Cá trâm là dòng cá bơi đàn tí hon có nguồn gốc từ các khu vực nước chảy chậm ở Đông Nam Á. Chúng là loài cá hiền lành, có lẽ là quá hiền lành đến mức nhát, bạn cần phải cho chúng môi trường sống an toàn cũng như là nuôi cá theo bầy để cá có thể sống thoải mái.
Bạn cần phải đặc biệt lưu ý khi chọn các loài cá để nuôi chung với cá trâm. Bạn chỉ nên chọn loài cá nhỏ và có tính cách hiền lành để nuôi chung với chúng.
Về cá trâm
Mức độ chăm sóc | Trung bình |
Tính cách | Hiền lành, nhút nhát, bơi đàn |
Màu sắc | Đen, đỏ |
Tuổi thọ | 3-5 năm |
Kích thước | 1.5 – 2 cm |
Chế độ ăn | Ăn tạp |
Tên khoa học | Boraras maculatus |
Kích thước bể tối thiểu | 15 lít |
Bể nuôi | Trồng nhiều cây, có nhiều chỗ trốn |
Cá trâm có tên khoa học là Boraras maculatus, là một loài cá có nguồn gốc từ Đông Nam Á, cụ thể là ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia.
Ngoài tự nhiên, chúng sống tại những con sông suối nước đen, mang tính axit và có dòng chảy chậm. Khu vực sống tự nhiên của chúng có hệ thống cây thủy sinh dày đặc. Vậy nên khi nuôi cá trâm, bạn nên trồng nhiều cây hoặc cho chúng nhiều khu vực để cá có thể trốn.
Cá trâm là loài cá bơi đàn. Chúng sẽ cảm thấy thoải mái, lên màu đẹp hơn khi sống thành đàn ít nhất là từ 8 con trở lên.
Cá trâm nhạy cảm với thay đổi môi trường sống. Đây là lý do nhiều khi bạn mua cá trâm về thả và thấy chúng chết rất nhiều. Khi mới mua về, bạn cần phải cho cá làm quen dần dần với nước bể. Ngoài ra, khi nuôi bạn cũng cần phải đảm bảo nước bể luôn sạch, được chăm sóc định kì và ổn định hết mức có thể.
Tuổi thọ
Cá trâm có thể sống từ 3-5 năm khi được nuôi tại nhà. Điều kiện bể hợp lý với nước nuôi được thay định kì cộng với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cá trâm sống lâu, thậm chí có thể là lâu hơn 5 năm.
Ngoại hình
Kích thước của cá trâm sẽ phụ thuộc vào môi trường và giới tính, thông thường thì chúng sẽ có kích thước vào khoảng 1.5 – 2 cm với kích thước tối đa là khoảng 2.5cm.
Cá trâm có thân hình hơi ngả cam – đỏ với đốm đen ở giữa người, vây hậu môn và vây đuôi.
Cá cái sẽ lớn và có bụng tròn hơn so với cá đực. Đặc biệt là khi vào thời điểm sinh sản, cá cái sẽ có bụng to, tròn hơn đáng kể với màu sắc cũng đậm hơn.
Cách chăm sóc cho cá trâm
Loài cá nhỏ bé này cần phải được cung cấp môi trường sống và chế độ chăm sóc hợp lý để có thể sống khỏe. Cá trâm là loài tương đối khó chăm sóc. Bản tính nhút nhát kèm với việc cá nhạy cảm với thay đổi môi trường sống khiến chúng không quá phù hợp cho những người mới nuôi.
Để chăm sóc cho cá trâm thì bạn hãy lưu ý một số điểm sau:
Tập tính
Cá trâm là loài cá bơi đàn hiền lành. Chúng sẽ dành hầu hết thời gian trốn giữa các tán lá cây nên bạn đừng ngạc nhiên khi mua về và không thấy cá bơi ra ngoài nhiều.
Cá trâm thích hoạt động ở tầng giữa và tầng mặt bể. Do là loài bơi đàn, bạn cần phải nuôi chúng theo đàn ít nhất là từ 8 con trở lên. Nếu được nuôi với số lượng quá ít, chúng sẽ càng nhát hơn và dễ bị bệnh.
Đàn cá trâm nên càng nhiều càng tốt, miễn là bạn có thể cung cấp cho chúng đủ không gian để sống.
Khi với thời điểm sinh sản, con đực khỏe có thể đánh dấu lãnh thổ riêng và trở nên hung hăng hơn với những con cá đực khác.
Môi trường, thông số nước nuôi
Ngoài tự nhiên, cá trâm sống trong những con sông/ suối với dòng chảy chậm. Môi trường tự nhiên của chúng có hệ thực vật dày đặc, có nước đen, được tao ra từ các loại lá cây khô phân hủy.
Để cá trâm có thể cảm thấy thoải mái nhất thì bạn cần phải mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của chúng tốt nhất có thể. Nước bể nên mềm và hơi mang tính axit một tẹo, được trồng nhiều cây và nên được thả thêm lá khô.
Kích thước bể | 30 lít cho một đàn cá 20 con |
Độ cứng | 2 đến 5 dH |
Độ pH | 4.5 đến 6.8 |
Nhiệt độ nước | 24°C đến 26°C |
Chế độ ăn | Ăn tạp |
Tính cách | HIền lành, nhút nhát |
Bể nuôi cá trâm nên có kích thước tối thiểu vào khoảng 15 lít cho một đàn 10 con với nhiều cây thủy sinh và chỗ trốn. Tuy nhiên, để nước có thể ổn định hơn thì bạn nên nuôi chung trong bể 30 lít trở lên.
Nước bể cần phải được thay đều đặn và thường xuyên. Lượng nước tối ưu nên được thay là vào khoảng 10-15% lượng nước bể mỗi tuần. Khi thay nước bể thì bạn cũng nên thực hiện hút cặn đáy bể.
Cá trâm tương đối nhạy cảm với môi trường nước thay đổi đột ngột nên bạn cần tránh thay quá nhiều nước trong một lần.
Không phải ai cũng thích bể nước đen. Tuy nhiên, nước đen lại rất tốt cho cá. Bạn có thể tạo ra nước đen bằng cách ngâm các loại lá khô vào trong bể. Tannin từ lá khô có thể giúp kháng khuẩn, hạ pH và mô phỏng lại môi trường tự nhiên của cá trâm.
Xem thêm: Cách dùng lá bàng cho cá
Bạn không nên sử dụng sủi bởi bong bóng từ sủi có thể làm cá trâm sợ.
Nước bể nuôi nên mềm, axit và không nên được chiếu sáng quá mạnh. Trước khi thả cá trâm vào bể, bạn cần đảm bảo bể đã được cycle đầy đủ.
Chế độ ăn
Dù bạn có thể nuôi cá trâm bằng mọi loại đồ ăn cho cá. Bạn cũng nên cho chúng ăn thực đơn đa dạng để tránh việc cá bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Như mình luôn khuyên trong các bài viết khác thì món ăn chính của cá nên là cám cho cá chất lượng tốt (lazada).
Ngoài thức ăn khô thì bạn cần thỉnh thoảng cho chúng ăn thức ăn tươi sống hoặc thức ăn đông lạnh. Ngoài thức ăn giàu protein bạn có thể bổ sung thêm vitamin cho cá bằng cách cho chúng ăn thêm các loại rau củ như cà rốt, súp lơ,..
Khi cho cá bạn cần cho cá ăn lượng thức ăn nhỏ 2-3 lần một ngày để tránh cho việc thức ăn thừa bị tích tụ lại dưới đáy bể làm ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Các loại bệnh phổ biến ở cá trâm
Cá trâm có thể bị bệnh nếu môi trường nước không đảm bảo. Cá có thể bị các bệnh về nấm, vi khuẩn, virus, ký kinh. Một số căn bệnh phổ biến có thể kể đến là:
Bạn cùng bể
Do có tính cách hiền lành và nhát nên bạn cần phải chọn bạn cùng bể cho cá trâm một cách cẩn thận. Bạn nên tránh nuôi chung chúng với các loài cá quá to, dữ hoặc bơi quá nhanh.
Các loại cá cùng bể phù hợp có thể kể đến là:
- Cá bảy màu
- Cá mún
- Cá chuột
- Cá tam giác
- …
Sinh sản cá trâm
Cá trâm là loài cá sinh sản bằng cách rải trứng xuống dưới đáy sông, suối. Để nuôi cá trâm sinh sản tại nhà sẽ tương đối khó.
Để kích thích cá sinh sản thì bạn hãy cho chúng ăn các loại thức ăn giàu đạm như là artemia (lazada), trùn chỉ,… và dần dần tăng nhiệt độ nước lên khoảng 25, 26 độ C. Nếu tăng nhiệt độ thì bạn hãy tăng một cách từ từ, tránh việc cá bị sốc nước.
Khi chuẩn bị sinh sản thì cả cá đực và cái sẽ có màu rõ hơn và cá cái sẽ có bụng phình to.
Sau đó bạn hãy chuẩn bị một bể riêng với thể tích khoảng 10 lít và đổ đầy nước từ bể chính. Nước nên được giữ ở điều kiện pH là 5.8-6.3, độ cứng 2-3 dGH và nhiệt độ vào khoảng 25-26 độ C.
Dưới đáy bể bạn hãy thả lá khô, rêu thủy sinh.
Bạn chỉ nên sử dụng lọc vi sinh cho bể sinh sản bởi loại lọc này không làm động nước quá nhiều và sẽ không hút mất trứng cá con.
Bể sinh sản có thể nuôi khoảng 3 cặp cá.
Khi nuôi, sẽ có một con cá trâm đực khỏe, nó sẽ hung hăng, bảo vệ lãnh thổ hơn các con cá đực khác và sẽ thực hiện giao phối với cá cái. Cá cái sẽ đẻ khoảng 50 trứng mỗi lần. Khi bạn thấy bụng cá cái bé lại hoặc thấy trứng dưới đáy bể thì bạn cần tách riêng cá và trứng ra đề phòng cá bố mẹ ăn mất trứng hoặc cá con.
Cá con sẽ nở sau khoảng 3 ngày và có thể bơi lội 1 ngày sau đó. Trong khoảng thời gian cá còn bé, bạn hãy cho cá con ăn lòng đỏ trứng hòa với nước hoặc là trùng cỏ.
Bạn nên tránh thay nước cho bể trong vòng 2 tuần sau khi cá con vừa mới nở.
Kết lại
Cá trâm là loài cá hiền lành, với tập tính bơi đàn và màu sắc, hoa văn của cá thì chúng có thể là sự bổ sung tuyệt vời cho bất kì bể thủy sinh nào.
Cá trâm sẽ phù hợp với người nuôi đã có kinh nghiệm hơn bởi chúng khá nhát và nhạy cảm với thay đổi nước. Cá trâm dễ bị stress. Do đó bạn cần phải nuôi chúng theo đàn và nuôi chung với các loại cá phù hợp.