầu khi bạn không chuẩn bị đúng. Để nuôi cá tại nơi làm thì bạn cần phải có bể có kích thước vừa phải và các thiết bị đầy đủ cũng như là setup đúng để bạn có thể ngắm được cá và không cần phải chăm sóc cá quá nhiều. 

Trong bài viết này là các điều bạn cần nhớ khi muốn làm một bể cá trong văn phòng. 

1. Chọn kích thước bể hợp lý

Trong văn phòng thì đương nhiên là bạn khó có thể có bể cá lớn được rồi. Tuy nhiên, bể cá cũng không nên có kích thước nhỏ quá. 

Thường nhiều người hay mua bể cá tròn để nuôi cá. Nuôi cá trong bể tròn bé thực chất sẽ tốn công chăm sóc hơn nhiều, và gần như không có loài cá nào có thể sống khỏe trong không gian nhỏ đó. Hơn hết nữa bạn sẽ khó có thể lắp đặt lọc và đèn cho bể. 

Nước trong bể tròn sẽ bị bẩn và đục rất nhanh. Vậy nên mình luôn khuyên các bạn sử dụng bể vuông. Bể vuông sẽ tiết kiệm không gian hơn nhiều so với bể tròn và cũng nhìn đẹp hơn nhiều (ý kiến cá nhân của mình). 

Thông thường bạn chỉ cần bể vuông khoảng 20cm là được rồi, không cần bể quá to. Tuy nhiên, nếu có thể thì bạn hãy đừng ngại mua bể to hơn. Bể to sẽ giúp nước sạch lâu hơn, đỡ tốn công chăm sóc và bạn cũng sẽ có nhiều không gian hơn để nuôi cá và trang trí bể. 

2. Đèn và lọc

Đối với những bể cá nhỏ, bạn không cần phải trang bị lọc quá to. Tuy nhiên, bể vẫn cần lọc. Đối với những bể tầm dưới 30cm thì bạn chỉ cần một chiếc lọc thác nhỏ là được rồi. 

Lọc sẽ có nhiều công dụng hơn là chỉ lọc bụi bẩn trong bể. Lọc có thể cung cấp dòng chảy và nơi ở cho các loại vi sinh có lợi. Khi nuôi cá, cá sẽ tạo nhiều chất thải. Lượng chất thải cùng với thức ăn thừa nếu không được dọn khỏi bể sẽ phân hủy nhanh chóng và sản sinh các chất có hại cho bể. 

Vi sinh có lợi có trong lọc có thể giúp xử lý các loại chất có hại này. 

Ngoài ra, lọc còn giúp làm động mặt nước. Mặt nước động có thể giúp bể có nhiều oxy hơn. 

Bể cá nếu không có cây thủy sinh thì sẽ không cần đèn. Tuy nhiên, có một chiếc đèn nhỏ có thể làm bể đèn hơn nhiều.  Bạn vẫn nên tránh mua các loại đèn quá rẻ bởi vì chúng khá nhanh hỏng (theo kinh nghiệm của mình, trước mua 4 cái đèn rẻ thì cũng phải hỏng 2 cái sau một thời gian sử dụng). 

3. Nuôi loại cá phù hợp

Bạn nên nuôi loại cá phù hợp với kích thước bể của mình. Với những bể có kích thước 20cm trở xuống thì bạn chỉ nên nuôi một con cá betta. 

Nhiều loại cá bé khác là loại cá bơi đàn và bạn nên nuôi chúng theo nhóm ít nhất là từ 6 con trở lên. Nếu bạn có bể lớn hơn 20cm thì bạn có thể nuôi cá bảy màu, cá neon, cá mún,…

Xem thêm: Các loài cá cho bể mini. 

4. Chăm sóc cho bể định kỳ

Thay nước cho bể cá có thể được coi là khâu quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc bể cá. Lượng nước tối ưu bạn nên thay mới cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần hoặc hai tuần một lần nếu bạn nuôi lượng cá vừa phải.

Khi đổ nước mới vào bể, bạn cần phải đảm bảo rằng nước mới không được chứa clo.

Nước máy đôi khi có thể chứa clo. Clo trong nước có tác dụng sát khuẩn, đảm bảo nước không quá nguồn bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn cho nước có clo vào bể thủy sinh thì bạn sẽ giết cá, tép và hệ vi sinh trong bể. 

Để khử clo nhanh bạn có thể sử dụng các loại thuốc khử clo. 

Ngoài ra bạn cũng nên rửa lọc, cọ thành kính bể cá hàng tháng. 

5. Thêm cây thủy sinh

Bạn nên trồng thêm cây thủy sinh cho bể. Hiện nay trên thị trường có vô số các loại cây thủy sinh, bạn có thể thoải mái lựa chọn tùy vào điều kiện cũng như là nhu cầu. Có nhiều loại cây thủy sinh khác nhau: cây thủy sinh trồng nền, cây dán đá hoặc là cây thả nổi. 

Cây thủy sinh ngoài việc cho cá chỗ trốn thì còn có tác dụng khác là lọc nước. Khi bạn trồng nhiều cây thủy sinh, nước cũng sẽ sạch, ít rêu hại hơn. Khi đó, bạn có thể giảm tần suất chăm sóc bể đi một tẹo. 

Một số loài cá như cá betta sẽ chán và bị stress nếu nuôi trong bể quá đơn giản, quá bé. Chúng thích bơi lội khắp bể để khám phá khu vực xung quanh. Nếu có thể, chỉ cần thả vài nhánh bèo hoặc rong vào trong bể cũng được. 

Nếu có điều kiện thì bạn có thể trải một lớp phân nền và trồng thêm các loại cây dễ sống như là hẹ thẳng, cỏ thìa, tiêu thảo,..

Xem thêm: Các loại cây thủy sinh không cần CO2. 

Kết lại

Vậy để có thể nuôi được cá trong văn phòng thì bạn cần phải để ý đến kích thước bể, sử dụng thêm lọc, nuôi các loài cá phù hợp, chăm sóc bể định kì và thêm cây thủy sinh nếu có thể. 

Bạn có thể tham khảo bài viết này để làm một bể cá betta đúng chuẩn. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *