Cá bị sốc nước do được thả vào bể không đúng cách là một trong những nguyên nhân giết cá cảnh phổ biến nhất. Để thả cá vào bể thì bạn cần phải cho chúng làm quen dần dần với nước trước, các bước làm sẽ như trong bài viết dưới.
Các lưu ý trước khi thả cá vào bể
- Cá mới mua của bạn có sống chung được với các loài cá đang có trong bể không?
- Bể của bạn đã được cycle chưa? Xem thêm về quá trình cycle bể
- Bạn nên tránh thả quá nhiều cá vào bể cùng một lúc bởi hệ vi sinh lúc này sẽ chưa đủ để xử lý hết được lượng chất thải của cá. Bạn chỉ nên thả khoảng tầm 4-6 con một lúc, tránh thả trên hơn chục con.
Vận chyển cá
Quá trình vận chuyển cá cũng góp phần không nhỏ vào việc làm cá bị stress. Khi mua cá, bạn nên mang cá về nhà càng nhanh càng tốt. Cá không nên được để trong túi lâu hơn hai tiếng đồng hồ.
Túi cũng không nên bị tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời hoặc là bị xóc nhiều.
Các cách để thả cá mới mua về bể
Cách 1: Thả nổi túi
Các thả nổi túi là cách giúp cá không bị sốc nước đơn giản và thông dụng nhất bởi nó không yêu cầu dụng cụ hoặc kiến thức đặc biệt nào cả. Bạn chỉ cần làm theo các bước:
- Không mở túi và thả nổi trong bể trong vòng 15 phút đến nửa tiếng. Làm vậy để giúp nhiệt độ nước trong túi và nhiệt độ nước bể cân bằng.
- Cho nước vào trong túi – Bạn có thể cho thêm nước bể vào trong túi bằng cách cắt một lỗ nhỏ và đổ nước bể vào bên trong. Bạn chỉ nên đổ từng chút một và lặp lại sau 5 phút cho đến khi lượng nước trong túi tăng gấp đôi.
- Chờ và ngâm túi trong bể thêm 15-30 phút. Làm vậy sẽ giúp cá thích nghi dần dần với môi trường nước trong bể. Nếu cá không có biểu hiện sốc nước thì hãy mở túi và vớt cá bằng vợt nhỏ sau đó đặt chúng từ từ xuống bể.
Cách 2: Sử dụng xô nước
Sử dụng xô nước sẽ giúp bạn cho cá làm quen với nước bể chính xác và an toàn hơn. Tuy vậy phương pháp này sẽ tốn sức hơn một tẹo.
- Chuẩn bị một xô hoặc chậu đủ lớn.
- Cho cá vào bên trong xô một cách nhẹ nhàng để tránh cá bị stress. Bạn nên cho hết cả cá và nước trong túi vào xô.
- Bắt đầu cho nước từ bể chính vào xô. Bạn chỉ nên cho 25% nước trong xô một lần mỗi 5 phút, lạp lại quá trình cho đến khi nước trong chậu hoặc xô tăng gấp đôi.
- Bạn có thể đợi 30 phút đến 2 tiếng rồi sau đó dùng vợt để vớt cá và nhẹ nhàng cho vào bể chính.
Cách khử trùng cá trước khi cho vào bể
Bạn có thể sử dụng xanh methylen (lazada) để trị các bệnh về ký sinh trùng, nấm ngoài da như là nấm trắng trước khi thả cá vào trong bể.
Cách tốt nhất là thực hiện tắm xanh methylen cho cá. Sau khi đã cho cá làm quen với nước từ bể chính trong bể riêng thì bạn hãy:
- Nhỏ 10 giọt cho mỗi 5 lít nước
- Ngâm cá trong đó trong vòng 10-15 phút sau đó từ từ vớt cá ra và thả lại bể chính
Nên nuôi cá trước trong bể riêng không?
Xanh methylen chỉ có thể giúp phòng các bệnh ngoài da, nhiễm nấm, ký sinh trùng chứ không trị được các bệnh về nhiễm khuẩn hoặc là các bệnh về virus trong người cá. Vậy nên khi bạn nghĩ cá bị bệnh thì bạn nên nuôi chúng trong bể riêng trong vòng ít nhất là 2 tuần trước khi thả vào bể chính.
Trong thời gian này bạn có thể quan sát được cá để kịp thời phát hiện vấn đề xảy ra, trước khi chúng lây sang hết đàn cá trong bể.
Trước khi thả cá sáng bể phụ thì bạn vẫn nên cho cá làm quen với nước mới như hướng dẫn ở bên trên. Cách tốt nhất để phòng bệnh cho cá khi mới mua về là mua chúng tại những cửa hàng uy tín, nơi cá được dưỡng, chăm sóc tốt hơn và đảm bảo được cá không chứa mầm bệnh.
Cá mới mua về bao lâu thì cho ăn?
Không có nguyên tắc cụ thể về thời gian cho cá ăn sau khi mới thả vào bể, bạn có thể quan sát cá để có thể đưa ra quyết định. Một số loài cá khỏe, khi được thả vào bể đúng cách có thể hoạt động tốt, ra ngoài và đòi ăn. Một số loại cá khác sẽ trốn. Bạn có thể thử cho cá cảnh ăn một tẹo thức ăn để kiểm tra xem chúng đã ăn được chưa. Nếu không thì bạn hãy hút thức ăn thừa ra và đợi một ngày sau để thử lại.