Cá nóc da beo là loài cá săn mồi có ngoại hình thú vị và tính cách cũng đặc biệt không kém. Chúng là loài cá dữ, bạn chỉ nên nuôi nếu có thể cho chúng bể đủ to và dành thời gian để tìm hiểu trước khi nuôi chung cá nóc da beo với các loài cá khác.
Trong bài viết này mình sẽ nói cho bạn biết mọi điều bạn cần biết nếu bạn muốn nuôi loài cá này.
Về cá nóc da beo
Mức độ chăm sóc | Trung bình |
Tính cách | Dữ |
Màu sắc | Đen, trắng, xanh lá |
Tuổi thọ | 20 năm trong nước lợ, 6-8 năm trong nước ngọt |
Kích thước | 15 cm |
Chế độ ăn | Thịt |
Tên khoa học | Tetraodon Nigroviridis |
Kích thước bể tối thiểu | 60 lít |
Bể nuôi | Có nhiều chỗ trốn, tốt nhất là nước lợ |
Cá nóc da beo có tên khoa học là Tetraodon Nigroviridis.
Loài cá này khá đặc biệt và cũng cần phải có chế độ chăm sóc phù hợp tương ứng. Cá nóc da beo được phát hiện lần đầu vào năm 1822. Chúng có thể được tìm thấy ở Châu Phi, Châu Á, từ Sri Lanka cho đến phía Bắc Trung Quốc.
Ngoài tự nhiên, cá nóc da beo sống ở các khu vực sông, rừng đước, ở cả khu vực nước ngọt cũng như là nước lợ.
Hiện nay loài cá này cũng có thể được tìm thấy tại Ấn Độ và Philipin.
Chúng có thể sống thành đàn hoặc sống đơn lẻ ngoài tự nhiên. Thực đơn chính của loài cá này là các loài ốc, động vật giáp xác và có thể là các loài cá nhỏ khác.
Ngoại hình cá nóc da beo
Cá có thân hình tròn với gai nhọn nhỏ. Cá có bộ mặt điển hình của cá nóc, với miệng nhỏ, mắt to lồi nhìn khá buồn cười và đỉnh đầu rộng.
Chúng có thân hình màu xanh kèm với những đốm đen trên thân nhìn giống như họa tiết da báo. Cá nóc da đen trưởng thành có màu xanh ô liu tươi với đốm nâu đen và bụng trắng. Cá nóc dao beo chưa trưởng thành sẽ có màu xanh ít tươi hơn.
Cá có bộ hàm khỏe và bộ răng lớn với 4 chiếc răng cửa được dùng để nghiền thức ăn. Chúng có thể dễ dàng nghiền nát được vỏ ốc cũng như vỏ của các loài giáp xác khác.
Cá nóc da beo không có vây bụng. Tuy nhiên, chúng là loài cá bơi giỏi, có thể tự do bơi xuôi, ngược và đứng im nhờ vào vây ngực khỏe.
Cá nóc da beo có thể tự phồng to bằng cách hút nước vào người. Đây là cơ chế tự vệ của cá nóc nhằm cảnh cáo kẻ thù.
Tuổi thọ
Nếu được chăm sóc tốt thì cá nóc da beo có thể sống tới 20 năm. Tuy nhiên, đó là trong điều kiện lý tưởng. Tuổi thọ của cá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, có thể kể đến là chất lượng nước và chế độ ăn.
Nước sạch cộng với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ có thể gia tăng tuổi thọ của cá nóc đáng kể.
Một điều khác bạn cần lưu ý là khi còn nhỏ, cá nóc da beo có thể sống trong nước ngọt. Tuy nhiên, khi trưởng thành thì chúng sẽ thích nước lợ hơn. Bạn vẫn có thể nuôi chúng trong nước ngọt nhưng cá sẽ không sống lâu bằng. Tuổi thọ của cá trong môi trường nước ngọt là vào khoảng 6-8 năm.
Tính cách
Cá nóc da beo là loài cá thú vị, chúng có thể có tính cách riêng tùy vào mỗi con. Nhìn chung thì chúng là loài cá dữ, có xu hướng rỉa vây các loài cá khác. Vậy nên bạn chỉ nên nuôi cá một mình.
Nếu bạn định nuôi chung cá nóc da beo bới các loài khác thì bạn cần phải nuôi chúng với các loài cá lớn và hiền lành khác. Bởi vì kích thước của cá nóc da beo khá lớn (có thể đạt đến 15cm khi trưởng thành) vậy nên mình nghĩ bạn cần phải cực kì cẩn thận khi chọn loài cá nuôi cùng.
