Còn gì tệ hơn việc cây cối bể cá của bạn đang tươi tốt, nước đang trong, sạch rồi rêu hại bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Tình trạng rêu hại sẽ mất kiểm soát nếu bạn không có biện pháp chữa trị và phòng tránh. Thông thường, rêu là kết quả của việc bể cá bị mất cân bằng về ánh sáng cũng như là dinh dưỡng. Để kiểm soát rêu thì bạn cần phải có biện pháp để kiểm soát được hai yếu tố này.
Trong bài viết này mình sẽ nói rõ hơn về các biện pháp đó.
Nguyên nhân khiến cho bể bị rêu hại
Dù bạn có làm gì thì mầm của rêu vẫn luôn tồn tại trong bể cá. Chúng sẽ mọc lên khi có điều kiện thuận lợi. Mầm rêu có thể bám từ cây thủy sinh, cá, nước từ bể cá khác, thậm chí là cả ở không khí xung quanh ta.
Rêu hại là vấn đề thường thấy trong những bể cá mới làm. Các loại rêu hại sẽ dần biến mất khi hệ vi sinh và dinh dưỡng trong bể cân bằng. Rêu hại có thể xâm chiếm bể nếu:
- Bể cá không có CO2
- Bể không trồng nhiều cây hoặc trồng các loại cây phát triển chậm
- Bể bị thừa dưỡng
- Bể bị chiếu sáng quá nhiều và quá mạnh
- Bể không có đủ dòng chảy
Cách ngừa rêu hại
Bây giờ bạn đã biết được một ít về nguyên nhân khiến cho bể bị rêu hại , tiếp theo là học cách trị dứt điểm chúng. Một số phương pháp bên dưới sẽ là phương pháp trị rêu trực tiếp, một số khác là trị nguyên nhân tạo rêu. Bạn cần phải kết hợp nhiều biện pháp với nhau để đạt kết quả tốt nhất.
Một khi đã trị được rêu hại , chúng vẫn có thể quay lại. Vậy nên bạn vẫn cần phải chăm sóc bể thường xuyên.
1. Hạn chế thêm dinh dưỡng vào bể
Rêu hại có thể xuất hiện là nhờ dinh dưỡng dư thừa trong bể cá. Ngoài những nguồn dinh dưỡng có sẵn từ bể cá ra như là từ phân nền, từ nguồn nước thì dinh dưỡng có thể đến từ thức ăn cho cá. Tức là bạn càng nuôi nhiều cá, càng cho cá ăn nhiều thì chúng sẽ càng thải nhiều. Các loại dinh dưỡng như là ni tơ, phốt pho từ phân cá và thức ăn thừa có thể khiến cho rêu hại bùng phát nếu bạn không biết kiểm soát.
Việc châm thêm phân nước quá tay cũng sẽ khiến cho dinh dưỡng cho bể dư thừa. Nếu bạn có thể sử dụng nước lọc RO thì càng tốt. Nguồn nước máy bình thường cũng có chứa lượng dinh dưỡng nhất định. Dinh dưỡng cũng như các tạp chất trong nước sẽ được lọc gần hết bằng bộ lọc nước RO.
Tóm lại, bạn cần:
- Tránh nuôi quá nhiều cá
- Tránh cho cá ăn quá nhiều
- Sử dụng phân nước đúng liều lượng
2. Hạn chế thời gian chiếu sáng cho bể
Chiếu sáng quá nhiều + dinh dưỡng dư thừa là công thức cho ra rêu hại. Nếu bể của bạn nuôi các loài cây phát triển chậm, không cần nhiều ánh sáng thì chúng sẽ không thể tận dụng hết được nguồn sáng được thêm vào. Do đó, rêu hại sẽ phát triển để cân bằng lại.
Bể cá nên được chiếu sáng như thế nào?
Có nhiều loại cây thủy sinh, mỗi loại có một nhu cầu khác nhau. Không có một công thức chung cho câu hỏi về lượng ánh sáng tối ưu cho bể.
Tuy vậy có những nguyên tắc cơ bản bạn cần biết. Bạn chỉ nên chiếu sáng cho bể tầm 8-10 tiếng mỗi ngày. Ánh sáng này có thể là ánh sáng gián tiếp từ mặt trời, ánh sáng đèn huỳnh quang hoặc từ đèn led.
