Cá ba đuôi là một trong những loại cá cảnh phổ biến nhất. Cá sống khoẻ, có tuổi thọ lâu và là loài cá phù hợp cho cả những người mới nuôi. Nhưng cũng vì vậy mà cá vàng là loài cá bị “ngược đãi” nhiều bởi nhiều người chọn nuôi cá vàng là những người mới nuôi cá, họ vẫn chưa biết rõ về nhu cầu thiết yếu của cá cảnh.
Có thể bạn đã thấy cá vàng được nuôi trong những chậu cá tròn nhỏ đặt trên bàn hoặc là những bể cá bị nuôi nhồi nhét đến mức cá không có đủ không gian để bơi lội.
Đó là lý do mình viết bài này, để giúp mọi người biết thêm được về cá vàng, giúp cho chúng môi trường sống tốt nhất.
Nguồn gốc cá ba đuôi
Cá ba đuôi có nguồn gốc từ cá chép, được nuôi chọn lọc đầu tiên ở Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước.
Người Trung Quốc hồi xưa nuôi cá chép và sinh sản chúng để ăn. Cá chép thường chỉ có màu xám hoặc hơi ánh xanh, sinh sản, đẻ rất nhiều.
Thỉnh thoảng sẽ có vào con cá đột biến với những mảng màu đỏ hoặc là vàng. Khi những người ngư dân bắt được cá chép màu đỏ thì họ sẽ không ăn, thay vì đó, họ thả lại cá vào chùa. Khi đó, các nhà sư sẽ chăm sóc cho cá, giúp cá sống sót, không phải sinh tồn ngoài tự nhiên.
Hành động nuôi cá trong những ao nhân tạo như vậy nhằm mục đích hướng thiện, tự thanh tẩy bản thân, càng tốt hơn nếu đó là loài vật hiếm.
Cá chép khi đó được nuôi chọn lọc trong vòng 300 năm (960-1279) để có thể cho ra được cái loại cá chép màu đỏ hoàn toàn hoặc đỏ trắng, vàng.
Vào năm 1603, Nhật Bản bắt đầu nhập cá chép từ Trung Quốc về. Thay vì nuôi chọn lọc để cá nhỏ, tròn với vây dài hơn, người Nhật chỉ nuôi chọn lọc về màu sắc. Từ đó, dòng cá Koi như chúng ta biết ngày nay ra đời. Để có thể kể hết về lịch sử của cá vàng thì có lẽ phải hết cả bài này mất nên mình chỉ tóm tắt lại như vậy.
Sau hơn 1000 năm chọn lọc thì giờ đây cá vàng đã có hàng trăm loại kiểu người, vây, mắt và màu sắc khác nhau.
Để chăm sóc cho cá vàng thì ta có thể chia cá vàng làm hai loại, một là cá vàng thường, hai là cá vàng fancy.
Cá vàng thường là loại cá vẫn giữ được hầu hết nét của cá ngoài tự nhiên. Chúng có thân hình mảnh, bơi nhanh và có thể có vây ngắn.
Cá vàng fancy là loài cá có người tròn, mắt lồi hơn với bộ vây dài và bơi chậm. Chúng được chọn lọc nhiều nên sẽ dễ mắc các bệnh về bong bóng khí, tiêu hoá hơn vậy nên cũng cần phải được chăm sóc kỹ hơn. Cá ba đuôi có thể được coi là tên gọi chung của các loài cá này.
Ngoại hình của cá ba đuôi
Cá ba đuôi có vô số kiểu hình dáng khác nhau. Tuy vậy, chúng có thể có một số điểm chung nhất định. Cá ba đuôi có thân hình tròn, với đuôi dài xẻ làm hai, tạo thành 3 phần rõ ràng – lý do cho tên gọi.
Cá ba đuôi có nhiều màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là màu cam. Bạn có thể thấy nhiều màu sắc khác như là nâu, đỏ, đen, trắng,…
Một số loại cá ba đuôi có thể có mắt to tròn, lồi với đầu có bướu nhăn phồng lên như là cá ranchu hoặc cá đầu lân.
Tính cách của cá
Cá vàng là loài cá ưa hoạt động, hay tò mò và thông minh hơn bạn nghĩ. Dù mọi người thường ví von “não cá vàng” cho những người hay quên, cho rằng trí nhớ cá vàng chỉ kéo dài vài giây nhưng mà sự thật không phải như vậy.
Cá vàng có thể quen với việc được người cho ăn. Khi đó, chúng sẽ bơi lên mặt nước đòi ăn mỗi khi có người lại gần.
Cá vàng mỗi một con sẽ có loại đồ ăn ưa thích riêng và chúng thậm chỉ có thể nhận dạng được người. Nếu bạn là người thường xuyên cho cá ăn thì cá sẽ đòi ăn nhiều hơn khi bạn đến gần so với những người khác.
Cá vàng thường hiền lành với những con cá cùng loài. Chúng thường thích bơi với nhau quanh bể.
Khi đến thời điểm sinh sản, con đực sẽ hiếu chiến hơn một tẹo. Khi đó con đực sẽ bắt đầu đuổi cá cái quanh bể ép cá cái đẻ trứng. Nếu bạn có quá nhiều cá đực so với cá cái thì chúng có thể bị đuổi quá nhiều, dẫn đến tình trạng cá bị stress. Vậy nên bạn cần để ý kỹ để tách riêng cá ra khi tình trạng này xảy ra.
Cá ba đuôi đực và cá ba đuôi cái
Cá ba đuôi đực và cái sẽ không có nhiều điểm khác biệt. Vậy nên phân biệt giới tính cá ba đuôi có thể sẽ hơi khó khăn.
Cá ba đuôi đực khi trưởng thành sẽ có đốm trắng nhỏ trên vây vây ngực và trên mang.
Đốm trắng này gọi là đốm sinh sản.
Bể nuôi cá ba đuôi
Đây là yếu bạn cần để ý nếu muốn nuôi cá ba đuôi khoẻ mạnh. Cá vàng ba đuôi là loài cá lớn vậy nên bạn không thể nuôi chúng trong những chậu tròn nhỏ với sủi oxy được.
Một con cá ba đuôi cần bể từ 60 lít nước trở lên. Tức là nếu bạn nuôi 2 con cá thì bạn cần phải có bể 120 lít.
Bể nuôi cá ba đuôi cần có lọc tốt và được thay nước thường xuyên. Lý do là bởi đây là loài cá ăn nhiều, thải nhiều. Nếu bạn không thay nước thường xuyên thì phân cá và thức ăn thừa sẽ giải phóng ammonia, làm tích tụ các chất độc trong bể.
Kể cả khi bể nhìn trong thì nước vẫn sẽ bị độc, nuôi lâu thì cá sẽ bị yếu dần, stress và có thể chết.
Bạn nên thay khoảng 30% lượng nước bể mỗi tuần khi nuôi cá vàng.
Thông số nước nuôi cá vàng ba đuôi
Cá ba đuôi là loài cá thích nước mát. Nhiệt độ tối ưu để nuôi cá là vào khoảng 20-23 độ C. Độ pH không quan trọng lắm, nhưng bạn vẫn nên giữ ở trong mức khoảng 6-8.4. Điều quan trọng trong nuôi cá ba đuôi là giữ cho thông số nước ổn định.
Thay đổi nhiệt độ hoặc là thông số có thể dễ dàng khiến cho cá ba đuôi bị stress và có thể giết cá.
Cho gì vào bể nuôi cá vàng?
Hầu hết cá ba đuôi đều bơi kém. Lý do là bởi chúng có bộ vây dài cồng kềnh, cộng với thân hình tròn do được nuôi chọn lọc trong khoảng thời gian dài. Vậy nên bạn cần tránh cho những vật có cạnh nhọn vào bể như là đồ trang trí hoặc là đá.
Cá vàng có thể ăn được hầu hết tất cả mọi loài cây thủy sinh khi chúng đói. Vậy nên nếu bạn muốn trồng cây thì hãy trồng những loại cây là cứng như là dương xỉ hoặc ráy, bạn cũng có thể trồng những cây có bộ rễ chắc như là tiêu thảo, cỏ thìa,..
Nếu bạn có sử dụng nền để nuôi cá (mình không khuyến khích lắm) thì bạn nên sử dụng cát hoặc sỏi nhỏ thay vì nền sỏi lớn hoặc đá.
Cá vàng thích đào bới nền, nếu bạn sử dụng nền sỏi lớn thì sẽ có khả năng sỏi bị mắc lại ở trong miệng cá, khiến chúng ngộp thở và chết. Nền cát cũng dễ hút cặn, làm sạch hơn.