Trường hợp loài cá cứ biến mất dần khi nuôi chung với cá nóc không phải là hiếm.
Cách chăm sóc cho cá nóc da beo
Để chăm sóc tốt cho cá nóc da beo thì bạn cần phải lưu ý một số điểm sau:
Kích thước bể và môi trường nuôi
Để nuôi được cá nóc thì bạn cần phải có bể có kích thước tối thiểu vào khoảng 60 lít. Nếu bạn muốn nuôi thêm loài cá khác thì bạn cần phải nuôi chúng trong bể có kích thước vào khoảng 150 lít.
Khi nuôi cá nóc da beo với loài khác thì bể cũng nên có nhiều cây thủy sinh, lũa, đá, hang để thu hút bớt sự chú ý của cá nóc và đồng thời cung cấp chỗ trốn cho loài cá khác.
Cá nóc cũng là loài cá nhảy giỏi. Ngoài tự nhiên, khi vào mùa mưa, chúng có thể nhảy từ khu vực nước này sang khu vực nước khác để kiếm ăn hoặc tìm đường quay lại sông.
Nếu có thể thì bạn hãy nuôi cá trong bể nước lợ. Bởi dù có thể sống được trong nước ngọt, chúng vẫn thích nước lợ hơn.
Độ mặn lý tưởng để nuôi cá là vào khoảng 1.018-1.022 tức là mỗi lít nước thì bạn pha khoảng 18-22g muối pha nước biển chuyên dụng. Bạn không được sử dụng muối ăn i ốt hoặc các loại muối ăn đã qua xử lý để pha nước nuôi cá.
Khi nuôi, nước sẽ bị bốc hơi bớt, bạn cần phải bổ sung thêm nước định kì bằng nước lọc RO.
Thông số nước
Nước | Chảy chậm, mềm, giàu oxy |
Nhiệt độ | 23–28°C |
Độ pH | 7.5 – 8.5 |
Độ cứng | 9-19 dGH |
Lọc | Cá nóc da beo nhạy cảm với chất lượng nước vậy nên bạn cần phải chọn bộ lọc đủ lớn cho bể |
Sủi oxy | Không cần thiết nếu bể cá đủ lớn |
Cá nóc da beo khá nhạy cảm với ammonia và nitrite, vậy nên bạn cần phải thay nước định kì, tối thiểu là 10-15% lượng nước bể mỗi tuần.
Chúng thích pH cao, vào khoảng 8. Để bể có thể có độ pH cao thì bạn có thể thêm vỏ sò hoặc san hô nghiền vào trong bể.
Nóc da beo là loài cá ăn nhiều và chúng cũng ăn rất bừa. Vậy nên bể nuôi cần phải có bộ lọc đủ lớn, đủ để lọc toàn bộ nước bể khoảng 6 lần mỗi tiếng. Với bể trên 60cm thì bạn có thể sử dụng lọc thùng.
Các loại bệnh phổ biến
Cá nóc da beo cũng như các loại nóc khác không có nắp mang và vảy, vậy nên chúng sẽ dễ bị một số loại bệnh về da hơn. Một loại bệnh phổ biến cá nóc hay mắc phải là nấm trắng.
Khi bị nấm trắng, trên người cá sẽ xuất hiện các hạt trắng nhỏ li ti như hạt muối. Chúng cũng có thể có biểu hiện cọ người vào các đồ vật quanh bể.
Bạn có thể chữa nấm trắng cho cá nóc bằng cách tắm muối cho cá hoặc sử dụng xanh methylen.
Một vấn đề khác cũng hay xảy ra là về răng cá. Giống như răng chuột vậy, răng của cá nóc sẽ mọc dài ra liên tục nếu chúng không được liên tục mài và cắt bớt. Khi răng của chúng mọc quá dài, cá sẽ gặp vấn đề về ăn uống và có thể sẽ không ăn được thức ăn nữa.
Vậy nên bạn cần phải thường xuyên cho chúng ăn ốc, sò hoặc các loại thức ăn có vỏ cứng khác để mài bớt răng của cá.
Kể cả khi bạn cho chúng ăn chế độ ăn tốt, răng cá cũng vẫn có thể mọc dài. Trong trường hợp này thì bạn cần phải cắt răng của cá một cách thủ công.
Bạn có thể tham khảo cách cắt răng của cá trong video này.
Cá nóc da beo ăn gì?
Cá nóc da beo là loài cá săn mồi và cần phải được cho ăn chế độ ăn giàu thịt. Ngoài tự nhiên, khẩu phần ăn tự nhiên của chúng là các loài giác xác, ốc, sò,… Ngoài ra, thỉnh thoảng cá nóc vẫn ăn một ít thực vật.
