aquasetup

Tổng quan về vật liệu lọc purigen: liệu có thực sự “ma thuật”?

Mục lục

Cách dùng purigen

Có nhiều cách khác nhau để bạn có thể làm trong nước bể cá. Ngoài một số cách đơn giản như là sử dụng bộ lọc tốt với bông lọc mịn thì bạn có thể đi xa hơn nữa bằng cách sử dụng một số loại thuốc làm trong nước, hoặc là dùng seachem purigen. 

Nhưng mà giá thành của loại vật liệu lọc này không hề rẻ. Ngoài ra cách hoạt động của loại vật liệu lọc này không được mô tả rõ. Bài viết này sẽ tìm hiểu liệu chúng có thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không.

Cách dùng purigen
Mô tả về purigen trên nhiều trang bán hàng

Một số trang mạng có mô tả chúng là vật liệu lọc thần kì với những thuật ngữ khó hiểu và chung chung. Với phần mô tả sản phẩm nghe như là được viết bởi đội marketing thay vì viết dựa trên nghiên cứu thực sự. 

Theo mình thì tác dụng lớn nhất của purigen đó chính là khử màu, khử mùi nước. Ngoài ra chúng cũng sẽ có thể giúp xử lý một phần nhỏ chất thải hữu cơ trong nước (tuy nhiên sẽ không hề đáng kể). Và chúng cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình làm trong nước. 

Công dụng của chúng sẽ khá giống so với vật liệu lọc than hoạt tính. Mỗi loại sẽ có một ưu và nhược điểm riêng mình sẽ nhắc đến thêm trong bài viết này. 

Seachem purigen là gì?

Cách dùng purigen

Không giống với mô tả bên trên, purigen vẫn là một loại chất hấp thụ, trao đổi ion mà thôi (Purelite a502ps). Chỉ khác là chúng sẽ hấp thụ có chọn lọc. 

Purigen là loại vật liệu lọc làm bằng nhựa resin, được tổng hợp bằng các chất và có cấu trúc đặc biệt để có thể bắt được những chất cụ thể thông qua trao đổi ion ( tức là các hạt nhỏ mang điện tích) và thông qua hấp thụ (bắt dính các chất không mang điện tích khác). 

Có nhiều loại nhựa hấp thụ trao đổi ion khác nhau. Một số loại nhựa có thể bắt và giữ các ion dương gọi là cation, trong khi những loại nhựa khác lại có thể bắt và giữ các ion âm gọi là anion.

Chính nhờ chức năng năng này mà Purigen có thể xử lý được các chất hữu cơ nhỏ hòa tan trong nước.

Công dụng chính của purigen là gì?

1. Khử mùi và tannin

Nhờ vào cấu trúc và thành phần đặc biệt, purigen sẽ có khả năng khử mùi của nước (trong đa số trường hợp) và xử lý tannin trong nước. 

Tannin là hợp chất làm vàng nước, thường được tạo ra từ lũa và lá khô ngâm trong bể. Tuy không gây hại cho bể nhưng mà đôi khi có thể khiến bể bị đổi màu và nhìn không đẹp. 

2. KHÔNG làm giảm được ammonia, nitrate, nitrite

Về công dụng hấp thụ các loại chất thải sinh học hòa tan trong nước thì chúng sẽ gần như không có ảnh hưởng đến mức chất thải chung. Lý do là bởi purigen chỉ có thể hút và giữ được một số loại chất thải hòa tan nhất định. 

Và chúng sẽ hấp thụ chất thải bằng cách hút các chất đó vào bề mặt của viên nhựa lọc.(Lực Van der Waals) . 

Vậy nên vi khuẩn có trong nước hoàn toàn có thể tiếp cận đến các phân tử hữu cơ đó và phân hủy chất hữu cơ thành ammonia. 

Trong bài viết này cũng đã thử nghiệm hiệu quả của purigen trong việc xử lý chất thải hữu cơ, từ đó làm giảm nitrate trong bể. 