Cá nuôi chung với cá ba đuôi
Để nuôi được với cá ba đuôi thì cá phải có đủ các yếu tố sau:
- Cá hiền lành – Cá ba đuôi là loài cá hiền lành vậy nên chúng cũng cần phải có bạn cùng bể có tính cách tương tự. Nếu nuôi chung với các loài cá quá dữ thì cá vàng sẽ liên tục bị bắt nạt, bị stress hoặc thậm chí là chết.
- Cá đủ to để không bị ăn – Cá ba đuôi là loài cá có kích thước trung bình – to. Giống như mọi loài cá khác, cá vàng có thể ăn được bất kì con cá nào vừa miệng chúng. Đó là lý do bạn nên tránh nuôi cá vàng ba đuôi chung với các loài cá quá bé.
Dưới đây là danh sách các loài cá bạn có thể nuôi chung với cá ba đuôi trong bể của bạn:
- Các loại cá vàng khác
- Cá kim tơ vàng
- Cá pleco
- Cá tỳ bà bướm
- Cá hồng cam
Xem thêm: Các loài cá nuôi chung với cá ba đuôi
Cho cá vàng ăn gì?
Cho cá vàng ăn đúng loại thức ăn và đúng lượng thức ăn cần thiết là cách để chúng luôn mạnh khỏe. Cá vàng là loài ăn tạp, chúng có thể ăn hầu hết tất cả mọi thứ cho vào bể. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là bạn nên cho chúng ăn không kiểm soát. Một số loại thức ăn nếu bạn cho cá vàng ăn quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cá về lâu dài.
Để nuôi cá vàng thì bạn cần phải cho chúng ăn chế độ ăn đa dạng. Khẩu phần ăn của cá nên bao gồm các loại thức ăn khô cho cá, rau củ quả cắt nhỏ và đồ ăn tươi sống/ đông lạnh.
Thức ăn chính cho cá có thể là các loại thức ăn khô truyền thống như cám cho cá. Loại đồ ăn tốt nên chứa 40% protein, 44% carb, 10% chất béo và 6% khoáng và các chất khác. Bạn có thể sử dụng cám thái nếu bạn bể của bạn có cả cá nhỏ hoặc cám chuyên dụng cho cá vàng.
Xem thêm: Cách cho cá vàng ăn đúng nhất
Cho cá vàng ăn ít luôn tốt hơn là cho cá ăn nhiều. Bởi trải qua quá trình nuôi chọn lọc quá dài nên cá đã bị biến đổi nhiều so với cá chép ngoài tự nhiên. Các loại cá vàng bơi chậm sẽ không có dạ dày, vậy nên chúng sẽ dễ bị phình bụng nếu bạn cho cá ăn quá nhiều.
Bạn cần cho chúng ăn hai lần một ngày với số lượng thức ăn đủ ăn hết dưới 3 phút.
Nuôi cá vàng sinh sản
Nuôi cá vàng sinh sản là việc khó khăn, bạn cần phải chuẩn bị nhiều dụng cụ cũng như bể đủ to để có thể nuôi được cá vàng con. Nếu bạn định nuôi cá ba đuôi sinh sản thì bạn phải chuẩn bị tinh thần thay nước cho cá vàng rất nhiều và sẵn sàng loại bỏ phần lớn cá con bị yếu, dị tật và chỉ chọn cá con khỏe bởi bạn khó có thể nuôi hết được chúng.
Khi để ý cá trong bể sinh sản đã đẻ trứng, bạn cần phải rời trứng khỏi cá bố mẹ nhanh nếu không muốn trứng bị ăn mất. Bạn có thể thêm xơ dừa, len, lưới, sỏi dưới đáy nền để giúp bảo vệ cho trứng.
Để bảo vệ cho trứng không bị nấm bạn có thể sử dụng xanh methylen.
Khi cá con vẫn còn nhỏ, bạn nên nuôi chúng trong bể nông, rộng với sủi. Trong 1-2 ngày đầu, cá con mới nở vẫn sẽ tiếp tục hấp thụ dinh dưỡng từ noãn hoàng nên sẽ không cần được cho ăn. Nếu bạn cho cá ăn vào thời gian này thì sẽ có thể dễ dàng làm bẩn nước.
Bạn có thể sử dụng lòng đỏ trứng để cho cá con ăn, cho đến khi chúng đủ lớn để ăn các loại thức ăn khác.
Bạn nên nuôi cá trong bể nông cho đến khi chúng không còn nằm dưới đáy nữa, để cá có thể phát triển vây bơi tốt hơn. Sau đó bạn có thể di dời cá sang bể to hơn.
Xem thêm: Cách chăm sóc và nuôi cá ranchu bột nhanh lớn.