Thường thì thay nước sẽ giải quyết vấn đề nước bể cá bị đục. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì thay nước xong bể cá sẽ càng đục hơn. Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Thông thường, việc nước bị đục sau khi thay nước là do hệ vi sinh của bể đang bị mất ổn định. Hay nói cách khác là vi sinh trong bể bị bùng phát. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác nữa, mình sẽ nói thêm trong bài viết này.
1. Hệ vi sinh mất cân bằng
Có nhiều yếu tố bạn không nhìn thấy được nhưng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến bể cá của bạn. Một trong số đó là hệ vi sinh. Bể cá có thể bị đục sau khi mới thay nước do bùng phát vi sinh. Bùng phát vi sinh sẽ khiến cho bể cá bị đục sau khoảng vài tiếng hoặc vài ngày.
Cách hệ vi sinh có lợi hình thành và vận hành trong bể cá còn được biết đến là quy trình cycle.
Khi cho cá ăn, cá sẽ tạo chất thải. Chất thải của cá sau đó sẽ được các loại vi sinh chuyển hóa thành ammonia. Sau đó, ammonia sẽ được các loại vi khuẩn có lợi chuyển hóa thành nitrite. Nitrite sẽ được các loại vi khuẩn có lợi khác chuyển hóa thành nitrate. Cuối cùng, cây cối thủy sinh sẽ có thể sử dụng nitrate làm nguồn nitơ để phát triển. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục trong bể.
Nitrite và ammonia là hai chất có hại cho cá, dù chỉ với số lượng vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, ở mức độ vừa phải thì nitrate an toàn đối với cá cũng như các loại sinh vật dưới nước khác.
Đây là quá trình vô cùng quan trọng để bể cá có thể ổn định. Nếu chỉ một bước trong quá trình này gặp vấn đề thì bể cá có thể bị tích tụ chất độc. Có thể là bị tích tụ nitrate, nitrite, hoặc tệ nhất là ammonia.
Có hai loại vi khuẩn trong bể – đó là vi khuẩn tự dưỡng và dị dưỡng. Bạn không cần phải nhớ hết mấy cái này, mình chỉ nói qua để bạn biết điều gì đang xảy ra trong bể thôi. Các loại vi sinh dị dưỡng là loại giúp phân hủy phân cá, thức ăn thừa,… thành ammonia. Chúng phát triển nhanh và là nguyên nhân khiến cho bể bị đục.
Vi khuẩn tự dưỡng là các loại vi khuẩn có lợi, giúp xử lý ammonia, nitrite thành chất không độc.
Nếu nước mới bạn mới thay cho bể vô tình có nhiều dưỡng thì sẽ cung cấp thức ăn cho loại vi khuẩn này phát triển. Hoặc bạn có thể bạn cũng đã vô tình giết quá nhiều vi sinh, do đó làm hệ vi sinh mất cân bằng. Khi đó, quá trình cycle bể cá sẽ phải quay về quá trình ban đầu, làm bể bị đục.
Cách giải quyết
- Sử dụng bộ lọc tốt với ngăn chứa vật liệu lọc đầy đủ – Ngăn lọc hay cụ thể hơn, vật liệu lọc là nơi giúp cho hệ vi sinh có thể phát triển. Sử dụng bộ lọc đủ lớn với vật liệu lọc sẽ cung cấp dòng chảy, oxy cũng như nơi sống để các loại vi sinh có lợi có thể sinh sôi. Một số loại vật liệu lọc có chất lượng tốt hơn so với vật liệu khác, có thể kể đến là vật liệu lọc matrix hoặc vật liệu lọc neo. Tức là chúng có khả năng lọc nước và tạo chỗ sống cho vi sinh tốt hơn.
Xem thêm: Cách chọn loại lọc tốt cho bể thủy sinh.
- Châm thêm vi sinh – Châm thêm vi sinh có thể giúp đẩy nhanh quá trình hình thành hệ vi sinh trong bể khi hệ vi sinh bị mất cân bằng.
- Kiên nhẫn chờ đợi – Khi hệ vi sinh bị mất cần bằng và bạn đã thực hiện hết biện pháp trên thì bạn hãy kiên nhẫn đợi cho đến khi hệ vi sinh tự cân bằng trở lại.
2. Do bụi từ nền bể
Nguyên nhân thứ hai và cũng rất dễ giải quyết đó là nền bể bị bẩn. Thậm chí sau khi thay nhiều nước, bể cá của bạn vẫn có thể bị bẩn do nền bể không được hút cặn. Có thể là do bạn đã không hút cặn cho bể trong thời gian dài, do đó phân cá, bụi bẩn bị tích tụ dưới đáy nền.
Khi mới thay nước, vi khuẩn, cặn bẩn dưới nền sẽ bị hòa với nước, tạo thành màu trắng đục.
Thông thường, bạn chỉ cần đợi vài tiếng là được để các loại cặn có thể lắng xuống dưới đáy nền, khi đó nước sẽ có thể trong trở lại.
Bạn có thể tránh được tình trạng này xảy ra bằng cách
- Thay nước thường xuyên cho bể hơn, tốt nhất là 10-15% lượng nước bể một tuần.
- Sử dụng bộ lọc với bông lọc mịn để có thể lọc được bụi bẩn.
- Hút cặn đáy bể kết hợp với thay nước để loại bỏ cặn tích tụ.
3. Do chất thải hữu cơ
Nguyên nhân thứ ba khiến cho bể cá bị đục sau khi mới thay nước là do chất thải hữu cơ trong bể. Cụ thể hơn là do các loại cặn hữu cơ dưới nền và trong lọc. Khi bạn dọn bể và thay nước, bạn có thể vô tình làm động nền, lọc, khiến cho các loại cặn hữu cơ này bay vào trong nước.
Sau đó, hiện tượng vi khuẩn có thể bùng phát, để xử lý các loại cặn hữu cơ đó.
Nếu bạn chỉ thay nước mà không hút cặn hữu cơ trong bể không thôi thì bạn sẽ có thể làm vi khuẩn bùng phát trở lại sau mỗi lần thay.
Cách giải quyết:
- Hút cặn đáy bể kết hợp với thay nước để loại bỏ cặn tích tụ.
Kết lại
Lý do khiến cho nước bể cá của bạn bị đục sau khi vừa mới thay nước là do bể cá bị bùng nổ vi sinh, do cặn bẩn hoặc chất thải hữu cơ bị xáo trộn, hòa lẫn vào nước bể. Để có thể ngăn tình trạng này xảy ra thì bạn cần phải thực hiện thay nước bể đúng cách và dọn dẹp bể kỹ hơn để loại bỏ hết cặn bẩn.
Cụ thể hơn là bạn cần phải hút cặn đáy bể kết hợp với thay nước. Sau khi thay nước bạn cũng cần phải vớt bỏ các loại cặn to như lá cây ra khỏi nước. Khi dọn dẹp lọc bạn cũng cần phải cẩn thận, tránh việc để chất bẩn từ lọc trôi lại vào trong nước bể. Ngoài ra, sử dụng bộ lọc đủ to, châm thêm vi sinh, sử dụng bông lọc mịn cũng giúp cho bể cá trong lại nhanh hơn.