Kết quả là sau 16 tuần lượng nitrate không khác gì so với bể không sử dụng purigen cả. 

3. Làm trong nước (tùy trường hợp)

Đúng là purigen có thể có công dụng làm trong nước bằng cách loại bỏ bớt các loại cặn hữu cơ hòa tan và không hòa tan trong nước. 

Đôi khi bạn cho cá ăn quá nhiều hoặc là nuôi quá nhiều cá, chất thải hữu cơ sẽ bị tích tụ trong bể, sau đó có thể khiến bể bị đục. 

Tình trạng chất thải hữu cơ tích tụ trong bể cũng có thể khiến bể bùng nổ vi khuẩn để cân bằng lại lượng chất hữu cơ dư thừa đó. 

Bùng nổ vi khuẩn là khi vi khuẩn trong nước sinh sôi nhanh và trôi nổi tự do nhiều trong nước đến nỗi bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vật liệu lọc purigen có thể giúp làm trong nước bằng cách thu gom các loại chất thải hữu cơ trôi nổi trong nước để gom chúng lại vào bên trong lọc. 

Các loại vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ từ đó cũng sẽ chết bớt khi chất hữu cơ ít đi và đồng thời cũng sẽ bắt đầu tập trung lại vào bên trong lọc hơn. (từ đó tạo ra các đám chất nhờn màu nâu bạn thường thấy trong lọc. Chúng là tập hợp của các loại vi khuẩn, nấm, … góp phần vào ổn định hệ sinh thái bể). 

Tuy nhiên, theo mình thì vật liệu lọc purigen chỉ đẩy nhanh quá trình này hơn mà thôi. Đối với một bể cá với hệ thống lọc tốt thì cặn hữu cơ và vi khuẩn bùng phát sẽ biến mất khi bể ổn định. 

Ngoài ra, nhiều khi bể cũng bị đục do các loại bụi vô cơ khác trôi nổi trong nước. Trong trường hợp này thì purigen cũng không thể giải quyết được. Cách tốt hơn là sử dụng vật liệu lọc bông mịn để có thể lọc được các loại cặn này. Bông lọc mịn cũng có thể xử lý được chất thải hữu cơ. 

Vậy nên trước khi bạn sử dụng vật liệu lọc purigen để làm trong nước thì bạn hãy thử xử dụng bông lọc trước xem. 

Theo kinh nghiệm của mình thì đa số trường hợp bể bị đục sẽ giải quyết được khi bạn dùng loại vật liệu lọc này. 

Purigen và than hoạt tính

Vậy nên khi điểm qua các công dụng trên thì ta có thể thấy purigen cũng có chức năng không khác gì mấy so với than hoạt tính cả. 

Bởi vì cả hai đều là vật liệu lọc hóa học nên đều có công dụng lọc tạp chất có trong nước. Than hoạt tính sẽ hấp thụ các chất hóa học bằng cơ chế hấp thụ thay vì trao đổi ion. Than hoạt tính sẽ hấp thụ nhiều chất hơn thay vì hấp thụ có chọn lọc như là purigen. 

Dưới là cụ thể hơn về điểm khác biệt giữa hai loại vật liệu lọc này: 

Purigen

  • Có thể được tái sử dụng và sử dụng được lâu hơn
  • Khả năng hấp thụ chất thải sinh học thấp hơn so với than hoạt tính
  • Không hấp thụ nước
  • Chuyển màu nâu đậm khi đã đạt giới hạn hấp thụ
  • Giá thành đắt hơn

Than hoạt tính

  • Hấp thụ chất thải sinh học cộng với thuốc
  • Không thể tái sử dụng
  • Thời hạn sử dụng ngắn hơn
  • Không có dấu hiệu gì khi đã đạt giới hạn hấp thụ

Theo báo cáo này cho thấy than hoạt tính có khả năng hấp thụ các chất thải sinh học hòa tan trong nước tốt hơn nhiều so với purigen. Tuy nhiên, purigen sẽ có khả năng hấp thụ một số loại chất thải khác tốt hơn, như là humic (các chất tạo ra từ cây và động vật phân hủy). 

