Bạn sẽ không thể sử dụng lọc mà thiếu vật liệu lọc được. Do là thứ không thể thiếu trong quá trình chăm sóc bể cá nên có rất nhiều hãng, doanh nghiệp đổ xô vào sáng chế để tạo ra loại vật liệu lọc tốt nhất cho bể cá.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà hiện nay trên thị trường đang có vô số loại vật liệu lọc khác nhau, khiến cho người dùng gặp rắc rối trong việc lựa chọn.
Tổng quan lại thì hiện nay sẽ có 3 loại vật liệu lọc đó là:
- Cơ học: để xử lý cặn bẩn
- Sinh học: Để tạo nơi sống cho vi khuẩn có lợi, giúp khử độc nước và tạo hệ sinh thái cho bể
- Hóa học: Để lọc các một số các loại chất hóa học không mong muốn trong bể
Hiện nay đang bị thiếu nghiên cứu về hiệu quả của vật liệu lọc. Mình muốn có số liệu cụ thể hơn thay vì đọc các dòng mô tả sản phẩm viết bởi đội marketing như “vật liệu lọc tốt nhất”, hay “vật liệu lọc thần kỳ”,…
Ngạc nhiên thay là đôi khi giá tiền không hề đi đôi với chất lượng. Loại vật liệu lọc sinh học tốt nhất là mút lọc/ xốp lọc (loại 30ppi, tức là có lỗ khoảng 2 ~ 3mm). Với vật liệu lọc cơ học thì bạn có thể dùng bông lọc thông thường, còn vật liệu lọc hóa học thì không cần thiết, trừ khi bạn muốn khử mùi hoặc là khử màu cho nước.
Bài viết này sẽ nói rõ hơn về các loại vật liệu này.
Vật liệu lọc cơ học
Vật liệu lọc là các loại bông lọc, bùi nhùi, dùng để cản lại cặn bẩn, thức ăn thừa, bụi trong bể cá để giúp cho bể trong hơn. Các loại chất thải hữu cơ không được dọn dẹp trong bể sẽ sản sinh ra ammonia – chất vô cùng độc đối với cá.
Vật liệu lọc cơ học có nhiều loại với kích thước lỗ, độ xốp khác nhau. Bạn nên sử dụng mút lọc có lỗ lớn đầu tiên để lọc các loại cặn lớn. Sau đó là loại bông lọc mịn để cản các loại cặn bé hơn, tránh việc làm tắc vật liệu lọc sinh học.
1. Mút lọc
Mút lọc là loại vật liệu lọc cơ học với lỗ lọc lớn, có thể được dùng để lọc cặn to trong bể. Thông thường thì bạn nên có một lớp mút lọc lỗ lớn trong lọc.
Các loại mút lọc với lỗ nhỏ hơn cũng có thể sử dụng để làm vật liệu lọc sinh học (mình sẽ nói thêm bên dưới)
2. Bông lọc
Bông lọc là loại vật liệu lọc cơ học có lỗ nhỏ, chúng có thể giúp xử lý các loại cặn nhỏ trong nước.
Bông lọc là loại vật liệu lọc hoàn hảo để xử lý vấn đề bể cá bị đục. Bạn không cần phải mua thêm thuốc làm trong hay sử dụng các biện pháp đắt tiền khi muốn nước bể cá trong veo đâu. Bộ lọc tốt với một lớp bông lọc mịn thì gần như chắc chắn có thể xử lý được vấn đề này.
Thông thường với loại lọc này bạn cần phải thay chúng khi bị bẩn bởi giặt sạch lại sẽ khá tốn công.
Bể cá càng bị bẩn thì bông lọc sẽ bị tắc càng nhanh. Hơn hết nữa là bạn không nên sử dụng lớp bông lọc quá dày, đặc biệt là trong những bộ lọc có dòng chảy yếu. Bông lọc có thể dễ làm nghẽn lọc khi chúng bị bẩn.
Vật liệu lọc sinh học
Vật liệu lọc sinh học có chức năng tạo nơi sống cho vi sinh có lợi. Vi sinh có lợi sẽ giúp xử lý các chất độc gây hại cho bể (ammonia, nitrite) thành các chất ít độc hơn (nitrate).
Xem thêm về quá trình cycle bể
Vật liệu lọc sinh học nên chiếm khoảng 60-70% ngăn lọc để có thể tối đa hóa được khả năng xử lý chất độc của vi sinh.
Loại vật liệu này cũng đa dạng, bạn có thể sử dụng mút lọc, viên nhựa, vật liệu lọc neo,…
Nhiều loại vật liệu lọc sinh học hiện nay đang được quá thần thánh hóa. Bạn hoàn toàn toàn có thể đạt được kết quả tương tự, thậm chí là tốt hơn nhiều nếu sử dụng mút lọc hoặc là bùi nhùi nhựa.
Chất lượng của vật liệu lọc sinh học sẽ dựa vào diện tích bề mặt của chúng (để có thể cung cấp cho vi sinh nơi sống) và khả năng để dòng chảy đi qua.
Một số nghiên cứu về khả năng xử lý chất độc của vật liệu lọc sinh học:
https://www.cermedia.com/MarinePure%20Project%20Report.pdf
https://aquariumscience.org/index.php/7-2-2-foam-media/
Dưới là tóm tắt lại về nghiên cứu
1. Mút lọc/ xốp lọc
Xếp đầu danh sách là loại vật liệu lọc cơ học nhưng đồng thời cũng có thể sử dụng làm vật liệu lọc sinh học.
Không phải lúc nào đắt cũng là tốt hơn. Mút lọc là minh chứng cho điều này, chúng là loại vật liệu lọc sinh học có giá thành rẻ nhưng lại có hiệu quả tốt nhất.
Chúng có diện tích bề mặt lớn với khả năng xử lý ammonia nằm đầu danh sách.
Bạn nên sử dụng mút lọc loại 30 ppi (tức là có 30 lỗ trên một inch vuông, tức là lỗ vào khoảng 2 ~ 3mm)
Lỗ quá to sẽ có thể làm giảm bề mặt của vật liệu. Lỗ quá nhỏ sẽ khiến chúng dễ bị tắc.
2. Viên nhựa k1
Viên nhựa k1 tuy không phổ biến nhưng lại có hiệu quả khá đáng ngạc nhiên. Chúng là loại vật liệu lọc sinh học được tổng hợp nhân tạo có bề mặt vật liệu tốt, với khả năng xử lý ammonia đã được kiểm chứng.
3. Vật liệu lọc neo
Vật liệu lọc neo là loại gốm được hãng neo xử lý để có lượng không gian tối đa dành cho vi sinh. Chúng có dạng viên gốm nhỏ. Vật liệu lọc neo có thể có loại trung tính, có tính ph thấp hoặc cao nhẹ. Bạn hãy sử dụng tùy vào nhu cầu của mình.
Đối với những loài cá nhiệt đới thì thường chúng sẽ thích nước hơi mang tính axit một tẹo, tức là có độ pH thấp.
Một số loài cá khác thì có thể sẽ thích nước pH cao hơn.
4. Vật liệu lọc matrix
Vật liệu lọc matrix tuy là loại vật liệu lọc nổi tiếng. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu trái chiều về loại vật liệu lọc này.
Trong hầu hết các nghiên cứu thì đều chỉ ra là hiệu quả xử lý cũng như là bề mặt cung cấp nơi sống cho vi sinh của matrix khá là tệ. Kết quả xếp sau mút lọc, viên nhựa hoặc thậm chí là cả sỏi bể cá.
Tuy vậy, vẫn có nghiên cứu thú vị là chúng có thể giúp nuôi một số loại vi khuẩn kị khí, có thể giúp bạn xử lý được nitrate dư thừa trong bể.
5. Sứ thanh mai
Sứ thanh mai là loại vật loại lọc bằng sứ dạng thanh dài với với cấu trúc rỗ.
Đây là loại vật liệu lọc cực kì phổ biến nhưng lại có hiệu quả xử lý ammonia kém gần nhất, vậy nên mình không đề xuất mua chúng.
6. Viên bóng nhựa
Viên bóng nhựa hay còn gọi là bóng lọc bio là một loại vật liệu lọc sinh học nữa. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu không đánh giá cao loại vật liệu lọc này về hiệu năng cung cấp bề mặt sống cho vi khuẩn có lợi.
7. San hô
Nếu bạn muốn tăng độ cứng KH cũng như là pH cho bể thì bạn có thể sử dụng vật liệu lọc san hô. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bể ổn định thì bạn nên tránh sử dụng loại vật liệu lọc này.
Hơn hết nữa, hầu hết loại cá cảnh hiện nay phần lớn là loài cá nhiệt đới và cần độ pH hơi mang tính axit một tẹo.
Nếu như bạn sử dụng san hô bạn có thể làm tăng pH khá nhiều, thậm chí có thể làm chết cá. Bạn nên tránh dùng san hô làm vật liệu lọc cho bể cá nước ngọt.
Vật liệu lọc hóa học
Vật liệu lọc hóa học có tác dụng hấp thụ các chất có hại trong nước, giúp cho nước sạch, trong và không có mùi. Loại vật liệu hóa học phổ biến nhất là than hoạt tính.
Bạn không nhất thiết phải sử dụng vật liệu lọc hóa học trong bể cá. Nếu bể cá được chăm sóc tốt, cycle đầy đủ thì nước sẽ sạch, ổn định và không cần phải được xử lý thêm.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn muốn khử mùi hoặc là khử màu trong nước (khi bể nhiễm tannin hoặc là nhiễm màu nước do dùng thuốc) thì bạn có thể cân nhắc dùng loại vật liệu lọc này.
Vật liệu lọc hóa học không thể hoạt động được mãi, bạn cần phải thay mới hoặc xử lý lại mỗi 6 tháng – 1 năm một lần.
1. Than hoạt tính
Than hoạt tính là loại vật liệu lọc hóa học phổ biến nhất. Chúng có thể giúp xử lý tannin, khử mùi nước.
Bạn cần lưu ý là vật liệu lọc hóa học cũng có thể hấp thụ thuốc. Đó là lý do bạn cần phải cho cá ra bể riêng nếu muốn chữa bệnh, hoặc là tạm thời bỏ than hoạt tính ra ngoài.
2. Seachem purigen
Sechem purigen là loại nhựa resin tổng hợp để lọc các loại chất cụ thể ra khỏi nước. Chúng sẽ có công dụng khá giống than hoạt tính nhưng sẽ hấp thụ có chọn lọc hơn.
Kết lại
Để tiết kiệm cũng như là có hiệu quả tốt nhất thì mình đề xuất sử dụng bông lọc làm vật liệu lọc cơ học với mút lọc/ xốp lọc làm vật liệu lọc sinh học. Ngoài ra bạn cũng có thể thử sử dụng vật liệu lọc neo hoặc là k1.
Bạn không cần phải sử dụng đến vật liệu lọc hóa học bởi với bể cá ổn định và có bộ lọc tốt thì sẽ trong, không có mùi và không có độc.
Một bình luận
Khá là bất ngờ:>