Hơn nữa hãy lưu ý đến mật độ cây và ánh sáng trong phòng. Nếu bể cá được đặt trong phòng được chiếu sáng tốt thì nhu cầu ánh sáng của bể sẽ ít hơn.
Lưu ý rằng một khi bạn nhận thấy có dấu hiệu rêu hại trong bể bạn hãy chỉnh cho cường độ ánh sáng yếu đi hoặc cho thời gian chiếu sáng ngắn lại và theo dõi thêm.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại đèn có chế độ tự hẹn giờ, có thể kể đến là các dòng đèn thủy sinh cao cấp. Nếu đèn của bạn không có chế độ hẹn giờ thì bạn có thể mua thêm một chiếc ổ cắm hẹn giờ (lazada) để có thể kiểm soát thời gian chiếu sáng tốt hơn.
Ánh sáng cho bể mới làm
Bể mới setup thì sẽ không ổn định, luôn luôn sẽ có vấn đề có thể xảy ra, đây là thời điểm hoàn hảo để cho rêu hại phát triển. Vậy nên bạn cần đặc biệt quan tâm chú ý tới bể trong thời gian này.
Ban đầu mình khuyên là bắt đầu với 6 tiếng một ngày, sử dụng cường độ ánh sáng vừa phải. Sau đó bạn hãy quan sát bể trong một vài tuần. Sau khoảng thời gian đó (tầm một tháng), bạn thử để ý xem bể có loại rêu hại nào phát triển không. Đó có thể là rêu hại hoặc rêu tảo nâu,..
Khi mà bể của bạn có quá nhiều rêu xanh, điều đó chứng tỏ bể đang có quá nhiều ánh sáng. Để chữa thì bạn có thể giảm thời gian chiếu sáng hoặc trồng thêm một số loại cây phát triển nhanh để chúng có thể hấp thụ được lượng dinh dưỡng dư thừa trong bể.
Khi bể của bạn bị rêu nâu, có nghĩa là bể của bạn đang có quá nhiều dinh dưỡng nhưng lại không có đủ ánh sáng để cây cối có thể hấp thụ được lượng dinh dưỡng đó. Khi bể bạn bị rêu tảo nâu, bạn nên gia tăng thêm ánh sáng cho bể bằng cách kéo dài thời gian chiếu sáng hoặc tăng cường độ sáng.
3. Chăm sóc cho bể định kỳ
Khi bạn đã xử lý nguồn dinh dưỡng từ ngoài bể cá thì bạn cần phải xử lý nguồn dinh dưỡng có trong bể. Cụ thể hơn là bằng cách thay nước cho bể thường xuyên. Bạn có thể thay 20% lượng nước bể 2 -3 lần một tuần trong thời gian mới làm bể để loại bỏ lượng dinh dưỡng dư thừa.
Ngoài thay nước, bạn cũng nên hút cặn đáy bể thường xuyên. Lâu ngày, thức ăn thừa, phân cá có thể đọng lại bên dưới đáy, từ đó giải phóng chất độc cũng như các loại dinh dưỡng cho rêu phát triển khác.
Ngoài thay nước, bạn cũng cần phải cắt bỏ lá cây chết và rửa lọc khi lọc quá bẩn.
Xem thêm: tổng quan cách chăm sóc định kì cho bể thủy sinh
4. Trồng thêm cây thủy sinh
Rêu hại sử dụng chung một loại dinh dưỡng với cây thủy sinh trong bể cá. Thực chất là toàn bộ cây và rêu hại sẽ thường xuyên cạnh tranh lẫn nhau để dành dinh dưỡng.
Đó là lý do nếu bạn trồng các loại cây phát triển chậm thì bể cá sẽ dễ bị rêu hại hơn. Tại các loại cây phát triển chậm sẽ không hấp thụ dinh dưỡng nhanh vậy nên sẽ để thừa dinh dưỡng nhiều.
Xem thêm: Các loại cây lọc nước tốt cho bể
5. Thêm CO2 vào trong bể
Lượng CO2 thấp và không ổn định cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho rêu hại xâm chiếm bể thủy sinh. Chi phí đầu tư bộ CO2 (lazada) ban đầu không phải rẻ tuy nhiên cũng không quá đắt. Hơn hết nữa là bạn chỉ cần đầu tư một lần, chi phí bơm lại cũng khá rẻ và kết quả chúng mang lại sẽ làm thay đổi bể thủy sinh nhiều hơn bạn nghĩ.
Chỉ thêm CO2 vào trong bể là không đủ. Bạn cần phải giữ cho mức CO2 ổn định. May mắn là các bộ CO2 hiện giờ cũng được trang bị thêm van điện, giúp bạn có thể điều chỉnh mức CO2 một cách tự động và đơn giản hơn.
6. Nuôi các loài ăn rêu
Nuôi các loài ăn rêu hại luôn là cách để xử lý tuyệt vời. May mắn thay cho bạn, rêu hại tuy là loại rêu khó xử lý nhưng vẫn sẽ có những loài có thể ăn được loại rêu này.
Đây là cách để trị phần ngọn của vấn để, bạn vẫn cần phải xử lý nguyên nhân gây rêu trước đã. Một số loài ăn rêu hại phổ biến có thể kể đến là:
- Ốc nerita: Ốc nerita (lazada) là công nhân dọn dẹp rêu chăm chỉ. Không giống như các loài ốc khác, ốc nerita sẽ thích ăn rêu hơn là các loại thức ăn thừa cho cá khác. Ốc nerita có thể ăn rêu nhớt, rêu hại , rêu bám kính. Điểm trừ là ốc nerita có thể đẻ trứng. Tuy trứng không thể nở được trong môi trường nước ngọt nhưng chúng có thể khiến cho bể cá nhìn xấu.
- Cá bình tích: Loài cá đẻ con thú vị này có thể ăn được các loại rêu mềm. Chúng cũng là loại cá cảnh phổ biến sống khỏe. Cá bình tích thậm chí còn có thể sống tốt được trong môi trường nước lợ nếu bạn cho chúng làm quen dần dần với nước trước.
- Tép amano – Loài tép xử lý rêu hại phổ biến được đặt tên theo một chuyên gia về thủy sinh, một trong những người đặt nền móng cho bể thủy sinh hiện đại ngày nay – ngài Takashi Amano. Tép amano có thể xử lý được hết rêu hại trong bể của bạn chỉ trong một ngày nếu bạn nuôi chúng với số lượng lớn.
- Cá rô phi: Đây là giải pháp mình đã từng thử. Cá rô phi cũng có thể ăn hết rêu hại của bạn trong vài ngày. Bạn có thể sử dụng các con cá rô phi con bắt ngoài ao hồ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là khi chúng đói, cá có thể xử lý cả những cây thủy sinh lá mỏng. Cá rô phi cũng có tập tính chui xuống dưới nền, vậy nên bạn có thể sẽ khó bắt chúng ra, cá cũng có thể làm bật gốc các loại cây trong bể. Nhưng ngoài các vấn đề đó ra thì chúng sẽ xử lý rêu hại rất tốt.
- Cá bút chì: Loài cá này có khả năng ăn rêu tốt. Tuy nhiên, chúng có thể đạt kích thước hơn 15cm khi trưởng thành, vậy nên bạn cần phải có bể lớn để nuôi chúng.
7. Sử dụng bộ lọc tốt
Bộ lọc không đủ tốt là một trong những nguyên nhân chính khiến cho rêu hại xuất hiện. Khi không có đủ dòng chảy, trong bể cá sẽ xuất hiện những khu vực tù đọng, thiếu oxy, bị tích tụ thải. Đó sẽ là nơi khiến cho rêu hại phát triển.
Đồng thời, bộ lọc không đủ lớn sẽ không thể xử lý hết được phân cá, thức ăn dư thừa cũng như các loại chất thải hữu cơ khác. Hệ vi sinh trong bộ lọc cũng không có đủ chỗ để sinh sống, cộng với việc bể cá bị thiếu dòng chảy, vi sinh sẽ không thể phát triển đủ để xử lý các loại chất gây hại cho bể cá.
Đối với những loại bể bé từ 50cm trở xuống thì bạn nên sử dụng loại lọc treo hbl (lazada) hoặc xbl (lazada). Với những bể lớn hơn thì bạn nên sử dụng lọc thùng (lazada).
Xem thêm: Các loại lọc cho bể cá: ưu và nhược điểm mỗi loại
Kết lại
Rêu hại là vấn đề thường gặp trong mọi bể cá cảnh. Mầm rêu luôn có trong bể cá, chúng chỉ cần đợi có môi trường phù hợp để bùng phát. Cách tốt nhất để bạn có thể kiểm soát rêu hại là kiểm soát dinh dưỡng, ánh sáng cũng như dòng chảy trong bể bằng các cách mình đưa ra trong bài viết này.