Giá thành của purigen khá là đắt tuy nhiên bạn có thể tái tạo lại khả năng hấp thụ cặn bẩn bằng cách tẩy purigen trong chất tẩy. 

Giá thành của than hoạt tính sẽ rẻ hơn tuy nhiên chúng sẽ không thể tái tạo lại được. 

Vậy nên tùy vào nhu cầu mà bạn nên chọn loại vật liệu lọc phù hợp hơn. 

Cách sử dụng vật liệu lọc purigen

Theo như nhà sản xuất thì bạn nên sử dụng 100ml vật liệu purigen cho 400 lít nước bể. Tuy nhiên không hề có giới hạn sử dụng vật liệu lọc. Vậy nên bạn nên sử dụng nhiều hơn, tầm khoảng 100ml purigen cho 100 lít nước. 

Sử dụng nhiều như vậy sẽ giúp chúng có thể xử lý nước được lâu hơn, đỡ cần phải thay quá thường xuyên. 

Cách làm mới vật liệu purigen

Khi sử dụng một thời gian dài, purigen sẽ hấp thụ đầy chất thải sinh học và chúng sẽ dần dần chuyển sang màu nâu đậm hoặc đen. Khi đó bạn cần làm mới lại purigen bằng một số bước đơn giản:

  • Kiếm một chậu nông
  • Đổ đầy dung dịch nước và thuốc tẩy clo (nồng độ 8.25%, bạn có thể sử dụng javen hoặc các loại nước tẩy clo khác, bạn nên tránh sử dụng các loại nước tẩy được thêm mùi). Tỉ lệ nước và thuốc tẩy là 50:50. Lượng dung dịch đủ để ngâm ngập túi purigen
  • Lấy túi ra và đặt vào trong chậu nước. Bạn có thể đặt cả túi vào cũng được. 
  • Để túi trong chậu trong khoảng 24 tiếng. Thỉnh thoảng bạn có thể đảo và lật một tẹo. 
  • Rửa sạch lại purigen bằng nước sạch để rửa trôi thuốc tẩy. Bạn cần rửa cho đến khi mùi thuốc tẩy bay hết. Nếu muốn chắc hơn thì bạn có thể mua các loại dung dịch khử clo và ngâm cho purigen. 
  • Đặt lại purigen vào trong lọc. 

Kết lại: Bạn có nên sử dụng vật liệu lọc purigen không?

Như đã phân tích bên trên, công dụng lớn nhất của purigen là tẩy mùi, tẩy màu nước. Chúng cũng có thể xử lý được chất thải hữu cơ và đẩy nhanh quá trình làm trong nước. Tuy nhiên, mình không đánh giá cao công dụng này lắm vì bạn hoàn toàn vẫn có thể làm được vậy với bộ lọc tốt với bông lọc mịn. 

Purigen sẽ không lọc thuốc vậy nên bạn có thể yên tâm sử dụng các loại thuốc như bio knock hoặc xanh methylen khi bể có sử dụng purigen.  Nếu bể của bạn sử dụng than hoạt tính thì bạn cần phải nhấc chúng ra ngoài khi điều trị cho bể. 

Nếu bể của bạn chỉ có vấn đề về mùi và màu nước thì bạn nên sử dụng purigen. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm trong nước thì bạn nên cân nhắc một số biện pháp khác trong bài viết này. 

Hoặc nếu bạn muốn giảm ammonia trong bể thì bạn cần phải sử dụng bộ lọc lớn với vật liệu lọc sinh học đầy đủ hơn. 

Xem thêm về quá trình cycle cho bể. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *