Chỉ cần có một hoặc một vài thanh lũa trong bể cá thôi cũng đủ để thay đổi diện mạo trong bể. Gỗ có thể giúp cho bể cá nhìn chuyên nghiệp, mang tính thiên nhiên hơn. Liệu bạn có bao giờ tự hỏi xem lũa được lấy từ đâu ngoài thiên nhiên và loại lũa nào an toàn cho bể cá không?
Liệu bạn có thể tự chuẩn bị gỗ/ lũa miễn phí không?
Liệu có loại gỗ nào bạn cần tránh không và làm thế nào để chuẩn bị lũa cho bể cá? Trong bài viết này mình sẽ giải đáp các thắc mắc đó.
Gỗ lũa là gì?
Gỗ lũa khác với cành cây mà bạn tìm thấy ở trên mặt đất như thế nào? Tại sao nó lại phổ biến trong thú chơi cá cảnh như vậy?
Nói một cách đơn giản, lũa là bất kỳ mảnh gỗ nào bị sóng, thủy triều, nước hoặc gió cuốn vào bờ từ một vùng nước. Nó rất thường được tìm thấy dọc theo các cạnh của hồ, sông và trên các bãi biển và bị bào mòn tự nhiên.
Ngoài ra, một phần lớn lũa trên thị trường hiện nay là lũa đã được xử lỷ thủ công.
Ở ngoài tự nhiên, lũa có thể cung cấp chỗ trú ẩn hoặc tạo nơi đẻ trứng cho các loài cá.. Khi đã lên bờ, lũa vẫn có thể là nơi trú ẩn cho nhiều loài chim và động vật không xương sống.
Trong bể cá cũng vậy, lũa có thể cung cấp chỗ trú cho cá, tép, góp phần vào bổ sung thêm cho hệ đa dạng sinh học của bể.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại lũa thủy sinh với hình dáng khác nhau, bạn có thể tham khảo bài viết này để biết thêm.
Tìm lũa thủy sinh ở đâu?
Để tìm được lũa ngoài tự nhiên thì có lẽ bạn cần phải mất công vác xe đi một tí. Lý do là bởi nếu bạn sống ở thành phố thì sẽ khó tìm được lũa tự nhiên hơn.
Bạn có thể tìm được lũa tại các khu vực rừng cây, bờ sông, bờ suối. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm được lũa tại các khu vực đồi núi, đèo,.. Bất cứ chỗ nào có nhiều cây cối bạn có thể sẽ tìm được lũa thủy sinh.
Vậy làm thế nào để biết được loại lũa thủy sinh nào an toàn cho bể cá?
Nhiều nơi có nói bạn nên tránh cho một số loại gỗ vào trong bể bởi chúng sẽ chứa nhiều nhựa cây và có thể gây hại cho bể cá.
Đúng thật là bạn không bao giờ nên cho gỗ tươi vào bể. Tuy nhiên, nếu gỗ đã chết và được phơi nắng, mưa một thời gian thì mọi loại gỗ đều có thể được cho vào bể cá.
Một số loại gỗ như gỗ thông có chứa tinh dầu nhựa thông. Loại tinh dầu này độc đối với cá nhưng sẽ dễ bay hơi. Cây tuyết tùng cũng có chứa Polyphenol giúp xua đuổi côn trùng nhưng loại chất này cũng dễ bay hơi. Các loại chất độc trong gỗ/lũa chết sẽ biến mất hết nếu được phơi dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
Dù một số loại cây có lá độc như là đào, đỗ quyên,.. gỗ của những loài cây này sẽ không có hoặc có rất ít độc. Cá phải ăn một lượng lớn gỗ mới có khả năng bị nhiễm độc. Và gần như không có loài cá nào ăn gỗ cả, trừ một số loại cá pleco.
Ngoài ra, bạn có thể tự nhặt bất kì gốc, rễ cây để có thể tự xử lý và biến gỗ thành lũa thủy sinh.
Lưu ý khi nhặt lũa thủy sinh
Bạn cần phải thu thập lũa một cách chính xác để tránh các vấn đề phát sinh về sau này. Đầu tiên, hãy lấy gỗ ở nơi không bị ô nhiễm, không dầu loang hoặc nước nhiễm độc.
Khi nhặt gỗ cho bể thủy sinh thì bạn cần lưu ý:
- Bạn cần để ý đến hình dạng và kích thước của lũa. Lũa không nên quá to so với bể, lũa nhỏ tẹo cũng không sao bởi sau bạn có thể ghép các thanh lũa lại với nhau. Ngoài ra, các thanh lũa phân nhánh nhiều thường sẽ đẹp hơn.
- Để đề phòng sau này bạn muốn thay đổi, cắt sửa thì bạn nên thu thập nhiều một tẹo.
- Bạn nên để ý đến dấu hiệu của nấm mốc. Đôi khi đưa vào bể cá, nấm có thể phát triển và ảnh hưởng đến hệ sinh thái của bể. Trong trường hợp lũa có nấm thì bạn vẫn có thể dùng được nếu xử lý trước bằng cách rửa sạch lũa và phơi nắng trong thời gian dài.
- Bạn nên tránh sử dụng các loại gỗ tươi, đặc biệt là các loại gỗ của cây nhiều nhựa bởi nhựa cây có thể rò rỉ vào bể cá.
Gỗ cứng và gỗ mềm
Thời gian phân hủy của gỗ không thực sự phụ thuộc vào độ cứng của gỗ mà phụ thuộc vào loại lũa, thời gian chúng đã chết và lượng axit tannin có trong đó. Tuy vậy, mình vẫn thích dùng gỗ cứng hơn. Lý do là gỗ cứng sẽ đặc, do đó chúng sẽ chìm dễ hơn. Ngoài ra, gỗ mềm có thể sẽ chứa nhiều nhựa cây và các loại chất độc khác, cần phải phơi khô một thời gian để loại bỏ.
Vậy làm cách nào để xác định gỗ cứng và gỗ mềm? Khá đơn giản. Bạn chỉ cần dùng móng tay ấn thử vào thân gỗ. Nếu móng tay để lại vết trên thân gỗ thì chúng là gỗ mềm. Ngược lại, với gỗ cứng thì bạn sẽ khó có thể tạo được vết trên đó.
Kết lại
Bạn có thể đi tới các khu vực nhiều cây như là đồi, núi, bờ sông, suối để tự nhặt gỗ/ lũa thủy sinh.
Mọi loại gỗ đều có thể được xử lý và nếu chúng đã khô thì sẽ an toàn để sử dụng cho bể cá.
Khi nhặt bạn nên tránh các khu vực ô nhiễm và nên chọn các loại gỗ cứng thay vì gỗ mềm.
Xem thêm: Cách xử lý lũa cho bể thủy sinh