aquasetup

Cách tính ánh sáng cho bể thủy sinh

Mục lục

Ánh sáng đúng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một bể thủy sinh khỏe mạnh. 

Khi mới làm bể bạn sẽ có thể bị ngợp trước cả tấn câu hỏi như là nên dùng loại đèn nào? Quang phổ nào tốt? Nên mở đèn trong bao lâu? 

Có nhiều thứ phải xét đến nếu muốn trả lời câu hỏi này. Lý do là bởi có nhiều loại đèn thủy sinh và mỗi loại bể sẽ có nhu cầu ánh sáng khác nhau. 

Nhưng trước khi bạn muốn tìm hiểu thì mình muốn nói trước rằng những lý thuyết trong này đương nhiên là chỉ… mang tính lý thuyết :D. Mục đích của việc tính ánh sáng cho bể là để lựa chọn loại đèn tốt nhất cho bể thủy sinh. Tuy nhiên với đa số các loại đèn thủy sinh tầm trung hoặc cao thì đều có chế độ điều chỉnh cường độ sáng. 

Vậy nên với một chiếc đèn thủy sinh tốt bạn có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của các bể thủy sinh rồi. Bạn chỉ cần nhớ thời gian chiếu sáng cho bể là tầm khoảng 8 – 10 tiếng một ngày tùy vào mật độ cây thủy sinh trong bể với những bể đã ổn định. Với những bể mới làm thì bạn chỉ nên chiếu sáng khoảng 6 tiếng một ngày hoặc ít hơn. 

Còn về cường độ sáng thì bạn cần phải thử nghiệm và điều chỉnh. Bởi không có công thức nào có thể giúp bạn lựa chọn được ánh sáng hoàn hảo trong bể được. 

Phần lớn người chơi bể thủy sinh không biết nhiều về các thông số như là PAR, lumen hay watt/ lít mà họ vẫn có thể trồng được bể thủy sinh căng tràn, khỏe mạnh.

Tuy nhiên, biết thêm về ánh sáng thì không có hại gì mà đúng không? Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về đèn và có thể nâng tầm thêm cho bể thủy sinh của mình nữa. 

Bài viết này là tổng hợp những gì bạn cần biết khi mới bắt đầu tìm hiểu về ánh sáng cho đèn thủy sinh. 

Dưới là các yếu tố bạn cần xét đến khi muốn tính ánh sáng cho bể thủy sinh.

Độ lớn của bể thủy sinh

Độ lớn của bể sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu ánh sáng và cách bạn chiếu sáng cho bể. Bể càng sâu thì ánh sáng cho bể càng cần phải mạnh hơn. 

Đèn thủy sinh của bạn cũng phải đủ lớn để có thể phủ sáng hết toàn bộ bể. Thông thường bạn cần sử dụng đèn có độ dài tương đương với độ dài của bể. Hoặc đèn có thể ngắn hơn một tẹo nhưng không ngắn hơn quá nhiều. 

Trong trường hợp chiều rộng của bể quá lớn thì bạn còn phải cần lắp song song thêm một chiếc đèn thủy sinh nữa. 

Về loại đèn thủy sinh

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại đèn khác nhau. Nhiều đến nỗi đôi khi có thể khiến bạn bị ngợp. Dù vậy, bạn vẫn nên cố tìm hiểu trước về các loại đèn để có thể đưa ra lựa chọn thông minh, tiết kiệm nhất. 

Hiện nay trên thị trường, đèn thủy sinh chủ yếu sẽ là đèn led, một số ít là đèn huỳnh quang nhưng đèn huỳnh quang đang dần ít đi nhiều. Dưới là đặc điểm của mỗi loại:

Đèn huỳnh quang

  • Dễ thay thế bóng
  • Rẻ
  • Không tạo quá nhiều nhiệt
  • Có thể chuyển hóa 40-60% năng lượng thành ánh sáng

Đèn LED

  • Tiết kiệm năng lượng
  • Tạo ít nhiệt hơn
  • Tuổi thọ cao
  • Phủ sáng đều
  • Tốt nhất cho bể thủy sinh

Vậy nên có thể thấy đèn LED là lựa chọn tốt nhất dành cho bể thủy sinh. Với cùng công suất tiêu thụ thì đèn LED có thể tạo ra nhiều ánh sáng hơn. Vậy nên công thức tính ánh sáng cho bể trong bài viết này mình sẽ áp dụng cho đèn LED thay vì đèn huỳnh quang. 

Việc quan trọng của thời gian chiếu sáng ổn định

Để cây cối sống khỏe thì bạn phải mô phỏng lại được ánh sáng mặt trời ở khu vực sống tự nhiên của chúng. Đương nhiên là không có khu vực tự nhiên nào có thời gian chiếu sáng bất thường như là bật đèn cả ngày hoặc có hôm không bật cả. 

Việc bật tắt đèn đúng thời gian không chỉ giúp cây thủy sinh mà còn giúp ổn định đồng hồ sinh học của cá. 

Vậy nên bạn cần phải có một chiếc đèn có chế độ hẹn giờ hoặc bạn cũng có thể sắm một chiếc ổ cắm hẹn giờ cho bể. Thông thường thì đèn chỉ cần chiếu sáng cho bể khoảng 8 tiếng một ngày là đủ. Nếu bạn chiếu sáng cho bể lâu hơn thì có thể sẽ khiến bể bị rêu hại hoặc cây thủy sinh bị cháy sáng. 

Nếu bể mới làm thì bạn chỉ nên hạn chế thời gian chiếu sáng xuống còn 4-6 tiếng một ngày. 

Bạn cần phải cân bằng giữa ánh sáng, CO2 và dưỡng trong bể. Nếu bể nhiều CO2 và dưỡng, bạn có thể chiếu sáng nhiều để cây có thể hấp thụ hết và phát triển. Nếu bể ít dưỡng, ít CO2 thì ngược lại, bạn cần phải hạn chế thời gian sáng. 

Tính cường độ sáng cho bể

Câu hỏi nhiều người đặt ra là “Làm thế nào để tính ánh sáng cho bể thủy sinh”. 

Không có công thức cụ thể để tính ánh sáng cho bể thủy sinh. Lượng ánh sáng tối ưu còn phụ thuộc vào hình dáng bể, loại đèn cũng như là mật độ cây cũng như là loại cây thủy sinh trong bể. 

Tuy vậy, bạn vẫn có thể làm theo hướng dẫn chung là:

Thông thường thì công thức phổ biến nhất là tính wat/ lít để ước chừng công suất/ cường độ đèn phù hợp cho bể. Tuy nhiên, đây là công thức sử dụng cho bóng đèn huỳnh quang (bóng T5, T8) và không có độ chính xác cao khi sử dụng cho đèn led. 

Với đèn led thì với cùng mức công suất đó thì chúng có thể cho ra ánh sáng mạnh hơn nhiều. 

Hai chỉ số ta có thể dùng để tính sáng cho bể là Lumen và PAR

Chỉ số tốt hơn để tính cường độ sáng là Lumen

Lumen là thông số đo tổng lượng ánh sáng từ nguồn sáng phát ra có thể đến mắt người nhìn. Vậy nên thay vì tính cường độ sáng thông qua công suất, lumen là đơn vị có thể tính được ánh sáng tạo ra được. 

Thông thường, thông số lumen sẽ được các hãng in trên hộp. 

Mức độ Lumen/lít tùy vào mật độ cây trong bể như sau:

Mật độ cây thưa10-20 lumen/ lít
Mật độ cây trung bình20-40 lumen/ lít
Mật độ cây dày> 40 lumen/ lít

Nhưng mà lumen vẫn chưa phải là chỉ số hoàn hảo để đo lượng ánh sáng cho cây. Thay vì đó, lumen chỉ lượng ánh sáng tới được mặt người. 

Đèn có chỉ số lumen tốt chưa chắc đã tốt cho cây bởi chúng ta còn phải xét đến dải quang phổ nữa. 

Đèn nhiều ánh sáng xanh lá sẽ có chỉ số lumen cao hơn bởi mắt người nhạy cảm với ánh sáng xanh lá. Ánh sáng xanh dương và đỏ dù có chỉ số lumen thấp hơn nhưng lại giúp cây quang hợp được tốt hơn. Bạn đã thấy vấn đề chưa?

Khi đó chúng ta sẽ tìm đến chỉ số PAR (Photosynthetically Active Radiation/ bức xạ hoạt tính quang hợp). Chỉ số này đo lượng sáng mà cây thủy sinh hay thực vật nói chung có thể sử dụng để quang hợp. 

Giống như là lumen, chỉ số PAR cũng sẽ được nhà sản xuất cung cấp trên hộp sản phẩm. Việc bạn cần làm chỉ là mua đèn có chỉ số PAR phù hợp với bể mà thôi. 

Loại bểChỉ số PAR
Trồng ít cây hoặc cây không cần nhiều ánh sáng75-100 μmols
Trồng mật độ cây trung bình ~ 150 μmols
Mật độ cây dày và các loại cây yêu cầu cao về ánh sáng> 150

Lưu ý rằng nếu bạn là người mới làm bể thì bạn không nên bắt đầu với những loại cây thủy sinh quá khó. Bạn hãy bắt đầu với những loại cây mọc dễ, không yêu cầu cao về dưỡng, CO2. Do đó nhu cầu về đèn của bể cũng sẽ ít hơn nhiều. 

Quang phổ của ánh sáng

Cây thủy sinh có thể sử dụng mọi loại màu ánh sáng để có thể quan hợp. Tuy vậy, ánh sáng xanh dương/ đỏ có ảnh hưởng lớn nhất đối với sức khỏe cũng như là màu sắc của cây. Đó là lý do tất cả các loại đèn thủy sinh chuyên dụng đều có quang phổ tập chung nhiều nhất ở ánh sáng đỏ/xanh. 

Nếu bạn có đèn có thể chỉnh được màu của ánh sáng thì bạn nên để ánh sáng đỏ chiếm ít nhất là 50% quang phổ, trong khi đó ánh sáng xanh dương vào khoảng ít hơn 15%. 

Lý do là bởi ánh sáng đỏ là ánh sáng cây thủy sinh hấp thụ được tốt nhất, có thể lên tới 75% lượng sáng. Trong khi đó thì ánh sáng xanh có thể tạo được độ tương phản đẹp cho cây nhưng cây lại không hấp thụ tốt được bằng ánh đỏ. 

Bạn có thể cân bằng lại ánh sáng bằng loại ánh sáng khác như là ánh sáng cam. Ánh sáng bạn nên để ít nhất là ánh sáng xanh lá bởi đằng nào cây cũng chẳng hấp thụ tốt được chúng (bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều này bởi cây phản lại ánh sáng xanh lá rất nhiều). Và hơn nữa mắt người cũng nhạy cảm với ánh xanh lá. 

Nhiệt độ màu

Nhiệt độ màu là yếu tố không ảnh hưởng đến sức khỏe của cây nhưng có thể ảnh hưởng đến màu sắc của bể. Nhiệt độ màu hơn 8000°K sẽ cho ánh sáng ánh sáng lạnh, hơi màu xanh dương. 

Trong khi đó, ánh sáng dưới 4000°K sẽ cho ánh sáng ấm, mang màu vàng đỏ. 

Kết lại

Bạn có thể tính cường độ sáng cho bể bằng cách sử dụng thông số lumen hoặc chính xác hơn là PAR. Các thông số này bạn khó có thể tính được. Thay vào đó bạn nên dựa vào thông tin cung cấp trên hộp sản phẩm do nhà sản xuất cung cấp. 

Tuy nhiên, các thông số này chỉ để tham khảo. Khi trồng cây bạn vẫn cần phải vừa quan sát, điều chỉnh nhiều. Hầu hết các loại đèn tầm trung và cao cấp đều có đủ khả năng để nuôi được mọi loại cây thủy sinh trên thị trường. 

Bạn chỉ cần nhớ chiếu sáng cho bể tầm khoảng 8-10 tiếng một ngày tùy vào mật độ cây, dưỡng và CO2 trong bể là được. 

Về cường độ thì bạn có thể tăng giảm hoặc điều chỉnh lại thời gian chiếu sáng tùy vào quan sát của bạn. Khi bể xuất hiện rêu hại hoặc cây có biểu hiện bị thừa sáng bạn hãy giảm một ít hoặc thay thêm nước. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *