Những hồ thủy sinh trồng nhiều cây cùng với thảm cỏ xanh mướt thực sự rất đẹp đúng không. Cây thủy sinh trong bể có thể phát triển rất tốt nếu được cho thêm CO2, nhưng một số cây có thể sống tốt mà không cần đến CO2. Bạn hoàn toàn có thể làm được một hồ thủy sinh khỏe mạnh mà không cần dùng đến CO2, miễn là bạn chọn đúng loại cây và có cường độ chiếu sáng một cách hợp lý.
Dinh dưỡng và ánh sáng
Bể thủy sinh có thể được phân loại theo ánh sáng và dinh dưỡng cần thiết để duy trì. CO2 cần phải được thêm liên tục để cây cối có thể hấp thụ được năng lượng dư thừa đó.
Những bể cần được chiếu sáng nhiều là những bể cần nhiều năng lượng, dòng chảy, CO2, phân nước và cần phải được thay nước nhiều. Loại bể này trồng những loại cây yêu cầu chăm sóc cao hoặc những loại cây phát triển nhanh và cần cắt tỉa nhiều.
Những bể cần năng lượng trung bình sẽ cần ít CO2, phân nước hơn. Lý do bởi thời lượng chiếu sáng trung bình sẽ khiến cây thủy sinh hấp thụ dinh dưỡng ít hơn và cần ít CO2 hơn.
Nếu bạn muốn làm bể không cần CO2 thì bạn phải chọn loại bể không cần nhiều ánh sáng và dinh dưỡng.
Tóm tắt lại là bạn cần xác định làm bể và nuôi các loại cây cần ít ánh sáng, dòng chảy và dinh dưỡng trong nước.
Chọn mua đèn thủy sinh và cách chiếu sáng
Cái hay của những hồ thủy sinh không cần CO2 là bạn không cần phải đầu tư một chiếc đèn quá đặc biệt. Bạn có thể sử dụng mọi loại đèn được bán tại cửa hàng thủy sinh nếu muốn. Theo ý kiến của mình bạn hãy mua loại đèn giá tầm trung thay vì quá rẻ để đảm bảo chất lượng và cho trường hợp sau này bạn muốn nâng cấp cho bể. Đèn giá rẻ hỏng khá nhiều (theo kinh nghiệm của mình – trước mua 4 cái thì hỏng 2 sau một tháng dùng).
Sai lầm đầu tiên nhiều người hay mắc phải khi làm hồ thủy sinh không cần CO2 là chiếu sáng quá nhiều bởi nghĩ rằng làm vậy có thể khiến cho cây cối phát triển tốt hơn.
Khi mới làm bể thì trong bể sẽ có nhiều dinh dưỡng hơn bình thường vậy nên trong tuần đầu bạn chỉ nên chiếu sáng 2 tiếng một ngày. Nếu chiếu nhiều hơn và không có CO2 thì cây sẽ không thể hấp thụ được dinh dưỡng dư thừa, từ đó tạo điều kiện cho rêu tảo phát triển mạnh.
Sau một tuần thì bạn chỉ nên chiếu sáng tối đa 8 tiếng một ngày. Đầu tư một chiếc đèn có chế độ hẹn giờ hoặc công tắc hẹn giờ có thể giúp bạn kiểm soát thời lượng chiếu sáng tốt hơn.
Nền bể
Nền bể dùng cho bể không có CO2 cũng tương tự như nền bể bình thường. Bạn nên chỉ sử dụng một loại nền bể để tiện chăm sóc và dọn dẹp bể về lâu dài. Một số người hay trải cát hoặc sỏi lên bên trên một lớp phân nền. Làm vậy có thể đẹp vào thời điểm ban đầu nhưng sau này chăm sóc sẽ rất khổ. Bạn sẽ cần hút phân nền, trồng thêm cây hoặc cắt tỉa và khi làm vậy hai lớp nền sẽ bị trộn vào nhau nhìn rất xấu.
Bạn cũng nên tránh sử dụng những hạt nhựa, sỏi hoặc thủy tinh to làm nền bể. Lý do là bởi chúng tạo nhiều khoảng trống và thức ăn cho cá có thể rơi xuống sau đó làm ô nhiễm nước bể. Hơn hết là các loại cá sống tầng đáy sẽ thích loại nền hạt bé hơn bởi chúng không thể sục kiếm ăn ở nền sỏi lớn được.
Tùy vào loại cá nuôi trong bể bạn có thể sử dụng nền như:
- Phân nền đen bình thường – Bạn chỉ cần sử dụng loại phân nền cơ bản như là phân nền Senda cho bể không CO2, không cần phải sử dụng loại gì quá cao cấp.
- Nền cát – Mình thích cát vàng hơn thay vì cát trắng. Lý do là bởi cát trắng nếu dùng lâu có thể bị xỉn màu, phân cá rớt lên nền cũng nhìn khá rõ. Hơn hết nữa thì nền vàng nhìn sẽ tự nhiên hơn.
- Nền sỏi nhỏ – Bạn không nên sử dụng các loại sỏi lớn làm nền, đặc biệt là nếu bạn nuôi các loại cá thích rúc nền tìm thức ăn như là cá chuột.
Lớp nền có thể dao động từ 2-5cm tùy thuộc vào kích thước bể. Khi sử dụng các loại nền trơ như là cát hoạt sỏi nhỏ thì bạn nên có lớp cốt nền bên dưới để nhả dưỡng cho cây. Hoặc bạn có thể sử dụng phân nước hoặc là phân nhét cho bể.
Lọc
Bể thủy sinh không cần CO2 sẽ không cần sử dụng đến các loại lọc có dòng chảy mạnh tuy nhiên bộ lọc vẫn phải đủ lớn cho bể để có thể xử lý được chất thải cá và tạo điều kiện cho vi sinh có lợi cho bể phát triển.
Có nhiều loại lọc bạn có thể cân nhắc sử dụng:
- Lọc vi sinh
- Lọc thác
- Lọc tràn
- Lọc treo
- Lọc thùng
- Phân nước
Thường thì bạn không cần sử dụng đến phân nước khi làm hồ thủy sinh bởi cây thủy sinh sẽ không hấp thụ được nhiều dinh dưỡng nếu thiếu CO2. Nếu bạn không sử dụng phân nền, bể được làm lâu hoặc trồng nhiều cây thì bạn vẫn cần phải bổ sung thêm phân nước. Bạn hãy cho thêm phân nước tuần một lần theo liều lượng như hướng dẫn trên bao bì sau mỗi lần thay nước. Nếu bạn thấy bể bắt đầu có rêu hại thì hãy ngay lập tức ngừng sử dụng phân nước hoặc giảm liều lượng và tiếp tục theo dõi thêm.
Xem thêm: Cách chọn loại lọc phù hợp cho bể thủy sinh
Lựa chọn cây thủy sinh
Cây thủy sinh cũng được phân theo 3 mức độ theo yêu cầu chăm sóc đó là dễ, trung bình và cao . Bạn cần chọn những loại câu không yêu cầu chăm sóc cao và không cần CO2. Mặc dù có một số loại cây bạn không thể chọn được nhưng vẫn còn vô số loại như là:
- Ráy
- Cỏ thìa
- Bucep
- Tiêu thảo
- Lệ nhi
- Rong đuôi chó, rong đuôi chồn, tiểu bảo tháp
- Các loại rêu như rêu java, rêu mini taiwan, weeping,..
Chọn những loại cây phát triển tốt và khỏe ngay từ ban đầu cũng giúp kiểm soát vấn đề về rêu hại.
Xem thêm:
- Cây thủy sinh không cần đất nền và CO2
- Cây thủy sinh không cần nhiều ánh sáng và CO2
- Cây thủy sinh tiền cảnh không cần CO2
- Cây thủy sinh màu đỏ không cần CO2