Bạn sẽ ít khi gặp khó khăn khi tìm thức ăn cho cá nóc. Chúng sẽ ăn được khá nhiều thứ, bao gồm đồ ăn đông lạnh như là trùn chỉ, tôm, hàu, hến, chân, càng cua… Hoặc bạn cũng có thể cho chúng đồ ăn tươi sống như là ốc, trùn chỉ, trùn trắng,..
Bạn nên cho chúng thức ăn có vỏ cứng hàng ngày để cá có thể mài răng. Tránh tình trạng răng mọc quá dài, khiến cá không thể ăn được thức ăn khác.
Bạn nên cho cá ăn hai lần một ngày với lượng thức ăn nhỏ. Bạn cần tránh cho cá ăn quá nhiều bởi chúng sẽ không thể kiểm soát bản thân và có thể ăn no đến chết.
Nuôi cá nóc da beo chung với cá gì?
Vấn đề này thực sự khá đau đầu bởi đi kèm với tích cách thú vị thì cá nóc da beo là loài cá dữ. Chúng sẽ tấn công các loài cá khác, thậm chí chúng sẽ tấn công và rỉa vây bạn cùng bể chỉ bởi vì chúng tò mò.
Bất kì loài nào cùng bể với cá, dù là cá, ốc, tôm hay tép cũng sẽ bị thịt.
Một số người nghĩ nuôi chung chúng với các con cùng loài thì sẽ đỡ hơn. Tuy nhiên, sự thật thì không phải lúc nào cũng như vậy. Chúng có thể sẽ hòa thuận với nhau trong thời gian đầu trước khi ăn thịt lẫn nhau.
Bạn nên nuôi chung cá nóc với các loài cá lớn, hiền và bạn không ngại để cá bị cá nóc thịt. Các loài cá đó có thể kể đến là:
- Cá bình tích
- Cá pleco/cá lau kiếng
- Cá cầu vồng
Nuôi cá nóc da beo sinh sản
Nuôi loài cá này sinh sản khá là khó. Hiếm có người nuôi nghiệp dư nào có thể nuôi loài cá này sinh sản thành công tại bể ở nhà. Để phân biệt giới tính đực cái của cá nóc da beo thì cũng sẽ khó không kém. Cá nóc đực và cái sẽ gần như không có điểm khác nhau gì cả.
Khi đến thời điểm sinh sản thì cá cái sẽ đẻ khoảng 200 trứng lên bề mặt phẳng. Trong thời gian đó chúng cũng sẽ canh trứng rất kỹ, thường là cá đực sẽ thực hiện nhiệm vụ này.
Nếu bạn may mắn có một cặp đực cái thì chúng vẫn có thể sinh sản miễn là môi trường bể giống với môi trường ngoài tự nhiên của chúng.
Tỉ lệ sống sót của cá con sẽ cực thấp. Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thì khả năng cao là toàn bộ đàn cá con sẽ chết.
Sau khi trứng được đẻ thì chúng sẽ được canh gác bởi cá đực và sẽ nở khoảng một tuần sau đó. Cá con mới nở có thể được cho ăn artemia ấp nở cho đến khi đủ lớn để có thể ăn được ốc sên nhỏ.
Cá nóc da beo có ăn cám được không?
Cá nóc da beo đôi khi có thể từ chối không ăn cám, tuy nhiên bạn vẫn có thể huấn luyện chúng ăn. Dù chúng ăn được cám nhưng bạn không nên cho chúng ăn cám quá thường xuyên bởi chúng là loài săn mồi, cần phải được ăn các loại mồi vỏ cứng để đảm bảo sức khỏe.
Cá nóc da beo có độc không?
Cá nóc da beo và nhiều loài cá nóc khác đều có độc. Tuy nhiên, bạn chỉ bị nhiễm độc khi ăn cá mà thôi. Mặc dù cá có độc trên da và trong nội tạng, gai của chúng sẽ không có độc.
Kết lại: bạn có nên nuôi cá nóc da beo không?
Như đã đọc bên trên, bạn có thể thấy nuôi cá nóc da beo không phải là việc đơn giản. Bạn cần phải bỏ kha khá công sức để có thể cho chúng môi trường chúng cần và cho chúng thức ăn phù hợp. Vậy nên loài cá này sẽ không phù hợp cho những người mới nuôi.
Nếu bạn đã có kinh nghiệm nuôi cá, muốn tìm kiếm thử thách và muốn nuôi loài cá thông minh với tích cách thú vị thì cá nóc da beo sẽ là lựa chọn tốt.